Giải mã “Những kỷ niệm tưởng tượng” – tập thơ gây được sự chú ý của giới nghiên cứu văn học sau khi nhận được giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2011, chúng tôi đã thực hiện một cuộc đối thoại nhằm làm rõ quan niệm thơ và thi giới của “nhà thơ” Trương Đăng Dung.


Nhà thơ Trương Đăng Dung (ảnh: vnexpress.net)

Chúng ta muốn là thi sĩ của cuộc đời chúng ta

(Nietzsche)

B. Anh đang công tác cùng giáo sư Trương Đăng Dung phải không? Điều đó hẳn là một cơ hội tốt để anh gần gũi và hiểu biết về ông ấy?

T. Đó là một bậc thầy đáng kính. Tôi luôn ngưỡng mộ ông ấy!

B. Anh có hay trò chuyện cùng ông ấy không?

T. Đúng hơn là tôi lắng nghe!

B. Anh có nhận thấy trên con đường nghiên cứu lý thuyết văn học, Trương Đăng Dung đã hiện diện như một nhà khoa học thuần túy về mặt lý thuyết không? Lý thuyết tiếp nhận, Tường giải học, Hiện tượng học… đã chiếm rất nhiều thời gian và sự suy tưởng của ông ấy.

T. Tôi không cho là như vậy. Đúng ra là tôi đã không còn giữ quan điểm như thế về ông ấy nữa.

B. Điều gì vừa xảy ra vậy?

T. Những kỷ niệm tưởng tượng!

B. Nghe như là một bài thơ hoặc một tập thơ vậy.

T. Đúng như thế! Đó chỉ có thể là tên một bài thơ, một tập thơ hoặc một sự suy tưởng thơ mà thôi!

B. Chúng ta có thể nói gì về tập thơ này? Cái tên chẳng hạn?

T. Đương nhiên chúng ta phải bắt đầu từ đó, nơi mà sự mâu thuẫn hay những “quái đản” của tổ chức lời nói khiến chúng ta phải bận lòng. Chắc hẳn anh còn nhớ Said trong công trình Đông phương học đã đưa ra thuật ngữ: Địa lý tưởng tượng. Điều đó hướng chúng ta đến việc hình dung những không gian của trí tưởng, huyễn tưởng, tưởng tượng, không lệ thuộc vào các đường biên địa lý tự nhiên.

B. Tôi không nghĩ rằng Trương Đăng Dung đã gặp gỡ Said trong ý tưởng ấy. Theo tôi, Những kỷ niệm tưởng tượng có hai mã: kỷ niệm (cái đã diễn ra, thuộc về quá khứ) và tưởng tượng (cái được hình dung nhưng không có, chưa có). Khi hai mã này đặt bên cạnh nhau sẽ tạo nên một trường suy tưởng: Những tưởng tượng như là kỷ niệm đã trải qua hoặc những ký ức đã qua như là tưởng tượng.

T. Điều đó không hẳn là không có lý khi Trương Đăng Dung có một thời đã sống với những điều khủng khiếp mà nhắc đến lắm khi những người chưa biết cứ ngỡ là tưởng tượng. Chiến tranh, sự nghèo khó, cái chết, sự quẫn bách, những nguy cơ và hiểm họa… đã khiến con người lâm vào những trạng thái sống mà như chết, chưa sống đã chết, sống trong hãi hùng, mòn mỏi sống, mòn mỏi chết. Những kỷ niệm tưởng tượng là ký ức không thể tin nổi.

B. Chúng ta sẽ bàn sâu hơn về điều đó chứ?

T. Dĩ nhiên, nhưng chúng ta chưa nói hết về cái tên Những kỷ niệm tưởng tượng. Điều này người có thẩm quyền đối thoại nhất không ai khác chính là Trương Đăng Dung. Tôi muốn nói đến tên tập thơ hình thành từ chính suy tưởng đậm mầu sắc triết học của vị Giáo sư này. Thế giới tồn tại khách quan hay chỉ tồn tại khi ta cấp cho nó một ý nghĩa nào đó. Hiện tượng học chỉ ra tầm quan trọng của “ý hướng tính” trong việc nhận thức bản chất của tồn tại. Điều đó gợi mở ra khía cạnh đầu tiên trong hai “mã” mà anh đã nhắc tới: sự tưởng tượng. Trương Đăng Dung đã để cả đời mình ngẫm nghĩ về Hiện tượng học, về Hữu thể và thời gian, về Hành trình đến với ngôn ngữ, Tường giải học… hẳn không thể giấu được những suy tưởng triết học khi đặt tên cho tác phẩm của mình. Tôi cho rằng, khả năng vị giáo sư này đã cài trong đó ý niệm về sự hiện hữu và bản chất của tồn tại. Thế giới tồn tại khách quan hay sự tưởng tượng của tôi về thế giới làm cho nó hiện hữu.

