Ngày Tết, đến thăm bất cứ gia đình Nam bộ nào, dù ở thành thị hay thôn quê, dù là doanh nhân thành đạt hay nông dân nhà xiêu vách lá, người ta thường thấy mâm ngũ quả được trang trọng đặt trên bàn thờ gia tiên mà năm loại trái cây thường gặp là mãng cầu, sung, dừa xiêm, đu đủ và xoài. Đây là một vật phẩm trang trí trên tinh thần âm dương hòa hợp theo tín ngưỡng phồn thực xa xưa, từ màu sắc đến hình dạng: Xanh mãng cầu, dừa xiêm đi đôi với đỏ hồng sung chín, vàng tươi xoài, đu đủ; thon dài đu đủ, mãng cầu, xoài đi đôi với hình tròn dừa xiêm, sung… Đây cũng là lời cầu chúc tài lộc theo cách phát âm của người Nam bộ: Cầu sung vừa đủ xài! Tất nhiên, do bản thân ngày Tết đã là một sự tượng trưng cho sự giao hòa trời đất, âm dương cho vạn vật sinh sôi nẩy nở, con người no đủ lâu bền nên tính tượng trưng của mâm ngũ quả thể hiện nỗi niềm ước mơ cho một năm mới sung túc được các thế hệ cư dân Nam bộ vô cùng ưa chuộng.


Mâm ngũ quả được người dân Nam bộ ưa chuộng, trước tiên, có lẽ là do chất dân dã đậm đà của nó. Miền Nam nước ta vốn được thiên nhiên ưu đãi, mưa thuận gió hòa, hoa trái bốn mùa. Có những chủng loại trái cây có hàm lượng dinh dưỡng và giá trị kinh tế cao, trở thành đặc sản của từng địa phương cũng như của cả vùng đất nhưng chúng lại không hề được đưa vào hàng ngũ quả ngày xuân. Trong khi đó, chính những loại trái cây sinh ra từ mé kinh, bờ cỏ mà những thế hệ lưu dân ban đầu bắt gặp khi vung phảng phát rừng, khi ngăn dòng đặt lọp và mấy trăm năm qua gắn bó với người dân Nam bộ đến nỗi vườn nhà nào cũng có, lại được trân trọng đưa lên bàn thờ gia tiên ngày Tết. Người dân xóm tôi, chiều Ba mươi Tết, tỉ mẩn ngồi tỉa xén từng chùm sung trước ngõ, từng quả mãng cầu xanh mướt… rồi đem biếu tặng lối xóm như biếu cả tấm lòng cầu mang cho mọi nhà cùng no đủ, chứ chẳng ai nghĩ đến chuyện mang ra ngồi ngoài chợ Tết.

Thế nhưng, quan trọng hơn hết, như trên đã đề cập, các thế hệ cư dân Nam bộ ưa chuộng mâm ngũ quả bởi tính tượng trưng sâu sắc của nó, thể hiện lời chúc tài lộc đầu năm. Tùy theo cách sắp xếp, cũng như cách suy nghĩ, mà có hai lời chúc khác nhau theo thứ tự của năm loại trái cây trên mâm ngũ quả: Cầu sung vừa đủ xài! Và Cầu vừa đủ xài sung! Câu sau có vẽ hơi thực dụng, trái với suy nghĩ truyền thống của người Việt Nam bộ còn câu trước khá hoàn chỉnh cả về mặt cấu trúc ngôn ngữ lẫn ý nghĩa gởi gấm nên các thế hệ lớn tuổi thường sử dụng. Suy gẫm kỹ, lời cầu chúc này còn thể hiện cả một triết lý, một quan niệm sống rất riêng, rất đặc trưng của người dân vùng đất tận cùng phương Nam Tổ quốc này. Cầu sung thì bất cứ ai cũng dễ dàng đồng ý, cũng ưa thích nhưng sự sung túc ở mức độ nào thì mỗi người mỗi khác. Cái độc đáo mà người xưa gởi gấmn vào mâm ngũ quả là sự sung túc ở mức Vừa đủ xài, thì chắc ngoài người dân nam bộ ra chẳng ai chúc vậy và chúc vậy chắc chẳng làm ai vừa lòng!

