Trúc Đường, tác giả chín kịch bản sân khấu về đề tài lịch sử: Nguyễn Trãi Hoàng Diệu, Bà đô đốc áo đỏ, Khuôn mặt đời Trần, Tấm vóc đại hồng, Thái hậu Dương Vân Nga, Quang Trung đại phá quân Thanh…
Hơn bốn mươi năm về trước, khi anh Trúc Đường dạy học trường Hà Văn, một trường tư trong thị xã Hà Đông, đấy là ông giáo còm, còm tiền và còm gù cả lưng mà lũ đàn em chúng tôi hay đến quấy nhiễu quá nhiều.
Ông giáo dạy tư Nguyễn Mạnh Phác lấy việc gõ đầu trẻ nuôi miệng. Nhưng rồi Nguyễn Bính từ quê lên ở hẳn với anh, sau khi được giải khuyến khích về thơ của Tự Lực văn đoàn. Cái vinh quang ảo ảnh xui chàng thanh niên bỏ làng lên “kinh thành gió bụi” chứ có ăn thua gì đâu. Bọn chết đói dở, Nguyễn Bính, Thâm Tâm, Trần Huyền Trân, lại còn cả một lũ cùng trường phái thơ văn với nhau, nào Trần Nhân Cư ký ga Đầu Cầu, nào Trần Hồi (làm thơ ký là Jeannine Lệ Thuỷ!) vốn sống nhờ vợ bán thịt lợn chợ Hôm, nào các Tản diệt Nguyễn Tố, Nguyễn Tuất, Phan Như chạy hiệu xuất bản… Chúng tôi cứ dông dài đâu đâu đến lúc không đào ra được một tiếng tử tế lại mò về báo hại anh Trúc Đường.
Tất nhiên, thầy giáo trường tư hay ông ký công nhật nhà in Trúc Đường cũng chỉ có thể đãi được bữa cơm rau dưa hay mỗi người một bát phở trộn cơm nguội, chẳng hạn.
Ba năm trở lại đất Hà Đông
Người cũ cô Oanh má vẫn hồng
Tóc vẫn bỏ lơi răng vẫn trắng
Vẫn ngồi bên cửa liếc qua song
Mã vẫn vô tình với khách thơ…
Cái cô Oanh con cái nhà ai ở thị xã thật tình cũng chẳng quen thuộc và đăng đối gì với cuộc sống khó khăn từng ngày của bọn thất nghiệp dở này. Cả thơ, cả người cũng chỉ phất phơ bóng gió đầu đường mà thôi.
Thế mà như thật. Một hôm, vào lúc chập tối, đương đi ở phố hàng Bông, Nguyễn Bính bấm tôi: “Oanh đấy! Oanh đấy!”. Tôi nhỏm sang bên kia hè. Trời ơi! Oanh! Thiên tình sử Ngậm miệng não nùng của Nguyễn Bính đăng nhiều kỳ trên báo Tiểu thuyết thứ năm: Tâm hồn tôi chỉ là bình rượu nhỏ… Rót lẩn lần rót mãi xuống nàng Oanh… Bây giờ gặp Oanh đây…Một cô con gái hình như mặt tròn như chiếc bánh đúc, chít khăn sa tanh đen, kiểu các cô bán cau khô, hàng xén chợ tỉnh, mà cái chàng “khách thơ” Nguyễn Bính đâu có quen người ta cho cam! Hình như chỉ biết là con ông ách, ông quản hay bà giáo, bà ký gì ở tỉnh lỵ. Thế mà cứ rối cả lên.
Đã có lần tôi có nhận xét trên Tạp chí Văn học về những sự việc và con số không đúng trong một cuốn từ điển các tác gia Việt Nam trong đó có chỗ về Nguyễn Bính. Sách nói Nguyễn Bính đi Nam tiến 1945 rồi tham gia kháng chiến ở Nam Bộ. Đúng, Nguyễn Bính tham gia kháng chiến ở Rạch Giá. Lời bài nhạc Tiểu đoàn ba lẻ bảy thơ Nguyễn Bính mà Quốc Hương đã hát một cách hết sức trầm hùng, cả nước đều thuộc.
