N.V
Triển lãm “Chuyển mình hứng khởi” mang một cái nhìn đậm chất thơ về đất nước Việt Nam trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ thông qua các tác phẩm của ba nghệ sĩ Pháp, Bỉ và Việt Nam, của các sinh viên trường Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh và một không gian thực nghiệm dành cho khách tham quan. |
Với sự hỗ trợ của Cơ quan Ngoại giao Wallonie-Bruxelles International, triển lãm “Chuyển mình hứng khởi” mở cửa miễn phí, sẽ diễn ra từ ngày 21-12-2017 đến 14-1-2018 tại Bảo tàng Mỹ thuật, 97 Phó Đức Chính, quận 1, TP Hồ Chí Minh. Thời gian mở cửa: từ 8 giờ đến 18giờ, thứ ba đến chủ nhật hằng tuần. Triển lãm “Chuyển mình hứng khởi” nằm trong khuôn khổ Dự án “La centrifugeuse | Máy xay sinh tố” được hợp tác giữa ba nước Bỉ-Việt Nam-Pháp, do các nghệ sĩ Emmanuelle Vincent và Pierre Larauza (Cie Transitscape), Trương Minh Thy Nguyên khởi xướng, hợp tác cùng ông Nguyễn Văn Minh, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Dự án được sáng lập ra với mong muốn đề cập đến những câu hỏi liên quan đến tính đa dạng và giàu bản sắc văn hóa nhằm đề cao sự hòa trộn văn hóa. Dự án xoay quanh hai phạm vi hoạt động chính đó là sáng tác và giảng dạy cùng với các sinh viên và nghệ sĩ Việt Nam. Ba nghệ sĩ khai thác chủ đề biến đổi hình thái không gian đô thị một cách mới mẻ, sử dụng nhiều ngôn ngữ nghệ thuật khác nhau để đặt ra những câu hỏi liên quan đến sự chuyển đổi giữa quá khứ và tương lai. Trương Minh Thy Nguyên, đồng sáng lập dự án La centrifugeuse | Máy xay sinh tố, anh đồng thời là họa sĩ và nhà sư phạm chuyên về các dự án nghệ thuật xoay quanh chủ đề đa văn hóa. Anh tốt nghiệp ngành Nghệ thuật tạo hình, thị giác và không gian tại trường Nghiên cứu Đồ họa Bỉ. Sinh ra tại Bruxelles, Bỉ, ba mẹ là người Việt Nam, nên anh quyết định sinh sống giữa Bruxelles và TP Hồ Chí Minh. Anh chịu ảnh hưởng giáo dục từ cả hai nền văn hóa, anh luôn bị cuốn hút bởi những đô thị, cư dân sinh sống nơi đây. Emmanuelle Vincent, đồng sáng lập dự án La centrifugeuse | Máy xay sinh tố, cô đồng thời là biên đạo múa, vũ công và đạo diễn của đoàn múa Transitscape. Cô còn đóng vai trò là giáo viên điều hành trường múa và nghệ thuật sân khấu La Confiserie và giảng dạy sáng tác hình thái nghệ thuật múa tại trường Đại học Công giáo tại Louvain-la-Neuve (Bỉ). Tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Nghệ thuật sân khấu tại Đại học Sorbonne-Nouvelle (Pháp) dưới sự hướng dẫn của giáo sư Georges Banu. Emmanuelle đều có một sáng tác riêng khi cô lưu diễn ở mỗi nước khác nhau. Cô luôn dành thời gian gặp gỡ và cộng tác với các nghệ sĩ thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Hiện nay cô sinh sống và làm việc giữa Bruxelles và TP Hồ Chí Minh. Pierre Larauza, đồng sáng lập dự án La centrifugeuse | Máy xay sinh tố, anh là nghệ sĩ đa ngành chuyên viên nghiên cứu cấp đại học. Trải qua nhiều năm theo học hội họa, kiến trúc và nghệ thuật video, anh khám phá ra nghệ thuật sân khấu sau khi Emmanuelle Vincent và cả hai cùng thành lập đoàn nghệ thuật múa Transitscape vào năm 2003. Anh đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau như đạo diễn sân khấu, đạo diễn phim, thiết kế sân khấu và diễn viên trong các bộ phim và buổi trình diễn của họ. Đồng thời, trong vòng ba năm trở lại đây, anh còn phát triển thêm dự án về phim tài liệu điêu khắc. Trong không gian triển lãm, phòng thực nghiệm là khoảng không gian dành cho khách tham quan, mở cửa mỗi ngày trong thời gian triển lãm. Các sinh viên trường Đại học Mỹ thuật sẽ đón tiếp, gặp gỡ và trò chuyện với khán giả. Người lớn và trẻ em có thể tương tác với các mô-đun vui nhộn, kết nối với các tác phẩm trưng bày để hiểu hơn về nội dung triển lãm, một Việt Nam đang chuyển mình. Khách tham quan có thể dừng chân dành thời gian để quan sát, trải nghiệm và để lại dấu ấn. Những dấu ấn tác phẩm này sau đó sẽ được giới thiệu vào đêm bế mạc triển lãm ngày 11-1-2018. Trước đó, Triển lãm cũng đã diễn ra tại Hà Nội vào tháng 9 trong khuôn khổ liên hoan “Múa đương đại: Sự gặp gỡ Á-Âu 2017”. Nguồn: Nhandan.com.vn Lê Thị Hồng Nhung đăng bài |