1. Vận dụng những cách hiểu về lí thuyết trò chơi ngôn ngữ của Wittgenstein, J.Derrida, M.Foucault, R.Barthes và đặc biệt là J.F.Lyotard vào việc soi chiếu các tác phẩm văn học Việt Nam đương đại, ngoài những trường hợp tôi đã khảo cứu trước đây như Đặng Thân, Lê Minh Phong, Uông Triều, Hồ Thế Hà, Nguyễn Đình Tú…, có thể nói Văn Thành Lê là một “ca” đặc biệt thú vị. Là nhà văn thế hệ 8x (sinh 1986), nhưng cho đến nay Văn Thành Lê đã sớm “xuất xưởng” 10 tác phẩm, đều gây được sự chú ý trên văn đàn. Tiểu thuyết đầu tay của anh, Không biết đâu mà lần (Nxb Trẻ, Tp Hồ Chí Minh, 2014 – mọi trích dẫn từ đây về sau nếu không có chú thích gì thêm thì đều từ nguồn này) được viết nên với chất liệu và cảm quan thẩm mĩ về mặt ngôn ngữ mang tính trò chơi nghịch dị. Nếu như không nắm rõ quy tắc ấy sẽ hiểu sai giá trị thẩm mĩ của tác phẩm (mặc dù theo lí thuyết hậu hiện đại mọi cách đọc đều là đọc sai so với dụng ý của tác giả). Thoạt nhìn, Không biết đâu mà lần (KBĐML) dễ đánh lừa bạn đọc bởi đề tài học đường của nó, cũng như dung lượng có tính chất “cực hạn” khi chỉ “gói” vỏn vẹn trong 135 trang khổ nhỏ. KBĐML là cuốn tiểu thuyết ngắn, rất ngắn, nhưng lại chứa đựng nhiều suy tư về mặt ngôn ngữ, cũng như tác giả đã khéo léo lồng ghép vào nó nhiều thủ pháp nghệ thuật, nhằm chuyển đạt các quan điểm mĩ học mới về hiện thực và cả bản chất của ngôn ngữ. Đặc trưng về mặt hình thức đáng chú ý đầu tiên trong tiểu thuyết KBĐML là sự bành trướng ngôn ngữ. Trong một tiểu thuyết rất ngắn, nhưng bản chất ngôn ngữ không đi theo hướng cực hạn của Raymond Carver, mà lại đi theo hướng phì đại “lắm lời” của A.Carpentier hay Đặng Thân. Bạn đọc khi tiếp nhận cuốn tiểu thuyết này sẽ phải “chấp nhận” rằng có nhiều vấn đề (cái được biểu đạt) vốn rất đời thường, nhỏ bé, nhưng “cái biểu đạt” (ngôn ngữ) lại rất phong phú, thậm phồn. Sự diễn giải về mặt ngôn ngữ có xu hướng vươn ra đến vô tận, lạc đề, mà không cần có bất cứ liên hệ thực tế hay quan hệ logic chặt chẽ nào về mặt ngữ nghĩa. Người kể chuyện như một kẻ lắm lời, mê sảng, ngộ chữ, say rượu, nhưng dù thế nào đi chăng nữa, hắn ta là kẻ hiểu biết, thông tuệ và rất đáng yêu. Ví như khi viết về chuyện chạy chọt xin việc làm (hối lộ), Văn Thành Lê hạ bút: “Người người chạy. Nhà nhà chạy. Chạy nước rút. Chạy marathon từ trước đó. Như thể chạy là bản sắc. Vậy mà, oái oăm làm sao, trớ trêu thế nào đấy, thật không thể hiểu được, môn điền kinh của nước nhà chỉ lon ton quẫy đạp luẩn quẩn ở vùng đặc biệt trũng Sea Games chứ đấu trường Asiad và Olympic vẫn là… mơ về nơi xa lắm” (tr.10). Có thể thấy trong diễn ngôn truyện kể của KBĐML dày đặc lối viết phì đại về mặt ngôn ngữ như trên (tr.88, 66, 27, 97, 101, 103…). Mới đọc qua thấy tác giả tư duy rất ngẫu hứng, lộn xộn, ngôn ngữ dài dòng và rất “lạc đề” giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt, nhưng thực chất đó là dụng ý nghệ thuật mang tính tư tưởng của người viết. Bằng việc phá vỡ đi sự tương ứng giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt, Văn Thành Lê đã không chỉ tạo ra một hiện thực, mà luôn cố gắng giãn nới ra nhiều hiện thực khác. Tiểu thuyết KBĐML do đó là sự cơi nới, kết dẫn liên văn bản, khai mở ra nhiều không gian văn hóa khác nhau, nhiều đề tài và chủ đề quan thiết khác của xã hội, chứ không chỉ gói gọn trong đề tài, chủ đề bề mặt là đời sống của một anh giáo viên làng và môi trường giáo dục hiện nay. Chính vì vậy, mặc dù dung lượng mỏng, KBĐML đã động chạm đến biết bao vấn đề thiết thực, nhức nhối của xã hội ngày nay như bệnh thành tích trong thể thao Việt Nam, nạn biểu diễn nghệ thuật xô bồ….

