Anh Động

Mới hơn năm mươi mà tôi cảm thấy cơ thể mình hơi sồ sề ra. Tôi vốn được nhiều người khen có một cơ thể thon thả, dong dỏng cao, ngực căng, eo thắt vậy mà cứ để màng bụng đẫy đà, vế đùi ột ệch thì uổng lắm. Do vậy tôi phải tham gia môn thể dục đi bộ như một số bạn bè suốt mấy tháng nay.

Công viên mới cách nhà tôi hơn cây số, nơi bãi nhị tì cũ phía nam thành phố được giải tỏa 52 hecta, nay đã qui hoạch hoàn thành. Chung quanh khu vực có rào gai cao quá đầu người, sát chân rào phía trong là một con lộ láng nhựa dài khoảng hai cây số. Cửa công viên ở phía lộ cái, phải qua một đoạn sân rộng trải đá. Người đi thể dục gởi xe ở một ô ngoài sân này mới đi bộ vào cổng. Giờ mở cửa thường xuyên của công viên cho người vào đi thể dục là bốn giờ rưỡi sáng và mười sáu giờ rưỡi. Người đi thể dục trong công viên nếu ai giỏi giò thì đi vòng lớn, còn một vòng nhỏ dành cho người già và trẻ con nằm bên góc trái cũng hình bầu dục khoảng một ngàn mét vòng, miệng hai vòng giáp nhau ở phía cửa công viên. Qua khỏi mấy hồ phun nước thì tới mé một hồ ngầm rất rộng. Người ta khơi diện tích nó đúng 7 hecta và đặt tên là hồ “Bảy Mẫu” để có chút hơi hám của một công viên ở trung tâm Hà Nội. Nhờ hồ lớn mà họ lấy đất thổi thành những bãi cao và rộng để qui hoạch những cụm tre ngà, vườn cây xoài, cây sứ và cái thoi loi “Tam Tạng” (nơi đầu doi có cụm tượng thầy trò Đường Tăng cưỡi ngựa đi thỉnh kinh). Phía phải là dãy chuồng thú hoang dã, ao cá sấu, nhà tập bắn súng thể thao và vườn ươm cây cảnh. Bán chu vi bờ hồ từ ngoài vào có trồng một hàng cây gừa tán lớn cỡ ngôi nhà ba căn. Gừa buông rễ lòng thòng rất nhiều nhưng được người ta cắt xén chừa lại cao khỏi đầu người lớn. Những chiều có ánh nắng quái, những sáng có ánh nắng chang, tôi thường đến đứng dưới một tán cây gừa ấy với tay sờ mó vô thức vào “hàm râu ông” và đưa ánh mắt mơ màng xa tận mấy chiếc thuyền ngỗng trắng dập dềnh nơi có từng quầng nước sẫm màu chì gờn gợn đuôi nheo giữa hồ.

Hôm nay, lại đến giờ thể dục chiều, con bạn nhà bên đến rước đi.

– Bón cơm xong chưa? Đi nào!

Tôi chưa kịp đáp thì chồng tôi lên tiếng:

– Anh chưa đói. Em cứ đi, về ăn cũng được.

Anh gượng đứng lên định đến bên bàn rót nước uống. Tôi vội lấy nước đưa anh, rồi ra đi.

Ngồi sau xe cho con bạn đèo qua công viên mà hình ảnh người chồng bịnh hoạn cứ ám ảnh tôi hoài. Người đàn ông tuổi vừa tròn năm mươi, thân hình gầy rạc, mấy năm qua phải liên tục chích Insulin, tay chân khô quắc queo tựa que củi. Vậy mà thêm một lần bị đột quị, bại liệt nửa thân người.

Chiếc honda chồm qua một mố cầu, nhảy cẫng. Tôi nhìn xuống, qua vùng cổ hơi rộng của chiếc áo thể thao, bộ ngực tròn đã son lại, đôi bầu vú không còn chảy xệ. Mới đi thể dục mấy tháng mà… Thôi! Tôi thở dài…

Đúng lúc con bạn gởi xe để vào cổng. Tôi bước uể oải theo sau giả vờ dụi mắt như vừa bị bụi bay.

