Buổi chiều trôi đi trong lặng lẽ. Đấu đã từng nghĩ những buổi chiều sẽ miên man trôi qua trong lặng thinh như thế. Trên cái đồi được trồng toàn thông, có hai cái lô cốt từ thời xưa. Đấu nghe ông Tám bảo rằng nó được xây từ thời Pháp.
Đồi đã cao, leo lên đó thì thu được vào mắt cả thành phố. Đáng ghét nhất bao giờ cũng là cái cột khói đen ngòm của nhà máy xi măng nằm chênh chếch phía tây. Khi mặt trời chuẩn bị buông rèm, cái thứ ánh sáng phát ra từ quả cầu lửa có màu đỏ ối. Người ta bảo xứ này, hoàng hôn tím ngắt. Đấu chẳng thấy vậy. Anh thấy nó màu đỏ ối.
Bản quy hoạch bị treo. Nghe bảo có một lão luật sư nào đó khởi kiện. Cái khu nghỉ dưỡng trên đỉnh đồi bị ngưng. Cũng may nó chỉ mới hoài thai trên bản vẽ.
Lão Hiển mặt méo xệch. Mấy lô đất xung quanh tưởng sẽ đem lại cho lão rủng rỉnh tiền. Nhưng không, dự án không thực hiện. Vùng đất đồi vẫn hoang sơ như ngày nào. Mấy sào đất vàng xung quanh, giờ giữ nguyên hiện trạng là đất trồng sắn, chăn bò.
Ngày xưa, thời đi học cả đám vẫn thường lên đây chơi. Có khi rủ cả đám con gái. Chỉ cần xách theo can rượu. Vài ba con mực khô. Vậy là xong. Nhậu xuyên đêm. Không về được thì nằm ngay đó ngủ.
Ra trường, mỗi đứa mỗi nơi. Cũng chẳng mấy ai đến, trừ mấy đôi sắp cưới kiếm chỗ chụp ngoại cảnh. Thông vươn lên cao. Thảm hoa vàng dưới chân mấy cái lô cốt tươi rồi tàn theo mùa. Mấy đứa bạn thỉnh thoảng về họp lớp có nhắc về cái đồi, như là nhắc nhớ về một thời nằm đất ăn sương rồi cười khà khà với nhau.
Đấu thỉnh thoảng có lên đồi. Là lần dẫn vợ, người yêu cũ ngày xưa lên ngắm cảnh. Trên đồi nhìn ngược lên là dòng sông cứ lằng lặng chảy. Bên kia sông nhấp nhô núi đồi. Có một cái điện lớn lắm. Nghe đâu thờ thánh mẫu. Đấu chưa sang đó bao giờ, chỉ có nghe mẹ nói mỗi năm có hai lễ lớn, người tứ xứ đổ về cầu nguyện. Đấu không quan tâm. Đàn ông sức dài vai rộng, chẳng mấy ai lại tin vào những chuyện như vậy.
Có một buổi tối nào đấy, hai đứa ngồi thu lu dưới gốc thông nhìn cái thứ ánh trăng bàng bạc rơi trên sông lấp lánh. Đẹp diệu kỳ. Đấu kể cho người yêu nghe về cái dự án bự chảng để khai thác quả đồi đưa vào du lịch. Kiểu gì rồi nhà cao cửa rộng, sang trọng hào nhoáng cũng sẽ được mọc lên. Những mảnh đất chết bỗng dưng giá tăng lên vùn vụt. Đấu cũng chết theo mảnh đất khi dự án bị đình chỉ vô thời hạn. Đấu đưa tay mình chỉ cho người yêu thấy tài sản của mình dưới chân đồi, nơi ánh trăng chiếu xuống chỉ lấp lánh ánh lên trên những tán lá ướt đẫm sương. Nó trở thành đất chết từ lúc ấy. Giờ có muốn bán cũng chẳng có ai mua.
Chẳng hiểu vì sao thời gian gần đây Đấu thường nằm mơ thấy ngọn đồi. Thấy những người mặc áo lính vất vả kéo pháo, cầm súng, chạy rầm rập lên đồi. Cái hầm được quét dọn sạch sẽ dùng làm chỗ nấu nướng và ngủ. Bên kia sông, từng chiều khói bốc lên ngùn ngụt từ những mái nhà tranh. Xa kia nữa là khói đốt đồng, tuyệt nhiên cột khói đen ngòm của nhà máy xi măng biến mất. Mảnh đất của Đấu chi chít những bia mộ trắng xóa. Những giấc mơ như vậy cứ trở lại lúc nửa đêm, ám ảnh anh tới sáng.
