Bút kí. HOÀNG THỊ TRÚC LY

Chị gọi điện giọng da diết: Bông điên điển lại nở vàng đồng rồi, em đi với chị được chưa?

Đã bao mùa điên điển tôi thất hẹn cùng chị. Muốn lắm, nhưng bị công việc cuốn đi. Lần này, thì quyết tâm đi…

Hôm ấy, bình minh sớm hơn mọi ngày, mây vàng trải lãng đãng, nối đuôi nhau in xuống mặt sông mùa lũ mênh mang, sóng bập bềnh hệt như những chiếc xuồng trong buổi hành quân ngày nào. Giữa dòng, trên chiếc xuồng ba lá, cánh tay chị nhỏ nhắn lướt theo mái dầm, đầu đội nón lá che hết nửa khuôn mặt, trên vòng cổ là chiếc khăn rằn đen trắng, một đầu khăn tung xõa xuống bờ vai. Mấy mươi năm đón bình minh là những tia sáng len lỏi trong căn phòng nhìn ra cũng chỉ thấy những ô cửa kiếng và tường vôi, tôi đã bao giờ gặp lại mình ở tháng ngày xưa cũ? Nghĩ đến đây, tôi thấy cổ mình nghèn nghẹn. Giọng chị í ới vang động khúc sông. Cho đến khi chị ghé xuồng sát bờ rước, tôi vẫn đứng bất động, không thể vẫy tay càng không thể đáp lại một lời.

– Phúc! Lên xuồng nhanh đi em!

Chị ghé phần bánh lái cặp sát bờ. Tôi vịn vào bụi lau đang lòa xòa xuống nước để nhảy lên xuồng. Chiếc xuồng chòng chành. Tôi còn đang lóng ngóng, chị thẩy cho mái chèo nói bơi tiếp chị. Chị sợ tôi không thể lèo lái chiếc xuồng nên gợi ý đổi chỗ, tôi đằng mũi xuồng còn chị sẽ ra phần bánh lái. Tôi không chịu, vội thanh minh là chị không nhớ sao, trận Mương Tám Xóm (xã Phước Hưng, biên giới huyện An Phú, An Giang) em còn chỉ huy cả đại đội đánh trên xuồng. Biết bao đồng chí hành quân vào Nam chiến đấu chẳng biết bơi, biết lội, mặt nước khi ấy đã xóa nhòa ranh giới đâu là ruộng, đâu là sông em vẫn có thể giúp các đồng chí ấy tác chiến, đánh địch tan tác… Tối đó, mình đánh vào đội hình phòng ngự, đánh thọc sâu vào sở chỉ huy của quân Pol Pot. Chiếc xuồng do ba đồng chí là người miền Bắc lái đều không biết bơi. Phát hiện ra xuồng của ta, đại liên của địch bắn xối xả. Người giữa xuồng hi sinh, hai đồng chí còn lại đều bị thương nặng. Chiếc xuồng xoay mòng, em vội lặn ra mép ván đưa xác người đồng đội lên một chiếc xuồng khác. Hai người còn lại kịp vịn vào thành xuồng, tấp vô dề lục bình chỗ đám trà, trước khi chiếc xuồng đứt lìa ra làm đôi…

– Lần ấy, chị nhớ em bị bắn bể mông mà. Chở về trạm quân y tiền phương, máu me loang lổ khắp người, chị vừa băng bó vết thương cho em vừa nghe em căn dặn mọi người chôn cất Việt. Hài cốt Việt sau này đã được đưa về quê nhà chưa em?

Nhắc tới Việt, tôi buông tiếng thở dài đánh thượt theo nhịp chèo rẽ nước. Việt quê ở Thanh Hóa vào An Giang từ những ngày đầu Pol Pot tràn sang. Chúng tôi bằng trang lứa, tính thâm trầm của Việt khiến cả hai nhanh chóng kết thân. Chính tôi dạy cho cậu ấy bơi. Việt kể, quê ở một huyện núi cao, không có sông nước mênh mông thế này, nhưng trên đồi, nước suối rất ngọt và trong, nấu nước chè tươi thanh mát, hương thơm thoang thoảng. Những buổi sáng mùa xuân se lạnh, mưa phùn rơi trắng xóa, ngồi trong nhà uống nước chè tươi khói bay nghi ngút, thưởng sắc đào hé nở thú vị vô cùng. Việt luôn mang theo hình ảnh quê nhà để tự hào khoe với chúng tôi như một cách để vợi đi nỗi nhớ và với một niềm tin, niềm hi vọng sẽ đón chúng tôi ra thăm quê sau ngày hòa bình. Tôi và đồng đội đã nhiều lần đi tìm Việt trong khấp khởi hân hoan để rồi thất vọng. Chúng tôi đã xới tung cả khoảng ruộng này mà không sao tìm thấy người anh em của mình. Ngày tôi ra Thanh Hóa để thăm gia đình Việt, tôi mang theo nắm đất của đồng ruộng phương Nam đưa về quê nhà cậu ấy, lòng tin chắc một điều Việt đã hóa vào phù sa mỡ màu quê tôi…