1710201115110597



Cũng có thể kể đến các trò chơi ngôn ngữ đầy tinh xảo nhưng rất quen thuộc khác trong KBĐML như nhại giọng, từ láy và điệp vần, tách chữ, ghép từ, liên hợp tách – ghép từ và láy, thêm dấu vào từ, điệp phụ âm, ngoại ngữ phiên âm, liên tưởng từ… Những thủ pháp nói trên có thể không mới trong lịch sử văn học, nhưng việc xuất hiện dày đặc, chuyển tải quan điểm mĩ học mới của triết học ngôn ngữ, xem hình thức văn bản là trò chơi ngôn ngữ, đã cho thấy tính chất hậu hiện đại đặc thù trong tiểu thuyết của Văn Thành Lê. Ở đấy, bản thân ngôn ngữ được phì đại nhằm thực hiện chức năng diễn trò. Trò chơi ngôn ngữ lúc này vừa có ý nghĩa tự thân, lại vừa tất yếu liên đới va chạm đến những hiện thực bên ngoài của ngôn ngữ. Như vậy, ngôn ngữ trong văn chương hậu hiện đại nói chung và tiểu thuyết của Văn Thành Lê nói riêng là trò chơi thuần khiết, nhưng nói như Umberto Eco, nó là trò chơi được diễn ra trong thời đại mà “sự ngây thơ đã bị đánh mất”.