B. Tôi nhớ trong tập thơ hình như ông ấy đã viết: Bao nhiêu lần khép cửa/em vẫn thấy mình chưa ở bên trong/Và cặp môi hồng/mím chặt vào nhau an ủi. Đó là bài Thành phố phía chân trời. Ở đó có hai không gian: trong và ngoài cánh cửa/trong trái tim và ngoài trái tim/trong thế giới của anh và ngoài thế giới của anh; hai trạng thái: hiện hữu và không hiện hữu. Dân gian vẫn nói: Vô duyên đối diện bất tương phùng có lẽ là một sự liên tưởng gần gụi với chúng ta.

T. Không chỉ ở mình bài đó. Chúng ta sẽ bàn sau khi mở những dòng đầu tiên của tập thơ này.

B. Dường như chúng ta đã bàn đến tên tập thơ với những ý kiến có phần nặng về triết học. Vậy đây là tập thơ hay một công trình triết học?

T. Cảm ơn anh đã đề cập đến vấn đề này. Đó là vấn đề cốt lõi, có tính loại hình, nếu không ý thức được chúng ta sẽ sa vào những tranh luận triết học xa rời yếu tính của thơ. Khi đó, thơ chỉ còn là một thứ phương tiện để chuyên chở tư tưởng triết học. Nghĩa là, ngôn ngữ thơ, chất thơ bị trượt xuống hàng thứ yếu, không phải là tính thứ nhất, là mục đích trong loại hình thơ.

B. Nhưng, điều đó dường như cũng khá nan giải khi vốn dĩ sự suy tưởng triết học hay tư tưởng thẩm mỹ trong thơ đều có chung một cội rễ là những nhận thức và suy cảm về thế giới, tự nhiên và con người. Đã có thời kỳ chúng ta không tách rời các thành tố này. Tiền sử đó cũng như thực tế của hoạt động ngôn ngữ trong tinh thần hiện đại, hậu hiện đại càng khiến cho sự tách bạch triết học và văn học đôi khi sa vào chiết trung.

T. Tôi tán thành điều đó. Tuy nhiên, từ góc độ loại hình, xem thơ là một loại hình nghệ thuật ngôn từ chúng ta phải chú ý đến những đặc trưng mỹ học để thơ là thơ mà không phải triết học. Anh có thể nói đến một thứ triết học đẫm chất thơ hay thơ đậm chất suy tưởng, tư tưởng như triết học, nhưng rõ ràng là chúng không đồng nhất.

B. Vậy thì chúng ta phải có một hệ tiêu chí loại hình?

T. Đúng vậy! Anh cần phải chú ý đến quan niệm thơ của tác giả, đến cách kiến tạo thi ảnh, biểu tượng, cách tổ chức văn bản lời thơ, các yếu tố vần, nhịp điệu, nhạc điệu, âm điệu, giọng điệu, tiết điệu, các thủ pháp nghệ thuật… Điều đó một tác phẩm văn xuôi, một công trình triết học không đặt ra như là yêu cầu có tính bản thể. Nhưng với thơ, đó là bản mệnh!

B. Vậy anh có thể nhận định như thế nào về quan niệm thơ của Trương Đăng Dung? Hình như ông ấy chưa nêu lên tuyên ngôn nghệ thuật bao giờ. Có lẽ chúng ta phải tìm trong chính tập thơ này.

T. Tuyên ngôn nghệ thuật có thể trình bày dưới hình thức những phát ngôn, tuyên bố bài bản và cũng có thể được nhận ra trong thực hành nghệ thuật của thi sĩ. Tôi tin hơn những quan niệm khởi sinh trong thực tiễn sáng tạo, trong chính thi phẩm của họ. Đó là bảo chứng tối cao cho những nhận định, phát ngôn. Trong thơ của Trương Đăng Dung người ta thấy hiện lên quan niệm thơ là sự thăng hoa trong vần điệu của những suy tưởng, trầm tư lâu dài về nhân sinh. Tiếng thơ/lời thơ là sự hiện hữu của bản thể thi sĩ – một linh tưởng gia (Chữ của Nietzsche).

