Thật khó đoán ngày mai Triệu Từ Truyền sẽ ở đâu, sẽ làm gì. Bởi lẽ, ông luôn phiêu lãng và bất định. Mở lại tiểu sử Triệu Từ Truyền càng không thể hiểu con đường liêu xiêu ông đã đi qua.

Triệu Từ Truyền sinh ra trong một gia đình cách mạng. Tiếng khóc đầu tiên, câu nói đầu tiên, bước chân đầu tiên của Triệu Từ Truyền đều diễn ra ở chiến khu Nam bộ. Vì vậy không lạ khi Triệu Từ Truyền luôn có mặt trong phong trào học sinh – sinh viên Sài Gòn xuống đường tranh đấu, và hai lần bị giam cầm địa ngục Côn Đảo, mãi đến năm 1973 mới được trao trả tại Lộc Ninh. Khi đất nước vừa thống nhất, Triệu Từ Truyền đã làm lãnh đạo một quận.

Với thành tích ấy, với công trạng ấy, nhiều người phỏng chừng, dẫu Triệu Từ Truyền không cần gắng gượng thì thời cuộc cũng đẩy ông lên những chức vụ cấp cao. Thế nhưng, lúc tuổi bốn mươi, vừa ra thủ đô nhận chức vụ trưởng được một thời gian ngắn, Triệu Từ Truyền đã viết bài thơ Tạ từ Hà Nội lẫm liệt và não nùng: “Anh xin lạy tạ thánh hiền. Tạ Hà Nội, tạ vô biên cơ đồ. Tạ hoa, tạ suối, tạ hồ. Tạ môi, tạ mắt hóa thơ tạ từ” để quay lại TP HCM đeo đuổi nghiệp thi ca.

Có kỳ quặc không, có nghịch lý không? Xin thưa, hoàn toàn không, bởi có khi giữa bốn bề mưa bom bão đạn mịt mùng cũng không đáng sợ bằng lúc đất trời bình yên mà lòng người vẫn bày ra trận mạc. Chốn quan trường lưỡng cực tiền và quyền, khiến một con người như Triệu Từ Truyền sốt ruột tâm niệm: “trèo cây thấy tổ chim. không lượm trứng. sợ chim mái giận con trống đi hoang. ngồi bên mép hồ. không buông câu. ghét con cá kia lượn lờ. nhạo báng cá cắn câu” thì không thể nào làm được. Nếu Triệu Từ Truyền không tránh xa, e chừng rước họa sát thân. Và nếu Triệu Từ Truyền không tránh xa, thì cũng không có một nhà thơ Triệu Từ Truyền hôm nay!


Nhà thơ Triệu Từ Tuyền.

Hành trình thơ Triệu Từ Truyền bắt đầu từ năm 15 tuổi với tập Tình phượng 15 (lấy bút danh Triệu Công Tinh Trung) in năm 1962, rồi lần lượt có thêm Đêm lên cơn dài, Bên dòng Măng Thít, Dật dờ trong sương, Mảnh vỡ hồn nhiên, Va chạm hư không, Mặt cắt cõi ngoài… Với công chúng muốn qua thơ nhận diện tác giả, chỉ cần mỗi bài thơ Sài Gòn – Tôi cũng đủ để có lý lịch trích ngang của Triệu Từ Truyền:

“Năm lên bảy, Sài Gòn bắt gặp tôi
Nhà lợp tôn ngã tư Phú Nhuận…
… Thân phận trong chuồng cọp Côn Đảo
Gọi Sài Gòn đất liền
Sài Gòn làm hành trang
Sài Gòn vật kỷ niệm…
… Sài Gòn lập thân
Sài Gòn sáng tạo
Kéo phăng một đời
Trái xanh rơi
Trái héo rơi
Không bao giờ chấm đất
Trái hóa thân chín lại giữa lưng chừng”

Tuy nhiên, đánh giá cả sự nghiệp thơ Triệu Từ Truyền, phải xét hai mảng: thơ tranh đấu trước 1975 và thơ trữ tình sau 1975. Sớm có ý thức làm thơ, Triệu Từ Truyền nhanh chóng có được giọng điệu riêng, dẫu viết về những đề tài dễ sa vào hô hào khẩu hiệu. Với Bến Hải 1964, Triệu Từ Truyền hạ một câu gan góc cho địa danh từng ngăn cách con cháu Lạc Hồng: “Tôi muốn được chôn trên sông. để quên chia cắt”. Ngay cách ví von, Triệu Từ Truyền cũng chọn hình ảnh trực diện: “Tuổi trẻ ngộ nạn như chiếc phi cơ bốc cháy”. Thơ Triệu Từ Truyền vang lên trong khói lửa bằng tâm tư ngổn ngang và mê đắm “Bàn tay chết đuối rã rời. Cỏ hoa xưa đã ngậm lời chiến tranh” hoặc “Anh đấu tranh giữa giọt sáng trong mây. Thì xương máu, thì em thành con nước. Đất mềm dẻo mọc tóc rừng xanh ngát. Phải không em, mưa nắng của miền Nam”.