Có thể thấy so với những nhà văn hậu hiện đại tiêu biểu khác của văn chương Việt Nam đương đại thế hệ 7x, 8x như Uông Triều, Trịnh Sơn, Phong Điệp, Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Danh Lam…, Văn Thành Lê đã chọn cho mình một lối đi khác trên phương diện xác lập bản chất thẩm mĩ cho ngôn ngữ, cũng như cách nhà văn hình dung, kiến tạo nên thế giới này. Nếu như đa phần những nhà văn hậu hiện đại nói trên viết nên diễn ngôn truyện kể dựa vào quan niệm về tính bi đát của cuộc sống, bản chất ngôn ngữ của họ là thứ ngôn ngữ có tính khắc kỉ, xót xa, có thể đối thoại, đa thanh nhưng lại tuyệt đối xa lạ với tiếng cười. Có thể nói, tính chất bi kịch hậu hiện đại tràn ngập trong những tác phẩm của họ. Ngược lại, Văn Thành Lê lựa chọn cái hài làm trung tâm thẩm mĩ cho diễn ngôn truyện kể. Lối viết và sự lựa chọn chất liệu ngôn ngữ trong KBĐML của Văn Thành Lê giống với Đặng Thân, đó là sự quy hồi, phục hưng lại tiếng cười nghịch dị của nền tảng văn hóa trào tiếu dân gian thời đại Trung cổ và Phục hưng như quan điểm của M.M.Bakhtin. Lần giở mọi trang viết của KBĐML ra, ta có thể thấy chất liệu ngôn ngữ đặc thù của quan điểm mĩ học nghịch dị,  dùng tiếng cười như một cách để giải thiêng các đại tự sự. Biểu hiện rõ nhất của tiếng cười mang tính carnaval quảng trường đó là những lời rao có tính cường điệu kệch cỡm nhưng hài hước: “Đây là kẹo kéo càng kéo càng dài càng nhai càng ngọt, ngọt như đường cát mát như đường phèn. Cô nào chồng bỏ chồng chê. Ăn cây kẹo kéo chồng mê, chồng về. Anh nào vợ dỗi bỏ bê. Ăn cây kẹo kéo vợ phê, vợ về. Kẹo kéo ăn béo đỏ da. Thuốc Tây thuốc ta thua xa kẹo kéo” (tr.18). Lời rao này rất điển hình cho thứ ngôn ngữ nghịch dị, bởi nó kết hợp được tất cả những thủ pháp nghịch dị như cường điệu, hư cấu, ám chỉ dục tính, hài hước, vần vè như bài hát… Mục đích nghệ thuật của những lời rao như vậy là nhằm tạo ra tiếng cười mang tính nghịch dị, chứ không phải tiếng cười mang tính phê phán, đả kích thuần túy. Ngoài ra, tính hạ tầng thân xác đặc thù của văn hóa nghịch dị cũng được Văn Thành Lê sử dụng thường xuyên trong tác phẩm. Trong KBĐML, những bộ phận cơ thể thường xuyên được nhắc đến là mông, bẹn, vú, “chim”, “bướm”…  Cái hài nghịch dị còn được tạo ra bởi những pha tư vấn sinh sản dành cho trẻ vị thành niên đậm tính hạ tầng thân xác. Người thầy dạy học trò trong KBĐML không chỉ dạy lí trí, đạo đức, khoa học theo phương châm “tiên học lễ, hậu học văn”, mà còn dạy cách hiểu biết đúng đắn về cơ thể và hành vi tính dục. Trong quá trình tư vấn ấy, cả thầy và trò thẳng thắn trao đổi, thừa nhận về những hành vi thân xác bản năng như “hôn môi”, “đi xe đạp có bị rách màng trinh”… (tr.63-64). Từ đây, tiếng cười nghịch dị như một khát vọng dân chủ, khát vọng nhân sinh được xuất hiện. Có thể thấy, thế giới quan trong tác phẩm là thế giới quan thân xác có tính nghịch dị. Ở đấy, mọi sự vật, sự việc trên thế giới đều có thể quy về những bộ phận sinh dục đang sinh tạo, đúng như cách mà thầy giáo quốc phòng quy mọi bộ phận của súng chỉ thành “cái này” và “cái ấy” (tr.85). Đúng như nhân vật Ly cảm nhận, hình như thế giới chị đang sống là thế giới mà con người “tư duy chủ yếu bằng nửa người, phần từ thắt lưng trở xuống” (tr.44).

Những nhân vật trong truyện cũng đậm chất nghịch dị, họ là những người sống thật với bản năng thân xác, thôi thúc hành động của họ là bản năng tính dục chứ không phải những quan điểm về đạo đức. Ta có thể kể ra hàng loạt nhân vật như thầy trưởng khoa thời đại học của Kha, thầy giáo môn sinh chuyên gạ tình sinh viên bị dân phòng bắt quả tang, ông Huyện có kinh nghiệm “chơi” gái Tây từng lãnh trách nhiệm “vung chim đi đánh gái người” (tr.107). Những nhân vật này là những kẻ tha hóa vì tính dục, nhưng cũng là những người dám sống thật với bản năng. Ông Huyện là nhân vật nghịch dị điển hình nhất, ông sẵn sàng thú nhận mình sống rất bản năng trong quan hệ tính giao (với gái Tây), mà bản thân ông coi đó như một giá trị, một ý nghĩa sống. “Gái Tây ấy à! Cứ gọi là sướng nhá. Không cẩn thận có khi gãy xương… Nó vật mình như vật đất đào ao… Đời nếm một lần rồi chết cũng thỏa chúng mày ạ” (tr.108). Mặc dù vậy, cái nhìn cuộc đời của ông Huyện không thuần túy chỉ nhục dục, mà luôn khao khát đổi mới bằng cách nhìn ra thế giới. Nhìn thế giới qua đời sống tính dục bên ngoài, hay tính dục như một phương cách để hình dung về thế giới, đó là quan điểm sống của nhân vật này. “Mà phải ra khỏi ao làng mới thấy nhiều thứ hay ho chúng mày ạ. Quanh quẩn xó làng chỉ ngắm dái trâu bướm bò thì có mắt cũng như mù” (tr.108). Có thể thấy mục đích sâu xa của tác giả khi tập trung xây dựng hình tượng nghịch dị ở trên là nhằm phục hưng giá trị của vẻ đẹp thân xác phồn thực, là một nỗ lực tìm lại vị trí nhân văn cho thân xác của con người trước Chúa như lời nhà soạn kịch thời La Mã Terenxy: “Tôi là một con người, và tất cả những gì liên quan đến con người đều không xa lạ với tôi”.