B. Có nhiều độ vênh giữa tuyên ngôn và thực tiễn sáng tác. Vẻ như, truy tìm quan niệm nghệ thuật trong chính thi phẩm giải trừ được độ vênh này.

T. Chúng ta chỉ bàn đến những nhà thơ có tư tưởng. Những người này không nhiều trong thiên hà thi sĩ của chúng ta. Anh biết đấy, có nhiều nhà thơ sáng tác mà không có tư tưởng gì đâu. Đừng mong đi tìm ở họ những kết tinh làm hạt nhân cho sự vận hành thi nghiệp.

B. Vậy Trương Đăng Dung có phải là một nhà thơ có tư tưởng không? Tôi nhận thấy trong các tác phẩm của ông ấy, từ đối tượng thẩm mỹ đến chú ý thẩm mỹ, những tình cảm, thái độ và nhiệt hứng, những lựa chọn và kiếm tìm, kết hợp tổ chức thi phẩm cho thấy những truy đuổi khá ráo riết về thể loại. Anh có thể nhận thấy điều này từ tên tập thơ đến cách bố cục, cấu trúc bên trong. Mở đầu là bài Anh không thấy thời gian trôi và kết thúc là bài Thỏa thuận. Ngay từ cách trình bày bìa cho đến chất liệu giấy in, mầu sắc, những bức tranh lựa chọn để cài ghép… dường như đã đồng thanh nói lên gu thẩm mỹ của Trương Đăng Dung.

T. Anh thật tinh ý. Giáo sư Trương là một người duy mỹ. Điều đó biểu hiện trong mọi hoạt động của ông ấy, chưa nói đến trong thơ là một địa hạt mà tính thẩm mỹ được đòi hỏi rất cao độ. Phải nói rằng, Trương Đăng Dung đã duy trì phẩm tính duy mỹ ấy và tiếp tục nâng cao hơn trong thế giới nghệ thuật của mình. Ông ấy là nhà thơ có tư tưởng.

B. Vậy tư tưởng nghệ thuật của ông ấy là gì?

T. Chúng ta còn nhiều điều phải tranh luận trước khi có thể kết luận về điều đó. Anh đừng nhầm lẫn giữa tư tưởng nghệ thuật, quan niệm về thơ như một thành tố loại hình với thơ mang tư tưởng nhé! Một cái ở phạm trù thứ nhất của loại hình, một cái không thuộc đặc trưng loại hình. Tôi lấy ví dụ thế này: Người nghe lặng lẽ nghe/người nói thản nhiên nói/người nghe tự hiểu/người nói tự im/và ngôn ngữ/tự do tạo nghĩa/…/Thế giới không thuần nhất/bấp bênh/những ý nghĩa thỏa thuận (Thỏa thuận). Nếu phải diễn đạt về các vấn đề: cái chết của tác giả (R. Bathers), lý thuyết tiếp nhận, triết học ngôn ngữ, hiện tượng luận… câu thơ của Trương Đăng Dung đã hơn nhiều tiểu luận cồng kềnh khái niệm. Nhưng đó lại chưa phải là tư tưởng nghệ thuật. Đó mới chỉ là tư tưởng triết học được chuyên chở dưới hình hài thơ. Cần phải chú ý đến cấu trúc lặp lại của ngôn từ, hình ảnh trong tổ chức lời thơ tạo nên nhịp điệu, thái độ của tác giả trong lời thơ, nhịp thơ tạo thành giọng điệu. Nếu không tổ chức được nhịp điệu, cấu trúc loại hình thơ sẽ bị phá vỡ.

B. Những đòi hỏi về vần có lẽ không đặt ra riết róng cho lắm trong bối cảnh thơ Việt Nam đương đại? Phải thế không khi tôi thấy dẫn chứng anh vừa nêu không có vần? Tôi vẫn chưa tường minh về điều anh vừa nói. Tư tưởng nghệ thuật mà anh đang có ý làm sáng rõ rốt cuộc nó là cái gì?

