Trò chuyện với con trẻ về phân biệt chủng tộc hay về bất cứ vấn đề gì đi nữa nó sẽ dẫn dắt người lớn chúng ta đến việc “đối diện” mọi vấn đề. Cuộc trò chuyện của tác giả tiểu thuyết Đứa trẻ cát – Tahar Ben Jelloun với con gái vì thế rất hữu ích và thú vị.

Bìa cuốn sách “Trò chuyện với con gái về phân biệt chủng tộc” của tác giả Tahar Ben Jelloun

“- Ba ơi, phân biệt chủng tộc là gì?

– Phân biệt chủng tộc là một hành vi khá phổ biến, hành vi chung cho tất cả các xã hội và rất tiếc đã trở nên bình thường ở một số quốc gia vì đôi khi người ta không nhận ra điều đó. Phân biệt chủng tộc là thái độ ngờ vực thậm chí khinh thường những người có đặc điểm ngoại hình và văn hóa khác với chúng ta”.

Cuốn sách bắt đầu như thế, xuất phát từ sự thắc mắc về phân biệt chủng tộc của một cô bé 10 tuổi; và từ đây câu hỏi nối tiếp câu hỏi.

Tác giả cuốn sách – cũng là tác giả tiểu thuyết Đứa trẻ cát – Tahar Ben Jelloun đã ghi lại cuộc trò chuyện thú vị với cô con gái, qua đó ông đơn giản hóa những khái niệm khó hiểu về sự phân biệt củng tộc.

“Bản thảo này đã được viết đi viết lại không dưới mười lăm lần vì tôi muốn viết thật rõ ràng, đơn giản và khách quan. Tôi muốn tất cả mọi người đều đọc và hiểu mặc dù nó được viết riêng cho các cháu từ 8 đến 14 tuổi. Cha mẹ của các chàu cũng có thể đọc. Tôi xuất phát từ nguyên tắc rằng muốn đấu tranh chống sự phân biệt chủng tộc thì phải bắt đầu từ giáo dục. Người ta có thể giáo dục trẻ con nhưng không thể giáo dục người lớn”, Tahar Ben Jelloun nói về lý do ông viết cuốn sách này.


Đối với một vấn đề, người lớn chúng ta hiếm khi thắc mắc quá nhiều và “miên man” đến tận cùng theo kiểu của một đứa trẻ thắc mắc. Từ sự lý giải vì sao con người có xu hướng tự nhiên là sợ những ai không giống mình – căn nguyên của sự phân biệt chủng tộc – câu chuyện dần điểm qua các khái niệm về định kiến, chiến tranh, về nền giáo dục, văn hóa, lịch sử, tôn giáo, về từ nguyên, triết gia, điện ảnh, về nhóm máu, nhân bản vô tính… Cuộc trò chuyện vì thế rất hữu ích và thú vị.


Có thể nói, trò chuyện với con trẻ về phân biệt chủng tộc hay về bất cứ vấn đề gì đi nữa nó sẽ dẫn dắt người lớn chúng ta đến việc “đối diện” mọi vấn đề.


Qua cuốn sách, có thể nhận thấy tác giả rất cẩn trọng trong việc sử dụng từ ngữ khi nói chuyện với con gái, và thậm chí có lúc ông phải xin lỗi con gái về việc sử dụng từ ngữ một cách nhầm lẫn của cô giáo con ở trường. Vì theo ông, như ở phần “Lời kết” về sự đấu tranh chống sự kỳ thị chủng tộc, trước khi có hành động thì  “chúng ta phải bắt đầu làm gương và chú ý những từ ngữ mà chúng ta sử dụng. Từ ngữ nguy hiểm lắm. Một số từ bị sử dụng để làm tổn thương và xúc phạm người khác… Một số từ khác thì vừa đẹp vừa hay… Vào ngày khai giảng, con hãy nhìn tất cả học sinh và chú ý xem, các bạn ấy đều rất khác nhau, sự đa dạng này là một điều thật tốt đẹp”.


Trò chuyện với con gái về phân biệt chủng tộc do Đại học Hoa Sen và NXB Hồng Đức phát hành. Tác giả: Tahar Ben Jelloun. Người dịch: Lương Thị Mai Trâm.


Theo Lâm An – SGGP

Exit mobile version