Nước sông mùa này đã bắt đầu cuộn, mái chèo rẽ nước phát ra tiếng xèo xèo, nhẹ nhưng sắc ngọt, chị bất giác rút mái dầm để vào lòng xuồng. Tôi cũng lặng lẽ khẽ gác mái chèo để lên đùi mặc con xuồng lênh đênh theo gió sông. Mùa này điên điển dọc theo bờ ruộng nở bông vàng rực soi bóng xuống mặt nước dập dềnh. Loài hoa kì lạ của riêng vùng đất quê tôi đã làm say lòng bao người lính trận mạc từ tận trời miền Bắc. Sóng gió vỗ mạn xuồng dạt vào bụi điên điển. Gió theo con nước lớn thêm, thổi đánh ngang bung xõa những sợi tóc mỏng bàng bạc của chị. Tôi hái một chùm bông điên điển cài lên mái tóc chị: Em xin phép thay anh Tư tặng chị. Nói rồi, tôi vội quay mặt hướng ra mặt sông. Tôi sợ phải lần nữa nhìn thấy nỗi khắc khoải, đau buốt đến tận tim gan trong đôi mắt hun hút ấy. Chị mạnh mẽ mà yếu đuối. Khi nhận tin báo người yêu của chị (anh trai tôi) đã hi sinh, chị cũng lẳng lặng cắn môi, nuốt nước mắt vào trong lòng. Đêm ấy, tôi thấy chị ngồi trên vồ đá. Giữa gập ghềnh núi cao, bóng chị đổ dài xuống vách núi. Mắt ngóng về ngọn núi phía bên kia, vẫn còn vọng lại đâu đây tiếng bom đạn sắc lạnh.

Những tháng năm chiến đấu gian khổ, mùa nước anh em hái bông điên điển chấm cá kho. Chúng tôi đôi khi phải mút đũa nhìn nhau, ăn xong vẫn thòm thèm. Bây giờ, nhiều lúc ngồi ăn canh chua bông điên điển, tôi chỉ chực gắp là đã thấy khó nuốt. Chẳng phải vì sức khỏe yếu mà bởi mỗi mùa nước mới bông điên điển cá linh đã thành đặc sản quê nhà… Xuồng trôi gần đến biên giới. Đoạn sông này hẹp, nước từ đầu nguồn đổ về mải miết nhưng chẳng hiểu sao lục bình vón cục, dàn trận chằng chịt mặt sông. Lục bình trổ bông vươn lên khỏi mặt nước, tim tím điểm trong màu xanh của lá ấp iu. Chúng ít khi sống đơn lẻ mà tụ họp cả dòng họ, có di cư cũng kéo cả làng cùng trôi. Những cây lục bình độc hành sẽ khó mà chống chịu, trụ lại cùng sóng nước. Đời người lính nào khác những dề lục bình kia. Chúng tôi kề vai sát cánh, bên nhau vào sinh ra tử, có hành quân cũng đi thành đoàn, dựng thành thế trận trấn giữ bờ cõi quê hương. Nhìn lục bình chen chúc xếp hàng hàng lớp lớp nơi cửa sông, tôi chợt nghĩ, từ bèo cỏ quê nhà cũng mang dáng dấp, hình hài của người lính trong tư thế phòng thủ và tiến công. Nước đổ cũng không đi mà nước ròng cũng ở lại. Hai chị em tôi rẽ bèo, khẽ khàng lách xuồng, khéo léo nhất có thể để tránh làm dập những cánh tím mỏng mảnh. Biết ơn lắm loài hoa bèo bọt. Đời lính giữa vùng sông nước này, mấy ai chưa từng nương theo loài cây ấy mà vượt qua những lần truy quét, rượt đuổi của quân thù?

