Đến nay xứ Thanh còn ba nơi có suối cá thần: Cẩm Lương và Cẩm Liên (huyện Cẩm Thủy), Văn Nho (huyện Bá Thước). Ký giả Nguyễn Trọng Tín trong bài Suối cá thần kể lại: “Nhà thơ Nguyễn Duy còn cho biết, trước kia ở đền Phố Cát, huyện Nho Quan, cũng thuộc Thanh Hoá, nơi giáp ranh với tỉnh Ninh Bình, có một dòng suối Cá Thần, cá nhiều không kém gì suối Lương Ngọc. Cá ở suối Phố Cát cũng là cá dốc, nhưng vi của nó màu đỏ thẫm và dài hơn cá dốc suối Lương Ngọc. Trong thời kỳ không quân Mỹ đánh phá miền Bắc, một đơn vị bộ đội về đây đóng quân, cánh lính nhà ta đã dùng thuốc nổ đánh cá suối cải thiện bữa ăn, nên “cá thần” ở đây đã tiệt nòi” (Sài Gòn tiếp thị, ngày 6/4/2007)… Xác nhận chuyện đàn cá thần một thời hiện hữu ở đền Phố Cát (nay thuộc địa phận xã Thành Vân, huyện Thạch Thành), chúng tôi giới thiệu bài du ký Trên đường quan lộ cũ: Với đàn cá thần ở suối đền Phố Cát của Nhị Lang in trên báo Công luận (Sài Gòn, số 7318, ra ngày 6-1-1937). Văn bản do nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Sơn (Viện Văn học) cung cấp.


Đền Sòng – Phố Cát, nơi thờ đức công chúa Liễu Hạnh, vẫn là những chỗ có tiếng là linh ứng ở nước ta. Lại là những nơi có phong cảnh rất đẹp, sơn thanh thủy tú, tạo hóa như đã dành một nét họa đặc biệt, những khách yêu cảnh vật không thể nào bỏ qua mà không tới thăm viếng.

Cái thanh danh Đền Sòng – Phố Cát, chúng tôi được nghe từ đã lâu, song le đường sá xa xôi, mà việc vận tải lại không tiện lợi, cho nên dù trong bụng vẫn ước ao được chiêm bái chốn linh ứng ấy, mà vẫn chưa có dịp nào được hài lòng. Vừa đây gặp dịp có một con công đệ tử ở Hà thành công đức tiến mấy pho tượng vào đền. Hôm làm lễ sẵn xe một người bạn rủ tôi cùng đi. Thực là một dịp may hiếm có.

Trước khi vào tới đền Sòng và Phố Cát, dọc đường thuộc địa số 1 từ Hà Nội vào Thanh Hóa, các con công đệ tử còn phải dừng lại mấy nơi như đền Dâu, quán Cháo, ở quá Chợ Ghềnh, đền Chín Giếng ở dưới ga Bỉm Sơn, toàn là những nơi mà đức Liễu Hạnh xưa đã để dấu chân! Các con công đệ tử gọi thế là lễ trình!

Quá ga Bỉm Sơn chừng hơn cây số thì tới đền Sòng ngay ở bên vệ đường cái. Đền nầy rất đồ sộ, nhưng lâu ngày ít ai săn sóc tu bổ, nên bên trong đã hiện thấy cái vẻ sân rêu, tường đổ. Tuy vậy trước cửa đền cái cảnh vật thiên nhiên cũng rất ưa nhìn. Dưới dòng nước suối trong veo, róc rách chạy qua những cành lá rườm rà của các cây cổ thụ mọc cúi sát gần mặt nước. Đàn cá suối nhỏ bằng ngón tay thung thăng bơi lội thực là vui mắt.

Ở đền Sòng ra còn phải đi một quãng nữa, tới cây số 121, đến giữa trước cửa đồn khố xanh Bỉm Sơn thì ra vào con đường bên tay phải, tức đường hàng xứ số 7. Ngay đầu đường có hai tấm bảng đen lớn viết bằng chữ trắng, một bên tiếng Pháp mời khách du lịch nên dừng chân quá bộ vào thăm “Đền Cá Thần” (Pagode des Poissons sacrés).

Đi vừa đúng 17 cây số, theo con đường số 7 nầy tuy rải đá, nhưng vẫn gập ghềnh khó đi, qua lăng Triệu Tường thờ ông Nguyễn Kim ở làng Quý Hương, đi hàng mấy cây số vào giữa những đám rừng rậm, thì tới một chỗ quang quẻ, bên tay phải thấy hai cái cột vôi dựng rất cao. Đó là cổng vào đền Phố Cát. Đi chừng nửa cây số nữa thì tới đền. Con đường nầy, mười năm trước không ai dám đi, về hai bên toàn rừng cỏ ranh, không gặp cọp thì tất gặp cướp. Nhưng nay sửa lại đã quang đãng nhiều.

Đền Phố Cát ở trên một ngọn đồi khá cao, thuộc làng Hòa Quát, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa. Huyện nầy có thể ví như là một nơi cùng tận là vùng thượng du của tỉnh Thanh, phần lớn toàn rừng rậm, non cao, mà dân cư phần nhiều là Mường Mán. Vả huyện lại tiếp giáp với hạt Nho Quan và tỉnh Hòa Bình, toàn là những vùng rừng rú.

