Trước mặt Trịnh Sơn, tôi nửa đùa nửa thật, nói anh là “ca” lạ, thơ đầy chất tự sự của văn xuôi còn văn xuôi lại đầy chất thơ. Quả vậy, những bài thơ dài Trịnh Sơn trình ra một câu chuyện, một cuộc đời, một phận người, ở đấy thấp thoáng khuôn mặt văn xuôi. Còn các truyện ngắn của anh câu văn đầy hình ảnh, là thứ góp phần làm nên vóc dáng, sắc diện trong thơ…
1. Trịnh Sơn viết. Rào rào. Như tằm ăn rỗi. Thơ và tùy luận văn chương. Viết và tuyên ngôn. Viết gai góc. Tuyên ngôn ồn ào. Như thể ngày mai là tận thế. Thời điểm ấy là năm 2009. Anh thường viết về khuya, khi trong người bung biêng hơi men. Ngồi trước máy vi tính, gõ tới mệt nhoài ngủ lúc nào không biết. Sáng dậy mới hay mình đã viết gì. Nhiều bài thơ của anh ra đời như vậy. Cũng như nhiều bài thơ anh viết rồi “bay đi” trong hoàn cảnh như vậy, do không kịp lưu.
Cảm giác như Trịnh Sơn viết rất dễ. Thơ anh không mới về hình thức. Không tân hình thức. Chẳng hậu hiện đại. Như nhiều người viết trẻ đang đắm đuối và muốn lôi anh vào các trào lưu này. Anh lắc đầu. “Hậu hiện đại là cái quái gì?”, chùm tùy luận được anh giật title khá sốc phần nào nói lên cái lắc đầu ấy. Đơn giản, Trịnh Sơn trình ra với người đọc suy nghĩ của anh về thời cuộc, về những vấn đề diễn ra xung quanh anh, những trăn trở diễn ra ở trong anh. Đấy là những “gói nổ” nội tâm được kích hoạt. Như chính câu thơ anh viết: “Tôi trình bày cuộc đời mình bằng thơ”.
Thơ Trịnh Sơn có trường liên tưởng lạ. Ít thấy. Với nhiều hấp lực để kéo người đọc đi. Dù thi thoảng lại gặp phải đoạn dằn, xóc. Không hiểu anh đang nói gì, chẳng biết anh nghĩ gì khi viết. Đặc biệt, cũng là hay nhất, là những bài thơ dài, mang dáng dấp trường ca, là câu chuyện, là cuộc đời của chính anh, thế hệ anh, như: “Scarlet áo xanh”, “Đứa bé”, “Tuổi trẻ”, “Đàn bà đẻ ra tôi”…
Không khó để nhặt ra những câu thơ tài hoa của Trịnh Sơn. Dường như bài thơ nào của anh cũng có thể nhặt được câu thơ hay hoặc lạ hoặc quái. Những câu thơ dễ găm vào lòng người đọc, dễ ám ảnh, như “Anh bắt đầu làm những câu thơ gió thổi/ Buốt mắt người khắc khoải chong đêm/ Anh bắt đầu làm những câu thơ không bóng tối/ Scarlet áo xanh đêm biếc như ngày/ Anh bắt đầu làm những câu thơ ban mai/ Mặt trời mọc lên từ đốm lửa/ Đừng tưởng chỉ có ánh sáng từ lửa/ Tôi đã thấy/ Ánh sáng chảy ra từ bàn tay thắp lửa” (Scarlet áo xanh).
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã thốt lên: “Một dòng thơ tuôn trào tưởng chừng không thể dừng lại. Những ý tưởng lạ lùng và thăm thẳm. Một giọng thơ đau nhiều hơn buồn. Những trăn trở về cuộc đời và thân phận đan cài, giằng xé”.
2. Thành thật với chính mình thì ấn tượng của tôi về Trịnh Sơn ban đầu không được đẹp lắm. Có vẻ như con người này hầm hố. Chòm râu ở cằm quai quái, tính khí ngang. Cặp mắt anh khiến tôi hơi ái ngại. Vậy nên sau cuộc gặp ngẫu nhiên lần đầu, khi Trịnh Sơn gọi điện rủ đi cà phê, tôi vẫn ngập ngừng. Tính tôi vậy, ngại ồn ào, ngại cả những tuyên ngôn. Đến khi anh gọi điện lần nữa tôi mới liều mình như chẳng có. Đấy là cuộc cà phê duy nhất anh em ngồi với nhau. Trừ các cuộc cà phê đông người bắt buộc. Chứ hai người kiểu gì anh cũng rủ… nhậu.