Khi xuồng vượt khỏi khúc eo, chị ngừng mái chèo, lia máy chụp vội như muốn thu nhận lại tất cả hình ảnh mà trí não không thể lưu trữ hết.

Chúng tôi bơi xuồng qua cánh rừng bên kia biên giới An Giang sau khi được sự cho phép của bộ đội biên phòng. Để đến được cánh rừng già vùng Khett Takev, chúng tôi phải vượt qua một đoạn đường ruộng. Năm trước, có dịp đi khảo sát vùng biên (khi chưa về hưu), tôi cũng đã đặt chân lên đoạn đường này. Lúc đó vào mùa khô, cánh đồng ngút ngát một màu xanh thanh xuân, cây lúa uốn lượn theo đường biên mềm mại như mái tóc của nữ thần bầu trời mơ màng xõa xuống dải biên cương Tây Nam Tổ quốc. Ai chưa từng trải qua cuộc chiến đau thương ngày ấy, khó có thể hình dung được rằng, nơi đây từng có những tháng ngày máu nhuộm đỏ những bông lúa vàng, đạn bom gầm rú bật tung những gốc da. Lại nói về những gốc da, lần nào có dịp đi công tác, tuần tra dọc biên giới Long Bình, tôi cũng đến viếng “cụ” da. Thân cụ bây giờ mười người ôm không xuể, trên đó còn hằn nhiều vết sẹo của đạn bom. Cụ da thiêng lắm. Người dân quanh vùng lập miếu dưới gốc cụ. Họ kể, đêm đêm hay thấy cả đám thanh niên chuyện trò, cười nói rôm rả dù chả đứa trai trẻ nào bây giờ còn có cái thú ngồi tán gẫu suông. Tôi chưa kể chuyện này với ai bao giờ. Cũng sợ họ không tin. Chỉ những linh hồn đồng đội xưa kia, tôi tin họ đang có những phút giây thanh thản nhất, tự tại nhất để nhìn về chúng ta bằng ánh mắt mãi mãi tuổi đôi mươi trong trẻo… Gió rít ngang qua tai, khiến tôi khẽ rùng mình, cái rùng mình của cảm giác khi một mình đến viếng các nghĩa trang. Lòng tôi chùng xuống, tôi nuốt ực nước miếng như sắp trào ra trong vòm họng. Chị không lia máy, dù cánh đồng đẹp lóng lánh giữa bạt ngàn trời nước. Nắng mơn man trên những lá súng dập dờn bung xòe đan dính liền nhau. Tôi nhìn theo hướng mắt chị, đôi mắt hun hút trải theo thời gian đọng lại phía ngọn nguồn đất quê. Có điều gì trong đôi mắt ấy? Tôi không nỡ phá cái phút giây thiêng liêng kia. Tôi nheo mắt, chả biết nắng làm lóa nhóa hay đàn cá đang lặn ngụp đuổi theo nhau mà tôi thấy những sải tay đang bơi về phía chúng tôi mỗi lúc một gần, gần hơn và chớp mắt là… mất hút.