2. Đọc KBĐML, tôi liên tưởng ngay đến những tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, với thế giới quan xã hội đầy rẫy những chuyện động rừng. Đã 30 năm kể từ ngày Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện cùng sự đổi mới của nền văn học nước nhà, với một tâm thế đời tư thế sự đầy sự giễu nhại, giải thiêng thần tượng và sự đổ vỡ niềm tin vào các đại tự sự. Con đường ấy cho đến nay Văn Thành Lê vẫn tiếp tục. Tuy nhiên, tính luận đề trong văn chương Văn Thành Lê không lộ liễu như trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp mặc dù Văn Thành Lê ở đẳng cấp văn chương khác, còn phải cố gắng rất nhiều mới tiệm cận đến trình độ của Nguyễn Huy Thiệp. Cái khôn khéo, tinh tế cùng sự an toàn, cẩn thận của Văn Thành Lê đó là anh tung hỏa mù trong nghệ thuật, vờ bày ra trước mặt độc giả một câu chuyện (dường như) về học đường, với những chi tiết vui vẻ có chất giải trí cao nhang nhác như truyện của Nguyễn Nhật Ánh. Tuy vậy, đằng sau cái lốt kết tạp đa sắc màu trong không gian học đường đó, thực chất là thế giới quan đầy ưu tư, mang tính phản tỉnh và không ngừng giải thiêng các đại tự sự.

Ở trong thế giới hỗn độn ấy, tác giả kể cho chúng ta về những kẻ mạo danh, trục lợi từ chính sách, được công nhận là thương binh chỉ sau một đêm ngủ dậy, có thể là do sâu răng, hoặc bị… đánh ghen. Một xã hội mà những chính sách được đặt ra bất chấp thực tiễn hay tính khả thi, chỉ như một trò đùa của những kẻ chấp bút, ví như chính sách cộng điểm thi đại học cho… mẹ Việt Nam anh hùng. Những ngôi trường giáo dục con người một cách toàn diện thì giờ đây phải chờ người ta ban cho cái danh hiệu… “cơ quan văn hóa”. Qua những ví dụ trên, chúng ta nhận ra tính trò diễn của cuộc sống hậu hiện đại.

Thế giới trong tiểu thuyết của Văn Thành Lê là thế giới của những vật ngụy tạo, những thứ trình hiện lên bên trên không phản ánh, thậm chí còn đối lập với bản chất bên trong của chúng. Thế giới ấy là nơi các giá trị trở nên hỗn loạn, nơi con người bị lạc lối giữa một mê cung giả trá của thông tin và những vật copy không có bản gốc. Ngay cả những thứ bình thường, thiết yếu hằng ngày như những cọng rau cũng có thể là vật ngụy tạo. “Vùng này là xứ sở của rau… Nhìn là thấy màu của hi vọng, màu sự sống. Còn thực hư thế nào tao không biết. Nhiều khi thấy vậy mà không phải vậy… Không biết liệu toàn thân căng tràn thuốc kích thích mà hóa chất nồng nặc đậm đà bản sắc dân tộc” (tr.22). Những đề tài khoa học được thực hiện và nghĩ ra không phải để ứng dụng phục vụ con người mà như một trò… chơi chữ vô tăm tích, giữa chữ và mục đích thực tiễn hoàn toàn rời rạc. Ví dụ: “Hiện thực hóa ứng dụng toán học vào nông nghiệp thông qua các cách thức tính diện tích đất canh tác” để chào mừng ngày… quốc tế thiếu nhi” (tr.97). Như vậy, bởi sự xuất hiện và chiếm ưu thế của những vật ngụy tạo trong nền văn hóa và cơ sở hạ tầng, nên con người bị hoang mang giữa các giá trị, đó chính là ý nghĩa trực tiếp nhất của tựa đề tác phẩm – “Không biết đâu mà lần”.