Vào cổng. Ba cái hồ phun nước lần lượt lùi về phía sau. Hồ Bảy Mẫu bao la trước mặt. Tôi rẽ theo vòng cung phía phải, không cần biết con bạn có đi phía trước hay không. Bởi vì… chắc hôm nay “ông ấy” đi theo cánh cung phía trái. Ba buổi chiều rồi không thấy ông ra sân tập. Một con người trông vẻ khô khan có tướng đi “quân sự” ấy mà! Ông đi đều bước, tay đánh đòng xa vòng trong, mặt luôn hướng về phía trước. Dáng dấp ấy đã tạo ấn tượng rất đậm trong tôi hơn 40 năm qua. Đó là kiểu đi quân hành của những chiến sĩ Giải phóng diễu hành qua các đường phố sau ngày Ba Mươi tháng Tư năm Bảy Lăm. Dáng đi thể dục buổi sáng của người chánh trị viên đơn vị cải tạo tập đoàn mễ cốc hồi ấy đóng quân bên cạnh nhà tôi, cũng như vậy.

Mấy tháng qua đi thể dục giáp mặt với hàng trăm người trên sân này, mỗi người có một kiểu đi nhưng cái “bộ gió quân sự” ấy thu hút sự chú ý của tôi nhiều nhất. Thường xuyên tôi giáp mặt ông. “Giáp mặt” có nghĩa là một đi xuôi thì một người đi ngược vòng, không thể kẻ trước người sau cùng đi như hai con chuột chạy cùng chiều trên vành nia. Có lúc tôi cùng ông giáp mặt nhau liên tục hàng tuần. Cũng có khi chúng tôi cứ “ọt rơ” nhau đến năm bảy ngày. Những khi ấy có thể buổi tôi ra sân thì ông nghỉ và ngược lại; cũng có thể hai người ra sân trước – sau nhau và cũng đi xuôi chiều nhau, rồi mạnh ai nấy về. Lần nào giáp mặt tôi ông cũng chào bằng một nụ cười tươi qua ánh mắt. Đôi mắt ông sáng lắm! Tôi liên tưởng đó là hai đóa hoa tầm xuân còn sót lại trên một bụi cây kiểng già héo hắc. Giáp mặt rồi qua mặt, rồi để lưng quay vào nhau. Chẳng biết có lần nào ông ngoái nhìn lại không, tôi chưa bắt gặp, bởi vì tôi không dám ngoảnh nhìn lại. Dần về sau mỗi lần giáp mặt nhau tôi cảm thấy có cái gì lúng túng trước ánh mắt cười tươi sáng rực ấy. Tướng đi ấy, ánh mắt ấy đã khơi gợi trong tôi một tiềm thức xa xôi. Ở đâu? Bao giờ? Cõi đời hay trong mộng? Tôi cố tìm hoài mà không tài nào nhớ rõ địa chỉ cụ thể được.

Một tán cây gừa… Hai tán cây gừa, rồi ba tán cây gừa… Tôi cứ đi. Tôi đi với một tư thế nhón đôi gót, tay gấp hình thước nách câu hai nắm đấm vào ngực, mặt hơi cúi, bước hơi nhanh theo nhịp lắc mình thúc cánh chỏ so le. Với tư thế này làm vế đùi mau rắn, đôi mông mau săn và bầu vú mau căng tròn lên. Bốn tán cây gừa, rồi năm tán, sáu tán… Chồng tôi chưa ăn buổi chiều… Cặp chân như ống tre, đôi tay tựa cặp nan hoa nướng bánh phồng, bưng chén cơm ăn run rẩy, có lúc tôi phải bón cho anh. Tôi nhìn vào cổ áo thể dục, thở ra! Đi giáp một vòng lớn rồi phải về bón cơm cho anh ấy. Chắc lại không giáp mặt được “ông”. Thôi! Làm gì? Đã trở lại đầu vòng thứ hai. Một tán cây gừa… Hai tán cây gừa. Tất cả các “hàm râu ông” đã được cắn xén, mọc chĩa xồm xoàn…