Ngồi với Trịnh Sơn, người chưa quen có thể phật ý. Trịnh Sơn dễ bốc, trong lời nói hay quá lên vài tí. Kiểu hơi bia dẫn anh đi. Quen rồi tôi chỉ cười. Khi chỉ hai anh em, Trịnh Sơn vẫn bốc. Tôi nói, chỗ đông người anh “bốc”, em để yên chứ có anh với em là em phản pháo đấy. Anh em cùng cười. Trịnh Sơn vậy. Xong rồi thôi. Càng tiếp xúc, tôi càng thấy Trịnh Sơn là người sống hết mình với bạn bè. Sẵn sàng dốc mình vì bạn, không đắn đo nghĩ suy, chẳng mảy may nghĩ ngợi.
“Lâu rồi mới ghé về đây/ Uống bia hè phố rót ngày sắp qua/ Thương ly bia cũng thật thà/ Cạn tôi không cạn đổ ra cạn chiều”. Trịnh Sơn viết vậy. Có nhiều chiều tôi ngồi với anh như trong tâm trạng câu thơ ấy. Ngồi với anh và tôi nạp được khối thứ. Trịnh Sơn thuộc số ít người trẻ có ý thức trang bị tâm thế và vốn tri thức nền tảng khi đến với văn chương. Anh nói chuyện Đông Tây kim cổ. Triết học. Văn hóa. Lịch sử… Tất nhiên trong lời anh nói có những điều còn phải kiểm chứng. Nhưng biết lọc, biết nhặt, thì khỏe như người khiếm thị nghe… sách nói. Anh nói và uống. Tôi uống và nghe. Thi thoảng “thọc gậy bánh xe” bằng những gợi ý để anh nói tiếp.
3. Trịnh Sơn sinh năm 1982, tại Côn Đảo. Do môi trường sống nên từ bé Trịnh Sơn đã tiếp xúc với đủ hạng người, từ tù tội, giang hồ đến giới trí thức. Chẳng biết có phải vậy mà trong con người anh, cảm giác như hội tụ đủ loại giang hồ tứ chiếng đến thượng tầng nghệ sĩ.
Thi học sinh giỏi quốc gia môn Toán từ năm lớp 5, học chuyên Toán, nhưng Trịnh Sơn bộc lộ năng khiếu thơ văn khá sớm. Lớp 10 đã tự tổ chức nhóm sáng tác và làm tập san văn chương mang đi bán khắp các trường phổ thông trong tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Lớn thêm chút nữa thì học dang dở vài trường, sống dở dang vài nơi. Dường như Trịnh Sơn hợp với lãng du hơn là gò bó vào khuôn khổ nào đó. Và lãng du trong chữ xem ra hợp với anh nhất.
Có lần tôi nói: “Anh chỉ cần viết lại chuyện gia đình anh, chuyện đời anh là thành tiểu thuyết chẳng thua gì cuốn tiểu thuyết nào”. Thơ Trịnh Sơn thể hiện được phần nào điều ấy rồi. Nhưng là nhỏ. Vô cùng nhỏ. Phải loại pháo hạng nặng như tiểu thuyết mới chuyên chở hết được vốn sống ngồn ngộn mà anh đang “chứa chấp”.
4. Từ giọng thơ vâm váp đến tùy luận với nhiều nhận định gây những tranh luận thuận/ nghịch trên văn đàn, thoắt cái Trịnh Sơn lia bàn phím sang truyện ngắn. Cũng như thơ, truyện ngắn Trịnh Sơn không lẫn vào đâu được. Một thứ diễn ngôn đẹp. Câu văn mới. Nhiều sức gợi. Và sang.
