(Đọc tiểu thuyết Những khoái cảm khác của nhà văn Jerzy Pilch,

Lê Bá Thự dịch, NXB Phụ nữ ấn hành, quý II 2015)

Có nhiều điều để người ta tò mò về tiểu thuyết Những khoái cảm khác của nhà văn Jerzy Pilch. Trước hết là ở nhan đề có phần khiêu khích, dẫu chẳng hề được cộp mác “Sách chỉ dành cho người lớn
nào. Sau là, giữa sự “thắng thế” của văn học dịch Anh-Mỹ trong thị trường sách nước ta, việc xuất hiện một dịch phẩm từ tiếng Ba Lan hẳn là một điều đáng quan tâm, nhất là khi cuốn sách lại do dịch giả có tiếng Lê Bá Thự chuyển ngữ. Bởi vậy, không lạ khi trong buổi GTS Những khoái cảm khác tại Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội, tập trung rất đông đủ những gương mặt thân quen trong giới văn chương như nhà thơ Vũ Quần Phương, nhà văn Văn Chinh, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, dịch giả Nguyễn Thị Thanh Thư, nhà thơ Vi Thùy Linh …

Chia sẻ về cuốn sách dịch thứ 24, dịch giả Lê Bá Thự cho biết Những khoái cảm khác của nhà văn Jerzy Pilch tập trung đầy đủ những yếu tố để ông chọn dịch, đó là “sách hay, tôi thích và tôi cảm nhận độc giả của tôi cũng sẽ thích”. Ông  hào hứng kể lại “cơ duyên” với cuốn tiểu thuyết này:

Năm 2013 tôi sang dự Hội nghị những người dịch văn học Ba Lan lần thứ 3 tại thành phố Cra-cốp (Ba Lan). Sau hội nghị văn học này, tôi nán lại Ba Lan mấy tuần. Và trong mấy tuần lễ đó, tôi lang thang ở các hiệu sách ở thủ đô Vác-xa-va, đi tìm sách để dịch. Tôi đã mua được trên 30 cuốn, trong đó có tiểu thuyết, truyện ngắn và thơ. Trong số 30 cuốn đó, tôi đã chọn cuốn thứ nhất là cuốn Hi vọng để dịch và đã được giải thưởng của HộiNhà văn Hà Nội năm ngoái. Cuốn tiếp theo tôi chọn là cuốn Những khoái cảm khác. Tất nhiên, cuốn sách tôi thích phải là cuốn có tính nhân văn cao và nó phải là cuốn sách đi vào lòng người, nói lên được hơi thở của cuộc sống đương đại Ba Lan.

 

Cũng phải nói thêm rằng, đây không phải là lần đầu dịch giả Lê Bá Thự dịch tác phẩm của nhà văn Jerzy Pilch. Năm 2012, ông đã chuyển ngữ thành công tiểu thuyết Dưới cánh thiên thần Rượu cũng của tác giả này. Với Jerzy Pilch, dịch giả Lê Bá Thự có vẻ dành nhiều ưu ái. Ông thừa nhận mến mộ văn phong của nhà văn đương đại Ba Lan, coi đó là “thứ rượu nồng mà khi uống thì người đọc nào cũng thăng hoa, cũng sẽ đắm đuối đọc cho tới tận dòng cuối cùng của tác phẩm” dẫu đề tài mà Jerzy Pilch khai thác rất gần gũi:

Nhà văn Jerzy Pilch là người viết về đời thường. Tác phẩm của ông toàn viết về đời thường, ví dụ như chuyện nghiện rượu hay nội dung của cuốn Những khoái cảm khác cũng chỉ viết về làng của ông, nơi ông sinh ra, phong tục tập quán như thế nào, người dân ở đó sinh sống ra sao, mặt tốt mặt xấu như thế nào… Đó chính là những mặt mạnh của tác giả và ông ta đã đi sâu vào những lĩnh vực đó, khai thác thế mạnh của mình. Ông thông thạo phong tục tập quán, nói lên được những vấn đề có tính bản sắc của địa phương đó. Và những phong tục tập quán đó nó biến thành văn chương, biến thành những câu chuyện giữa các nhân vật với nhau. Ông vận dụng tốt kiến thức mà mình có, đồng thời, có văn phong độc đáo thì mới viết được hay, được giỏi như vậy.

Xoay quanh nhân vật chính là Paven Kohoutek, một anh chàng trăng hoa, chẳng may rơi vào tình huống trớ trêu: người tình xách vali đến nhà đòi sống chung trong lúc anh ta đang yên ổn với vợ con, Những khoái cảm khác đã bắt đầu một cách rất kịch tính cùng với một giọng văn trào phúng, giễu nhại. Nhà văn Jerzy Pilch cũng đã sử dụng kết cấu truyện lồng trong truyện: khi bên cạnh câu chuyện chính của Kohoutek và người tình, còn là câu chuyện của Emilian Kohoutek – cụ cố với cụ bà Helenka, và câu chuyện của bác sĩ Oyermah và Akiko, một cô gái điếm người Nhật. Trong mỗi một câu chuyện, người ta có thể tìm thấy một quan điểm về tình yêu, tình dục và những sự lạc lối khác nhau trong mê cung của ái tình. Kohoutek lạc lối trong sự trăng hoa, phóng túng. Bà cụ Helenka lạc lối trong mối tình đơn phương tuyệt vọng. Còn bác sĩ Oyermah lạc lối trong cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với Akiko, một cô gái điếm đẹp mê hồn như thể “không phải sinh linh của thế giới này”… Cuốn tiểu thuyết mỏng, chưa đầy 200 trang cũng gây ra nhiều chiều tranh luận. Nhà phê bình văn học Văn Giá coi Những khoái cảm khác là câu chuyện cân bằng giữa cảm xúc và lí tính:

Trước nhất, nhà văn muốn nói một ý thông thường mà ai cũng biết, đó là sống trong thế giới cảm xúc như vậy, nó có thể gây phiền lụy cho những người xung quanh mình, chạm tới những chuẩn mực, quy ước của đời sống cộng đồng. Đó là bề mặt của thông điệp. Nhưng tôi nghĩ nếu chỉ dừng lại ở đó thôi thì cũng chẳng có gì đáng nói cả. Tôi nghĩ ông muốn đặt ra một vấn đề phổ quát hơn, là chúng ta phải sống như thế nào đó để mà đi giữa thế giới cảm xúc và lí tính. Sống hẳn trong thế giới cảm xúc có nhiều hệ lụy, sống trong thế giới của lí tính, sòng phẳng và có phần lạnh lẽo cũng có cái khổ của nó. Ông không phải là một nhà đạo đức để giải quyết câu chuyện đạo đức này. Nhà văn có quyền nói về đạo đức, chứ nhà văn không nên là một nhà đạo đức. Họ chỉ tung ra những vấn đề để gợi dẫn và khiến người đọc suy ngẫm cùng.

Nhà văn Văn Chinh, người biên tập bản dịch tiểu thuyết Những khoái cảm khác để đăng trên tạp chí Nhà văn và tác phẩm, muốn đọc câu chuyện này theo một cách khác. Ông thấy ngôi làng nhỏ theo đạo Tin lành trong tiểu thuyết của nhà văn Jerzy Pilch rất giống Việt Nam, thậm chí rất giống với Hà Nội, khi mà đời sống vật chất phóng túng dường như đã làm lu mờ nhiều truyền thống tốt đẹp, khiến người ta có phần coi nhẹ giá trị của tình yêu. Trong khi đó, nhà thơ Vũ Quần Phương cho rằng với Những khoái cảm khác, Jerzy Pilch đã “nâng một vấn đề rất bình thường lên để chúng ta cùng nghĩ xem thế nào là phải và hóa ra điều này cũng không hề dễ dàng một chút nào”.

Vấn đề ngoại tình là vấn đề của muôn đời. Những tiểu thuyết hay nhất của nhân loại đều là chuyện ngoại tình, từ Đỏ và đen, từ Anna Karenina. Trong tiểu thuyết “Những khoái cảm khác” cũng là chuyện ngoại tình. Thế giới hiện đại muốn minh bạch tất cả để xem kích thước của con người vốn dĩ là như thế nào. Tất cả là nhìn cuộc đời như nó vốn có. Mà cái cụ thể là gì? Đó là thái độ bà vợ sẽ như thế nào, thái độ bố mẹ sẽ như thế nào, thái độ ông bà như thế nào… mà tất cả đều biết cả rồi, thì ở đây cách giải quyết không rõ rệt. Ai cũng biết rồi nhưng ai cũng ngẫm nghĩ. Đàn ông thấy giống mình nên không nói được. Thế mà phụ nữ thì như thế nào? Trong này thì thái độ của phụ nữ cũng vừa phải thôi. Người ta không tìm ra được lối thoát. Trong tiểu thuyết “Những khoái cảm khác”  nó vừa là mâu thuẫn giữa cảm xúc và lí trí nhưng còn là mâu thuẫn giữa cái minh bạch và không minh bạch.

Hài hước, giễu nhại, nhưng cũng không thiếu những đoạn trữ tình sâu lắng, Những khoái cảm khác của nhà văn Jerzy Pilch chắc hẳn sẽ đem lại nhiều khoái cảm cho độc giả: từ việc tưởng tượng về tình huống trớ trêu mà Kohoutek chẳng may sa vào tới những tình yêu câm lặng ám ảnh cả một cuộc đời. Giữa những mê cung ái tình mà mỗi một nhân vật trong cuốn tiểu thuyết này đã dấn thân vào, mỗi chúng ta đã được nhà văn Jerzy Pilch, cũng như dịch giả Lê Bá Thự, trao cho cái quyền quan sát một thế giới tưởng tượng đầy màu sắc, nhiều cung bậc và biết đâu đấy, ta lại thấy thấp thoáng câu chuyện của mình giữa những trang tiểu thuyết này chăng?

Theo Nguyễn Hà

Exit mobile version