Trong xã hội như vậy, nhân vật trung tâm nổi lên là những kẻ phản diện. Tiêu biểu nhất là những thầy giáo. Có không ít nhân vật thầy giáo tha hóa trong tiểu thuyết của Văn Thành Lê. Đầu tiên là thầy trưởng khoa hồi đại học của Kha và Anh. Những sinh viên xinh đẹp bắt mắt thầy đều “nhắm” làm niên luận, khóa luận, luận văn với mình, rồi gạ gẫm: “Thầy quan tâm lắm. Thầy chu đáo cực. Thầy cực kì sâu sắc trong giáo dục. Thế mà về sau ai đó bố láo lại gọi tắt thành cực kì sắc dục” (tr.71). Thầy giáo dạy môn sinh tiền nhiệm của nhân vật Anh thì gạ tình học sinh, bị dân phòng bắt quả tang.

Không chỉ đổ vỡ trong quan hệ xã hội, quan hệ thầy trò thiêng liêng, mà quan hệ gia đình cũng không thể đứng vững, dần rạn nứt. Những đứa con đốn mạt bất hiếu ngày nay không phải mong bố có sức khỏe, sống lâu với con cái, mà ước ao bố là thương binh, liệt sĩ trong chiến tranh để chúng được hưởng những chế độ ưu đãi từ xã hội. Thế hệ trí thức tương lai sau khi rời nhà trường lại phải đối mặt với vấn nạn thất nghiệp và những bất công trong tìm kiếm cơ hội việc làm. Xã hội Việt Nam đang chứng kiến những cuộc đảo lộn giá trị một cách quyết liệt, có những điểm mới mẻ nhưng cũng chứng kiến nhiều hệ lụy và hậu quả nặng nề. KBĐML như vậy, ở chiều sâu ý nghĩa siêu hình học mang tính triết học của nó, chính là sự băn khoăn của nhân vị trước mê cung rối loạn của thực tại phi lí, đảo lộn của các giá trị.

Cá nhân con người hậu hiện đại ngày nay bị mất phương hướng giữa mê lộ thực tại, bởi họ (bị) tồn tại trong một nền tảng văn hóa ngụy tạo và sự hỗn độn của các giá trị. Từ đó, họ có cảm giác mình là một cái ung nhọt có tính chất ung thư, một vật thừa thãi có tính chất bệnh tật. “Gia đình là tế bào thì mỗi con người, như Anh, là phần tử cấu trúc nên tế bào ấy. Vậy mà Anh thừa ra tế bào vẫn sống, xã hội chẳng suy suyển gì…” (tr.10). Vị thế ngoại biên, bên lề của nhân vật trong đời sống xã hội chính là biểu hiện của “giải cấu trúc” chủ thể. Anh ta không còn tự tin đứng ở vị trí trung tâm của thế giới, nhằm thực hiện những chức phận, sứ mệnh lớn lao thời đại và dân tộc giao cho nữa. Chủ thể trong văn học hậu hiện đại là những người bình thường, nhỏ bé, đại diện cho những tiểu tự sự. Đó là thân phận bi đát của họ, nhưng thông qua việc từ chối gia nhập vào trung tâm, chối từ chấp nhận hiện thực hỗn loạn, động rừng, loạn cờ ngày nay, chủ thể đã xác lập được giá trị nhân văn và thái độ trí thức của mình.

KBĐML là một câu cảm thán bâng quơ, tưởng chừng như ngu ngơ, dại khờ, nhưng ẩn kín đằng sau đó là những vấn đề quan thiết của xã hội đương đại Việt Nam. Văn Thành Lê có thể chưa giới thiệu với chúng ta một tác phẩm thực sự hay, nhưng chí ít, anh đã có một khởi đầu hứa hẹn và đúng đắn để có thể đi lâu dài với văn chương trong tương lai, trong nghĩa chuyên nghiệp và có khát vọng nâng trình độ ngang tầm văn chương thế giới. Con đường ấy dĩ nhiên còn rất xa và rất dài, cũng “không biết đâu mà lần”. Còn rất nhiều điều mà tác giả cần khắc phục và hoàn thiện trong những tác phẩm mới. Nhưng tôi tin một nhà văn luôn ý thức về những điều chưa biết, trong quá trình khắc khoải kiếm tìm những giá trị còn lại giữa mê cung, trong tương lai, anh ta sẽ còn đi xa hơn nữa.

Yến Thanh – VNQĐ

Exit mobile version