Chuyên mục TRUYỆN HAY tuần này, Cầm Kỳ Official xin giới thiệu chùm truyện ngắn của nhà văn Lê Hoài Nam.
Gồm các truyện sau:
- Cây hoa lạ ở góc vườn
- Thung lũng sỏi
- Bên hàng rào kẽm gai
- Trời tây xa lắc
- Những giọt lệ đỏ thắm
Nhà văn Lê Hoài Nam sinh ngày 29 tháng 3 năm 1953, tại thị trấn Liễu Đề, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.
Khi đang còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông ông đã viết đơn tình nguyện đi bộ đội. Ông đã có mặt ở chiến trường Bình Trị Thiên vào những ngày tháng khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Thời kì đó, Lê Hoài Nam mới chỉ yêu văn học chứ chưa biết sáng tác văn chương. Những gì chứng kiến trong cuộc chiến, nhà văn ghi lại bằng hình thức nhật ký. Phải mấy chục năm sau, khi bút lực văn chương đã vững, ông mới dùng những tư liệu ghi trong cuốn nhật ký ấy để sáng tác hàng loạt truyện ngắn đăng báo và tạp chí, tiêu biểu như các truyện: “Thung lũng sỏi”, “Chuyện rồi sẽ kể”, “Cuộc gặp muộn mằn”, “Đêm xuân may mắn”, “Sói con”, “Bên hàng rào kẽm gai”, “Cây hoa lạ ở góc vườn”, “Tình yêu vỗ cánh”… Và một phần của tiểu thuyết “Hạc hồng” (giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết lần thứ năm, 2016 – 2020, của Hội Nhà văn Việt Nam).
Ông nguyên là phó chủ tịch hội VHNT Hà Nam Ninh, Nam Hà, Nam Định, nguyên Tổng biên tập tạp chí Văn Nhân.
Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Năm 2023 nhà văn Lê Hoài Nam cho xuất bản tác phẩm “Khắc tinh với thần chết”. Có thể nói đây là cuốn tiểu thuyết đậm đặc chất liệu chiến tranh được viết với con mắt của người trong cuộc. Cuốn tiểu thuyết này hiện đang được đông đảo bạn đọc đón nhận nồng nhiệt.
Ngoài đề tài chiến tranh, nhà văn Lê Hoài Nam còn viết hàng loạt truyện ngắn, tiểu thuyết, bút ký về đề tài hậu chiến; đặc sắc hơn cả là đề tài lịch sử, đề tài Thiên chúa giáo và Phật giáo được đông đảo bạn đọc đón nhận, hoan nghênh bởi vốn hiểu biết dầy dặn cũng như cách viết sáng tạo, mang phong cách rất riêng của ông.
Trời tây xa lắc
Truyện ngắn của Lê Hoài Nam
Từ khu nhà trọ, Bùi Viện thuê xe song mã đi tới trước cổng chính Nhà Trắng. Vừa bước xuống xe, Bùi Viện đã nghe tiếng người nói:
– Chào ngài quan xứ Đại Nam! Cám ơn ngài đã đến đúng giờ!
Viên trợ tá của tổng thống vừa nói vừa bước đến bắt tay Bùi Viện. Ông ta cứ ngắm nghía cái mũ cánh chuồn đội trên đầu và bộ triều phục tam phẩm may bằng vải xa tanh mặc trên người Bùi Viện, tỏ ra thích thú, nói tiếp:
– Ngài quan xứ hôm nay ăn mặc trông rất đẹp mắt!
– Cám ơn lời khen của ngài. Theo luật của triều đình nước tôi, khi thiết triều hoặc diện kiến ngoại giao, đều phải mặc triều phục – Bùi Viện đáp, rồi hỏi viên trợ tá – Ngài đợi tôi đã lâu chưa?
– Mấy phút thôi, thưa ngài – viên trợ tá đáp rồi đưa tay ra hiệu, mời – Nào, ta đi thôi. Giờ này thì tổng thống đang rời tư dinh đến phòng khách chuẩn bị tiếp ngài! Hôm nay, tôi thấy ngài nói tiếng Anh khá hơn hôm trước? Ngài quả là một người thông minh! Hôm mới sang đây, ngài chưa biết một từ tiếng Anh, thế mà chỉ trong mấy tháng ngài đã nói rất tốt. Vua Đại Nam đã không lầm khi cử ngài làm quan xứ. Ngài vinh hạnh là người Đại Nam đầu tiên được tổng thống Hoa Kỳ nghênh tiếp. Hôm nay ngài có cần tôi phiên dịch không?