Đem chuyện kể với vợ. Chị Hòe vợ anh cũng đực mặt ra. Hòa bình lâu rồi. Đấu sinh ra chiến tranh cũng đã không còn nữa, làm gì còn gì để ám ảnh.
Suy nghĩ một lúc chị đánh đét, như nhớ ra điều gì đó. Chị từ dưới bếp chạy sộc lên nhà. Bước gấp gáp tới chỗ chồng đang ngồi, chị hỏi:
– Hôm rồi bốc mộ bên nhà bác Thành, anh có tham gia phải không?
Đấu như ngớ ra. Đúng rồi. Hôm đó anh có tham gia. Thấy người ta gọi hồn người chết. Nhà bác Thành bốc mộ cho bố, nhưng bốc nhầm. Hóa ra cái hố chôn ấy có đến tận hai cái xác. Xương bố của bác Thành nằm phía dưới. Ngày xưa nguời ta chôn chung, cứ đào vứt xuống rồi lấp đất lên. Có lẽ ám ảnh từ bữa đó.
Chị vợ thở dài. Ngọn đồi đẹp vậy. Hoàng hôn nhìn từ chỗ này đẹp lắm. Bình yên lắm. Rồi những đêm ngồi dưới gốc thông non ngắm trăng. Rồi những lần ngồi trên lô cốt. Khuôn mặt chị cứ như được lập trình sẵn, cứ căng lên rồi dãn ra theo từng nếp suy nghĩ. Chị nghĩ đến thời gian gần đây, về những chuyện đã từng xảy ra trên ngọn đồi ấy. Chị dám đoan chắc giờ cũng không còn nhiều người dám lên đây ban đêm hay đi một mình nữa. Nhất là phụ nữ. Từ cái vụ một cô bé bị hãm hiếp bởi mấy thằng loai choai, cho đến mấy cái lô cốt giờ chỉ toàn kim tiêm của mấy đứa nghiện. Chị nghĩ tới thôi đã thấy rùng mình.
Anh buồn. Buổi chiều anh mua một ít đồ nhắm và rượu, một mình lên đồi. Anh leo lên ngồi chồm hổm trên lô cốt, nhìn về phía thành phố. Vài tòa nhà cao tầng dựng đứng, anh nhìn lên mạn ngược của dòng sông, núi non vẫn thăm thẳm một màu, xa xa đâu đó dường như là một công trình gì đó đang thi công, có thể là thủy điện, ngọn núi xa xa kia như đang bị một vết thương chưa lành, màu vàng của đất chảy từ ngọn xuống chân, trông có vẻ đau đớn lắm.
Người đàn ông trong vùng lùa đàn bò về chuồng, đi ngang qua chỗ anh, ông lão đứng lại, nhìn anh một lúc lâu rồi mới bước tới gần, đứng dưới cái lô cốt nhìn ngược lên.
– Chú ơi, cho tui xin ly rượu, thèm quá! Mà sao chú ngồi đây một mình, không sợ bị cướp sao?
Anh đang lơ đãng hướng mắt về dòng sông, nơi mặt trời cuối ngày nhuộm lên nước một màu đỏ ối. Nghe tiếng ông già, anh quay mặt lại.
– Ông có trèo được lên đây không? Đưa tay đây cho cháu, cháu kéo ông lên. Nào, giữ thật chặt nhé! Gác chân lên cái hòn đá ấy. Đúng rồi. Lúc nãy cháu cũng trèo bằng cách ấy.
Anh nhún tay, ông già rướn người một cái nhảy phóc lên lô cốt. Anh mời ông ly rượu. Là cái thứ rượu Sake của một nhà máy gần đó, trong khu này. Trong khu có ngọn đồi này.
Ông già đưa chai rượu lên miệng, tút một ngụm. Ông khà ra thành tiếng.
– Uống rượu kiểu này hay thiệt. Cái thứ rượu này mà hâm nóng lên uống ngày trời mưa liu riu nữa thì đã lắm.
Ông nói chuyện thao thao kể về chuyện ông đã từng là bợm nhậu như thế nào. Đấu nghe ông nói thì ngồi cười. Rồi anh nhìn xung quanh.
– Cháu thấy bác vừa lùa đàn bò về. Bác ở gần đây sao?
Ông già đưa tay chỉ về cái xóm nem nép sông ở phía dưới chân đồi.
– Đấy, chỗ kia. Nhà tôi đấy. Ở đó mấy đời rồi. Kia kìa, chỗ có con đò đậu đó kìa, anh biết chỗ đó người ta gọi là gì không? Bến Than đấy!