Tiếng con bạn cùng đi réo giật. Nó trách đã chờ từ lâu, cứ lơ thơ lẩn thẩn không chịu về. Tôi thở ra. Ngày mai mình sẽ đi buổi sáng, có thể… Dường như tôi đã “ghiền” cái “bộ giò quân sự” ấy. Ra về, tôi cảm thấy như mình bị một thất vọng nho nhỏ.

Bốn giờ rưỡi sáng hôm sau, tôi dùng xe nhà đi một mình. Vào địa phận công viên, tôi đi dưới ánh đèn sáng. Trên bầu trời có từng đàn đom đóm từ các khu vườn rậm bay ra. Đom đóm! Từng đốm lửa xanh li ti lơ lửng cứ chăm chít vào ký ức tôi… Những đốm lửa lưng lửng màu ngọc bích ấy ở đâu? Từ đâu? Bao giờ?… Sao tôi cứ bồi hồi nhớ nhớ quên quên…

Đi hết vòng lớn, vẫn không thấy “bộ giò quân sự” giáp mặt. Tôi nghĩ có thể ông ấy thay đổi vòng đi, tôi khoanh sang đường vòng nhỏ. Bây giờ ánh sáng đã rạng mặt. Tôi cúi đầu đi từng bước chầm chậm. Cái bóng dáng quái ác này gặp gỡ làm chi? Có biết con nhỏ này đã “mê” tướng đi của ông rồi không? Người đàn bà đã cứng tuổi rồi còn có cái gì xáo trộn trong lòng, kỳ cục quá!

Gần cuối đường vòng nhỏ, bỗng dưng có một tín hiệu bất thường đập vào ngực tôi. Vội ngẩng lên. Cái “bộ giò quân sự”. Tôi chưa hết lúng túng thì ông đã gật đầu chào giáp mặt, rồi hai đàng lại quay lưng vào nhau. Tôi quên mất mình có gật đầu chào lại người ấy không. Nhưng không sao, như vậy đã đủ lắm rồi. Trên đường về tôi nghe lòng mình sảng khoái như một gã nghiện đậm vừa hít xong một hơi khói ma túy. Quả là đang có chút hơi men gây gây trên da mặt tôi. Chắc giờ này chồng tôi đã đói, tới bữa cho anh ăn sáng rồi.

Lo bữa cho chồng xong, tôi đi tắm. Chỉ có nơi đây mới nhìn được tường tận thân thể mình. Nhiều năm rồi nó không được săm soi, dù là chủ nhân của nó. Tôi đứng trước gương ngắm mình. Vốn đã thon thả, dong dỏng cao có vòng ngực cân đối với đôi mông tròn tạo cho màng bụng thành một đoạn vòng eo thắt, bên dưới là đôi chân săn chắc. Sao hôm nay nó rực lên sức sống tươi ròn lắm vậy? Do đó bộ mặt sáng lại rạng rỡ thêm bởi màu mắt đen, chiếc mũi thẳng dọc dừa tựa dấu chấm nhểu bỏ trên đôi môi mọng ướt. Tự tôn vẻ đẹp mình quá, tôi thấy hơi thẹn. Tiếng con gà lôi trống đang bị cột bên ngoài cứ kêu “tóc, tóc”. Chải nhanh mớ tóc, mặc đồ vào và tôi mở cửa bước ra. Con gà lôi trống đang bị cột cạnh cửa cầu tắm, bởi nạn dịch cúm gia cầm mà cả gia đình nó bị tiêu vong theo lệnh triệt để của địa phương, chỉ còn mình nó… Con gà cứ phùng xòe, kêu “tóe, tóe…”. Tôi chợt rùng mình. Mặt nó lúc xanh lúc ửng, chiếc mào từ trên thòng xuống bít mắt rồi từ từ teo lên một cách bất lực. Tôi thở ra, lắc đầu…