T. Đúng là vần không phải là đòi hỏi bắt buộc đối với thơ, nhất là trong nền tảng tinh thần hiện đại và hậu hiện đại. Tuy nhiên, một văn bản ngôn từ để được gọi là thơ phải có chất thơ. Chất thơ nảy sinh từ nhịp điệu, nhạc tính, từ ngôn ngữ giàu chất trữ tình, từ những rung động sâu xa trong thế giới tinh thần của thi sĩ. Tôi may mắn được nghe Giáo sư Trương đọc nhiều lần những thi phẩm của ông. Ở một giảng đường mênh mông hay bên một hành lang nhỏ, mé bên những lối đi ồn ã hay giây phút giải lao ngắn ngủi, lần nào đôi mắt ông cũng đẫm buồn và lời thơ như vọng lên từ những trải nghiệm đau đớn, xót xa đã âm thầm dằn nén bao năm tháng:

Em ở lại

một lần nữa cùng anh giữa mùa trăng sắp lụi

ta cùng nghe tiếng muôn loài hấp hối

tiếng côn trùng trong cát bụi sinh sôi.

(Ảo ảnh)

B. Ồ! Chính ở những nơi mà những suy tưởng triết học lắng xuống, ngôn ngữ thơ hiện lên với vai trò thứ nhất, tư tưởng nghệ thuật của Trương Đăng Dung mới bộc lộ một cách rõ rệt. Chức năng thi ca lúc này được nhận diện cụ thể hơn. Anh thấy không, nhịp thơ ở ví dụ anh vừa đọc cho thấy tư chất thi sĩ của Trương Đăng Dung. Em ở lại! Phải dừng nhịp ở đó để cảm nhận được sự ngập ngừng nhưng tha thiết. Cái tha thiết dồn hết vào nhịp thơ kéo dài, vừa thổn thức, vừa vội vã, liên tục, xoáy sâu vào niềm mong đợi ngắn ngủi, ít ỏi (một lần nữa cùng anh giữa mùa trăng sắp lụi). Trương Đăng Dung có dụng ý khi cấu trúc ngôn từ, hình ảnh thơ của mình. Hẳn anh nhận ra một lần nữa được đảo lên đầu với nhiều ẩn ý, hình ảnh mùa trăng sắp lụi mang nhiều giá trị biểu trưng, cấu trúc lặp: tiếng côn trùng/tiếng muôn loài, đối: hấp hối/sinh sôi… đã thể hiện thi tính của văn bản thơ.

T. Tôi khẳng định lại, Trương Đăng Dung là một thi sĩ duy mỹ. Đây không phải là nhận định vội vàng bởi đắm chìm trong thi giới của ông, ta nhận thấy những thi ảnh đẹp, những ngôn từ đẹp, những cách bài trí, bố cục, kết cấu cho thấy con mắt và tư duy duy mỹ của ông:

Anh không thấy thời gian trôi

Chỉ thấy những lá thư ngày một bạc màu

Những cơn mưa rơi vào đêm vắng

Dấu chân ta – năm tháng có còn đâu

(Anh không thấy thời gian trôi)

Đoạn thơ như một đoạn phim quay chậm, hoài tưởng về thời gian. Như nét mực phai trên trang giấy cũ, như cơn mưa rơi vào đêm vắng, như dấu chân mờ xóa sau tháng ngày, thời gian ở đó. Trương Đăng Dung đã chọn hết những từ hay, những hình ảnh đẹp để dàn dựng thi giới của mình. Đó là công phu của thi sĩ chân chính.

B. Trước đây đã có một vị giáo sư cho rằng: Tầm vóc của nhà văn phụ thuộc vào tầm vóc tư tưởng của anh ta. Anh nghĩ như thế nào về tầm vóc tư tưởng của Trương Đăng Dung?

T. Trương Đăng Dung rất say mê triết học. Điều đó đã trở thành máu thịt, thành thế giới quan và nhân sinh quan của ông, chi phối khá lớn đến thực tiễn sống, ứng xử và cả trong sáng tạo nghệ thuật. Vấn đề cơ bản của triết học nhân văn chính là con người. Vì thế, trầm tư về con người là cốt lõi tư tưởng trong thi giới của Trương Đăng Dung. Tuy nhiên, thế giới nghệ thuật của Trương Đăng Dung luôn ẩn chứa nguy cơ phân cực.