Tục truyền đường quan lộ của ta trước kia đi lối nầy. Mà hiện ở cạnh đền vẫn còn thấy một con đường nhỏ đi trong rừng. Dân Mường nói con đường ấy đi đến tận Ninh Bình. Chỗ nầy xưa kia là một phố đông đúc, đức Liễu Hạnh đến đây dựng quán bán hàng. Cái di tích cũ đến nay chỉ còn cây muỗm rất to ở trước cửa đền.

Đền Phố Cát trước kia chỉ là một ngôi đền nhỏ ở sát gốc cây muỗm kia thôi. Cách đây 3 năm, ông Cao Xuân Thọ, con trai cụ Cao Xuân Dục bổ về nhậm huyện Thạch Thành, bèn để ý tu sức lại nơi danh thắng đó. Ông huyện Thọ là một vị quan trẻ tuổi tinh nhanh, có nhiều sáng kiến, nên một mặt thì nhờ Nguyễn Bá Trác phu nhân, một mặt thì lấy ngay tiền của thập phương cúng vào đền mà tu sửa lại hết thảy mọi nơi.

Nhờ thế mà giữa chốn rừng sâu rậm rạp, núi bao bọc chung quanh ấy, bây giờ hiện lên một tòa đền to tát, nguy nga, có bậc gạch từ sân lên đến cung thượng, lưng đền dựa vào một trái đồi. Cứ cái công phá một mảng đồi ấy để mở mang cho đền lớn thêm, cũng đã khó nhọc lắm rồi.

Cách đó chừng trăm thước, ông huyện Thạch Thành dựng một nhà kiểu tây làm nơi tiếp khách, có ba gian, có đủ giường màn, chăn chiếu. Ngoài cổng đền lại đốt phá cả một mảng rừng vài mẫu, ngày thường thì trồng thầu dầu để lấy chút lợi cho đám dân nghèo vùng đó, mà ngày hội thì để làm chỗ dựng quán, đặt giường, tiếp khách thập phương.

Từ nay, thập phương về lễ không còn lo sợ phải nằm trên mặt đất, phó mặc cho đám muỗi rừng tha hồ tiêm bịnh ngã nước vào mình. Ông Thọ nói cho chúng tôi biết còn có ý mở mang thêm cho nơi thắng tích ấy được nguy nga, đẹp đẽ hơn nữa.

Đằng trước cửa đền, một cái suối trong veo chảy qua. Tại chỗ ấy, ông huyện Thọ cho bắc một chiếc cầu si – mo qua suối, sang bên bờ kia là chỗ còn một ngôi đền nhỏ nữa. Chính cái suối ấy đã làm cho đền Phố Cát nổi tiếng anh linh.

Khoảng suối trước cửa đền rộng chừng 5, 6 thước, dài chừng 20 thước, một đàn cá ước ngàn con tháng ngày bơi lội. Giống cá suối, chúng tôi bước ra nom thấy thật nhiều.

Nhưng cá ở đây khác hẳn: mình thì mình trăn mà đầu thì nửa rắn nửa cá, miệng ngão ra rất rộng. Cá nầy bây giờ đã lớn lắm, có con dài tới 4, 50 phân tây, mấy ngàn con cá ở trong một khoảng suối không rộng được một sào, bề sâu chỉ được 50 phân tây, nom lúc nhúc như trong một cái tổ ong.

Đàn cá rất tinh khôn, hễ thấy bóng người trên bờ là xô cả lại, châu cả đầu vào coi rất đẹp mắt. Có mấy con màu đỏ ối, nom thực là đẹp. Khách cầm nắm ngô vứt xuống, tức thì cá chen nhau nhảy đớp lộn xộn một phút rồi lại yên ngay.

Khách bước chân đi tới đâu là đàn cá theo tới đấy, quanh quẩn ngay ở bên chân, giá với tay xuống là bắt được, nhưng không ai dám bắt bao giờ. Đàn cá rất ham ăn, quăng gì xuống là cũng tranh nhau ăn: ngô, bỏng, gạo, cam, quýt, oản, chuối, thịt gà, thịt vịt… ăn tuốt không bỏ một thứ gì.

Có một điều rất lạ, ai cũng phải nhận là cá tuy sấn đến nơi mà ăn, nhưng không sao bắt được. Nhiều khách du lịch người Âu đến đã định bắt, dùng trăm ngàn kế mà vẫn không sao bắt được. Người ở đó nói gần đây quan Bố chính Thanh hóa cho đem lưới về để bắt ít con đem ra thả suối đền Sòng, vậy mà tha hồ chăng lưới, úp vó, cá vẫn chẳng lọt vào.

Mà dưới suối kia, nước trong veo nom thấy tận đáy suối, đàn cá vẫn sắp hàng đông nghịt đi đi lại lại. Còn một điều nầy nữa kể cũng lạ. Cá suối thường rất tanh, mà ở nhà ta nuôi độ chục con cá vàng trong bể lẫm thơm, mùi tanh sực khắp nhà, vậy mà ở trong chỗ suối này, hàng mấy ngàn con cá chen chúc nhau ở nước không có chút gì là tanh cả, cho cả khi tay dờ vào lưng cá cũng không thấy mùi tanh.

Chỉ có ở Phố Cát và ngoài đền Rồng, ở chỗ có cái biển đá ghi cương giới Bắc và Trung Kỳ, là có thứ cá nầy thôi, còn ở các suối Bắc Kỳ không bao giờ thấy. Kể cũng là một vật hiếm lạ ở đất Việt Nam nầy, những khách yêu trọng vật chẳng nên bỏ qua mà không tới nơi thăm viếng.

NHỊ LANG (T.B)

Nguồn: Toquoc

Exit mobile version