Chiều hôm ấy tôi tiếp tục đến công viên đi thể dục. Qua một cây gừa… Hai cây gừa rồi ba cây gừa… Những dáng người đã quen như bản in lần lượt qua mặt. Chị “bờm ngựa” cao to, thịt thà ệu ạo chạy thúc cánh chỏ, mái tóc cắt ngắn xập xõa… Ông già “học giả” tóc bạc gầy gầy với từng bước đi đều đặn, đánh đòng xa khoan thai… Anh “cán bộ phường” tóc đen, người thấp, vừa đi vừa bơi bơi hai tay cà thọt cà thĩnh… Người “công an” có bộ mặt “hình sự” chạy đều bước, bộ ngực núng nính trong lần áo thun védan… Giáp vòng lớn, tháo vòng nhỏ tôi vẫn chưa giáp mặt cái “bộ giò quân sự”.

Tiếp theo một tuần như vậy…

Hồi nhỏ tôi có một mơ ước rất chân thành. Rồi đây tôi sẽ lấy chồng là một quân nhân, bởi người lính ấy là bộ đội Cụ Hồ, nhưng phải lớn cỡ tuổi cha mình. Chồng tôi bao giờ cũng nghiêm trang, hiền hòa, tràn đầy bao dung. Một người chồng đứng đắn sống bên “cô bé vợ” luôn dạy dỗ điều hay lẽ phải và cưng chiều. Tình cảm “ông” chồng ấy luôn ẩn chứa bên trong, ít bộc lộ ra bằng lời. Ảnh hưởng này chắc có lẽ vì thông qua người chánh trị viên đội cải tạo công thương nghiệp sau ngày Ba Mươi tháng Tư có một dạo đóng cạnh nhà tôi. Nhưng mơ ước ngày xưa như bong bóng bay lên trời…

Hôm sau… hôm sau nữa, mặc dù cố đi vòng xuôi rồi vòng ngược, vòng lớn rồi vòng nhỏ tôi cũng không giáp mặt được cái “bộ giò quân sự” ấy. Vẫn chị “bờm ngựa”, ông già “học giả”, anh “cán bộ phường”, người “công an” (những người này qua hình dong ấn tượng tôi tự đặt cho họ những biệt danh như vậy). Tôi lại đổi giấc đi vào buổi sáng. Vòng xuôi rồi vòng ngược, vòng lớn rồi vòng nhỏ luôn mấy buổi kế tiếp. Nhất định ông ấy có ra sân tập thì không thể nào không giáp mặt tôi. Thoạt đầu tôi có ý giận và hơi buồn. Tại sao ông ấy cố tránh mặt tôi? Nhưng sau cảm thấy mình vô lý. Tại mình đã bị “quỷ ám” lại trách người ta. Có hẹn ước gì đâu mà giận chớ? Tôi cảm thấy hơi mắc cỡ cho mình. Ai đời lãng xẹt! Thế rồi các buổi kế tiếp tôi thấy tình cảm mình trở lại bình thản, không còn day dứt nữa. Ngày ngày bón cơm cho chồng sáu lần. Ngày ngày trực trại bán gỗ xẻ. Chiều chiều ra sân công viên đi thể dục. Số phận tôi đã đành là vậy! Lúc nào có mặt tại thành phố thì tôi ra công viên đi thể dục đều đều, khi thuê được người chăm sóc cho chồng thì tôi đi một số nơi kéo gỗ xẻ về vựa bán sinh nhai. Những ngày đi xa là tôi không có mặt trên sân tập, thế thôi! Tôi không còn muốn tách rời bạn bè đi một mình để vừa đi vừa nghĩ ngợi suy tư nữa. Thỉnh thoảng cũng có nhớ lại cái “bộ giò quân sự”, nhưng đó là một cái bóng mờ, chỉ nghe hơi se thắt trong tiềm thức một chút, rồi qua.