Vừa đủ hiểu theo nghĩa tri túc (tri là biết, túc là đầy đủ – chỉ những ai thực sự đầy đủ khi biết mình vừa đủ). Nhớ chuyện xưa, anh em nhà Sở Quảng và Tử Thọ làm quan đến chức Sư phó, quyền uy một cõi, vàng bạc đầy nhà, thê thiếp không biết bao nhiêu mà kể. Thế rồi, anh em bảo nhau: Tri túc bất nhục, tri chi bất đãi (biết đủ chẳng nhục, biết dừng lại chẳng sa vào chỗ nguy), nếu không xem là vừa đủ, chẳng biết dừng lại thì có ngày chết chìm trong chính đống vàng bạc, nguy là vậy! Hai anh em cớ bệnh, dâng sớ từ quan, ngày tháng tiêu dao cùng cỏ cây sông nước, đổi ngàn vàng giữ lấy thân vui. Ngày xuân, ngắm mâm ngũ quả, ngẫm chữ vừa đủ, vừa phục lại vừa thương trí tuệ và tấm lòng của cha ông ngày trước.

Đó là chuyện nước người, còn chuyện nước ta thì anh chàng Thạch Sùng giàu nứt đố đổ vách thế kia nhưng không tự biết vừa đủ để ngàn đời phải đeo vách nhà mà tắc lưỡi thở than, trở thành bia miệng cho thế gian chê cười.

Trong triết lý vừa đủ của mình, ông cha ta không hề có ý răn con cháu an phận thủ thường trong cảnh khố rách áo ôm, cản ngại bước tiến vươn tới ấm no, hạnh phúc, giàu mạnh. Hơn ai hết, những người phải rời bỏ chốn chôn nhau cắt rốn ra đi, sống trong cảnh tha hương cầu thực, mở rừng khai phá đất phương Nam hiểu rõ thân phận nghèo hèn bị người đời dè bỉu, rẻ khinh đến nhường nào. Nghèo thường đi đôi với khổ, với nhục nhưng sang giàu mà quanh năm vất vả, làm nô lệ cho đồng tiền, vật chất thì liệu có sung sướng gì hơn! Cái quan trọng ở đây là ông cha ta không hề đề ra cái mức vừa đủ mà mỗi con người cần tự biết cái vừa đủ trong hoàn cảnh cụ thể của bản thân mình, gia đình mình để có thể tạo ra cuộc sống an nhiên trong vòng xoay sấp ngửa của kim tiền.

Chuyện vừa đủ là vậy, chuyện xài tưởng đơn giản nhưng thực ra cũng lắm việc cần bàn. Giai thoại về anh chàng công tử xứ muối Bạc Liêu đốt giấy bạc soi đường cho cô bạn gái (chắc là trong phút bốc đồng, chơi ngông) đã nổi tiếng một thời cho sự xài sang. Nhưng lão ăn mày Hoa Thị chỉ còn đồng bạc cuối cùng mua cơm vẫn thản nhiên tặng người bạn ăn mày còn đói khổ hơn mình, rồi ôm bụng đói ngủ qua đêm, lấy cái no của đồng loại làm nỗi ấm lòng mình giữa đêm đông lạnh giá. Cái sự xài sang của chàng công tử và lão ăn mày kia, ngẫm ra chưa hẳn ai đã hơn ai!

Vung tay quá trán, xài tiền như nước thì dù có của kho vàng núi cũng có ngày khánh tận nhưng bo bo giữ lấy hơi đồng như Lão Hà tiện của Molière cũng chẳng xứng mặt làm người – đó chẳng qua cũng là một thứ nô lệ mà thôi.

Thế mới biết, từ mâm ngũ quả bày trí ngày xuân, ông cha ta đã để lại cho cháu con không chỉ đơn thuần là lời chúc tài lộc đầu năm mà còn là lời nhắn nhủ, khuyên răn chuyện tự biết vừa đủ, chuyện biết xài. Chuyện vừa đủ xài quả là một triết lý, một di sản văn hóa độc đáo của những người đi mở đất để lại cho các thế hệ tiếp sau. Triết lý, quan niệm sống ấy mãi thắm tươi như chính dừa đủ xoài trên mâm ngũ quả ngày xuân.

Nguồn: yume.vn