Rồi Nguyễn Bính ra tập kết. Nhưng không phải Nguyễn Bính đi Nam tiến thời kỳ Tổng khởi nghĩa, mà anh đã có mặt ở Cần Thơ rồi Rạch Giá và là một trong những nhà thơ kháng chiến có tiếng nhất ở Nam Bộ.
Và ở thời kỳ đầu, trên chiến trường Nam Bộ, thơ Nguyễn Bính có ảnh hưởng nhiều trong hơi thơ Huỳnh Văn Nghệ, Bảo Định Giang, Xuân Miễn, Hoàng Tố Nguyễn, Vũ Anh Khanh…
Quãng những năm 1940, đói rách cả rồi, ở lại Hà Nội ăn bám anh em mãi không còn được, đành phải kéo nhau đi kiếm ăn nơi xa xôi. Lúc đầu thì ba người: Nguyễn Bính, Vũ Trọng Can và tôi. Bạn bè lại phải làm một cuộc đưa các Kinh Kha sang Tần ở ga Hàng Cỏ lần nữa. Lần này những ba Kinh Kha! Anh Trúc Đường cũng đi tiễn chúng tôi.
Ghé xuống Thanh Hoá trước tiên. Ở Thanh, lại ăn vạ người ta, đến nỗi bạn bè không kham nổi, phải tống tiễn lo cho ba xuất vé tàu hoả vào Sài Gòn. Nhưng lại xuống Huế. Vào Huế cũng sống vật vờ như ở Thanh.
Thỉnh thoảng, Nguyễn Bính gửi thơ về Hà Nội. Những bài thơ Xuân tha hương, Xuân vẫn tha hương… Nguyễn Bính viết. Hồi ấy, Trúc Đường cho đăng báo Đàn bà rồi gửi liền nhuận bút vào. Nhưng thơ làm sao nuôi nổi người, huống chi lại những ba người. May nhờ có các bạn yêu thơ Lỡ bước sang ngang mà chúng tôi vẫn thất thểu dưới nước và trên bờ sông Hương được. Rồi gặp may, có hoạ sĩ Nguyễn Đức Nùng đương dạy vẽ ở Huế.
Thời ấy, bất cứ ai đi làm cho nhà nước, đem so với nghề còm cõi khác, thì cũng gọi là ung dung hoặc có máu mặt đôi chút. Văn thơ là việc dông dài lông bông, không được gọi là một nghề. Thế là chúng tôi đến ăn báo cô nhà anh Nguyễn Đức Nùng ít lâu. Tôi cũng không nhớ được ai mách báo, một hôm lên chơi với sư chùa Trúc Lâm. Nhà sư trí thức Thích Mật Thể, tu tại đấy. Rồi lại không biết làm sao mà Vũ Trọng Can nảy ra sáng kiến đọc sách Phật rồi cặm cụi viết quyển Tinh thần Phật giáo (Nhà xuất bán Đời Mới ở Hà Nội đã in). Sư Thích Mật Thể nuôi Vũ Trọng Can ngồi tại chùa viết sách Phật. Thế là Nguyễn Bính và tôi cũng được nuôi lây. Chúng tôi ở yên chùa Trúc Lâm có đến hàng tháng, cũng đến ngày phải đi khỏi Huế. Nhưng lần này tôi đã thoái trí lang thang cầu bơ cầu bất, tôi trở về Hà Nội.
Hai người ở lại Huế. Không biết có phải chuyến ấy Nguyễn Bính ghé Bình Định chơi với Yến Lan và hai anh đã cùng viết kịch thơ Bóng giai nhân không. Mới đây, tôi được Yến Lan nói là khi ấy Yến Lan đã ra Huế vở kịch thơ được viết và diễn lần đầu tiên ở Huế, đông người xem mà bị coi như thất bại vì nhiều nỗi.
Cuối năm 1943, lại gặp Nguyễn Bính ở Sài Gòn – chuyến này tôi lấy vé đi tàu suốt đàng hoàng. Ngày ngày ăn cơm thố. Hôm nào có tiền đi uống rượu quán cháo cá Chợ Cũ. Nhưng xem ra Nguyễn Bính có vẻ ung dung. Chẳng cần đoán thì cũng biết bạn bè nuôi thôi.
Không biết bạn còn những ai nữa, nhưng Nguyễn Bính đưa tôi đến làm quen với nhà thơ Việt Châu, người có đạo Hoà Hảo- tác giả tập Lông ngỗng gieo tình mới in.