– Cám ơn ngài trợ tá, ngài để tôi tự đàm phán với tổng thống, sẽ thú vị hơn!
Viên trợ tá và Bùi Viện bước lên những bậc đá trắng đến cửa chính, dẽ phải, đi theo đại tiền sảnh phía đông tới một phòng khách đã mở cửa, những chùm đèn trang trí đã được thắp sáng lên. Tổng thống Ulysses Grant mặc bộ complê màu tro, lót ghi lê bên trong, thắt cà vạt xanh thẫm lấm chấm hoa trắng, trên gương mặt đầy đặn hơi gẫy, hàng ria và bộ râu mới được ngài tỉa tót cẩn thận, chứng tỏ ngài rất coi trọng buổi tiếp khách này. Trước khi trở thành tổng thống, Ulysses Grant là một vị tướng trận mạc, nhưng trông gương mặt ngài không có cái khí chất của kẻ sát máu, trái lại nó toả ra một vẻ thâm trầm, ấm áp.
Được viên trợ tá hướng dẫn trước, Bùi Viện diện kiến tổng thống không phải khấu đầu quỳ lạy như mỗi khi vào chầu vua trong nước. Ngài bước tới trước mặt tổng thống, hai tay dâng quốc thư, đầu hơi cúi xuống, miệng nói:
– Kính chào ngài tổng thống Ulysses Grant! Tôi, tên Viện, họ Bùi, xứ thần từ triều đình vương quốc Đại Nam tới, xin được dâng quốc thư và yết kiến ngài!
Ulysses Grant đứng dậy cúi đầu đáp lễ:
– Tôi có lời chúc sức khoẻ và cám ơn sự có mặt của ngài quan xứ!
Ulysses nhận quốc thư, rồi đưa lại cho viên trợ tá:
– Ông phiên dịch nội dung giúp tôi!
Quốc thư thiết kế trên nền vải màu vàng, chữ mực nho. Viên trợ tá nâng lên đọc, rồi nói:
– Thưa ngài tổng thống, trong quốc thư, hoàng đế Tự Đức của vương triều Đại Nam ngỏ ý muốn đặt quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ, và việc cần kíp trước mắt là giúp họ đánh đuổi quân Pháp ra khỏi bờ cõi!
Ulysses Gant mời Bùi Viện cùng ngồi xuống salông.
– Mục đích của triều đình Đại Nam, tôi đã rõ – Ulysses Gant nói – Ngoài những điều ghi trong quốc thư, ngài quan xứ cho ý kiến thêm?
– Thưa ngài tổng thống – Bùi Viện nói – điều mà tôi muốn nhấn mạnh thêm rằng, nước Pháp xâm lược nước chúng tôi, rồi cai trị bằng một chính sách rất thiếu quân tử. Họ ra điều kiện gì chúng tôi cũng chấp thuận. Nhưng chúng tôi càng nhân nhượng, họ càng lấn tới. Chẳng hạn, họ ra điều kiện ép chúng tôi cắt ba tỉnh miền đông cho họ, chúng tôi chấp thuận, họ lại lừa gạt lấy tiếp ba tỉnh miền tây và một số quần đảo. Sắp tới, rất có thể họ sẽ gây áp lực bắt chúng tôi dâng toàn bộ lãnh thổ cho họ. Thưa ngài tổng thống, những ngày tháng qua sống trên đất Hoa Kỳ, tôi tìm hiểu được biết, trong cuộc chiến tranh trên biển Caribê và cuộc chiến tranh Mêxico, quân đội Pháp đều gây ra cho đội quân của Hoa Kỳ những tổn hại lớn?
– Điều ấy là một sự thật mà không ai có thể phủ định – Ulysses Grant nói.
– Vậy là Hoa Kỳ và Đại Nam cùng có chung một kẻ thù là Pháp – Bùi Viện nói, gương mặt ngài như giãn nở ra – Tôi hy vọng đó sẽ là một điều kiện quan trọng để ngài tổng thống chấp nhận lời đề nghị trong quốc thư giúp chúng tôi đánh Pháp?