Chúng tôi buộc xuồng vào gốc cây bằng lăng. Tôi nhảy lên bờ trước, đưa tay ra đón chị. Chị không lên ngay mà ngồi thẫn thờ ngắm hàng lau sậy ở vạt nước bìa rừng. Tôi không vội, cũng không nỡ gọi, cứ thế để đôi mắt ấy trôi tuột về khoảng trời hun hút. Ngày ấy, đã có bao chiếc xuồng cập bến nơi đây, bao lần bông cỏ lau trắng muốt vẫy tay đưa tiễn là bấy nhiêu lần vĩnh viễn chia xa. Những nữ y tá chiến trường như chị lại càng không thể nào đếm xuể bao lần vẫy tay tiễn biệt như thế. Tiễn người đi trong an vui, lành lặn. Đón người về may lắm mới được một thân thể nhầy nhụa còn chút sức tàn, còn đau đớn hơn là những mảnh hình lạnh băng, mà linh hồn còn đang phiêu diêu nơi trận mạc. Người lính trong họ không cho phép sự ủy mị dù trái tim phụ nữ vẫn thổn thức như mặt nước trong xanh nhưng ẩn trong lòng có những hố sâu cuồn cuộn. Chị từng kể, mình rất thích bài hát Chờ người của nhạc sĩ Lam Phương và chẳng hiểu sao khi nhìn những con đò nhỏ buộc bên những hàng cây lặng lẽ, chị đau xót vô ngần. Nghe chị kể, tôi chạnh lòng chợt nhớ đến vợ mình. Suốt những năm tôi tham gia chiến tranh biên giới Tây Nam rồi mười năm làm nghĩa vụ quốc tế, nàng cũng đã mỏi mòn chờ tôi. Lại nhớ, khi thông báo cho vợ biết sẽ cùng chị về thăm lại chiến trường xưa, nàng ăn ngủ không yên. Khi tìm mọi cách ngăn cản không được, nàng đâm lo và dặn dò không thiếu thứ gì. Có khi còn hơn cái thời tôi đi lính đóng quân ở Campuchia. Chúng tôi cưới nhau khi trận chiến biên giới Tây Nam vừa nổ ra. Năm 1977, tôi đóng quân ở nhà nàng, vì mến bộ đội, ba má đã gả nàng cho tôi. Tình yêu sét đánh, vừa gặp đã thương. Cưới vợ xong, đơn vị tôi chuyển vị trí đóng quân, tôi gửi nàng ở nhà cha mẹ vợ, theo đồng đội lên đường. Suốt quãng đời tươi đẹp nhất của người phụ nữ, vợ tôi như nàng vọng phu, tần tảo nuôi con chờ chồng. Tôi nhớ những lần vượt đường rừng phải mất mấy ngày đêm mới về đến nhà thăm vợ. Lần nào nàng cũng khóc. Nhưng biết tính tôi kiên định, quả quyết, nàng chỉ xin tôi ở lại thêm vài hôm. Đối với người lính, quân lệnh như sơn, tôi nghĩ ở thêm vài ngày, rồi vài ngày nữa cũng phải lên đường, mà ở càng nhiều, quyến luyến càng nhiều, khi dứt áo ra đi càng thêm không nỡ. Lần nào ra khỏi cổng nhà cũng chạy như ma đuổi, không dám ngoái lại phía sau, chỉ sợ nhìn cảnh tượng vợ con khóc lóc chạy theo mà mềm lòng. Sự chờ đợi trong nàng chinh phụ cũng tàn nhẫn, cũng giày vò đâu kém chi nỗi đau của người ra trận. Vợ tôi còn phải gồng gánh gia đình, một mình chèo chống nuôi hai đứa con thơ. Trong chiến tranh, có những sự hi sinh còn khủng khiếp, tan nát hơn mà không cần phải có tiếng bom rơi, đạn nổ.