Một hôm đang đi vòng ngược ánh nắng mặt trời chiều, để tránh chói mắt, đầu tôi cúi gầm bước theo bóng đi của con bạn. Đột nhiên có một cái bóng từ phía mặt trời chồm tới đổ ập lên người tôi. Giật mình ngẩng lên, đôi tay chới với, chân lấp vấp làm mũi dép đá phải một hòn đá cuội. Tôi ngã chúi qua lề đường, bàn tay phải chỏi xuống mặt lộ bị đau điếng mấy ngón. Tôi ái ui một tiếng thảng thốt. Người ấy bước tới đỡ dậy. Ngón tay út cày vào đá ứa máu. Bàn tay tôi run rẩy. Không phải vì bị đau lắm ở tay mà run, vì trống ngực tôi đang đánh liên hồi kỳ trận bởi cuộc tao ngộ bất ngờ.

– Xin lỗi, xin lỗi…

Ông cầm lấy bàn tay của tôi trông có vẻ xúc động.

– Không sao… tại… tại vô ý…

Tôi lí nhí. Giọng ông nghiêm nghị nhưng êm dịu qua lời bảo:

– Đưa đây nào!

Ông móc túi (túi quần thể thao) lấy một miếng bông băng chậm máu ngón tay tôi và thoa một ít cortibion vào vết thương rồi dùng băng keo cá nhân bó quanh ngón tay đau.

– Sao… có những thứ này?

– Mắc bịnh tiểu đường mãn tính, thủ sẵn để khi lỡ bị trầy xước.

Tôi sững người:

– Bịnh tiểu đường?

Không đáp, ông cầm lấy ngón tay giữa ở bàn tay bị thương của tôi kêu lên như giật mình:

– Sao nó vặn vẹo thế này?

– Dạ, hồi nhỏ giã gạo…

Tôi nói được tới đó, ông vội buông bàn tay tôi rồi chào, bỏ đi. Ông đi nhanh qua mặt. Tôi ngoái đầu nhìn theo. Hai tay ông buông thõng với từng bước đi thất thểu.

Cúi mặt đi theo con bạn, lòng tôi lại bị khuấy động lên dữ dội… Ngón tay bị tật này bởi một lần giã gạo chày ba với người chánh trị viên đội cải tạo công thương nghiệp năm 1975. Tuy ông ấy lớn hơn tôi hai mươi tuổi nhưng “lũ tiểu quỷ” chúng tôi vẫn gọi bằng anh, ngụy biện là bộ đội Cụ Hồ phải gọi vậy để các anh thấy mình còn trẻ. Họ cải tạo chành lúa Nam Phong ở sát nhà tôi, chủ chành là người Hoa, một thành viên trong tập đoàn mễ cốc miền Tây. Nhà tôi như một túp chòi nhưng anh ấy xin ở nhờ, khu nhà lầu Nam Phong nhường cho đồng đội ở. Những ngày ấy “quân quản” kiểm tra hệ thống xay xát, nhà tôi phải đành ăn gạo giã. Xay lúa, quạt chiếu rê gạo, cả đến sàng gạo việc nào anh làm cũng thạo. Tôi rất thích làm việc với anh để được “cà rỡn” vui vẻ với bộ đội Cụ Hồ. Cái tuổi học trò vừa xong đệ nhất thuở ấy tôi chỉ biết xạo chớ có làm việc gì nên thân. Đã vậy cứ nằng nặc đòi giã gạo chày ba với các anh. Ngăn cản mấy lần không được, anh phải chịu thua. Kết quả chỉ bổ mấy chày là đôi tay lóng cóng sai nhịp, đầu chày va vào thành cối đập giập bàn tay phải của tôi. Nhìn bàn tay dẹp lép, xanh dờn, đầu ngón giữa bị giập tơi thịt tựa cây cọ quét sơn, mặc dù còn tê cóng chưa nghe đau nhưng tôi ngất xỉu. Anh đỡ tôi nằm tựa vào lòng, gọi người lấy cồn sát trùng và tháo cuộn băng cá nhân bên hông ra quấn bàn tay cho tôi. Tôi được y tá đơn vị chích kháng sinh, được nằm trong lòng anh thay băng mấy lần. Mỗi lần dỗ dề tôi trong cơn đau, anh đọc thơ cho tôi nghe, tập thơ chữ in chính của anh sáng tác. Bút hiệu anh là An Thương. Sau đó anh tặng luôn tập thơ cho tôi, tôi đọc và thuộc từng bài như uống từng ly nước vô bụng. Thơ anh ngắn gọn, kiêu hùng: “Đêm qua bộ đội về làng – ngồi xuống cõng mặt trăng vàng sang sông…”. Thơ anh tình tứ, đậm đà: “Áo rách vai vì quai súng cạ – xa em rồi ai vá cho anh…”. Tuy tay tôi hết đau nhưng chưa lành. Những đêm nóng nực, tôi “nhỏng nhẻo” bắt anh dìu ra sân nơi có súc gỗ nằm dài “đày” anh đủ thứ… Đêm không trăng, đom đóm từ đồng bưng bay ra từng đàn, tôi tựa đầu vào vai anh giả vờ hỏi cái thứ gì vậy. Anh trỏ tay lên những bầy đom đóm, bảo:

– Đố em, “Lửa chi lửa ở giữa lừng”? Tôi biết rồi, nhưng ngửa mặt nhìn sát vào mặt anh, đáp đó là lửa ánh mắt của anh. Anh chịu thua. Tôi bảo thua thì phải đền. Anh hỏi đền bằng gì? Tôi bảo đền bằng một cái… hôn…

Không bao lâu, xong nhiệm vụ, anh đi. Hơn ba mươi năm rồi mà cái hơi ấm nồng nàn ấy cứ thỉnh thoảng phảng phất về vây lấy tôi…

Nghỉ tết hơn một tuần, tôi tiếp tục trở lại công viên đi thể dục. Cũng hàng cây gừa giương tán bên bờ hồ, cũng chị “bờm ngựa”, cũng ông già “học giả”, cũng anh “cán bộ phường”, cũng người “công an”… và… và… Mọi thứ bình thường đối với tôi. Thời gian qua có những ý nghĩ, những hồi ức ngổn ngang khuấy phá lồng ngực tôi, bây giờ nó đã nằm im rồi. Nó đã lùi vào sâu thẳm, tôi có cảm giác là mình đang mắc bịnh suy tim.

Đi đến hơn mười buổi chiều, tôi vẫn chưa gặp được cái “bộ giò quân sự”. Tôi chuyển lại đi buổi sáng. Đi hết vòng xuôi lại tháo vòng ngược, hết vòng lớn lại khoanh vòng nhỏ, nhưng vẫn… Con bạn thân cạnh nhà lâu nay đã quan sát bảo tôi càng đi tập càng trông như kẻ mất hồn.

Nghe có cái gì cắn nhéo trái tim làm tôi chau mày thở ra:

– Mày có biết ông già “quân sự” ấy tên gì không?

Con bạn nguýt dài:

– Sao không “kết nạp dự bị” một thằng cha sồn sồn mà lại chú ý ông già ấy?

Tôi tâm sự thật lòng:

– Trông ông ta dường như có một cái gì quên quên nhớ nhớ.

– Nghe đâu ông ta là một nhà thơ.

– Nhà thơ! – Tôi ngạc nhiên, rồi đùa lại nó – Thơ ông có mà vừa đọc vừa xối nước, vừa nêm muối.

Hai đứa cùng cười.

