Triển lãm Tác động vì hòa bình đang diễn ra tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (28 Võ Văn Tần, Q.3, TP.HCM). Triển lãm do nhóm cố vấn bom mìn (MAG) thực hiện, trong đó đặc biệt có những bức ảnh của nhiếp ảnh gia Na Sơn với góc nhìn hiện thực tươi sáng và lạc quan…
Triển lãm giới thiệu hơn 62 bức ảnh về các hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn của chiến tranh qua ống kính của 3 nhà nhiếp ảnh phóng sự: Sea Sutton, Aidan Dockery và Na Sơn. Đây là những nhiếp ảnh gia có nhiều tác phẩm được đăng tải trên các tạp chí nổi tiếng trên thế giới.
Triển lãm này gồm những bức ảnh như một câu chuyện kể về những con người chịu ảnh hưởng của chiến tranh, những hành động dũng cảm của các nhân viên rà phá bom mìn của MAG và những tác động tích cực của những hoạt động này đối với sự phát triển của kinh tế và xã hội. Đặc biệt những bức ảnh của Na Sơn có thể nói là điểm đáng lưu ý trong triển lãm này khi góc máy của anh không hướng đến những hình ảnh đau thương mất mát của những người dân do những quả bom mìn chưa nổ còn sót lại mà thay vào đó, là một cái nhìn tươi mới trên nền cái hiện thực đầy khốc liệt, tàn nhẫn…
Người nông dân canh tác trên thửa ruộng đã được làm sạch bom mìn
Hình ảnh: “Đây là lần đầu tiên, tôi dám dùng cuốc để cuốc đất trên mảnh đất này. Tôi cảm thấy yên tâm rồi” của bà Nguyễn Thị Thỉ, 59 tuổi, người dân ở thôn Thủy Trung, tỉnh Quảng Trị sau thời gian dài không thể bổ nhát cuốc trên chính mảnh đất thân yêu của mình. Hoặc hình ảnh những em học sinh đi học trên con đường mà trước đây đã từng là “nỗi ám ảnh kinh hoàng” bởi bom mìn còn sót lại sau chiến tranh… cho ta thấy điều đó.
Đã có nhiều cuộc triển lãm hình ảnh về những hậu quả của bom mìn còn sót lại sau chiến tranh như: triển lãm Chứng tích bom mìn ở Quảng Trị (2003), triển lãm Sống sót đến hòa bình (2008) của nhiếp ảnh gia người Anh, Sean Sutton với 125 bức ảnh tư liệu tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP.HCM; hoặc triển lãm cùng tên Tác động vì hòa bình (Hà Nội, 10/2011)… Nhưng triển lãm “rà phá bom mìn” lần này là: “Triển lãm như một làn gió mới thổi đi những u uất, nặng nề của một bảo tàng với những hiện vật phơi bày tội ác, chết chóc, đau thương, mất mát của chiến tranh tại Việt Nam” – bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh chia sẻ.
Được biết, sau triển lãm, toàn bộ số ảnh của 3 nhiếp ảnh gia sẽ được trao tặng cho Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh TP.HCM.
Nguồn: Thể thao & Văn hóa