B. Tôi chưa hiểu anh nói gì?

T. Nguy cơ phân cực đến từ sự tồn tại của con người thi sĩ và con người triết gia của Trương Đăng Dung. Một triết gia suy tưởng, một thi sĩ xúc cảm về con người và thế giới. Điều này cứ gợi cho tôi nhớ về hình ảnh Nietzsche đã ngã xuống sau khi dịu dàng đau đớn hôn lên đầu con ngựa khốn khổ bị hành hạ. Giữa một bên là triết gia của ý chí cường lực, của con người siêu nhân, khinh miệt lòng nhân từ và một bên là trái tim thương yêu đến cả những loài vật khốn khổ.

B. Có lẽ anh nên hình dung về một trí lực hòa quyện trong một trái tim hay một trái tim biết suy tưởng: Tôi thức với trái tim/Những ý nghĩ lang thang trong lồng ngực. Dẫu như thế, với thơ, chức năng thi ca vẫn là “sứ mệnh” tối cao. Và tôi không thể không nhận định rằng, đây là một trong những tập thơ hiếm hoi của thơ ca đương đại Việt Nam đã thể hiện được bản lĩnh thi sĩ – triết gia với tầm tư tưởng rất cao. Cảm xúc hòa quyện với suy tưởng, vẻ đẹp của thơ ca được tôn vinh bởi chính bề sâu của tư tưởng triết học và mỹ học. Nền tảng tri thức thăng hoa trên cung bậc của lời, thi ảnh, nhịp điệu khiến cho những trầm tư triết học nhân văn trở nên mềm mại, uyển chuyển:

Những bức tường, những bức tường, những bức tường

Có mặt khắp nơi

Trong những lời vui đoàn tụ

Trong những lời buồn chia tay

Những bức tường ta không xây

Những bức tường không thể phá…

(Những bức tường)

T. Nguy cơ phân cực trong thi giới đã được Trương Đăng Dung giải quyết khá tốt. Anh có thấy điều đó không?

B. Đương nhiên rồi! Nếu không giải quyết được hai phạm trù Suy tưởng và Xúc cảm, Triết gia và Thi gia thì sẽ không có được tác phẩm giá trị mà chúng ta đang bàn luận. Theo tôi, nội giới của Trương Đăng Dung diễn ra hai quá trình song song đảo chiều duy trì một sự hòa quyện khả hữu. Sự suy tưởng được đào luyện sâu không chỉ ở cấp độ duy lý mà đã đến tầm căn của niềm mê say, đồng thời xúc cảm tinh thần đã được kiểm soát chặt chẽ bằng trí tưởng. Hai dòng đối lưu này lại được thanh lọc qua nhiều “lựa chọn” để tạo nên sản phẩm cuối cùng – thi phẩm. Ngôn từ của Trương Đăng Dung rất khó có thể thay thế, thi ảnh đẹp và sang ngay cả trong cái chết, nỗi sợ hãi. Sự nhàu nhĩ của những khuôn mặt đàn bà, sự hãi hùng của cảnh bà mẹ nhảy xuống hầm tranh nhau chỗ ngồi với rắn, tiếng lũ quạ mang điềm gở, người chết, sự mong manh ngắn ngủi của đời người… nguyên liệu đã được chưng cất kỹ lưỡng trước khi ngưng đọng thành chất rượu.

T. Nhưng tôi vẫn thấy kiểu tư duy của ông ấy khá lạ với nền tảng tư duy của Việt Nam. Những hình ảnh và sự liên tưởng, tưởng tượng hình như mang nhiều dấu ấn của Âu châu, nơi mà ông ấy đã có một thời gian dài sống và học tập.

B. Đúng thế! Hình ảnh con quạ, những lâu đài chỉ có cánh dơi, bình minh không mặt trời, góc vườn và mấy khóm hoa, Chúa đã ra đi, Jesu đi trên mặt nước, giấc mơ của Kafka, một thế giới phi lý… đều có nguồn gốc từ phương Tây nơi mà trái tim và khối óc của Trương Đăng Dung đã được tôi luyện và gắn bó.