Qua biên giới, điện thoại mất sóng. Sợ vợ lo lắng nên tôi đã chủ động gọi về trước khi đặt chân lên cánh rừng này. Sau khi hỏi thăm sức khỏe, vợ tôi đùa: Nhớ đi tìm thăm vợ hụt nhe! Càng về già, có những chuyện ngỡ đã quên, nhưng nếu được ai đó khơi lại, nó trở nên bồi hồi và không sao dứt ra được. Đó là vào năm 1979 khốc liệt của cuộc chiến diệt chủng Pol Pot. Sau những trận đánh lớn, đơn vị tôi đóng quân ở Ta Keo để vừa chiến đấu vừa bảo vệ, giúp đỡ người dân Campuchia ổn định lại cuộc sống. Buổi trưa hôm ấy, khi vừa đi tuần tra về, có hai người đàn ông đến đơn vị, trông ai cũng bực dọc, cơn nóng giận khiến màu da đen bóng hừng hực như có lửa. Họ đứng trước mặt tôi, kể lại câu chuyện. Người này nói chưa dứt câu, người kia đã chen vô cướp lời. Đại khái là một ông nuôi heo và một ông trồng lúa, heo của ông này xuống ăn đám lúa ruộng ông kia, ông mất lúa mới đánh chết con heo nên ông chủ heo khiếu nại đòi bồi thường. Ngược lại, ông trồng lúa cũng bắt ông nuôi heo bồi thường lúa. Thời chống Mĩ, ba tôi là sĩ quan quân đội, sau bị bắt, để đảm bảo sự an toàn, gia đình tôi đã qua bờ bên kia của nước bạn để sinh sống. Tôi sinh ra ở Campuchia đến khi lên năm, lên sáu mới trở về quê nhà nên cũng biết nói một số từ của người Khmer. Tôi gọi hai ông lại rồi nói: Bây giờ, các ông có thương bộ đội Việt Nam không? Hai người, người mất lúa, người mất heo coi như huề, còn con heo cho bộ đội làm thịt bồi dưỡng, hai ông tính sao? Tôi vừa dứt lời, cả hai gật đầu đồng ý. Bữa đó, cả đơn vị và người trong phum ai có gì mang ra nấy, tổ chức liên hoan. Trong phum, họ thường gọi tôi là ông lớn với vẻ rất kính trọng. Trong khi làm thịt heo, có một người đàn ông ngoài bốn mươi, tay xách cặp vịt với đôi rượu đến gặp tôi xin thưa chút chuyện. Người đàn ông ấy tên Wung Zon, là trưởng phum này. Ông đưa mắt ngoắc đứa con gái đang đứng nép ngoài hàng thốt nốt. Khi cô gái vào tới nơi, Wung Zon bảo: Hôm nay, tôi mang vịt, rượu đến gặp ông lớn, xin cho con gái tôi được gả cho ông lớn. Trong chín điều quy định với quân nhân tình nguyện Việt Nam, có một điều không được quan hệ yêu đương, vợ chồng với người bản địa. Hơn nữa tôi lại là người có vợ. Đời người lính, sống chết trong gang tấc, những đồng đội của tôi, có người chưa một lần được nắm bàn tay con gái đã vội hi sinh. Nhiều người trong giây phút cuối cùng, chỉ ước sao được áp mặt vào ngực người yêu như thế cũng đã mãn nguyện nhắm mắt. Tôi cũng là trai tráng, đang độ tuổi tràn trề sinh lực nhất của một người đàn ông. Có những đêm dài tôi trằn trọc thao thức, vò võ nỗi nhớ nhung. Tôi chỉ may mắn hơn nhiều đồng chí khác là có vợ ở quê nhà. Nhưng chiến tranh, có ai biết trước điều gì… Tôi đưa mắt nhìn cô bé vừa tròn mười sáu, hàng mi đen dày khẽ chớp e thẹn, em trong trẻo và trinh nguyên như đóa sim trên đồi, trong lòng thoáng chút bối rối. Không hiểu sao, lúc đó, tôi nhớ lại khoảnh khắc ngày cưới, cha vợ cầm tay con gái trao cho tôi, khi ấy nàng cũng mới tròn mười sáu… Hình ảnh ấy khiến tôi trở nên dứt khoát. Tôi giải thích rằng mình đã có vợ, rằng quân lệnh không cho phép… Nhưng người cha vẫn vớt vát niềm hi vọng gửi trao: Có vợ rồi, có vợ nữa có sao đâu, tôi trưởng phum còn ba vợ mà. Tôi nhận thấy sự chân thành trong lời nói mộc mạc của ông. Chả biết phải từ chối sao cho khéo, trong tình thế ấy, tôi buột miệng sẽ mần mai và gả cô cho một sĩ quan Campuchia. Không ngờ ông vui mừng, cảm ơn rối rít, sai con gái mang vịt về nhà làm để hùn liên hoan.

– Chị à, lần này trở về em mong vẫn còn được gặp lại Wung Zon.

Chị nhìn tôi, đôi môi hơi mím lại, rồi vỗ vỗ vào vai tôi. Tôi với cành bứa, chọn hai quả to chín vàng mọng. Hai chị em vừa ăn vừa nhìn nhau bật cười. Nước từ quả ứa ra màu vàng dính bệt vào răng. Một thời, chúng tôi sau những giờ hành quân gian khổ, đói lòng ăn quả bứa rừng, vẫn vô tư há hốc miệng cười sặc sụa khoe hàm răng vàng như thời tiền sử. Theo tiếng chim lích chích, chúng tôi lang thang trong rừng. Mùa này mưa nhiều, rừng có nhiều hoa lá, dây leo chằng chịt. Chị chỉ tôi cả một rừng muồng. Hai chị em chỉ dám đứng xa xa. Lá muồng có thể dùng lợp nhà, thân cây lấy gỗ, củi nhưng muồng không phải là lá chắn an toàn cho người lính. Tôi nhớ có lần dẫn cả tiểu đội đi hành quân, bị tấn công bất ngờ, thấy rừng muồng cao quá đầu người liền ra lệnh cho đồng đội vào ẩn nấp. Một lúc sau, ai nấy đều khó chịu như muốn nghẹt thở, không thể cầm cự nổi phải rút đi chỗ khác. Sau này có dịp hỏi người Khmer mới biết, cây ấy ngược với các loại cây khác, ban ngày cũng hít khí oxy.