Người anh của Việt Châu đi làm cho hãng buôn Nhật, có tiền và sau này vào đảng thân Nhật.
Chúng tôi hẹn hụt nhau một chuyến đi Hà Tiên, rồi thôi, tôi lại trở ra Hà Nội.
Tôi phải lan man “chuyện ngày xưa” một chút về Nguyễn Bính. Bởi vì làm sao mà hai anh em ấy khác nhau và cũng giống nhau thế. Trúc Đường được học hết bậc trung học thời Pháp. Nguyễn Bính, chẳng biết có ngồi xong cái lớp bét trường huyện không. Mỗi người một tính, một nết, một hoàn cảnh khác nhau.
Trúc Đường đứng đắn, chăm chỉ, mực thước, nhũn nhặn. Nguyễn Bính hoang toàng, khinh bạc, tự cho “tài mình phải được cung phụng”, mà đời (bạn) không nuôi thì chửi. Bởi vậy, với Nguyễn Bính chúng tôi thường cứ vừa mến vừa thương lại vừa giận, anh Trúc Đường thì thật bao dung và quý tài em. Không khi nào Trúc Đường đi chơi bời hát xướng phá phách như em, nhưng bao giờ anh cũng thương yêu em. Vì thế nên khi ở Hà Nội chúng tôi mới theo được với Nguyễn Bính về ăn hại “phá nhà” anh được.
Cái hồi Trúc Đường thôi dạy học ở Hà Đông- tôi không nhớ năm nào, anh ra Hà Nội làm tuần báo Ích hữu của nhà xuất bản Tân Dân với Lê Văn Trương.
Làm báo ở ban biên tập có lương hẳn hoi, chứ không chỉ gửi lai cảo ăn tiền bài mà thôi, anh còn dạy thêm chữ Pháp cho một người bà con trên phố Bờ Sông. Bấy giờ, tôi cũng đương ham hố viết văn. Thằng Đào Hanh ở Bờ Sông bảo tôi: “Ông Mạnh Phác làm báo Ích hữu đấy”. Tôi đã phục lắm.
Ở báo Ích hữu giữ một mục, như kiểu mục “Lọng cụt cán” của Tam Lang báo Tin Mới. Mỗi kỳ anh phác hoạ chân dung châm biếm, cười cợt một nhân vật xã hội, anh ký tên thật là Mạnh Phác. Thỉnh thoảng, có in một truyện ngắn, kịch ngắn.
Ích hữu ra đời được ít lâu thì báo chết. Trúc Đường tìm được việc sửa bài nhà in tại nhà in Lê Cường phố Hàng Bồ. Hồi này anh thuê nhà ở Nam Tràng, chỗ những phố ngắn ngủi giữa cái bán đảo nhô ra hồ Trúc Bạch trong Ngũ Xã.
Tôi quen Nguyễn Bính thời kỳ ấy. Vì thế mới biết anh Trúc Đường.
Tôi nói tôi được biết anh Trúc Đường, tôi chỉ biết Trúc Đường, bởi cho tới khi anh đã về già và tôi cũng đã già, làm sao tôi vẫn cứ cảm như đối với nhau vẫn như ngày ấy, anh ấy bao giờ cũng là đàn anh bọn chúng tôi. Không bao giờ trong công việc trước tác, anh bàn một câu nào với chúng tôi. Chúng tôi cũng không hề hỏi. Chỉ biết với nhau là anh đi làm, có khi mình túng thiếu, cho mình nương nhờ được, anh là nhà báo, nhà văn, có “học cao”, có nghề nghiệp. Bao giờ cũng nền nếp bậc anh, không kéo bè kéo lũ lông nhông chơi bời, chẳng khi nào “phùng trường tác hí” với chúng tôi cả Chúng tôi kính trọng anh từ cung cách ăn, ở, đi đứng. Đi làm đúng giờ giấc. Về nhà, ngồi vào bàn bật đèn sáng, đọc sách, viết văn.
