Một góc triển lãm “Heritage Space Plus” do nghệ sĩ Nguyễn Anh Tuấn và Vũ Huy Thông giám tuyển trong không gian Heritage Space (Hà Nội).
Thời gian gần đây, tại một số triển lãm, nhất là triển lãm được tổ chức ở các không gian văn hóa sáng tạo về nghệ thuật đương đại, công chúng dần được làm quen với chức danh “giám tuyển”. Sự xuất hiện của giám tuyển Việt Nam ở các dự án nghệ thuật trong nước và ngoài nước chứng tỏ hoạt động này đang từng bước được khẳng định.
Nghệ sĩ thị giác gốc Việt Nguyễn Gia Trọng, người đã có hơn 15 năm kinh nghiệm làm giám tuyển nghệ thuật ở Mỹ và nhiều quốc gia phát triển, mới đây là ở TP Hồ Chí Minh, chia sẻ: Giám tuyển trên thế giới được định danh bằng thuật ngữ “curator”. Ban đầu, họ chỉ là những chuyên gia tư vấn chuyên môn cho việc mua, bán, quản lý tác phẩm nghệ thuật ở các bảo tàng hay các bộ sưu tập nghệ thuật. Nhưng sau đó, họ còn là những người lựa chọn tác phẩm, trình bày chúng vào những bộ tác phẩm phù hợp và đưa triển lãm ở một thời điểm hợp lý. Dần dần, họ tự khởi xướng ý tưởng, hoạch định các dự án nghệ thuật và trực tiếp làm việc với các nghệ sĩ để sáng tác dựa trên việc nắm bắt được nhu cầu thị trường.
Điều này có nghĩa “curator” vừa phải có “con mắt xanh” để biết xu hướng vận động của nghệ thuật, từ đó phát hiện và định hướng tài năng; vừa là cầu nối đưa tác phẩm từ nghệ sĩ đến nhà quản lý, công chúng để tạo ra hiệu quả xã hội. Chính vì là “mắt xích” quan trọng như vậy, cho nên theo nhiều “curator” Việt Nam, dịch từ này thành “giám tuyển” là chưa chính xác. Bởi hàm ý từ “giám tuyển” mới dừng lại ở giám sát, giám định và tuyển chọn tác phẩm; trong khi “curator” còn là tư vấn, định hướng nghệ thuật… Tuy nhiên, do chưa có từ định nghĩa chính xác nhất cho nên những “curator” Việt Nam vẫn được gọi là “giám tuyển”.
Các trường đào tạo nghệ thuật thế giới lâu nay đều có các khoa đào tạo “curator” chuyên nghiệp. Tuy nhiên, ở nước ta vẫn chưa có một cơ sở nào đảm nhận giáo dục chuyên ngành này một cách bài bản. Mặc dù đã có một số bạn trẻ đi học các chuyên ngành về lịch sử nghệ thuật học, lý luận phê bình nghệ thuật ở nước ngoài quyết định về nước “đầu quân” làm giám tuyển cho các đơn vị chuyên tổ chức hoạt động nghệ thuật, nhưng tính ra những giám tuyển chuyên nghiệp ở Việt Nam vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Lý giải điều này, họa sĩ, giám tuyển Lê Thiết Cương cho biết, một phần là vì khoảng chục năm trở lại đây, nghề giám tuyển mới được định danh, một phần vì nó chưa được đưa vào giáo trình giảng dạy chuyên nghiệp. Hơn nữa, đây là một hoạt động vô cùng phức tạp, ngoài hiểu biết nghệ thuật, kỹ năng chuyên môn, “phông” văn hóa dày, còn cần có uy tín xã hội để kết nối với các đơn vị tổ chức, tài trợ, truyền thông…, sao cho dự án nghệ thuật đạt được hiệu ứng xã hội, kinh tế tốt nhất. Bởi vậy, lực lượng giám tuyển chuyên nghiệp ở Việt Nam còn khá mỏng và chủ yếu là những nghệ sĩ đang hoạt động trong giới sáng tác, có ngoại ngữ, có mối quan hệ tốt và đi lên bằng con đường tự học.
Thêm một lý do nữa là điều kiện thực hành giám tuyển nghệ thuật ở nước ta còn khó khăn, vai trò của những giám tuyển nhiều khi chưa được nhìn nhận đúng mức. Bằng chứng là dấu ấn của giám tuyển Việt Nam chỉ mới phát huy ở khu vực ngoài công lập và chủ yếu với vai trò cá nhân; còn lại hầu như vắng bóng ở các hoạt động nghệ thuật công lập, trong khi đây mới chính là sân chơi có quy mô lớn mà từ đó thế giới nhìn vào để đánh giá diện mạo nghệ thuật quốc gia.
Khoảng 10 năm trở lại đây, theo dõi một số triển lãm mỹ thuật như: “Sneaky Week” (giám tuyển bởi nghệ sĩ Phạm Đức Tùng), “Việt dã nghệ thuật” (giám tuyển bởi nghệ sĩ Nguyễn Như Huy), “Vào chợ” (giám tuyển bởi họa sĩ Ngô Lực), chuỗi triển lãm của Davines Art Series qua các năm (giám tuyển bởi họa sĩ Lê Thiết Cương), hay “TechNoPhobe” (giám tuyển bởi nghệ sĩ Nguyễn Gia Trọng)…có thể thấy được dấu ấn của các giám tuyển trong việc tạo nên quy mô và sức ảnh hưởng của dự án nghệ thuật. Họ trực tiếp đưa ra ý tưởng, tìm đến các nghệ sĩ địa phương, tuyển chọn những tác phẩm tốt và đem triển lãm, từ đó kết nối với công chúng và tìm đầu ra cho sản phẩm. Đây không đơn thuần chỉ là hoạt động kinh tế mà còn có tác dụng kích hoạt, thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật theo nhiều đường biên sáng tạo.
Tuy nhiên, cũng bởi sức ảnh hưởng, khả năng chi phối của giám tuyển trong dự án nghệ thuật tương đối lớn, nhiều khi mang tính quyết định cho nên không loại trừ nguy cơ “lũng đoạn” nghệ thuật, tức là đôi khi giám tuyển sẽ lựa chọn tác phẩm vì quan hệ cá nhân nhiều hơn vì giá trị của chính tác phẩm. Do đó, người làm giám tuyển phải thật sự công tâm và có trách nhiệm cao. Và để kiểm soát điều này, ở các dự án nghệ thuật quy mô lớn, đòi hỏi độ chuyên nghiệp cao, cần có sự phối hợp của nhiều giám tuyển để bảo đảm sự công bằng, khách quan nhất.
Dù ở nước ta, hoạt động giám tuyển mới chỉ có ở các lĩnh vực hội họa, nhiếp ảnh, điêu khắc, sắp đặt…, nhưng thời gian tới sẽ còn mở rộng cả nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác. Bởi loại hình nào cũng cần đến những người có khả năng tư vấn, tạo ra vòng quay thúc đẩy nghệ thuật phát triển; đây cũng là xu hướng đã được khẳng định trên thế giới. Tuy nhiên, hoạt động giám tuyển ở Việt Nam có thật sự đạt tầm chuyên nghiệp hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó phải tính tới việc tạo điều kiện và đánh giá đúng mức về nghề giám tuyển nghệ thuật của các cơ quan quản lý văn hóa.
Theo Trang Anh – Nhân dân