Lần theo những tảng đá nằm án ngữ ven bờ suối, chúng tôi đặt chân đến những tháp núi cổ. Những tòa tháp mấy trăm năm vẫn điềm nhiên trải qua dâu bể. Tôi dắt chị đi vô lòng một ngôi tháp. Nơi đây, xưa kia đơn vị tôi đã bao phen dựa vào tấm lưng khổng lồ ấy mà nương náu khi đã bị đánh trơ trụi căn cứ đóng quân. Máu chảy trên thân tháp. Vệt máu giờ hóa màu rong rêu xanh ngăn ngắt, bao lấy chỗ những luồng đạn dội vào còn sâu hoắm tích thương. Tôi kéo chị leo tận lên ngọn đồi. Chỗ ấy, mới ngày nào sau những trận đánh, chúng tôi với niềm nhớ thương quặn thắt ngó sang nước Việt, đồng ruộng, sông núi thanh bình, yên ả, những cánh cò trắng rập rờn, sải rộng cánh tung bay… Giữa linh thiêng núi rừng, tôi mơ hồ như tất cả chúng tôi, những người đang sống và những người đã nằm xuống, đang cùng đưa mắt nhìn dải biên cương Tổ quốc. Chị đốt vài nén hương. Khói nhang nghi ngút tỏa vào nền trời có những cụm mây đậm sắc lơ lửng đội trên ngọn tháp, khắc khoải xanh rờn rợn.

Chúng tôi nán lại vài giây rồi khẽ khàng xuống núi. Suối nước an nhiên suôn suốt chảy, tưởng như ngàn năm vẫn đợi chờ. Vài con cá lội ngược dòng, nhảy lên mặt nước. Tôi vớt chút nước vỗ vào mặt rồi tiếp tục đuổi theo chị. Nắng đã về chiều, rừng trở nên hoang lạnh. Dợm vài bước, tôi kéo chị đi theo bóng thốt nốt như những chiếc lọng cán dài đã tỏa xuống dưới chân. Đi mãi, đi mãi… đã bao năm… trong tôi giờ đây là cảm giác hồi hộp, run rẩy, trống ngực thình thịch đến khó thở.

– Wung Zon! Keo Mik! Âu ơi! Boong ơi! Cunl mô nik! (Wung Zon! Keo Mik! Cha ơi! Anh ơi! Con về đây!)

Tiếng tôi vọng vào vách núi rồi dội lại giữa thinh không. Căn nhà sàn nằm chênh vênh lưng núi hoang lạnh khiến tôi sụp xuống. Tôi không thể lê bước lên cầu thang. Chỗ tôi ngồi đây, ngày nào Wung Zon đã bắt con gà mái cắt tiết để tôi tẩm bổ trong những ngày sốt rét đến xanh da, vàng mắt. Chỗ cái chum nước đã thủng một lỗ toang hoác, vợ Keo Mik ngồi giặt giúp tôi bộ quân phục cứng quèo vì máu, mồ hôi và bụi đất đeo bám. Và cả Sô Kha nữa, thằng bé mới lên ba cứ lon ton chạy theo ông nội rót bưng nước, nằng nặc đòi tôi cho sờ vào khẩu súng: Cunl bank phlon! (Cho cháu bắn súng với!)

Gió từ phía sau núi thổi tốc ra khung cửa. Vài con nhện chếnh choáng khỏi bàn tơ, đang bám vào cây cột, cây kèo mà từ chỗ ấy, nơi hoa văn chạm trổ đang rụng ra nào mối mọt, nào bụi gỗ. Chị khẽ tay quấn những mạng nhện theo vòng tròn để mở đường leo lên sàn nhà. Những mạng nhện mỏng tang vướng vít vào tay, vào mặt, giăng mắc vào lòng tôi xa xót, xốn xang. Ai đã từng bao năm đi xa, biền biệt những mối liên hệ, nay tìm đường trở về ngôi nhà mình từng có những tháng ngày được sống trong sự yêu thương, che chở ấm áp của cha mẹ, anh em sẽ phần nào hiểu được tâm trạng của tôi lúc ấy. Căn nhà tàn lụi, hoang lạnh, không một bóng người. Những nụ cười, ánh mắt của người xưa hiển hiện đau đáu. Ngày ra đi, Wung Zon trong chiếc sà rông xếp bằng ngồi bốc mắm bồ hóc chấm với đọt móng bò đưa vào miệng tôi. Cái vị tanh nồng, thum thủm, gắt gỏng và mặn đắng ấy bao năm nay tôi chưa bao giờ quên được. Cả món canh sim mà lâu lâu có dịp đi công tác vùng biên giới, tôi vẫn được đãi cơm nhưng không sao tìm lại được vị ngọt đằm, thanh thao của chất nước.