Tôi chỉ biết có thế. Nhưng một điều tôi biết hơn là từ ngày ấy, anh đã viết kịch. Và viết nhiều. Tôi đã trông thấy bản thảo những vở kịch đài từng tập giấy trên bàn anh. Hồi này, Vũ Trọng Can đương viết truyện ngắn. Thấy Trúc Đường viết kịch, anh chàng này cũng học đòi. Nhưng rồi thế nào mà kịch Biển lận của Vũ Trong Can được diễn ở nhiều nơi. Vũ Trọng Can lại có cả một cái kịch dài tên là Cái vạ in nhiều kỳ trên báo Ngày nay của Tự Lực văn đoàn. Bài được in báo Ngày nay là sang trọng lắm. Còn kịch Trúc Đường, chỉ xếp trên bàn, chẳng thấy tăm hơi ở đâu in, ở đâu diễn.
Trúc Đường kiếm sống bâng nghề sửa bài cho nhà in Lê Cường, anh còn kiêm làm báo Đàn bà của Thuỳ An. Cũng là tình cờ mà làm báo ấy. Chỉ vì báo Đàn bà in ở nhà in Lê Cường.
Nói về cái nghề làm báo ở Hà nội mấy năm rối ren này thật phức tạp và mỉa mai. Phức tạp vì những âm mưu của Pháp, của Nhật, chúng nó chui vào làng báo, có tay chân có mưu đồ khác nhau. Mỉa mai, vì thời ấy phần nhiều làm báo cũng như đi buôn chạy hàng xách mà thôi.
Theo luật lệ của Pháp: có ra báo mới được mua giấy cung cấp theo giá nhà nước qui định (rẻ hơn giá chợ đen). Nhiều người xin giấy phép ra báo, mua được giấy, bán ngay giấy đi: chỉ tìm cách sắp chữ in vài tờ gởi lưu chiểu. Báo Đàn bà của Thuỵ An không hẳn làm như thế. Nhưng nó cũng chỉ in số lượng ít. Chủ báo đem giấy bán buôn cho lái. Trên báo Đàn bà còn có một mục lạ kiểu hơn tất cả các báo lúc ấy. Đó là mục nhắn tin mua hàng hộ bạn đọc. Các bà các cô đọc báo Đàn bà có thể là người phong lưu. Ở tỉnh xa, gặp thời buổi chiến tranh, cái gì cũng khan hiếm. son phấn vải vóc và mọi thứ trang sức đều khó tìm khó mua. Báo Đàn bà đứng ra làm việc ấy, môi giới hoặc mua hộ rồi thiến tiền hoả hồng. Cái mục mua hàng giúp bạn đọc mỗi kỳ dài mấy cột chứ không ít!
Chủ báo Đàn bà thuê Trúc Đường cáng hai trang văn thơ ở giữa báo. Vì vậy, thời kỳ này, ở Huế hay ở Sài Gòn, nhiều thơ Nguyễn Bính gửi về báo Đàn bà ở Hà Nội. Trúc Đường viết truyện, nhà xuất bản Lê Cường đã xuất bản tiểu thuyết Nhan sắc của Trúc Đường.
Ngày, nay, Trúc Đường là một tác giả nổi tiếng kịch đề tài lịch sử của văn học Việt Nam. Nhưng thời ấy, kịch chỉ là một nghề chơi, dẫu rằng nghề chơi cũng lắm công phu. Ở thành phố, mà cũng chỉ Hà Nội là chính, người ta chơi kịch chứ đâu có nghề kịch, nghệ thuật kịch. Mà nghề chơi, thì đến tay chơi lọc lõi như Thế Lữ, Đoàn Phú Tứ còn chật vật, huống chi lại chân chỉ hạt bột như Trúc Đường thì mọc mũi sủi tăm làm sao.
Có người bây giờ cứ nghe mang máng ngày xưa mỗi năm, những đêm mở đầu mùa kịch (mùa thu, như bên Tây) các tác giả kịch mời bạn bè đi xem tổng diễn tập không khí huy hoàng, tưng bừng làm sao? Có phải thế không? Tôi cũng là bạn bè một vài kịch gia như Vũ Hoàng Chương, Vũ Trọng Can, có được hưởng ít nhiều cái “hân hoan” ấy trong đêm mở đầu mùa kịch. Tôi cũng nghĩ bây giờ ta nên cải tiến sao cho những đêm duyệt kịch phải là những đêm làm việc mà vui, thật vui, như đêm chờ đợi đứa con ra đời.
Nhưng tôi cũng phải kể thêm là không phải “ngày xưa” mở màn mùa kịch chỉ có phấn khởi rồi rủ nhau “xuống xóm” làm chầu hát kỷ niệm. Cái nao nức ấy phần nhiều cũng nằm trong ao ước và tấm lòng của tác giả và bạn bè. Còn phải kể đến một việc tày đình phải lo, đấy là Tây có nhòm ngó và có cho qua hay không, rồi diễn cho khách xem không, hay chỉ đông khách vì giấy mời như đêm Bóng giai nhân ở Huế.
Còn nhớ, năm ấy, anh em chúng tôi ở trong làng hay tổ chức những đêm kịch cỏn con ở sân đình. Tuy vậy cũng tự đặt tên cho oai là Nghĩa Đô kịch đoàn!
Kịch diễn sân khấu giữa trời người xem không mất tiền nên đứng chật cả cửa đình. Chúng tôi diễn Toà án lương tâm của Vũ Đình Long, Không một tiếng vang của Vũ Trọng Phụng,Tấm lòng vàng của Nguyễn Công Hoan. Năm trước, diễn Biển lận của Vũ Trọng Can và Gái không chồng của Đoàn Phú Tứ. Người xem đông và mọi sự đều ổn. Lần này, quan đồn Bưởi không để yên cho. Đêm ấy mà không buông phông sớm mà chuồn đi (vì có một chú lính khố xanh tốt bụng ra mách), nếu cái nhân vật ông già loà mắt lại ốm nặng của Vũ Trọng Phụng trong Không một tiếng vang mà thằng Điều đóng cứ nằm còng queo giữa sân khấu kêu khóc, chửi rửa lão chủ đến đòi tiền nhà thêm lúc nữa, thì chắc hẳn là bọn chúng tôi phải vào nhà giam trong đồn đêm ấy. Chỉ có một tên khố xanh đã có thể tóm cổ cả bọn được, còn đến mật thám duyệt vở, duyệt sách thì bỏ tù như bỡn chứ gì.
Ấy mặt nọ còn có mặt kia là thế.
Cái khó nghề kịch ngày nay đã không kiếm ăn nổi, lại còn nói người ta có để yên cho hay không, làm sao có Trúc Đường được. Mà chỉ đến ngày nay Trúc Đường mới trở lại viết kịch và thực sự trở thành kịch tác gia.
Trong kháng chiến, Trúc Đường về quê ở Nam Định, anh làm báo Công dân của Uỷ ban kháng chiến tỉnh. Các bạn làm báo Công dân với Trúc Đường, các anh Lộng Chương, Phạm Lê Văn, Chu Hà, Trần Lê Văn, Bùi Hạnh Cẩn… đã gần gũi và cộng tác cùng anh ở Liên khu Ba.
Mặt trận lan rộng, cuộc kháng chiến trên vùng đồng bằng sông Hồng gay gắt dần lên. Theo đuổi kháng chiến hay trở về các thành phố bị chiếm: mỗi người công dân đương đứng trước một thử thách lớn.
Một số như Vũ Hoàng Chương. Đinh Hùng đã về Hà Nội trong những giờ phút quyết liệt này.
Khi ấy, nghe tin Trúc Đường đã thoát khỏi vòng vây những cuộc càn quét của địch vào Thái Bình, anh đưa gia đình chạy lên ngược, vượt đường số 6 dày đặc đồn bốt, tới được Thái Nguyên. Rồi Trúc Đường cùng vợ con vào cư ngụ trong Khe Mo vùng đồi huyện Đồng Hỷ. Sốt rét, ròng rã ốm cả năm trời.
Nhưng anh Trúc Đường đã ở Đồng Hỷ suốt cho tới kháng chiến thành công. Trúc Đường đã ở với gia đình một người em đã lên đấy từ ngày trước cùng làm ruộng sinh sống. Thực sự, anh trở thành người nông dân.
Nhưng ở nơi đồng đất bán sơn địa, không thể mỗi chốc làm chơi ăn thật, như dưới xuôi. Ruộng trằm, ruộng dốc, đất hoang… Bà con trong làng nhường cho một phần, vợ chồng bỏ công khai phá. Nơi cấy lúa nước, lúa nương, nơi trồng chè, trồng thuốc lá.
Cuộc sống ruộng vườn chợ búa qua ngày, nhà tranh vách đất. Có lẽ hai chữ tên biệt hiệu “Trúc Đường” của anh lúc này mới thật đắc ý. Như mọi nhà trong cuộc kháng chiến, Trúc Đường đã gánh vác việc nhà việc nước bình thường, bền bỉ và kiên nhẫn của một người công dân chân chính, cũng như cả triệu triệu công dân từ Nam chí Bắc.
Kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, Hà Nội được giải phóng, Trúc Đường trở về.
Hình ảnh một người anh chân chỉ, đức độ từ ngày nảo ngày nào ở Ngũ Xá, tới hôm nay, tôi vẫn hình dung ra nguyên như thế.
Nhớ như thế, lại nhớ Trúc Đường đã đeo đuổi viết kịch từ thời trai trẻ. Có lẽ những vở kịch ấy, anh đã vứt đi cả rồi. Nhưng, không phải ngẫu nhiên khi có tuổi anh mới viết kịch, anh đã say mê kịch từ khi mới cầm bút. Cái thiết tha và tâm sự ấy ít anh em bạn trẻ bây giờ biết, và chỉ đến khi sân khấu cách mạng đã đưa nghệ thuật và thể loại kịch Việt Nam trở thành một bộ môn văn học và nghệ thuật không thể thiếu, Trúc Đường mới đạt được mơ ước của đời mình. Nếu như trước kia, kịch chỉ là chơi kịch – thật sự ngày ấy chúng tôi nói là “chơi kịch”, Trúc Đường cũng chưa chơi nổi kịch.
Trúc Đường, con người với quyết tâm và sự dùi mài của anh và sân khấu đã tạo thành kịch tác gia Trúc Đường của đề tài lịch sử trong nghệ thuật sân khấu Việt Nam.
***
Còn nhớ một đêm, vở Tấm vóc đại hồng của Trúc Đường diễn ở hội trường Ba Đình. Có lẽ đêm ấy tác giả hào hứng lắm, anh giục tôi phải đi xem.
Nửa đêm ra về, trên đường Điện Biên Phủ lá đa rụng xào xạc thành tiếng lẫn ánh điện và bóng trăng.
Tôi nhận ra sức mạnh sáng tạo của Trúc Đường, sở trường dựng những nhân vật lớn như Trần Thủ Độ, Lê Hoàn, Quang Trung… những quang cảnh lớn: Hội thề Đông Quan, cuộc tụ nghĩa Lam Sơn, điện Diên Hồng.
Đề tài và người viết như cá gặp nước. Trúc Đường đã đặt ra được nhiều giải pháp mới cho lịch sử, nổi bật như vấn đề Dương Vân Nga.
Và ở kịch Trúc Đường, lại còn thấy những vương vấn, bâng khuâng, những thiết tha thấp thoáng trong bóng trúc, ngõ tre, trên đò ngang bến nước. Một cô gái canh cửi. Một ông tiều. Một quán bên đường. Những vai phụ, những nhân vật không có tên của Trúc Đường đều ý nghĩa lạ lùng. Chỉ một cảnh thoáng qua nhưng lại là một nét phướn mày của người đàn bà họ Dương vốn tài sắc kiên nghị.
Tôi tưởng như đây cũng là, đây mới là, ở đây có tâm sự người viết. Người viết nào chẳng gửi gắm vào sáng tác niềm vui, nỗi hờn của tâm sự của tấm lòng vào một cảnh, một người, một vấn đề. Cái lớn của sự sáng tạo được góp lại từ mảnh trấu, một hạt kê, và từ những đam mê, những thương cảm đến không bao giờ nguôi của người nghệ sĩ. Với Trúc Đường là cái bóng của hình ảnh vách trúc nhà tranh đơn chiếc… những hoài vọng không bao giờ còn… Khóm trúc thêm tuôn dòng lệ cũ. Con thuyền đấy là Trúc Đường ư?
Một hôm, tôi nói với anh như vậy, anh cười hiền lành như mọi lúc, rồi bảo tôi: “Thằng này thế mà quái”. Tôi hiểu có thể là anh có ý khen.
Tô Hoài – “Những gương mặt – chân dung văn học”