Từ đó tôi không bận tâm về ông nữa. Hơn một tuần sau tôi bỗng giáp mặt với ông trên sân tập. Thấy dáng đi từ xa tôi đã nhận ra ngay. Dạo này tốc độ đi của ông chậm và lầm lỳ. Trong ngực tôi không còn hồi hộp mà chỉ nghe mừng rỡ. Từ xa tôi đã reo lên:

– Chú! – Đến gần, tôi hỏi – Nhà chú ở đâu? – Ông chỉ tay về giăng vườn xa xa phía đông bắc. Rồi hai đàng giáp mặt nhau – Chú là nhà thơ?

Ông hỏi ngược lại tôi:

– Cô tên gì?

Lúc đã quay lưng nhau. Tôi đáp lui:

– Dạ, Nâu…

Rồi về sau tôi cứ ra công viên đi thể dục đều đặn và có ý chờ được giáp mặt ông. Một tuần sau, con bạn trêu tôi rằng chắc ông già đó muốn “dê” mày thôi. Tôi không tin như vậy, ông là một người đứng đắn. Muốn tìm một lý do để bênh vực cho ông nhưng tôi không biết phải nói sao.

Chúng tôi qua khỏi cây gừa cuối hàng, bỗng có một em bé cầm cuốn sách chạy theo:

– Cô ơi! Có người gửi cho cô cái này.

Tôi cầm cuốn sách chưa kịp hỏi ai gửi thì em bé đã chạy vụt đi xa. Lật trang kế thấy mấy chữ viết tay cứng cáp: Thân tặng cô gì đó…

Qua một vòng lớn, tôi dừng lại chiếc băng đá kê dưới tán một cây gừa. Tập thơ! Bìa sau cuốn sách có in ảnh bán thân của ông già “quân sự” mặc quân phục sĩ quan. Tim tôi rộn lên! Dưới ảnh đề: AN THƯƠNG – sinh năm 1941…

Đêm ấy bón cơm cho chồng, tắm táp xong, tôi vào phòng riêng đóng cửa lại giở tập thơ ra xem. Tôi lấy cả tập thơ cũ để một bên. Tập thơ cũ không có ảnh tác giả, khổ bỏ túi, nét chữ in nhòe nhạt của thời kháng chiến. Tập thơ mới in nhiều màu, trang trí sáng sủa, nét in sắc sảo. Nhưng tôi hết sức thất vọng! Thơ của anh Thương (hồi ấy tôi gọi ông như vậy) trước đó tự tin, yêu đời bấy nhiêu thì bây giờ mệt mỏi, bế tắc bấy nhiêu: “Phong hóa suy đồi theo đồng tiền sáng giá – Tín ngưỡng xưa còn chút đỉnh để dành thờ”. Và “Mai này tôi về nghĩa trang, nằm nghe từng chiếc lá vàng rụng rơi”…

Tôi khóc! Khóc sướt mướt. Không phải khóc thầm, khóc nghẹn. Vòng đời chỉ bốn mươi năm mà lỡ một kiếp người. Mơ ước không tròn, mơ mộng chưa tan. Tôi khóc! Khóc cho anh hay khóc cho tôi? Khóc đến đã đời tôi lau nước mắt, xếp hai tập thơ lại. Mai này tôi sẽ gặp ông, gặp lại anh Thương của tôi, an ủi, động viên anh, mỗi ngày hẹn ước giáp mặt anh đi thêm trên đoạn đường… đoạn đường đi thể dục vui vẻ trên công viên. Tôi sẽ mấm môi chấp nhận số phận cuộc đời: Sáng buôn gỗ sinh nhai, chiều chăm sóc chút nhan sắc còn lại trước khi ra công viên, tối về bón cơm cho người chồng bịnh tật. Tôi quyết định như vậy! Tôi sẽ đi hết đoạn đời còn lại của hai người mà định mạng đã ràng buộc vào tôi. Nhất định là như vậy! Đêm ấy tôi đi vào một giấc ngủ êm đềm.