Chúng tôi quay lại khi những váng mây trời dần chuyển sang ráng đỏ. Hoàng hôn xứ núi thường đến sớm hơn. Tiếng chim gọi bầy inh ỏi hòa trong âm thanh của muông thú, xôn xao cả khu rừng. Từ lúc rời khỏi căn nhà gỗ trên núi, chúng tôi chẳng nói với nhau lời nào. Sự im lặng khiến không gian như thước phim quay xả lại của những tháng năm xưa cũ. Khi chúng tôi chuẩn bị bước chân xuống xuồng, bỗng nghe đâu đó tiếng gọi:

– Lục thum, khơnhum nik (Ông lớn! Tôi nè.)

Đêm ấy, Wung Zon dắt chúng tôi về nhà. Những cụ già trong phum gặp chúng tôi, nắm chặt tay run run đôi môi: Cái ơn của bộ đội Việt Nam đối với chúng tôi còn lớn hơn ơn sinh thành, bởi các ông đã tái sinh cả một dân tộc. Gặp lại ông lớn, chúng tôi vui lắm, mừng lắm.

Keo Mik đi bắt cóc về cùng vợ làm thịt, băm nhuyễn nấu cháo đãi chúng tôi. Bên ánh lửa đêm và nồi cháo nghi ngút, chúng tôi ngồi ôn lại chuyện xưa, hỏi thăm chuyện nay. Chey Lim (con gái Wung Zon – vợ hụt của tôi) cũng đã ngót bốn mươi, đã có cháu nội. Ấy vậy, nhắc lại chuyện xưa, mặt Chey Lim vẫn đỏ bừng chẳng biết có phải thẹn hay do ánh lửa? Ngày hôm sau chúng tôi về, Keo Mik đem tặng chúng tôi cặp cóc chạm trổ bằng gỗ trầm thơm quý. Tôi không nhận thì thấy thất lễ nên chần chừ mãi, Wung Zon nắm tay tôi bảo: Đó là tình cảm làm kỉ niệm, nhờ có bộ đội Việt Nam, chúng tôi mới còn sống sót mà học được nghề mộc này. Hãy mang về nhà để cầu sự may mắn.

Tôi chắp tay, cúi đầu cảm ơn và chào tạm biệt.

*
*    *

Im lặng. Những thước phim quá khứ bồi hồi như vẫn đang tua lại trong ánh mắt của ông và tôi – người ghi lại câu chuyện này vẹn nguyên như những giọt nước từ trời ngàn năm vẫn trong suốt. Ông – nhân vật tôi trong câu chuyện ở trên, chính là thiếu tướng Lê Hoàng Phúc – nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang (ông mới bàn giao để nghỉ hưu mấy tháng trước). Trước chuyến đi này, ông chưa có dịp nào quay lại chiến trường xưa, chỉ đến khi thực sự được buông bỏ công việc (nghỉ hưu), ông mới có điều kiện thực hiện lời hẹn với một người chị, cũng là nữ y tá chiến trường (cả hai cô chú tôi đều may mắn được quen sau vài lần được cử đi lấy tin vào dịp cải táng hài cốt liệt sĩ 27/7 hằng năm của tỉnh An Giang). Và chuyến đi ấy với ông, thực sự là một cuộc trở về. Trở về với kí ức, với những thân thương và cả những đau thương của ngày xưa…

Tôi với cốc trà khẽ nhấp và chợt nhận ra nó rất ngon dù đã nguội từ lúc nào. Đôi lúc chúng ta uống trà không phải vì khát nước, càng không phải vì thưởng vị, thèm mùi. Nhấp trà trong thinh lặng sau một câu chuyện dài của kí ức là một cách riêng để lưu giấu những điều rất riêng và rất thiêng. Trong khoảnh khắc ấy, tôi như nghe thấy sông núi cũng đang thì thầm về những tháng ngày đã xa…

H.T.T.L

Văn nghệ Quân đội

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài