Vĩnh viễn rời xa cõi tạm, Nguyễn Hồng Công vẫn hiện diện trong cuộc sống thường ngày bằng gương mặt xinh xẻo và nụ cười tươi hết cỡ. Ở bất cứ đâu, trên bìa sách, trên các trang mạng, các diễn đàn có ảnh chụp Hồng Công là lại thấy cô cười.
Một cô gái trẻ bon bon xe máy trên con đường thênh thang gió mát mà quên đội mũ bảo hiểm. Một chàng cảnh sát giao thông đang giờ làm nhiệm vụ tuýt còi ra hiệu lệnh dừng xe. Lỗi vi phạm được nhắc nhở, biên bản xử phạt được lập ra, cô gái bẽn lẽn ký tên và nhoẻn miệng cười, nụ cười làm bừng sáng gương mặt tươi xinh rạng rỡ. Chàng cảnh sát bỗng dưng thấy trái tim mình như bị bóp nghẹt, một cảm xúc lạ lùng nhen nhóm, len lỏi giữa mọi giác quan. Nụ cười ngập tràn niềm vui sống của cô gái khiến anh không thể nào cầm lòng cho đặng, để đến lượt chính anh lại rơi vào tình thế bị động, phải… ngập ngừng hỏi xin cô số điện thoại.
1.Cô gái có nụ cười chinh phục ôm ấp trong mình Khát vọng sống để yêu đã luôn chinh phục được tất cả, ngay cả khi cô thôi Ở trọ trần gian chẵn ba năm ròng. Tháng 9 mùa thu, trời hanh hao nắng, trên facebook, trên các trang mạng xã hội, trên những website mà bạn bè từ thế giới ảo lập ra, cả ở xóm chạy thận cơ cực bần hàn khuất sâu trong con phố ồn ào Lê Thanh Nghị, tất cả đều cùng nhắc nhớ đến Nguyễn Hồng Công, hồi ức về cô, nương vào nụ cười rạng ngời của cô để lần hồi vui sống tiếp.
Giữa không gian ngập tràn thi ca và sách tại góc nhỏ café mang tên “Lục bát quán” nép bóng bên hồ Võ Thị Sáu, nhà thơ Đặng Vương Hưng, người đồng hương Bắc Giang mà sinh thời Nguyễn Hồng Công chịu nhiều ảnh hưởng, cũng đang lục tìm ký ức: “Hồng Công là người cởi mở, cô đặc biệt có tài kết nối mọi người với nhau. Vì thế, dù quanh năm ngày tháng đằm mình trong viện, nhưng Hồng Công rất đông bạn bè. Chính những người bạn “ảo” và đời của cô đã tự tổ chức offline, liên kết nhau kỷ niệm 1 năm ngày cô rời cõi tạm bằng việc in ấn phát hành tập sách Nụ cười ở lại, dùng toàn bộ tiền bán sách tặng cho bệnh nhân Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai”.
Câu chuyện tình yêu thơ mộng của cô gái có nụ cười ấn tượng với chàng cảnh sát giao thông có tấm lòng rộng mở, khởi nguồn từ lần quên đội mũ bảo hiểm cũng nồng nàn và say đắm như bất kỳ một câu chuyện tình nào trên khắp thế gian bao la này. Chỉ khác là, nó còn trở thành điểm tựa, thành sự an ủi vỗ về giúp cô vịn vào đó mà đi hết quãng đời ngắn ngủi. Mối tình lãng mạn nhưng buồn, không thể tới được cái kết có hậu, đã đem lại cho Nguyễn Hồng Công thêm nhiều niềm vui, thêm hạnh phúc trong chuỗi ngày dài triền miên tranh đấu với bệnh tật, với nỗi đau thể xác luôn túc trực giày vò.
Trong entry cuối cùng trên blog cá nhân của mình, viết ngày 28/8/2009 lấy tựa Tìm lại nó, Nguyễn Hồng Công đã lặp đi lặp lại một điều: “Nó đã gặp anh cái ngày đầu tiên ấy, anh có nụ cười thật hiền, gương mặt rất đàn ông. Giọng nói trầm ấm, dáng người cao cao. Tuy là mới gặp lần đầu nhưng nó có cảm giác thân quen lắm. Tất cả những hình ảnh đó đã khắc đậm trong tâm trí nó từ hôm đó cho đến tận bây giờ. Và kể từ cái ngày đầu tiên gặp gỡ đó, nó đã trở về con người của chính nó. Nó vui vẻ, hát cười đúng là nó, là con người thực sự của nó. Những nỗi buồn, nỗi oan ức của nó, nó trút hết vào anh, anh đã nguyện làm thùng rác của nó rồi. Cám ơn thùng rác của nó. Vẫn biết cuộc sống còn nhiều bon chen, xô bồ lắm trong nền kinh tế thị trường này, vậy mà anh vẫn cười. Nó biết rằng những vấn đề của tôi chẳng là gì so với anh cả. Anh ngồi yên lắng nghe rồi lặng lẽ cười. Anh cười nụ cười đầy khoan dung với những ai đã làm tổn thương đến trái tim nhạy cảm của nó. Nó biết nó phải đương đầu với rất nhiều thử thách trong cuộc sống, còn rất nhiều nữa, nhưng nó luôn tin tưởng rằng nó sẽ vượt qua tất cả. Vì nó có anh”.
Tràn trề Khát vọng sống để yêu, dẫn dụ lan tỏa tình yêu sống tới những người cùng cảnh ngộ, ngay cả khi thời gian chỉ còn tính tháng tính ngày, Hồng Công vẫn lên kế hoạch tổ chức Trung thu cho các em nhỏ thiệt thòi. Bệnh tật không cho phép cô động chân động tay ôm đồm nhiều phần việc, Hồng Công dùng chính nụ cười đặc biệt, sức ám ảnh từ câu chuyện cuộc đời mình gắn kết những người bạn bốn phương, chung tay lo cho những phận người chưa chắc đã gánh chịu nỗi buồn số phận lớn như cô phải nặng mang trong trọn kiếp người. Sống chắt chiu tùng tiệm trong căn phòng trọ tồi tàn ở xóm chạy thận, Hồng Công vẫn đủ sự dẻo dai làm chỗ dựa tinh thần cho một cậu trai trẻ măng, một “thiếu gia” con nhà danh giá lâm bệnh trầm cảm. Cậu trai ấy như người mộng mị giữa đời, y hệt anh chàng lơ ngơ đi tìm chiếc lá diêu bông mà thi sỹ Hoàng Cầm mường tượng ra từ mấy mươi năm trước, chỉ thấy mình thực sự yên bình, mình được đúng là mình, một người bình thường lúc ở bên cạnh Hồng Công, nghe cô nói chuyện, nhìn cô cười.
Chiều 8/7/2009, nhận giải thưởng “Thanh niên sống đẹp” do Trung ương Đoàn trao tặng tại trụ sở Nhà xuất bản Công an nhân dân, Nguyễn Hồng Công còn hẹn với anh Võ Văn Thưởng, khi ấy là Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, sẽ cùng vui hội Trung thu với một số em bé đang mắc bệnh hiểm nghèo. Nhưng rồi, cô đã không cách chi giữ được lời hứa ấy. Cách không lâu trước đêm trăng rằm đẹp nhất trong năm, Nguyễn Hồng Công ra đi, vào buổi sáng hiu hắt buồn ngày 15/9/2009, chấm dứt mọi nỗi đau thể xác đeo đẳng giày vò hơn 10 năm đằng đẵng, để lại cho đời một tình yêu cuộc sống không bị sóng gió tai ương làm hao mòn, sứt mẻ.
Vĩnh viễn rời xa cõi tạm, Nguyễn Hồng Công vẫn hiện diện trong cuộc sống thường ngày bằng gương mặt xinh xẻo và nụ cười tươi hết cỡ. Ở bất cứ đâu, trên bìa sách, trên các trang mạng, các diễn đàn có ảnh chụp Hồng Công là lại thấy cô cười. Nhà thơ Đặng Vương Hưng kể, Hồng Công rất ý thức giữ gìn hình ảnh của mình. Bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối nước da thường tím tái, nên mỗi khi tới chỗ đông người, Hồng Công trau chuốt trang điểm rất kỹ càng. Cô như sứ giả mang nụ cười thiên thần tới mọi chốn mọi nơi để an ủi, làm dịu bớt nỗi đau cho những phận đời không may hoạn nạn.
2.Trong những dòng tự bạch về mình, Nguyễn Hồng Công viết: “Tôi tên Nguyễn Hồng Công, Phật Tâm Danh là Tuệ Từ. 14 tuổi, đối mặt với bác sỹ, bệnh viện. Cuộc đời mỗi con người như đi trên dòng sông, làm sao ngăn cản được sóng xô vào mạn thuyền, vậy thì, chỉ có cách lướt nhẹ nhàng trên sóng mà đi. Sinh ra được ba tháng, Tuệ Từ mồ côi cha, cuộc sống thiếu thốn, khó khăn, mẹ nuôi lớn khôn và 14 tuổi, Tuệ Từ mới được gọi tiếng bố đầu tiên. Người cha thứ hai đã đi cùng mẹ trên con đường dài. Và thật không may, lại một điều không may nữa! Năm 14 tuổi, Tuệ Từ mắc bệnh hiểm nghèo – suy thận, tất cả bác sỹ đều lắc đầu. Cái án tử hình treo lơ lửng trên đầu, tử thần có thể kéo Tuệ Từ đi bất kỳ lúc nào.
Cuộc đời Tuệ Từ khép lại khi vừa tròn 18 tuổi. Mới chỉ 18 tuổi thôi, mà mọi cánh cửa cuộc đời đóng sầm trước mắt! Có lẽ, Tuệ Từ là trường hợp đặc biệt trong tất cả trường hợp. Không giống các bệnh nhân khác, suy thận được gọi là bệnh hiểm nghèo, nhưng Tuệ Từ lại là người bệnh hiểm nghèo nhất trong những người bệnh thận, bị lupus ban đỏ, không có sức đề kháng, miễn dịch kém nên tự nó sẽ phá hủy tất cả lục phủ ngũ tạng trong cơ thể. Tuệ Từ bắt đầu cuộc sống khác. Cuộc sống với toàn máy móc, một tuần đều đặn sáu mũi kim nằm trọn trong ven và máu thì toàn chất độc! Cuộc sống mà không có thận. Thận đã chết, Tuệ Từ không có thận! Bác sỹ nói: cố gắng phấn đấu hai năm nhé. Vậy mà đến giờ phút này, đã gần mười hai năm, Tuệ Từ vẫn sống, còn sống mãnh liệt hơn nữa là đằng khác!
Gần 20 năm nằm viện, thuốc đối với Tuệ Từ hầu như nhờn hết cả, trước kia thì có loại gây dị ứng, loại không. Giờ thì… dị ứng theo ngày. Những cơn đau, thuốc giảm đau không còn tác dụng nữa! Có nhiều lúc, Tuệ Từ cảm giác mình như cái bánh quy xốp, chỉ cần bóp nhẹ là tan nát hết cả. Một mình sống trong khu nhà trọ ẩm thấp, nghèo nàn của xóm chạy thận, Tuệ Từ vừa chữa bệnh vừa làm đủ thứ nghề, bán nước chè, bán bánh mỳ… Tuệ Từ thấy không vất vả, đó là niềm vui, niềm vui được làm việc! Hàng ngày, Tuệ Từ vẫn tự đi chợ, nấu cơm, giặt giũ, tự làm mọi thứ. Tuệ Từ thấy hạnh phúc! Đã lâu, Tuệ Từ không dùng đến từ đau khổ nữa, vì chả thấy có gì là khổ cả. Phải chấp nhận và đương đầu với thực tế, không né tránh”.
Nguyễn Hồng Công chưa bao giờ né tránh, đầu hàng. Cô vui vẻ đồng hành cùng hiện thực đắng cay, nghiệt ngã. Bán nước chè, bán báo, bán bánh mỳ kiếm những đồng tiền ít ỏi, đắp điếm thêm vào thuốc thang chữa bệnh, rồi tới lúc, không đủ cả hơi sức xách túi bánh mỳ leo mấy tầng cầu thang bệnh viện, chồng báo ôm trên tay thành quá nặng, cứ chực chờ rơi, Hồng Công nhận được lời động viên của nhà thơ Đặng Vương Hưng: em viết văn đi. Mấy chục trang bản thảo đầu tiên mang đến khoe, không xuống dòng, không dấu chấm dấu phẩy, nhưng nhà thơ Đặng Vương Hưng bảo ông sững sờ vì tìm thấy trong đó một hiện thực không thể hư cấu được. Đơn giản bởi đấy là chuyện đời của cô, là chuỗi ngày thường vật vã của chính cô và những bệnh nhân xóm chạy thận, là khát vọng sống được chiu chắt nhân lên theo mỗi ngày đang tiến dần hơn tới cái chết. Nhưng cái chết không ngăn nổi Hồng Công ngưng sống, ngưng vui, ngưng yêu đời. Kể cả lúc đã thôi không còn sống nữa, sách của cô vẫn ra mắt người đọc, nhiều bệnh nhân chạy thận đã thôi khóc than tuyệt vọng.
Ở dương gian vẻn vẹn 31 năm, nhưng Nguyễn Hồng Công đã sống dài, sống nhiều, sống bằng những trải nghiệm ít người thường nào có được. Cha ruột hy sinh khi cô vừa chào đời, mẹ đi bước nữa với một thương binh, một cựu chiến binh đã qua phần đời chiến trận ở Cồn Cỏ cùng những chiến công lẫy lừng, số phận mỉm cười mang đến cho Hồng Công một người cha thứ hai, nhọc nhằn cùng cô suốt hành trình bệnh viện, tình nguyện nâng giấc chăm bẵm cô tận đến phút giây cô giã từ chuỗi ngày dài Ở trọ trần gian. Tại Bắc Giang quê hương cô, phong trào “Tủ sách Nguyễn Hồng Công” đã lan rộng tới các trường học, để đám học trò các lứa tuổi thêm một giáo cụ trực quan, đọc xem, ngẫm ngợi, rồi tự đúc kết rằng, được sống đã là ân huệ vô biên mà tạo hóa đất trời ban tặng. Và sống đẹp, đương nhiên cũng là trách nhiệm, là gánh nặng mà mỗi con người phải nặng mang trong suốt cuộc đời mình.
Nguồn: CAND