– Ngài quan xứ nói đúng – Ulysses Grant khẳng định – Nếu chúng ta thoả thuận được thì tới đây trên lãnh thổ Đại Nam, quân đội Pháp sẽ phải trả món nợ máu với chúng tôi!
– Ngài tổng thống nói thế làm tôi vui quá rồi – Bùi Viện không kìm được nỗi xúc động bật thốt ra thành lời – Nhưng tôi còn muốn biết, ngài tổng thống nghĩ sao về đất nước chúng tôi?
– Tôi trở thành tổng thống từ một nhà quân sự – Ulysses Grant nói – Chính trị, ngoại giao đều không phải là sở trường của tôi. Nhưng từ hôm được tin ngài quan xứ thay mặt triều đình Đại Nam sang đây với mục đích đặt quan hệ ngoại giao, tôi không thể không tranh thủ tìm hiểu một số nét chính về xứ xở của ngài. Đất nước của ngài có chiều dài lý tưởng, toàn bộ phía đông giáp biển, phía tây hầu hết là núi, ở giữa – chạy dọc từ bắc vào nam – là đồng bằng mầu mỡ, trù phú. Đại Nam lại ngự ở một vị trí giao thương qua lại với nhiều quốc gia. Tóm lại, đất nước của ngài có nhiều điều kiện để phát triển thành một quốc gia giầu có, hùng mạnh. Nhà tư bản công nghiệp hay thương mại nào nhìn vào đất nước của ngài cũng thèm thuồng cả. Một đất nước như thế nên không có gì là khó hiểu về việc người phương bắc nhiều lần xua quân sang xâm lược. Lần nào họ cũng bị Đại Nam đánh cho tan tác, xác chất thành gò, máu chảy thành sông, nhưng họ vẫn không từ bỏ mưu đồ. Rồi bây giờ thì con bạch tuộc Đại Pháp cứ vươn mãi bộ vòi gớm guốc cuốn dần từng tấc đất của các ngài vào cái bụng không đáy rất đáng ghét của họ!
– Vậy là ngài tổng thống rất có thiện chí với đất nước của chúng tôi – Bùi Viện nói, bụng tràn đấy sự hân hoan phấn khích – Tôi xin cám ơn ngài tổng thống!
– Cho nên – Ulysses Grant nói tiếp – Để cứu đất nước của ngài thoát khỏi con bạch tuộc bẩn thỉu đó thì mối bang giao giữa chúng ta không thể chậm trễ được nữa… Nhưng có một điều tôi còn băn khoăn muốn hỏi ngài quan xứ: Phải chăng bấy lâu nay người Đại Nam không thực sự có cảm tình với người Hoa Kỳ?
– Thưa ngài tổng thống, tôi chưa hiểu vì sao ngài lại hỏi một câu như vậy?
– Bởi vì, tôi đọc tài liệu được biết, năm 1832, dưới triều vua Minh Mạng, một phái đoàn của chính phủ Hoa Kỳ do thuyền trưởng Edmund Roberts dẫn đầu, mang theo một quốc thư của tổng thống Andrew Jacksơn do ngoại trưởng Livingston khởi thảo, sang Đại Nam yết kiến nhà vua xin thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Phái đoàn được triều đình đón tiếp rất long trọng, mở tiệc chiêu đãi lớn, mặc dù thức ăn không hợp khẩu vị người Hoa Kỳ cho lắm, nhưng vua Minh Mạng lại không ra tiếp! Phái đoàn xứ bộ Hoa Kỳ đủ tinh ý để nhận ra rằng, thái độ đó của nhà vua là một cách từ chối quan hệ, họ đành phải xuống tàu ra về trong thất vọng!
– Thưa ngài tổng thống, theo chỗ tôi hiểu thì sự thật hoàn toàn không phải thế – Bùi Viện thấy cần phải có trách nhiệm biện hộ cho vua Minh Mạng – Chỉ vì hôm ấy hoàng đế của chúng tôi bị bệnh cảm cúm, ngài e xuất hiện sẽ lây truyền bệnh sang phái đoàn. Hơn nữa, thời điểm ấy, chúng tôi thực sự chưa có nhu cầu thiết lập quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ!