Anh chẳng lạ gì với cái khu Bến Than này, nó nằm trong câu chuyện của bà nội anh, rằng nơi đây có một bến đò, những người đi đốt rừng lấy than muốn sang bên kia sông thì phải qua bến này. Và, cũng còn một câu chuyện khác, anh vừa được nghe từ ông già. Rằng những người đi làm rừng, gặp lũ lụt hay gì đấy, chẳng thể trở về nhà được, vợ con họ nheo nhóc kéo lên bến thuyền này ngồi khóc hời khóc hỡi. Vì vậy nó có tên Bến Than.
Khi đã bắt đầu thấm hơi men, ông già bắt đầu chửi. Ông chửi cái dự án trên ngọn đồi này. Người dân xứ này rất tâm linh. Ông bảo rằng:
– Nhà tui ở dưới đây, cũng có bán vài sào đất. Chúng nó mua rẻ rề à. Bảo là để làm trang trại gì đấy. Nghèo như tụi tui, đất thì nhiều chứ tiền không có nhiều. Cái chỗ núi đồi heo hút này tất đất chẳng phải tất vàng. Có người mua mừng lắm chứ. Bán chứ. Phải bán.
Ông già lại nhấp một ngụm rượu.
– Nhưng cái đồi này mà thành khu du lịch là sai sách rồi.
Ông lão chỉ tay về cái núi phía đối diện.
– Mày có thấy cái núi kia không? Nó với cái đồi này có giống hai tấm bình phong không? Đấy, phá một trong hai thử xem cái thành phố này có tàn đời không nào.
– Đấy, mày thấy đấy. Dưới kia, cái nhà máy nước cung cấp nước cho cả thành phố. Thử tưởng tượng xem nếu trên này là hệ thống khách sạn. Ôi, tụi mày ở dưới đấy có mà uống nước thải.
Ông già trầm ngâm một lúc. Rồi nhìn vào mặt Đấu, ông lắc đầu. Đấu ngồi im lặng không nói một lời nào chỉ nhìn quanh quẩn, trăng đã lên, mảnh đất của anh đã bàng bạc ánh sáng. Dưới sông, mấy con thuyền khai thác cát sạn cứ nổ máy xoành xoạch. Người đàn ông mới quen kể thêm cho anh nghe về ngọn đồi, nơi gia đình ông ấy đã từng gắn bó mấy đời.
Ông già dừng lại một lúc rồi ngậm ngùi.
– Thằng con trai út của tao, nếu nó còn sống chắc năm nay cũng gần ba mươi. Từ cái vụ bán đất bán đai này. Có tiền, nó đổ đốn chẳng chịu làm ăn. Bắt đầu theo bạn theo bè nhậu nhẹt. Đấy, nó cũng chết trên con đường này này. Đi nhậu say về, chạy xe nhanh quá, vướng vào cái dây thừng cột trâu bò giăng ngang trên đường. Vậy là chết. Mày buông bỏ hết đi. Đời này cũng không dài lắm đâu mà hối tiếc.
Mặt ông lão nhăn nhúm. Ông đứng dậy, lần lần cái chân tụt xuống đất, có lẽ ông đã say. Ông vừa từ từ trèo xuống vừa bảo:
– Thôi, tao về đây. Mày về đi. Chút nữa sẽ có tiếng xe máy chạy lên đấy. Mấy thằng nghiện nó hoạt động ở đây đấy. Mày khéo mà về đi. Đừng ngồi nữa. Nguy hiểm. Một thằng có gồng lên cũng không thể chống lại
cả đám.
Ông bước đi được vài bước rồi quay lại.
– À, mà tao tên Tuy, mày cứ xuống xóm Bến Than, hỏi ông Tuy chăn bò nhé, lần khác tao sẽ mời mày uống rượu gạo tao nấu, chả phải rượu Sake đâu nhen. Về đi con.
Đấu nhảy phóc xuống đất, bịch mồi và rượu anh gói gọn lại đặt vào giỏ xe. Hai người ngồi cả buổi, có gần lít rượu uống mãi không hết. Anh lên xe, bật đèn chạy rù rù xuống đồi. Vừa xuống tới đường nhựa, nghe sau lưng mình tiếng xe máy rồ ga ầm ĩ cả một vùng.
Tác giả Nam Giao
Trong một truyện ngắn không nhiều chữ, Nam Giao đưa lại cho người đọc không khí của một vùng đất với con người nơi ấy. Trong đó có cả quá khứ, vị lai, những mối quan hệ đan xen. Một chút bàng bạc khói sương lãng mạn khi nghĩ về quá khứ. Một chút âu lo với những chuyện khá thời sự dân sinh. Tất cả hòa quyện tạo thành một mùi hương sâu lắng, đủ sức lay động tâm can.
Theo Tiền phong online