Trước mặt Trịnh Sơn, tôi nửa đùa nửa thật, nói anh là “ca” lạ, thơ đầy chất tự sự của văn xuôi còn văn xuôi lại đầy chất thơ. Quả vậy, những bài thơ dài Trịnh Sơn trình ra một câu chuyện, một cuộc đời, một phận người, ở đấy thấp thoáng khuôn mặt văn xuôi. Còn các truyện ngắn của anh câu văn đầy hình ảnh, là thứ góp phần làm nên vóc dáng, sắc diện trong thơ.
Tập truyện mới xuất bản của Trịnh Sơn.
Truyện ngắn Trịnh Sơn phân luồng thành hai mạch rất rõ. Đầu tiên là các truyện ngắn có bối cảnh không – thời gian rộng, trải dài, với “Sóng gió Ô Cấp”, “Xóm ven núi Diên”, “Quá khứ chưa xong”, “Chân của Yết Kiêu”. Đây là những truyện ngắn có hình hài một đoản thiên tiểu thuyết, hoàn toàn có thể phát triển thành tiểu thuyết. Các truyện phục dựng thành công không khí xã hội, bối cảnh sinh hoạt của miền Nam trước và sau 1975, là thời điểm Trịnh Sơn chưa ra đời. Rõ ràng phải là người có kiến thức và khả năng làm xiếc với tâm trạng mới có thể vào vai nhà khảo cổ trên trang giấy được như vậy. Trịnh Sơn viết như câu chuyện của chính anh, rút ruột ra mà viết, chứ không phải gia công lại chuyện của người.
Những truyện ngắn trên phần nào định vị tên Trịnh Sơn trong văn xuôi. Tuy nhiên, các truyện ngắn thuộc mạch thứ hai, viết theo lối ngẫu hứng, truyện không có chuyện hoặc chuyện không đầu không cuối, mới là kiểu thuận tay của anh. Các truyện “Mất phương hướng”, “Thuốc cho ngày mai”, “Rơi khỏi tường bám”, “Thế gian”, “Thảo nguyên gió giỡn” v.v… Trịnh Sơn viết cứ như không. Nhân vật lần lượt hiện lên, và đi đứng và nói cười và xung đột. Bất ngờ? Không. Trịnh Sơn làm trò sắp đặt của chính anh. Cách anh “đánh võng” trong diễn đạt. Cách anh cho nhân vật đối thoại. Là triết luận. Triết luận được phủ lên bởi thứ văn giàu hình ảnh nên không gây khó chịu. Ngược lại, người đọc bị cuốn đi. Có thể đến cuối truyện vẫn chưa rõ ý tác giả là gì. Nhưng vẫn bị cuốn đi. Có khi tác giả găm rải rác các ý ở mỗi câu văn mỗi phát ngôn của nhân vật chứ không phải cuối truyện mới bật ra.
5. Bây giờ Trịnh Sơn điềm đạm hơn rất nhiều so với thuở ban đầu tôi gặp anh. Và cũng thu mình vào câu chữ hơn trước. Anh viết chậm hơn. Hay là anh biết giấu hơn?!
Trịnh Sơn từng nói, đại ý: “Tôi đi tìm khuôn mặt thất lạc của mình trong trang viết”. Như vậy, chắc chắn phần nào đó anh đã thấy mình và người đọc đã thấy anh trong thơ, với “Trịnh Sơn thơ” (NXB Hội Nhà văn, 2010) và “Đứa bé trở lại” (công bố trên các trang mạng xã hội, đang chờ in), trong truyện ngắn với “Gieo mồi vào sóng” (NXB Trẻ, 2016), trong tùy luận với “Văn không chương” (công bố trên các trang mạng xã hội, đang chờ in). Còn tiểu thuyết nữa. Anh mới khởi đi, đang lửng lơ đấy. Anh nói, mỗi lần định gõ tiếp là cảnh cũ người xưa lại trở về, chưa viết được. Hóa ra Trịnh Sơn ầm ào ở chiếu văn hay trên bàn nhậu chứ trước trang viết, trong thẳm sâu, lại là người yếu đuối và dễ mủi lòng.
Thi thoảng tôi lại thúc anh, lại khiêu khích: Tiểu thuyết đi đến đâu rồi? Vì tôi tin, khuôn mặt Trịnh Sơn trong tiểu thuyết mới là khuôn mặt trọn vẹn và đầy đủ nhất.
Theo Văn Thành Lê – Văn nghệ công an