Kim Nhung

Trong hố cầu thang là tập thơ thứ hai của nhà thơ trẻ Đặng Thiên Sơn vừa được ra mắt bạn đọc tại Hà Nội.

Sau chín năm, kể từ khi in tập thơ Blog thời sinh viên năm 2009, Đặng Thiên Sơn trở lại với những thay đổi về tư duy nghệ thuật thể hiện qua đề tài và hình thức thơ. Theo anh thì đó là cảm nhận của bản thân trước những thay đổi của cuộc sống và là “Sứ mệnh của người làm văn chương phải bám sát đời thường”.

Khách mời tại buổi ra mắt

Là người con xứ Nghệ, thơ Đặng Thiên Sơn mang đậm chất mộc mạc, giản dị, chân chất của đất và người nơi đây. Mỗi bài thơ được in trong tập đều giống như một câu chuyện nhỏ, một nỗi niềm được nhà thơ kể ra, tâm sự với bạn đọc bằng cách của riêng mình: Chiều nay có người vác nỗi buồn đi qua tôi (Buổi chiều); Tôi giẫm phải cái đinh đã mấy hôm rồi (Cảm ơn cái đinh); Người đàn ông ngồi tạc đầu lâu trong khu phố nghèo (Người đàn ông ngồi tạc đầu lâu); Tuệ bảo với tôi đừng vứt vỏ hột vịt ra lòng đường (Những âm thanh bình thường)… Đó là những câu chuyện thường nhật tưởng như ai cũng thấy, ai cũng trải qua nhưng Đặng Thiên Sơn đã nhìn lại và viết qua lăng kính của tâm hồn mình để những câu chuyện ấy đến với bạn đọc bằng vẻ đẹp và sự thấm thía.

Nói về tập thơ với cái tên khá lạ, nhà thơ trẻ Đặng Thiên Sơn chia sẻ: “Những trải nghiệm của cuộc sống đã thôi thúc tôi làm thơ. Quê hương Nghệ An nơi tôi sinh ra; mảnh đất Quy Nhơn nơi tôi học tập và dung dưỡng một thời trẻ trung, sôi nổi và Hà Nội kinh kì đều là những nơi cho tôi nguồn cảm hứng với thơ. Mỗi con người tôi gặp, mỗi mảnh đất đi qua đều đáng nhớ và nên thơ trong tôi. Trước đây chủ yếu tôi làm thơ theo vần, luật nhưng rồi tôi nhận ra sự bề bộn của cuộc sống sẽ không được lột tả đầy đủ và trọn vẹn qua thơ khuôn khổ. Vậy nên trong tập thơ này tôi thể hiện chủ yếu bằng thể thơ tự do. Tựa Trong hố cầu thang cũng phần nào nói lên cái sự bách bí, ngột ngạt muốn vượt thoát lên của người làm thơ”.

Nhà thơ Giáng Vân chia sẻ: “Đây là một tập thơ xúc động, đi vào lòng người. Sự bóng bẩy, hào nhoáng là không cần thiết và không có chỗ ở đây vì thơ Sơn rung động bằng những mộc mạc. Đặng Thiên Sơn đã nói lên tiếng nói của thế hệ mình và thể hiện khát vọng dấn thân vì thơ. Hi vọng anh có thể chọn lọc và gọt giũa hơn nữa để thăng hoa trong thơ. Cũng theo nhà thơ Giáng Vân, với những người trẻ thì đây là một tập thơ nên đọc”.

Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo có mặt trong buổi ra mắt tập thơ Trong hố cầu thang cũng dành sự cảm mến với một người trẻ như Đặng Thiên Sơn: “Tôi khá bất ngờ vì những người viết trẻ thường mỗi người đi theo một hướng nhưng Đặng Thiên Sơn đã chọn cách viết về những điều bình thường nhất. Những điều đó đã trở thành ấn tượng, thậm chí là ám tượng trong tư duy của anh và có thể làm nên đời thơ Đặng Thiên Sơn chăng. Thơ ca nên cúi mặt xuống cuộc sống như thế để mà cảm nhận, thấu hiểu, thương xót. Đặng Thiên Sơn luôn hướng về xã hội để mà bùi ngùi, xa xăm”. Qua đây nhà thơ cũng nhắn nhủ, những người làm thơ hãy viết theo cách của mình nhưng đừng bỏ rơi xã hội sau lưng.

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý cũng rất đồng cảm và chia sẻ với nhà thơ trẻ Đặng Thiên Sơn, trước hết bởi cả hai nhà thơ đều là người con của mảnh đất miền trung cơ cực, gian lao nhưng cũng đầy khí phách. Với nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, ông dành sự trân quý, yêu mến với một người trẻ làm thơ như Đặng Thiên Sơn: “Thơ Sơn bộc bạch, chân chất, thật thà. Tôi ấn tượng với câu thơTôi thỏa thuê tự vấn lòng mình. Thiên Sơn tự vấn lòng mình với hiện thực cuộc sống đầy day dứt, trăn trở. Đó là phẩm chất đáng quý của người làm thơ trẻ”. Bên cạnh đó nhà thơ cũng có những góp ý, chia sẻ câu chuyện bếp núc của những người làm thơ một cách chân tình, thẳng thắn với những người viết trẻ hôm nay.

Sinh năm 1984, Đặng Thiên Sơn tốt nghiệp ngành Sư phạm Ngữ văn của Đại học Quy Nhơn, hiện đang sống và làm việc tại Hà Nội. Với anh, thơ ca quan trọng nhất và sau cuối nhất chính là để lan tỏa đến công chúng.

Văn nghệ Quân đội

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài

Exit mobile version