Có tuổi đời và thịnh suy khá giống với nghệ thuật cải lương, tranh kiếng là một thành tố cấu thành trong đời sống tín ngưỡng, văn hóa và thẩm mỹ của người dân Nam bộ. Triển lãm Tranh kiếng Nam bộ đang diễn ra tại chùa Xá Lợi (TP.HCM) là cơ hội trưng bày hiếm hoi, sau một triển lãm tương tự diễn ra từ hơn nửa thế kỷ trước.

100 tranh được chọn lọc từ 1.600 bức, do Lý Lược Tam, Nguyễn Anh Kiệt, Nguyễn Đại Phúc, Huỳnh Duy Thiết, Huỳnh Thanh Bình… sưu tầm. Ra đời tại Trung Quốc từ thế kỷ 18, tranh kiếng (kính, gương) từng du nhập vào thời vua Minh Mạng, Thiệu Trị. Song quá trình nội địa hóa thực sự thì bắt đầu ở Chợ Lớn, Lái Thiêu (thập niên 1920), rồi Nam kỳ lục tỉnh (thập niên 1940 – 1950) và phổ biến ở Mỹ Tho, Cai Lậy, Gò Công (Tiền Giang), Chợ Mới (An Giang)…

Thời hoàng kim

Chưa có nhiều nghiên cứu cụ thể về quá trình nội địa hóa và Việt hóa tranh kiếng, vì từ xưa giới nghiên cứu chưa xem đây là đối tượng cần tìm hiểu. Chỉ khoảng 20 năm gần đây mới xuất hiện nhiều bài viết của Lý Lược Tam, Huỳnh Ngọc Trảng, Trương Ngọc Tường, Phan Thanh Hải, Phan Yến Tuyết… và đặc biệt Huỳnh Thanh Bình. Ngay buổi khai mạc, Huỳnh Thanh Bình đã tặng 100 cuốn sách Tranh kiếng Nam bộ (NXB Phương Đông, 8/2013) cho những khán giả đến xem.

Vở cải lương nổi tiếng Thoại Khanh – Châu Tuấn trong tranh kiếng Nam bộ – minh chứng sinh động quá trình “nội địa hóa” một cách trọn vẹn.

Các bài viết cho thấy kỹ thuật kiếng tráng thủy theo chân người Quảng Đông vào Chợ Lớn đầu thế kỷ 20, tại đây, họ tiếp tục làm tranh kiếng để bán cho cộng đồng người Hoa. Đầu thập niên 1920, kỹ thuật này phát triển mạnh ở Lái Thiêu vì vùng này đang nổi trội về thủ công, kỹ nghệ và giao thương.

Ban đầu thì kỹ thuật tranh kiếng của người Việt vẫn là “bổn cũ soạn lại”, rập khuôn kỹ thuật và chủ đề của người Quảng Đông, khá rõ ở dòng tranh Lái Thiêu. Nhưng dần dà, tâm thức, tín ngưỡng của người Việt chiếm ưu thế, vì thị trường đã nới rộng ra cả Nam bộ. Từ thập niên 1940, bên cạnh các chủ đề cũ, vốn ảnh hưởng từ truyền thống tín ngưỡng của người Hoa, dòng tranh kiếng của Mỹ Tho, Cai Lậy, Gò Công, Chợ Mới đã có thêm nhiều chủ đề Việt hóa hoặc thuần Việt.

Triển lãm Tranh kiếng Nam bộ tuy chỉ có 100 bức, nhưng người xem vẫn hình dung được sự phong phú về chủ đề. Phổ biến là tranh thờ, tranh chư Phật, chư thần, tranh phong cảnh (tứ thời, tứ thú), tranh chúc tụng, tranh trang trí, tranh cửa buồng…, ít phổ biến hơn là tranh tuồng tích (từ hát tuồng, cải lương), tranh vẽ theo đặt hàng.

Nhìn tổng thể, tranh kiếng Nam bộ không chỉ “nội địa hóa” thành công một kỹ thuật du nhập, mà còn làm mới và sản sinh ra nhiều hình thức, chủ đề, quan niệm phong phú.

Và trầm lắng

Theo nhà nghiên cứu Huỳnh Thanh Bình thì: “Ở Nam bộ, tranh thờ ngày xưa, cực hiếm hoi là các bức chạm gỗ, phù điêu sơn son thếp vàng và phổ biến là các bài vị khắc chữ Hán trên gỗ; kế đó là các sản phẩm cẩn xà cừ, phổ biến nhất là viết vẽ trên giấy hồng đơn… Đến đầu thế kỷ 20, sự xuất hiện của tranh kiếng đã cung ứng cho nhu cầu trang trí, thờ tự một loại đặc phẩm mỹ thuật thích dụng và đặc biệt, nhờ chúng có giá thành thấp nên nhanh chóng phổ biến khắp cả miền Nam, trong cả đình, chùa, đền, miếu đến tận gia đình, hàng quán…”.

Thế nhưng, khoảng 10 năm trở lại đây, dù tranh kiếng vẫn còn được sản xuất và mua bán, nhất là dịp năm mới ở miền Tây Nam bộ, nhưng cái thời tấp nập thì đã qua rồi. Cắt nghĩa về thời kỳ trầm lắng này rất khó, có thể do thiếu họa sĩ làm mới; có thể do nhu cầu thờ cúng, trang trí của người dân đang thay đổi; hoặc họ đang cần một dòng tranh kiếng kiểu khác, sang trọng và nghệ thuật hơn chăng?

Trước thực tế này, bộ sưu tập tranh kiếng càng đáng xem, đáng nghiên cứu, vì nó ghi dấu một loại hình văn hóa đặc thù của Nam bộ.

VĂN BẢY
Thể thao & Văn hóa