(Điều này thì Bùi Viện buộc phải làm cái việc trái ngược với bản chất của ngài là nói dối. Dù là kẻ hậu sinh, nhưng Bùi Viện đã tìm hiểu mà biết được rằng hôm ấy, vua Minh Mạng không ra tiếp phái đoàn vì ngài đọc trước quốc thư của tổng thống Andrew Jacksơn phát hiện ra có một câu “thất lễ”. Đáng lẽ cái câu ấy phải viết đầy đủ là “Kính gửi Đại Nam Hoàng Đế Bệ Hạ” thì lại chỉ ghi “Gửi Đại Hảo Hiếu”! Ngài đã nổi giận vì cái câu cộc lốc đó!)
– Tôi nhắc lại sự kiện đó để muốn nói rằng, người Hoa Kỳ không hề thiếu thiện chí với người Đại Nam các ngài – Ulysses Grant nói – và đương nhiên, sự kiện đáng buồn đó không hề ảnh hưởng xấu tới công việc của chúng ta hôm nay. Còn bây giờ, xin ngài quan xứ chờ một lát, ông trợ tá của tôi thảo xong hiệp ước, ngài và tôi cùng ký!
Bùi Viện không ngờ công việc đàm phán lại dẫn đến kết quả nhanh chóng như vậy. Lát nữa, chỉ cần ngài đặt bút ký một chữ thì mối quan hệ bang giao Đại Nam – Hoa Kỳ tức khắc được thiết lập.
Nhưng Bùi Viện không dám hạ bút ký. Bởi ngài chưa hề được phong một tước hiệu gì, càng không phải quan chánh xứ. Chuyến đi này vua Tự Đức chỉ giao cho Bùi Viện thăm dò tìm kiếm đối tác. Những ngày sống ở Oa-sinh-tơn, Bùi Viện có sự so sánh: các hoàng đế Đại Nam do đạo Nho chi phối nên tính chuyên quyền độc đoán mạnh hơn các tổng thống Hoa Kỳ, là những người theo đạo Thiên Chúa hoặc đạo Tin Lành. Thời hoàng đế Minh Mạng, chỉ vì một câu trong quốc thư của tổng thống Hoa Kỳ không phù hợp với khẩu vị của vua mà đã bỏ lỡ một cơ hội bang giao. Vua Tự Đức tuy không có máu chuyên quyền đến độ cực đoan như ông nội, nhưng tính ngài khi nóng khi lạnh thất thường. Bùi Viện không thể liều lĩnh. Ngài phải đặt luật lệ của triều đình lên trên hết.
– Thưa ngài tổng thống – Bùi Viện nói – Xin ngài hãy coi lần này tôi sang đây cùng ngài thực hiện bước một là đàm phán. Một cuộc đàm phán rất thành công. Sau đây, tôi còn trở về cố quốc thỉnh lên vua. Được vua chuẩn y, chúng tôi sẽ trở lại Hoa Kỳ vào một ngày sớm nhất để ký hiệp ước chính thức với ngài!
Ulysses Grant dang hai cánh tay ra, lắc lắc đầu tỏ vẻ như thất vọng:
– Có lẽ chúng tôi và các ngài khác nhau ở điểm này: chúng tôi coi trọng chất lượng, hiệu quả công việc, còn thủ tục chỉ là thứ ăn theo. Thật tiếc! Tuy thế, chúng tôi sẽ tôn trọng lời đề nghị của ngài quan xứ!
*
– Bẩm hoàng thượng – Bùi Viện khấu đầu trước vua Tự Đức tường trình về chuyến xuất dương – Đang mùa biển động, tàu bè đi lại khó khăn. Từ cửa Thuận An, thần đi nhờ tàu đến Hương Cảng. Từ Hương Cảng, thần lại đi nhờ một con tàu khác sang Nhật Bản. Từ Nhật Bản thần lại đi nhờ một con tàu khác nữa sang Hoa Kỳ. Lúc về thì phải đi theo một quy trình ngược lại, cũng nhiêu khê như thế. Chuyến xuất dương của thần, tính cả thời gian đi, về và những ngày tháng sống trên đất Nhật Bản, Hương Cảng và Hoa Kỳ, tổng cộng là một năm rưỡi!
