TRÒ ĐỜI – tập truyện ngắn của Lê Đức Quang

Công ty Văn hóa và Dịch vụ Thiên Đức liên kết NXB Hội Nhà văn, quý 2/2015

Bìa: Nguyễn Anh Vũ

Khổ sách 13×20,5

Giá bìa: 52.000đ

 

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà giới thiệu

TRÒ ĐỜI của Lê Đức Quang là tập truyện ngắn gồm 21 truyện được viết trong một khoảng thời gian đủ dài để có thể đem đến cho anh cảm xúc đa chiều.

Có lẽ trong số các cây bút văn xuôi miền Trung hiện nay, Lê Đức Quang là cây bút có lối kể nhấn nhá và mộc, giống như chính tính cách của Quang.

Ngay từ câu chuyện đầu tiên Áng văn, Quang đã ngầm khẳng định với độc giả về lương tri của người cầm bút, về sự trung thực ngay cả trong một tác phẩm sáng tác. Với những ước vọng hạnh phúc trong Hạnh phúc cô đơn của những con người không may trong cuộc đời của họ, là những niềm tin được chắt lọc trong nỗi khổ đau mà họ phải gánh chịu và nhẫn nại vượt qua, để tận hưởng cuộc sống thực của mình.

Đôi khi người đọc bắt gặp những áng văn đẹp mà giản dị, có thể không lạ, nhưng lôi kéo được người ta đến những dòng cuối:

“Sáng hôm sau, tôi tiễn bạn ra bến xe. Đến giờ xe chạy, tôi nhìn theo bạn, nhìn về phía quê hương mình, bỗng nhiên cổ nghẹn lại, miệng đắng đắng…” – Thư nhà.

Truyện ngắn “đậm chất quê” của Lê Đức Quang tràn ngập những trang viết, như Mẹ quê, Góc khuất cuộc sống, Ông già và quê hương… Đọc những truyện đó, lòng ta bỗng thấy nhẹ lại, quên đi những ồn ã chật chội đô thành:

“Ông không hỏi nữa, nhìn ra núi, nơi ông và lão Tám Tòng ngày xưa chặt củi thi. Ngọn núi rậm rạp ngày xưa đầy cây cối, đầy thú dữ, không ai dám đi một mình, nay đã trở thành đồi chuối trọc lóc. Ông thất vọng, nói một mình:

– Mất rồi! Quê hương đã đổi thay, mất hết rồi! Tất cả đã xói mòn theo thời gian hết rồi!…

Nhưng lúc sau, hoàng hôn dần buông xuống. Một màu hồng, màu thạch lựu chuyển sang màu tím sẩm. Không gian yên ả, vắng lặng. Ông lại nói khác:

– Tào lao, đừng nói sàm bậy! Làm sao mất được! Nó mãi mãi còn trong tư liệu, trong văn, trong thơ, trong ảnh… trong kỉ niệm và trí nhớ cạn kiệt của những người già.

Lát sau, ông bình thản bước vào nhà.” – Ông già và quê hương

Đọng lại trong người đọc là những hình ảnh được tác giả phác họa qua con mắt của một người đã từng cầm ống kính đi lang thang chụp những sự vật sự việc, thu gọn vào chiếc máy ảnh nhỏ, hay thu gọn vào tâm mình những mảnh đời nhân tình thế thái.

Có lẽ cái thông điệp rõ ràng nhất mà Lê Đức Quang muốn đem đến cho người đọc, chính là những điều mà nhân vật của anh đã thốt lên:

“Nếu như mình đóng hết mọi cửa nẻo, ngăn chặn không cho điều xấu vào nhà, thì điều tốt đẹp làm sao vào nhà được? Có lẽ điều tốt đẹp sẽ ở ngoài cửa ngõ, loanh quanh ngoài đường!…” – Cánh cửa ngõ

Tình yêu trong truyện ngắn của Lê Đức Quang cũng có muôn nẻo, từ cậu học trò mê cô giáo, lẽ thường hay xảy ra tại các trường trung học, nhưng thật ấm áp tình người, và như chính cái tên truyện (Tình yêu trong xanh); tới những suy nghĩ vẩn vơ nhầm lẫn và rồi phát hiện ra hạnh phúc thật giản dị (Lá thư tình), đến những vấn đề ngóc ngách trong tình yêu được tác giả đề cập rất thực tế trong các truyện như Vợ chồng già, Mối tình mùi hương cỏ, Vợ đẹp…

Với tấm lòng trân trọng nghệ thuật sáng tạo, có lẽ Lê Đức Quang sẽ lại tiếp tục cho bạn đọc thấy nỗi trăn trở của anh với nghiệp cầm bút gian nan, mà trong tập truyện gần 200 trang này, anh đã đề cập đến không ít cho mỗi nhân vật sáng tạo của mình. Hay đó chính là tác giả vậy!

Khép lại cuốn sách, điều còn đọng lại trong người đọc, chắc chắn đó là niềm tin yêu cuộc sống thô nhám và bụi bặm, nhưng đầy ánh sáng lấp lánh của cõi hạnh.

– Hà Nội, 1/8/2015 –

 

Exit mobile version