Dù đã đặt chân đến nhiều vùng đất lạ, nhưng mỗi khi tìm về đắm mình trong không gian yên bình của các ngôi làng cổ, tôi như thấy lòng mình lắng lại. Một cảm giác lạ lùng, ấm đượm nỗi đồng cảm với dáng đứng cổ kính rêu phong của những nếp nhà…
“Phượt” làng
Tôi tự thấy mình có duyên với những ngôi làng cổ. Lúc thì đắm trong nỗi niềm biến đổi mau chóng của làng cổ Cự Đà – huyện Thanh Oai, khi như quên bẵng cả thời gian, để thẫn thờ bên từng đốm rêu làng Cựu – huyện Phú Xuyên (Hà Nội). Lúc khác, cùng một nhóm bạn vượt 50 cây số đến làng Thổ Hà, huyện Việt Yên (Bắc Giang) để ngắm cảnh trên bến dưới thuyền, và hòa vào cuộc sống dường như là một thế giới khác biệt. Có khi tôi về lại làng mình, ngôi làng nằm sâu ở vùng đồng chiêm trũng thuộc huyện ngoại thành Hà Nội, thật sự đó là những “cuộc đi trốn” để được nghe chim chóc chuyền cành, nghe phù sa cựa mình, để yêu hơn những vạt cỏ xanh ven đê và những nếp nhà vẫn soi bóng xuống mặt hồ lồng lộng.
Thật may mắn. Tôi và bè bạn cùng trang lứa đã được uống nước nguồn quê thân thương, sống trong không gian mái đình cong vút, vịn tay lên những bức tường rêu. Thủa thiếu thời, được tắm đẫm trong điệu dân ca nồng nàn, nô đùa trên khúc sông hiền hòa chưa ô nhiễm, có vạt cỏ chân đê mềm mại nâng niu những đôi chân trần trẻ dại… Hẳn đó là một miền ký ức đầy quyến rũ, khiến nhiều bạn trẻ dù bận rộn với rất nhiều công việc hối hả và nhiều mối quan tâm, nhưng vẫn thích về thăm làng cổ. Bạn Hoàng Thảo (sinh viên Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn), trong một lần đến Thổ Hà tâm sự: “Đã sống với nhiều sự xô bồ, tìm về các làng cổ, em thấy thoải mái và thư thái. Thổ Hà là địa điểm chúng em thường xuyên lui tới. Những lần tâm sự với các cụ già, em thấy ở họ toát lên vẻ hồn hậu và họ có những điều mà thế hệ chúng em khuyết thiếu. Hơn thế, ngay cả cách ngồi chơi của trẻ em cũng ngộ nghĩnh. Nhìn các em chơi dưới gốc đa, các trò đánh chắt đánh chuyền, em thấy gợi về tuổi thơ của mình”.
Nhóm của Hoàng Thảo thường tổ chức các chuyến đi vào cuối tuần, “mang” theo cả một nghệ sĩ nhiếp ảnh trẻ tuổi và tha hồ sáng tạo nghệ thuật. Với vóc dáng thanh tân, với tà áo trắng lung linh tuổi đôi mươi nhiều ước vọng, các em hào hứng bung tỏa nụ cười vừa e ấp, vừa rạng rỡ bên những sân rêu, bên nếp nhà mái ngói lô xô nhuốm màu ký ức cũ kỹ nhưng thật mềm mại. Nhiều bạn trẻ có chung cảm nhận và yêu vẻ đẹp làng quê như nhóm Hoàng Thảo, bởi thế những chuyến “phượt” tự phát đã được tổ chức. Các bạn gọi vui là “phượt làng”. Ở đó các bạn say đắm với vẻ cổ kính và chụp ảnh. Thậm chí, nhiều cặp đôi chụp ảnh cưới cũng muốn lưu giữ những khoảng khắc yêu thương trọn vẹn, nơi cổng làng cổ kính, nơi con ngõ thu vắng lặng lát gạch nghiêng, hay là một góc sân với chum nước, gốc cau, giàn trầu.
Đại diện nhóm bạn Trường đại học Văn hóa Hà Nội – Lê Đức Xuân thổ lộ: “Mỗi con người đều có những chuyến đi và sự cảm nhận cuộc sống khác nhau. Chúng em yêu làng cổ và trên các diễn đàn chúng em trao đổi và kêu gọi việc gìn giữ nhà cổ. Có hôm xuôi về làng Nôm ở huyện Văn Lâm (Hưng Yên), chúng em say sưa chụp với chiếc cầu đá. Cầu đá như ở làng Nôm hiếm lắm. Vẻ đẹp của đá xanh, phía dưới dòng nước xanh, bên cạnh là cây gạo thân xù xì, mốc rêu, chúng em đã được thỏa nguyện, vừa chụp ảnh, vừa tham quan các di tích”.
Vâng, tôi đã chứng kiến các bạn say sưa chụp ảnh, và còn tổ chức những chuyến “săn hình” ngoài thực tế. Tôi nhận ra đó không chỉ là một trào lưu, một thú chơi mà như một sự hữu ý làm hòa quyện các giá trị. Những cô gái mà gương mặt đầy nét thanh tân hiện diện bên những nếp nhà cổ để cả hai cùng tôn bồi nhau lên. Và hai vẻ đẹp tưởng như đối nghịch nhau ấy, là cái rêu phong và cái thanh tân thiếu nữ lại kết hợp hài hòa tạo nên vẻ đẹp thuần khiết đến thế.
Những trái tim hoài cổ
Lần nào đến với làng Thổ Hà (Bắc Giang), tôi cũng được đi đò qua sông, và cảm nghiệm vẻ đẹp của “cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình” – những nét rất đặc trưng của nông thôn đồng bằng Bắc Bộ. Rồi khi lên bến, đi dạo, tôi như được chìm trong không gian xưa với những nếp nhà xưa cũ. Có thể nói, Thổ Hà là một trong những ngôi làng đẹp nhất, còn giữ được nhiều di tích, những ngôi nhà cổ truyền thống, với cảnh quan thơ mộng là con sông chảy dọc qua làng. Đường làng, ngõ xóm được thiết kế hình bàn cờ nối tiếp gắn mạch nhau, khá giống làng cổ Đường Lâm và Cự Đà. Tận sâu trong những con ngõ, con hẻm ấy là một mầu đỏ cũ kỹ của những bức tường gạch, gạch lát nghiêng đã mòn vẹt, trưng ra thần thái của dấu ấn thời gian. Làng cổ, với nghề làm bánh đa lưu truyền nhiều thế hệ, dù chịu ảnh hưởng của kinh tế thị trường, vẫn còn không ít hộ giữ nghề. Họ muốn níu giữ những ký ức tuyệt đẹp về một nghề truyền thống phát đạt suốt nhiều thập kỷ mà cha ông họ dốc lòng tạo dựng thương hiệu. Thổ Hà cũng là đất của quan họ. Những làn điệu lúng liếng, với lối sống chan hòa, gắn kết góp phần tôn bồi tính cách nhã nhặn, khiêm tốn và mực thước của người dân.
Điều giúp Thổ Hà nổi tiếng chính là những nếp nhà được gìn giữ bởi những người dân yêu cảnh đẹp bình dị. Từng ngày họ vẫn gói gém nền nếp của gia đình để răn dạy cháu con. Một trong những ngôi nhà đẹp nhất là của gia đình ông Trịnh Đắc Mùi, ở xóm 2, có tuổi đời 200 năm, truyền đến ông Mùi là đời thứ bảy. Trong khuôn viên rộng, ba nếp nhà bố cục liên hoàn trong khuôn viên, gồm: Nhà cầu ba gian phía trước dùng để tiếp khách, nhà chính năm gian là nơi ở và thờ gia tiên, cạnh sân có ba gian nhà bếp. “Theo thời gian hỏng hóc và áp lực dân số, nhiều nhà cổ ở Thổ Hà đã bị phá đi xây lại. Nhưng nhà cổ vẫn còn nhiều. Chẳng ít cụ già hoài cổ vẫn muốn giữ nếp nhà cổ, chỉ tu sửa chứ không phá cũ xây nhà hiện đại. Tôi cũng trong số đó, quyết giữ và trân trọng dù chỉ là một viên ngói, viên gạch. Bởi tổ tiên đã truyền lại cả một kho tàng, làng sao tôi dám phụ lòng. Vả lại, giữ được nếp nhà trong thời đại này mới đáng quý, giống như linh hồn của dòng họ được bảo lưu”, ông Mùi bộc bạch.
Nét duyên dáng thanh tân giữa rêu phong làng cổ. Ảnh: N. Vinh
Cho cái đẹp trường tồn
Khi tốc độ đô thị hóa nhanh, làng cổ đang thu mình trong dòng chảy ồn ã. Những vẻ đẹp ấy dù đã tồn tại cả trăm năm, nhưng cũng thật mong manh trước sự nghiệt ngã của thời gian và bàn tay con người. Đã có nhiều vẻ đẹp mất đi trong tiếc nuối, và các cơ quan chức năng đang tích cực tìm phương án bảo tồn làng cổ, nhà cổ trước khi chúng vĩnh viễn biến mất khỏi cuộc sống hiện đại.
Bạn Phan Quang Lộc, người có nhiều trải nghiệm ở các làng cổ, bộc bạch: “Dù sống ở phố, nhưng nhiều lúc em thấy thèm những giây phút đi trong không gian cổ kính. Hình như, mỗi con người đều có một khoảng lặng, là mong chạm tay vào mảng ký ức của cuộc sống. Vẻ đẹp ấy, như là linh hồn của làng quê, mãi trường tồn”.
Làng cổ, nhà cổ không chỉ lay động trái tim người già. Trên các diễn đàn mạng xã hội, các bạn trẻ cũng thổ lộ, bàn nhiều về lối ứng xử đẹp và gần gũi của bà con. Họ khẳng định một điều, muốn tìm chất mộc mạc, thân tình và gần gũi trong giao tiếp thì không nên bỏ qua những chuyến về làng. Nơi ấy, vẫn đang lưu giữ một phần quá khứ thấm đẫm những giá trị nhân văn, những trầm tích văn hóa đáng tự hào của dân tộc. Đi, thực chất là trở về – với tâm hồn dân tộc, để làm giàu hơn hành trang cho chính mình.
“Nông thôn Việt Nam được gắn kết bền chặt từ những nền nếp xưa cũ, với mối quan hệ làng xã thắm thiết. Một khi cái xưa cũ không còn, thay vào đó là những khối nhà bê-tông cốt thép sừng sững, với chiếc cổng sắt nặng trịch, đâu còn chỗ cho gốc đa, cây mít, cây cau với khoảng sân xanh biếc nền nã. Làng cổ cần được ứng xử như là một “cơ thể”, như lời nhiều chuyên gia đã nói, và về lâu dài cần bảo tồn đi đôi với phát triển. Có thế mới phù hợp với sự phát triển của hiện đại”, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Khắc Bảo cho hay.
Theo Nguyễn Văn Học – Nhân dân cuối tuần