Triệu Từ Truyền tự thú bản thân “người hiện đại mang gien nguyên thủy”, cho nên giữa mong mang ranh giới trắng đen, thường bật mở những lời trăn trở như tiếng thở dài tê buốt. Phải ở vị trí của Triệu Từ Truyền mới òa vỡ thân phận một người đàn bà từng nuôi chồng đánh giặc, từng tiễn con nhập ngũ nhưng nhọc nhằn hòa nhập đời sống xô đẩy danh lợi: “Mẹ vào phố chợ đắng cay. Oằn vai quả phụ nặng đầy công lao”. Hai câu, mười bốn chữ, ngỡ khô khốc tình cờ mà rưng rưng nước mắt. Triệu Từ Truyền chọn thái độ điềm đạm để viết về cái đẹp vừa nghiệt ngã vừa uy nghi. Bám vệt cảm xúc này, Triệu Từ Truyền có nhiều dòng xao xác: “chút dư âm còn lại ở đầu môi. chút vẻ vang bay theo tàn tro giấy” và “vinh quang lớn nhất mọi thời/ không chống đỡ nổi lúc tâm hồn xiêu ngã”.

Đọc thơ Triệu Từ Truyền, lắm khi thấy hình ảnh mới sánh đôi với ngôn ngữ cũ, tạo ra những câu nửa nức nở nửa kiêu kỳ. Ví dụ: “Nụ hôn thắp lửa máu hồng. Cháy từ tim thắp sáng lòng lãng du” hoặc “Em xóa sạch thời gian. Đứng yên cùng thực tại. Trinh nguyên trong vĩnh hằng. Dòng tình âm ỉ mãi”. Hơn nữa, có lúc một đoạn thơ thú vị bị lu mờ bởi dăm chữ thống thiết, như: “Mót duyên nhóm lửa nửa khuya. Tỏa vầng sáng xóa chia lìa ngày đêm. Nắng trời rẻ rúng que diêm. Bóng đêm mừng được lửa tim ấm lòng”. Bốn chữ cuối cùng không đồng điệu với hai bốn chữ phía trước, khiến người đọc tinh ý phải tiếc ngẩn tiếc ngơ! Có lẽ sự xô lệch đó cũng không nằm ngoài tiên liệu của tác giả, bởi chính ông thường xuyên Dự báo đầy băn khoăn: “Những tinh cầu còn lạc bước vòng xoay. Ai buộc người đi một đường lặp lại. Người sống theo lửa cháy. Đến từ đâu, về những đâu đâu”.

Nhờ trải nghiệm cá nhân phong phú, thơ Triệu Từ Truyền giúp độc giả gọi đúng tên những khoảnh khắc mơ hồ. Khi “lách mình khỏi Sài Gòn mưa bay”, Triệu Từ Truyền chấp nhận “hóa thân giọt nước rong chơi/ đã đời lây nhiễm sao đòi từ tâm” và nhìn sâu vào bề bộn nhân sinh để biết rằng cuộc sống xung quanh luôn tồn tại nhiều sự nhắc nhở ấm áp xen lẫn dằn vặt. Với “Đá sỏi trong suối” có thoáng âu lo: “Tảng đá vô tâm chặn lối. Đá không hiểu vì sao có em. Vật thể bào mòn góc cạnh. Đá giận dữ vì sao có anh. Sinh thể nâu đen trôi nổi”. Với Cây quế giữa rừng cũng có bài học xa vắng: “Đứng sững một mình em. Cây quế lặng im giữa rừng quái ác. Cỏ cây ảo giác. Lá phả độc dược diệt mầm sinh. Hoa rung rinh hút máu. Cổ thụ giấu tay cường bạo. Xòa bóng râm lừa mị ngàn đời”.

Triệu Từ Truyền không có thói quen hướng thơ theo chiều bóng bẩy và lả lướt, nên thơ ông ít được đám đông tán thưởng nồng nhiệt. Thơ Triệu Từ Truyền dành cho những người biết im lặng với nỗi buồn và biết lắng dịu với niềm đau. Thơ ông chuyển nhịp nhanh ngắt ý nhanh “ngồi trên đầu sóng vỗ. đời mình hóa thuyền nan” và luôn tạo ra tính tương tác giữa các dữ kiện “em vừa vượt khỏi chiêm bao. gặp anh cơn gió lao đao cánh diều. nguyên sinh ốc đảo tình yêu. chân trời sa mạc bước liều mười phương”. Một người làm thơ “đành bỏ ngang bồ tát. ngồi thiền bên em chơi” như Triệu Từ Truyền thì không khó khăn gì để có được những câu thơ ấn tượng “tâm hồn em trong trắng/ sao mắt gợn sóng hồ?” hoặc “làm quen đêm lạ cắm sào. thuyền chờ tối nọ lũ trào đứt neo”, hoặc “ba mươi năm lãng mạn đọng môi em. kẻ uống giọt rượu tình cuối cùng do anh chưng cất. đừng trách anh có khuôn mặt sau cơn mưa”.

Hơn nửa thế kỷ gắn bó cùng thi ca, thơ Triệu Từ Truyền thay dần cái ngạo khí huyên náo bằng cái hạo khí thanh tĩnh: “Paris nỗi xanh. Gồng gánh thiên tài. Sợ Paris nặng. Saint Exupéry nửa đêm bay. biền biệt”.

Sài Gòn, ngày 28/2/2012

Lê Thiếu Nhơn

Nguồn: eVan.