Linh Khánh
Trong khuôn khổ Những ngày Văn học châu Âu, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam giới thiệu cuốn tiểu thuyết Đức “Trái tim mù lòa”, với cuộc trò chuyện về cuốn sách có sự tham gia của dịch giả Lê Quang, cái tên quen thuộc của nhiều tác phẩm văn học Đức được chuyển ngữ ở Việt Nam.
Sự kiện diễn ra vào 19 giờ tối 6/5 tại Viện Goethe tại Hà Nội, số 58 Nguyễn Thái Học, Hà Nội, và được truyền trực tiếp qua ứng dụng zoom.
“Trái tim mù lòa” xoay quanh cuộc đời của một phụ nữ trong thời kỳ Chiến tranh thế giới lần thứ 1. Tuổi thơ mộng mơ của Helene trôi qua ở vùng Lausitz trước thềm Thế chiến I giữa người cha yêu mến, cô chị áp đảo và bà mẹ trầm uất, dị kỳ. Helene yêu một triết gia Do Thái nhưng số phận đưa cô vào cuộc hôn nhân với một kỹ sư tài năng mà nhiệt thành với chủ nghĩa quốc xã. Một ngày xấu trời, cô đưa đứa con trai 7 tuổi đến ga và vứt nó ở đấy… Câu chuyện sẽ diễn biến như thế nào tiếp theo, trong bối cảnh lịch sử đau thương, số phận nghiệt ngã cùng với những bi kịch gia đình giữa hai Thế chiến? Đứng trước chiến tranh, những biến cố trong đời và sự khắc nghiệt của bối cảnh, liệu tình yêu và tâm hồn của một người có còn được vẹn nguyên?
Cuốn tiểu thuyết dày chưa đầy 400 trang nhưng có tầm vóc thực sự đồ sộ. Tác giả Julia Franck kể về một cuộc đời bị nghiền nát trong guồng máy của một thế kỷ đáng sợ và câu chuyện về một phụ nữ kiên cường, đầy mê hoặc.
Cuốn tiểu thuyết đã nhận được nhiều đánh giá cao từ các báo và tạp chí của Đức. Tờ Tageszeitung nhận xét: “Nhân vật nữ bí hiểm luôn là công thức kinh điển của văn hóa phương Tây như: “La Traviata” của Verdi, “Bà Bovary” của Flaubert, hay Freud với ẩn dụ đàn bà như “lục địa xa lạ”. Nếu nhân vật là một cô gái điếm hay một phụ nữ ngoại tình thì không lạ, vì đó là các vai điển hình bên rìa xã hội – nhưng cũng là chủ đề ấy thông qua nhân vật người mẹ thì rất khó. Chính đó là kỳ công của Franck trong “Trái tim mù lòa”. Còn nhà phê bình văn học Đức, Edo Reents, đánh giá trên Frankfurter Allgeneine Zeitung: “Có câu thành ngữ rằng người ta không thể nhìn thấy cái bản thể, vì nó vô hình, chỉ có thể cảm nhận nó bằng trái tim. Nhưng ở Julia Franck người ta có thể lấy tay túm lấy nó, lấy mũi ngửi nó. Đây là một tiểu thuyết lớn về sự im lặng”.
Tác giả Julia Franck sinh năm 1970, tại Berlin (Đức). Cô học môn Nghiên cứu châu Mỹ, Triết và Văn chương Đức cận đại ở Đại học Tự do Berlin. Cuốn tiểu thuyết đầu tay của cô, “The New Cook” (Đầu bếp mới), được xuất bản vào năm 1997. Cô còn có các tác phẩm: “Liebediener” (Kẻ xu nịnh), “1999”; “Belly Landing: Tales to Touch” (2000) và “Campfire” (2003, tác phẩm đã được chuyển thể thành phim “Western”).
Cuốn “Trái tim mù lòa” (tên gốc: Die Mittagsfrau) là tiểu thuyết thành công nhất của Julia Franck, được trao Giải Sách Đức 2007, được dịch ra 40 ngôn ngữ, đến nay bán ra hơn một triệu bản và có tên trong danh sách 100 cuốn sách Đức phải-đọc.
Dịch giả Lê Quang sinh năm 1956, học và làm kiến trúc sư ở Đức từ năm 1974 đến năm 2001. Đến nay ông có khoảng hơn 40 đầu sách văn học dịch từ tiếng Đức. Ông hiện làm biên dịch và phiên dịch ở Hà Nội.
Theo báo Nhân Dân