– Trẫm cho khanh bình thân! – Tự Đức nói – Thời gian khanh xuất ngoại tình hình ở trong nước ngày càng xấu. Người Pháp o ép, trẫm buộc phải hạ bút ký vào bản hoà ước Giáp Tuất, giao toàn bộ lãnh thổ cho họ. Từ đó, họ được thể truy lùng những người thuộc phe chủ chiến tàn sát rất đẫm máu. Súng của họ bằng thép, bắn đâu trúng đấy. Súng thần công của ta bằng đồng, nhằm một đằng đạn bay ra một nẻo. Nguyễn Tri Phương không giữ được thành Hà Nội đành phải tuẫn tiết! Vậy cho nên trẫm rất mong tin khanh. Hãy nói ngay trẫm nghe, chuyến đi có mang lại một kết quả nào không?
– Bẩm hoàng thượng chí tôn – Bùi Viện nói – thần đã bắt mối quan hệ được với nước Hoa Kỳ ạ!
– Hoa Kỳ à – Tự Đức vỗ vỗ tay lên trán như lục tìm trong trí nhớ – À, trẫm nhớ ra rồi! Từ thời hoàng đế ông nội trẫm đã có một đoàn xứ bộ Hoa Kỳ đi theo tàu vào dâng quốc thư xin đặt quan hệ với triều đình, nhưng ông nội trẫm không ưa đám ấy mà đã từ chối! Hình như nước ấy ở cách xa ta lắm?
– Bẩm hoàng thượng, Hoa Kỳ đúng là ở cách xa ta hơn cả Bồ-đào-nha, Hà Lan, Pháp… nhưng lại là một quốc gia mới nổi, đang rất mạnh cả về kinh tế lẫn quân sự. Qua tiếp xúc với ngài tổng thống, thần thấy ông ta không đến nỗi ngạo mạn, khó gần như bấy nay chúng thần vẫn nghĩ ạ.
– Sao? Khanh đã tiếp xúc với tổng thống Hoa Kỳ? – Tự Đức trợn trừng mắt lên như không thể tin điều này là có thật – Vậy khanh và ông ta đã nói với nhau những gì?
– Bẩm hoàng thượng chí tôn. Tổng thống và thần đã có một cuộc đàm phán nghiêm túc, rồi đi đến nhất trí: Hoa Kỳ và Đại Nam sẽ đặt quan hệ ngoại giao toàn diện, lâu dài. Việc lớn trước mắt, Hoa Kỳ sẽ giúp Đại Nam đánh đuổi quân Pháp ra khỏi bờ cõi vương quốc ta!
– Khanh nói thật hay bịa hả?
– Bẩm hoàng thượng, sự thật là như thế, thần đâu dám bịa. Nhưng còn một sự thật nữa, ấy là khi viên trợ tá của tổng thống thảo xong hiệp ước thì thần chưa dám ký!
– Vì sao khanh không dám ký?
– Bẩm hoàng thượng chí tôn, bởi việc đó không thuộc quyền hạn của thần. Hơn nữa, để có cuộc đàm phán với tổng thống, thần đã phải làm một tờ quốc thư giả, khắc giả ấn tín của hoàng thượng, thuê thợ Hoa kiều ở Oa-sinh-tơn may một bộ triều phục tam phẩm khoác vào người.
– Sao, khanh dám làm việc đó? Bậy quá! Phạm thượng! Ba lần phạm thượng! Khanh đáng tội chết!
– Bẩm hoàng thượng, thần biết, làm việc mạo muội ấy – Bùi Viện khấu đầu cúi rạp xuống – là đã mang trọng tội. Thần xin được hoàng thượng xử tội ạ!
Vua Tự Đức lại trợn trừng mắt lên vì không ngờ Bùi Viện dám làm những việc ghê gớm ấy. Nhưng ngẫm nghĩ một lát, ngài lấy lại vẻ mặt lành lạnh, phán:
– Quốc thư của ta, ấn tín của ta đâu phải làm bằng những thứ vật liệu dơ dáy hôi hám nhặt ở ngoài đường ngoài chợ, hử? Cũng còn may cho khanh là chưa hạ bút ký vào bản hiệp ước, chứ không ta đã giao cho Bộ hình chém đầu khanh ngay lúc này rồi!
Bùi Viện vội khấu đầu, thảng thốt:
– Đội ơn hoàng thượng đã tha tội chết! Hoàng thượng vạn vạn tuế!