Hôm sau tôi ra sân tập đúng giờ, đi đúng động tác riêng của mình, đủ hai vòng ngược xuôi sân lớn, sân nhỏ. Hôm sau nữa cũng vậy. Tôi đi bền bỉ. Đi buổi sáng rồi đi buổi chiều. Nhưng đi mãi đến hàng tháng tôi vẫn chưa gặp mặt anh Thương. Tôi tự trách mình sao hôm ấy không nói tên thật là Xuân? Như thế có thể anh sẽ nhận ra tôi là con bé nhí nhảnh thuở ấy…

Đơn vị anh chuyển đi không lâu, gia đình tôi rời về một thành phố biển để kiếm sống. Tập đoàn mễ cốc Nam Phong đã phá sản, cha tôi không còn chỗ vác lúa thuê. Tôi là con một trong nhà. Gia đình về ở xóm Giữa, cha tôi làm một chân thủy thủ cho tàu đánh bắt, mẹ tôi bán bún riêu, tôi thì ngày ngày lấy cá vụn đi bán dạo. Tôi thường bán mặt cá nâu quen rồi người ta thường gọi tôi là con Nâu, cái tên Xuân từ đó lùi dần vào quên lãng.

Mấy năm sau cha tôi chết trong một trận chống lại bọn hải tặc cướp tàu đi vượt biên. Rồi mẹ tôi cũng mất. Hai mươi bốn tuổi tôi lấy chồng. Chồng tôi là con trai của một chủ trại đóng xuồng và bán gỗ xẻ, nhỏ hơn tôi bốn tuổi. Hăm tám tuổi tôi sinh một bé gái. Cô em chồng của tôi làm ăn khấm khá trên thành phố Hồ Chí Minh, rước cha mẹ chồng tôi về ở trên ấy. Bốn mươi tuổi tôi gởi con gái lên sống với bên nội bởi chồng tôi mắc một căn bệnh hiểm nghèo! Căn bệnh bạo phát cực kỳ! Chỉ vài năm sau thân thể anh còn là một bộ xương, sinh lý bất lực hoàn toàn…

Rồi một sáng, tôi đang đứng thẫn thờ dưới tán cây gừa đưa tay sờ soạng một cách vô thức vào “hàm râu ông”, ánh mắt thả mông lung ra mặt hồ nước rộng, bỗng nghe có tiếng trống gióng ba vọng lại từ một giăng vườn xa xa phía đông bắc. Tùng, tùng, tùng… Đó là tiếng trống báo hiệu người chết còn quàn trong áo quan sắp đến giờ đưa vào địa huyệt. Tùng, tùng, tùng… Mùa khô, nắng gắt ở phương Nam, người già dễ thường “ra đi”, không lạ. Tôi về nhà.

Hôm nay, tôi vẫn bón cơm cho chồng. Thời tiết thay đổi đột ngột, anh bị vật vã. Theo hướng gió đông Bắc, tiếng trống gióng ba từ phía ấy vẫn còn đuổi theo tôi. Chồng tôi bảo là bản tin trên ti vi hồi hôm báo có một vị sĩ quan quân đội nào đó từ trần. Nghe vậy tôi bấm máy lên xem. Có thể bản tin sáng nay người ta còn phát lại. Chốc sau màn hình ti vi hiện lên khung ảnh bán thân của một quân nhân quân phục sĩ quan. Và tiếng xướng ngôn viên: Chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin, Đại tá Lê An Thương nguyên phó chỉ huy trưởng chánh trị Bộ chỉ huy quận sự tỉnh…”

Rõ ràng bức ảnh cùng một kiểu ảnh in sau tập thơ! Chén cơm đang bón cho chồng trên tay tôi đánh rơi xuống mặt bàn. Chồng tôi sững sờ hỏi tại sao? Tôi run rẩy đùa hốt chén cơm lại. Chồng tôi hỏi tiếp:

– Em có quen với ông ấy?

– Dạ… không… có…

Bấy giờ từ phía đông Bắc tiếng trống đã thúc nhịp liên hồi. Đó là những hồi trống giục cuối cùng để tiễn đưa một con người đi hết một vòng đời.

 

Nguồn Văn nghệ số 28/2017

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài

Exit mobile version