T. Điều đó đem đến cho Trương Đăng Dung một nguồn sinh lực thi ca khác biệt với truyền thống. Thi giới của ông ấy rất ít các thể loại truyền thống, ít liên tưởng và sử dụng ẩn dụ. Phần lớn, Trương Đăng Dung sử dụng biểu tượng tượng trưng với hàm ý đẩy tất cả ý nghĩa lên trên cùng bề mặt, tạo nên tính đa diện của hình tượng, thay vì sử dụng nghĩa bóng như thủ pháp ẩn dụ truyền thống:

Bao năm rồi anh tìm em

Trong những bình minh không có mặt trời

Trong những lâu đài chỉ có cánh dơi

Trong những giấc mơ không đầu không cuối

(Ảo ảnh)

Hình tượng thế giới với những khung cảnh giả tưởng như trong câu chuyện trung cổ Âu châu, giấc mơ không đầu không cuối… đồng hiện để biểu đạt một trạng huống hoang phế, lãng quên. Cấu trúc lặp lại của các hình ảnh đúng ra là các thiết diện khác nhau của một đa diện – một rừng biểu tượng!

B. Thơ truyền thống Việt Nam vẫn trọng ẩn dụ như một thao tác của tư duy nhằm kiến tạo hình ảnh. Điều này xây dựng trên căn tính tổng hợp của kiểu tư duy phương Đông. Sự ước lệ đem đến những cách hiểu giống nhau khi đứng trước các hình ảnh ẩn dụ. Tuy nhiên, phẩm tính duy lý phương Tây đã khước từ điều này để phát huy năng lực kiến tạo biểu tượng của từng thi sĩ, của con người cá nhân. Tư duy biểu tượng hướng đến sự phức hợp của hình tượng hơn là sự xếp chồng các nghĩa bóng trong truyền thống ẩn dụ. Từ ca dao đến Nguyễn Du có hình ảnh ẩn dụ: Vầng trăng ai xẻ làm đôi/Đường trần ai vẽ ngược xuôi hỡi chàng (Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường), còn Hàn Mặc Tử có biểu tượng: Hôm nay có một nửa trăng thôi/Một nửa trăng ai cắn vỡ rồi; Ha ha! ta đuổi theo trăng, ta đuổi theo trăng/Trăng bay lả tả ngả trên cành vàng; con trăng, mảnh trăng, miếng trăng, áo trăng… Trương Đăng Dung thì viết: Em ở lại/một lần nữa cùng anh giữa mùa trăng sắp lụi… Ký ức của cư dân truyền thống luôn chứa những tiền niệm về vầng trăng khuyết, đường trần xuôi ngược. Đó là những ước lệ, nghĩa bóng đã quen thuộc trong trường thẩm mỹ của chúng ta. Tuy nhiên, khi Hàn Mặc Tử dùng biểu tượng trăng bị cắn vỡ như một sự cưỡng đoạt, một thảm sử bất khả kháng là khi trường thẩm mỹ đã không còn trong cương giới của truyền thống ẩn dụ nữa. Cũng như vậy, Trương Đăng Dung đã sử dụng hình ảnh mùa trăng sắp lụi, vầng trăng thức trắng, bình minh không mặt trời, lâu đài đầy bóng dơi, tiếng huyên thuyên của lũ quạ trên những bức tường… để dựng nên biểu tượng về sự tàn lụi, hoang phế và hiểm họa.

T. Nghĩa là, biểu tượng lấp lánh những khuôn diện khác nhau trên cùng một mặt phẳng. Tôi nghĩ như thế có đúng không?

B. Hẳn là như vậy! Nhưng với những bậc đại gia thì thủ pháp, thi pháp không phải là câu chuyện gì quá lớn để bận lòng. Họ luôn trượt ra khỏi các cương vực để tự do biểu đạt trường thẩm mỹ của mình. Họ luôn tạo ra thi pháp, thủ pháp của riêng mình.

T. Trương Đăng Dung có được điều đó không?

B. Anh thấy đấy, thể thơ tự do, không vần, nhịp thơ chậm rãi, âm điệu trầm, giọng điệu buồn tiếc và xót xa luôn bị giằng xé giữa thực tại phi lý, hoang phế và nguy cơ con người bị tha hóa, bị hủy diệt. Có thể nói, Trương Đăng Dung đã ý thức cao độ về con chữ, thi ảnh của mình. Bởi thế, thi pháp của ông là thi pháp của một Thi Sĩ Triết Gia với một công phu cẩn trọng. Ông làm thơ như làm khoa học và sự đòi hỏi ở đây là tính chất chặt chẽ của ý niệm, tư tưởng, cách thức, phương tiện biểu đạt.