– Trẫm cho khanh bình thân! – Tự Đức hạ giọng – Còn công việc tiếp theo, ý khanh thế nào?
– Bẩm hoàng thượng, theo thần, ta nên lập một đoàn xứ bộ, thay mặt triều đình sang Hoa Kỳ để ký hiệp ước ạ.
Tự Đức tỏ vẻ suy ngẫm một lát rồi phán:
– Tình thế lúc này, sẽ chẳng còn cách nào hay hơn! Trẫm sẽ nghe theo ý khanh. Lập một phái đoàn xứ bộ. Trẫm thăng cho khanh chức chánh xứ. Phó xứ và đoàn tuỳ tùng là những ai, trẫm cho phép khanh tiến cử, trẫm sẽ phê chuẩn!
– Bẩm hoàng thượng chí tôn, thần xin tuân chỉ! Đội ơn hoàng thượng! Hoàng thượng vạn vạn tuế! – Bùi Viện lại khấu đầu, bụng nghĩ: Trước kia, Nguyễn Trường Tộ, Phạm Phú Thứ… đi tây về dâng sớ xin đặt quan hệ ngoại giao và học theo họ mà canh tân đất nước, vua đều tỏ thái độ thờ ơ, lạnh nhạt. Bây giờ vua lại tỏ ra dễ dãi với mình, chứng tỏ chuyện tồn vong của xã tắc đã ở trong tình thế trứng treo đầu đẳng, sinh mạng ngài cũng đã hoàn toàn phụ thuộc vào bọn Pháp, ngài không thể thúc thủ trong cái vỏ ốc mãi được nữa!
*
Vào dịp cuối xuân, đầu hạ năm Ất Hợi (1875) đoàn quan xứ Đại Nam mới đến được Oa-sinh-tơn. Nhờ sự giúp đỡ của viên trợ tá, không phải ăn chờ nằm chực gì, họ được tổng thống Ulysses Grant đón tiếp ngay. Đoàn quan xứ Đại Nam vốn đang còn rất mệt mỏi vì lênh đênh trên biển dài ngày, nhưng khi bước vào phòng khách được tổng thống cùng mấy viên trợ tá bắt tay chào đón thì những gương mặt phờ phạc, hốc hác của họ như giãn nở, tươi tắn hẳn lên. Có điều, sau khi dâng quốc thư chính thức của vua, Bùi Viện lại cảm thấy gương mặt tổng thống Ulysses Grant có vẻ thâm trầm hơn cuộc gặp trước, như đang có điều gì khiến ngài quan ngại. Phỏng đoán của Bùi Viện đã không sai. Ulysses Grant suy nghĩ, ngập ngừng một lát, ngài mới nói được cái điều định nói:
– Kể từ lần trước, ngài quan xứ sang đây – Ulysses Grant nhìn thẳng vào mắt Bùi Viện – tính đến nay vậy là đã tròn một năm! Nó quá lâu so với tiến trình đàm phán, ký kết một hiệp ước!
– Thưa ngài tổng thống – Bùi Viện nói – Xin ngài hãy mở lòng thông cảm với chúng tôi, bởi đường xa, dặm thẳm trùng khơi, tàu bè lại quá thô sơ…
– Tôi biết – Ulysses Grant nói – Vậy bây giờ ý kiến của triều đình Đại Nam ra sao?
– Thưa ngài tổng thống – Bùi Viện nói – Sau khi nghe tôi tường trình cuộc đàm phán giữa tôi và ngài, hoàng đế của chúng tôi đã nhất trí như các điều khoản trong dự thảo. Hôm nay chúng tôi thay mặt hoàng đế sang đây thực hiện phần việc còn lại là cùng với ngài tổng thống hoàn tất bản hiệp ước!
– Nghĩa là các ngài vẫn muốn đặt quan hệ ngoại giao với chúng tôi? – Ulysses Grant hỏi.
– Và muốn quân đội Hoa Kỳ khẩn trương sang Đại Nam giúp chúng tôi đánh Pháp nữa! – Bùi Viện tiếp lời.
– Rất tiếc – Ulysses Grant lại dang hai cánh tay ra, đầu lắc lắc, một thói quen mỗi khi ngài tỏ ra thất vọng về một điều gì đó – Bây giờ chúng tôi không còn có nhu cầu đánh Pháp nữa! Bởi năm trước, sau khi ngài Bùi Viện rời Hoa Kỳ về nước thì có đoàn quan xứ Pháp sang đây xin cầu hoà và thiết lập quan hệ ngoại giao với chúng tôi. Tóm lại, họ nhanh chân hơn các ngài!
– Thưa ngài tổng thống – Bùi Viện nói, giọng run run vì quá bất ngờ – Ngài nói thế chẳng hoá ra người Hoa Kỳ đã quên mối thù với người Pháp? Nghĩa là máu người Hoa Kỳ đổ ra vì những tay súng người Pháp đã hoá thành nước lã?
– Lúc này, tôi rất cảm thông với những lời bức xúc, có vẻ bất nhã của ngài quan xứ Bùi Viện – Ulysses Grant vẫn bình thản nói – Tôi biết ở Đại Nam các ngài, người cùng trong một nước, thậm chí một dòng họ sau khi vô tình hay hữu ý phạm tội với nhau cũng có thể ôm mãi mối thù, rồi khi có cơ hội thì trả thù, có khi trả thù vô cùng tàn khốc, như tru di tam tộc, ném vào chuồng cho thú ăn thịt, cho voi giày ngựa xéo, đào mồ mả giã hài cốt thành cám rắc xuống sông…vân vân… Ngô Thì Nhậm là một danh tướng, một nhà thơ, một trí thức lớn lại bị người ta nọc ra trước sân Văn Miếu – Quốc Tử Giám, chốn thiêng của nền văn hiến, để đánh đòn thù cho đến chết. Đọc những trang sử ấy của các ngài, tôi rất sửng sốt và vô cùng xúc động. Đối xử với kẻ thù bằng thù hận thì hận thù sẽ chồng chất mãi lên, đầu rơi máu chảy sẽ không có hồi kết! Người Hoa Kỳ chúng tôi, trong lịch sử cũng có những chuyện đối xử với nhau rất tàn bạo, đẫm máu. Nhưng đấy là trong chiến tranh. Khi cuộc chiến chấm dứt thì lại phải nhanh chóng thiết lập mối quan hệ của cuộc sống thời bình! Trong quá khứ, quân đội Mỹ bị đổ khá nhiều máu dưới những tay súng người Pháp. Nhưng bây giờ họ đã xin cầu hoà, ký hiệp ước quan hệ ngoại giao với chúng tôi, lẽ nào chúng tôi lại còn sang Đại Nam mà xua đuổi, bắn giết họ?
Nghe những câu đó, gương mặt cương nghị của Bùi Viện cứ ngây ra, bởi ngài chưa bao giờ lường tới tình huống này. Ulysses Grant nói tiếp:
– Quan sát vẻ mặt ngài quan xứ, tôi hiểu rằng ngài chưa thật tin những điều tôi vừa nói. Vậy tôi xin đưa thêm một dẫn chứng về cách hành xử của người Hoa Kỳ chúng tôi. Cách đây 14 năm, tổng thống Abe Lincoln ban hành sắc lệnh giải phóng nô lệ trên toàn bộ lãnh thổ Hoa Kỳ. Sắc lệnh ấy được người miền bắc đồng tình, nhưng người miền nam thì chống lại. Người miền nam chống lại vì những quyền lợi cục bộ của giới quý tộc quen kiếm ăn trên lưng những người nô lệ. Thế là xẩy ra cuộc nội chiến giữa người miền bắc và người miền nam. Cả nước Hoa Kỳ chìm trong máu lửa. Tôi làm tổng chỉ huy quân đội miền bắc. Tướng Robert E.Lee là tổng chỉ huy quân miền nam. Cả hai phe đều có những chuyện đốt phá, bắn giết, hãm hiếp rất dã man, tàn bạo. Có những trận người của cả hai bên chết phơi thây dầy đặc trên những cánh đồng lúa mạch, máu nhuộm đỏ thẫm từng thước đất. Cuộc chiến huynh đệ tương tàn này kéo dài bốn năm, gần một triệu mạng người của cả hai miền tử vong và mang tật nguyền! Rồi đến khi nhận thấy đội quân phương nam của mình không còn đủ sức đọ súng với quân miền bắc nữa, tướng Lee quyết định gửi cho tôi bức công thư xin đầu hàng. Nhận được công thư, ngay lập tức tôi ban một sắc lệnh nghiêm cấm các sĩ quan và binh sĩ miền bắc không được có một hành động vô lễ nào với tướng Lee và đội quân của ngài. Không những thế, khi tướng Lee và đoàn tuỳ tùng vượt qua phòng tuyến đến nơi đầu hàng, tôi còn cho đội quân nhạc cử hành một bản nhạc rất du dương đón chào họ. Cá nhân tôi cũng giành cho tướng Lee những cử chỉ như nghênh tiếp một người anh hùng, dù đó là người anh hùng bại trận! Sau này, ảnh chân dung tướng Lee và ảnh chân dung tôi được treo ngang nhau cùng những lời tôn vinh trong bảo tàng quốc gia. Theo quy luật của chiến tranh thời đó, quân đội của miền nam khi đầu hàng sẽ bị quân đội miền bắc tước bỏ mọi vũ khí, trang bị trên người rồi thả cho về quê cũ làm dân thường. Tướng Lee chấp hành rất nghiêm chỉnh điều luật ấy. Ngài chỉ xin tôi một điều ngoại lệ, rằng cho binh sĩ của ngài giữ lại số lừa và ngựa. Vì lính miền nam khi đi chiến đấu đã mang theo những con lừa, con ngựa từ nông trại của họ chứ không được chính phủ cấp như lính miền bắc. Dĩ nhiên là tôi đã chấp nhận nguyện vọng của họ. Tôi nói với họ rằng, kể từ nay nền hoà bình đã được lập lại trên toàn quốc. Cuộc sống thời bình sẽ không chấp nhận bất cứ một hành động trả thù, bắn giết nào. Máu người da trắng, da màu hay da đen thì cũng là nguồn máu được nuôi dưỡng bằng thức ăn nước uống trên đất đai xứ xở hợp chủng quốc Hoa Kỳ, đều phải được quý trọng như nhau…Tôi kể chuyện này hoàn toàn không phải nhằm mục đích khoe khoang về cá nhân tôi, cũng không có ý dậy dỗ các ngài, mà chỉ với hy vọng được ngài quan xứ cùng phái đoàn xứ bộ Đại Nam hiểu và cảm thông với chúng tôi, tránh cái tiếng rằng chúng tôi bội ước với các ngài!
– Thưa ngài tổng thống – mặt đã nóng phừng phừng, nhưng Bùi Viện cố kiềm chế, nói – Phải chăng, trong con mắt của ngài, người Đại Nam chúng tôi tầm thường, mọi rợ lắm nên ngài mới thay đổi cách đối xử nhanh như vậy?
– Một vương quốc từng đánh bại mười vạn quân xâm lược nhà Tống, ba lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông, đánh cho quân Minh tử trận xác chất đầy ải Chi Lăng, tắc nghẽn sông Nhị Hà, xác hai mươi vạn quân Mãn Thanh mà huyệt mộ phải đắp thành gò ở Đống Đa… thì không thể là một vương quốc yếu kém! Một dân tộc sinh ra những cây bút viết lên những câu thơ tráng lệ như “Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư…” thì không thể là một dân tộc tầm thường! – Ulysses Grant nói – Ngay cả nhân vật mà dư luận trong nước ngài đang bàn cãi như Phan Thanh Giản, có thể nhiều người chê ông ta là hèn nhát, nhưng tôi lại cho rằng, trong hoàn cảnh ấy, ông ta khó có sự lựa chọn khả thủ hơn. Hành động ông ta tự trừng phạt mình bằng cái chết chứng tỏ ông ta có một nhân cách không hề tầm thường!
– Cám ơn ngài tổng thống đã có những lời rất đúng về dân tộc chúng tôi – Bùi Viện nói, tâm tính đã bắt đầu hạ nhiệt.
– Nhưng việc Hoa Kỳ và Đại Nam hôm nay không ký được hiệp ước ngoại giao lại là chuyện khác, thưa ngài quan xứ! – Ulysses Grant vừa nói vừa đứng lên.
Bùi Viện cùng đoàn quan xứ không thể không đứng lên theo. Họ lần lượt bắt tay chào tổng thống. Ulysses Grant tiễn đoàn ra tận cửa chính Nhà Trắng mới giơ tay vẫy chào tạm biệt họ.