Là một họa sĩ với vài cuộc triển lãm cá nhân, là biên tập viên với mảng văn học của NXB Trẻ, thế rồi vào một ngày nọ, Trần Ngọc Sinh thức dậy ở… Campuchia.
Sách do NXB Trẻ ấn hành – Ảnh: N.N.Thuần
Điều gì khiến một con người trầm lặng và có phần e dè như anh quyết định sống ở đây trong vài năm liền, đi và về liên tục giữa hai đất nước?
Phnom Penh – tác phẩm đầu tay của anh hé mở cho chúng ta cái nhìn đó. Có thể gọi đây là một cuốn du ký cũng không sai, nhưng du ký của Sinh không phải dưới dạng đi đến đâu, thấy điều gì lạ lùng thì ghi lại. Thậm chí anh nói rất ít về Phnom Penh.
Xuyên suốt cuốn sách là quá trình xê dịch bên trong của tác giả, những cảm nhận tưởng chừng đơn giản nhưng sâu lắng, chắt lọc, những câu chuyện quá khứ ở Việt Nam, ở đâu đó bên trong lẫn bên ngoài tâm tưởng. Nói đúng hơn, Phnom Penh chỉ là cái cớ để tác giả đối chiếu và nhớ lại.
Khi chúng ta đi, chúng ta sẽ thấy quá khứ của mình rõ hơn. Điều đó xem ra đúng với trường hợp của Sinh.
Khi ở Phnom Penh, anh viết về người cha đang ở Việt Nam của mình – người đàn ông bị Alzheimer và cuộc tranh đấu chống lại sự mờ nhạt ký ức; ký ức mất, ngôn ngữ mất dần, cha của anh phải làm gì để chống lại điều đó. Đó là lúc ông vẽ lại thế giới của mình. Đó là lúc những hình ảnh bị kéo dãn, mất sự kết nối và trở nên vô nghĩa.
Khi ở Phnom Penh, Sinh viết về những tấm ảnh âm bản của chính mình như một chiều khác đi của hiện tại.
Hoặc đó là một buổi sáng khi đi dạo đâu đó ở Phnom Penh, anh đến ghi danh tại một lớp học ngôn ngữ dành cho trẻ con. Là những cố gắng kết nối thân thiện với những đứa trẻ qua hình vẽ, học những câu chuyện của chúng, chứng kiến sự xuất hiện và mất dần của những đứa trẻ ở những lớp học ngoại ngữ phụ đạo, những cuộc gặp gỡ nho nhỏ và chẳng biết bao giờ có thể lặp lại.
Phnom Penh mơ hồ qua khối từ vựng ít ỏi mà anh học được để hằng đêm cố cắt nghĩa lời than vãn của một ông già say rượu, hoặc trở nên cụ thể hơn qua những cuộc biểu tình mà anh vô tình đi qua.
Sự thật thì chúng ta không có nhiều lý giải khi ở một nơi không thuộc về ngôn ngữ của mình. Khi đến với một vùng ngôn ngữ khác, hiện thực bao giờ cũng như lùi xa ta một chút, trở nên kém hiện thực đi, mơ hồ hơn và chúng ta trở nên nhìn rõ con người của chúng ta hơn.
Càng về cuối cuốn sách, Phnom Penh càng cho chúng ta thấy một sự di chuyển nhẹ giữa hiện thực và hư cấu, những câu chuyện có vẻ không còn rõ ràng nữa.
Một buổi tối, những người đàn ông đến một khu giải trí chơi trò “game người” và bóc dần những lớp hóa chất trên thân thể một cô gái ngủ say. Hoặc một buổi sáng, người ta hoan hỉ nhận được món quà của Thượng đế là một đứa trẻ bị bỏ rơi đặt trước cửa nhà.
Với Phnom Penh, một người vốn trầm lặng như Sinh, có vẻ như đã tìm thấy những điểm tựa giữa vô vàn mông lung trên bước đường anh đã chọn. Một tác phẩm trong trẻo, đáng đọc, đáng để hiểu thêm một tâm hồn khép kín và càng lúc, nhờ những vùng đất xa lạ, nhờ những chuyến đi mà trở nên rộng mở hơn.
Đọc Phnom Penh là đọc một tâm hồn vừa mới khai sinh trên từng bước chân nhỏ.
Theo NGUYỄN NGỌC THUẦN (Tuổi trẻ online)