T. Như thế, chất thơ liệu có mất đi!

B. Chất thơ là gì nếu không phải là quan niệm của bản thân thi sĩ. Điều gì với anh ta là thơ thì đó là thơ. Với Thi Sĩ Triết Gia Trương Đăng Dung, thơ cất lên từ trong suy tưởng. Những suy tưởng ăn sâu vào trái tim. Tôi cho rằng không có hình mẫu/chất mẫu trong nghệ thuật và trong thơ.

T. Chẳng phải chúng ta đã từng biết đến những quan niệm cho rằng thế giới của thi sĩ hồn nhiên như thế giới trẻ thơ sao?

B. Điều đó cũng tương đối như chính sự phản biện về nó! Mặt khác, anh biết đấy, với Chúa thì triết gia nào chẳng là con trẻ!

T. Tôi nhận thấy dù cay đắng nhận ra giới hạn của kiếp người, những suy tàn hoang phế của đời sống, những phi lý của trật tự hiện tồn nhưng Trương Đăng Dung quyết không đẩy đến mức bi quan tiêu cực như F. Kafka. Tiếng thơ của Trương giáo sư còn tha thiết với nhân sinh lắm. Anh hãy đọc Ánh sáng này… và Viết cho con.

B. Đúng là như thế! Đó là một mặt của khối lăng trụ đa diện Những kỷ niệm tưởng tượng.

T. Bản thân Những kỷ niệm tưởng tượng là một sự đồng hiện như chúng ta đã nói về những mã trong cái tên của tập thơ. Tôi cho rằng, Trương Đăng Dung đã kiến tạo mã riêng của thơ mình với kiểu thơ suy tưởng, thơ tư tưởng. Ở ta nếu có sự liên hệ về kiểu tư duy thơ và kiểu thi sĩ tôi nghĩ rằng Chế Lan Viên là người gần với Trương Đăng Dung hơn.

B. Tôi nghĩ rằng, hiện trạng thơ đương đại Việt Nam khó lòng vượt qua Những kỷ niệm tưởng tượng, ngay cả với Trương Đăng Dung. Bản thân Chế Lan Viên cũng đã không vượt qua được chính mình. Có chăng là sự phản tư chính bản thân mình.

T. Điều đó cũng phải khi ông ấy ấp ủ tập thơ trong hơn 30 năm. Nhưng anh cũng nên biết rằng, có nhiều quan niệm về thơ, về giá trị. Và, bản thân nàng thơ cũng nhiều khi rất đỏng đảnh!

B. Tôi thừa nhận! Với thơ, thời gian dài của sự suy ngẫm đôi khi chưa phải là yếu tố quyết định sự thành công. Chúng ta vẫn thường nghe đến những thi phẩm xuất thần, bừng lên trong khoảnh khắc và lưu danh mãi mãi.

T. Nhưng với Những kỷ niệm tưởng tượng lại khác. Đó là thơ của niềm suy tưởng, thơ của triết học ngôn ngữ, triết học hiện sinh, tiếng thơ trên những trầm tư về bản thể và thời gian… Và, anh có nhớ chúng ta đã dẫn ra câu nói của Nietzsche làm đề từ cho cuộc đối thoại này: Chúng ta muốn là thi sĩ của cuộc đời chúng ta. Từ đó tôi có thể lờ mờ hiểu anh đang định nói gì! Có phải anh lo lắng giáo sư Trương sẽ khó lòng vượt qua chính mình.

B. Điều đó chúng ta chỉ có thể chờ đợi và hy vọng!

T. Vâng! Nhưng anh cũng biết đấy, nhìn về lịch sử thi ca dân tộc, những tên tuổi lớn như Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Bích Khê, Tế Hanh… lại thành công hơn với những tập thơ đầu tay. Không phải tôi ngụy biện hay thỏa hiệp, mà ở đó nảy sinh một vấn đề quan trọng thuộc về cơ chế sáng tạo mỹ học thơ ca của không ít các thi sĩ Việt Nam. Dẫu sao, như anh nói, chúng ta vẫn không ngừng hy vọng. Sự hy vọng, như cách nói đậm màu sắc Heidegger mà Trương Đăng Dung ảnh hưởng, là thơ trên hành trình làm người của chúng ta!

Nguồn: Toquoc