Ngày 29/7 tại Thành phố Sóc Trăng sẽ diễn ra lễ tổng kết và trao giải cuộc thi thơ Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ V. Trước ngày trao giải Báo Điện tử Tổ Quốc đã dành một cuộc phỏng vấn với hai tác giả đoạt giải là Nguyễn Thanh Hải và Trần Huy Minh Phương.
Tác giả Trần Huy Minh Phương và Nguyễn Thanh Hải
PV: Vài năm trở lại đây, những cuộc thi văn chương khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đều có một số “lùm xùm”. Vậy trước khi quyết định gửi tác phẩm tham dự cuộc thi thơ lần này, anh có đắn đo, cân nhắc đến điều gì không?
Nguyễn Thanh Hải: Xác định từ đầu đây là cuộc chơi, cho nên đến với cuộc thi thơ ĐBSCL lần này, ngoài việc cân nhắc, cố gắng đầu tư làm sao cho tác phẩm của mình có chất lượng và mong sẽ đoạt giải, tôi không đắn đo quan tâm gì về chuyện “lùm xùm” từ những cuộc thi văn chương trong khu vực trước đây.
Trần Huy Minh Phương: Trước khi gửi thơ dự thi tôi rất đắn đo, nhiều lần không muốn thi, nhưng mấy cô chú anh chị bên Hội Văn học nghệ thuật Sóc Trăng khích lệ tôi là hội viên và là người con của đất Sóc Trăng thì nên tham gia và một vài bạn văn chương rủ thi, nên tôi thi. Đây cũng là một cuộc chơi tao nhã thôi mà!
PV: Tâm trạng của anh khi biết tin mình đoạt giải thưởng lần này?
Nguyễn Thanh Hải: Tôi rất vui khi biết tin mình đoạt giải thưởng và hạnh phúc khi biết mình đạt đúp 2 giải. Tuy nhiên trước đó tôi rất buồn vì có thông tin cho rằng tôi vi phạm thể lệ cuộc thi. Tôi cũng không muốn phân minh thêm, vì có lẽ bạn đọc theo dõi những tình huống đã đăng tải trên các trang báo mạng sẽ sáng suốt nhận rõ vấn đề.
Trần Huy Minh Phương: Tôi không buồn, không vui. Sự háo hức đã nguội từ lâu.
PV: Nhìn vào những tác phẩm và tác giả đoạt giải, anh có cảm nhận gì về đội ngũ cầm bút ở khu vực ĐBSCL?
Nguyễn Thanh Hải: Tôi thấy một số tác phẩm đoạt giải lần này khá hay, xứng đáng trao giải, nhưng thật sự chưa xuất sắc lắm. Có 7/9 tác giả đoạt giải thuộc thế hệ 7X, 8X. Điều đó cho thấy khu vực ĐBSCL vẫn còn tiềm năng đội ngũ sáng tác trẻ. Tôi thật vui mừng khi thấy một lớp nhà thơ mới đã xuất hiện và đang góp phần làm thay đổi diện mạo thơ Đồng bằng sông Cửu Long.
Trần Huy Minh Phương: Không thể nhìn vào những tác phẩm và tác giả đoạt giải mà suy rộng ra đội ngũ sáng tác ở khu vực ĐBSCL được. Bởi mỗi cuộc thi có Ban tổ chức, Ban giám khảo riêng. Mỗi giám khảo lại có quan điểm thẩm mĩ và sở thích về nghệ thuật khác nhau. Không cuộc thi nào giống cuộc thi nào cả. Đội ngũ sáng tác ở khu vực ĐBSCL vẫn lớn mạnh và phát triển cùng với đội ngũ sáng tác ở từng vùng miền trên cả nước.
PV: Theo quan sát của anh thì con người ở miền Tây có nhu cầu về thơ ca ở mức độ nào?
Nguyễn Thanh Hải: Cũng như những miền vùng khác, nhu cầu về thơ ca là không thể thiếu trong đời sống, và có lẽ người miền Tây còn hơn thế nữa, họ vốn mê thơ ca, hò vè từ xa xưa.
Trần Huy Minh Phương: Thơ ca hò vè luôn sống trong tâm thức người Việt. Nó làm đẹp thêm tâm hồn mỗi chúng ta, nó dung dưỡng thêm nhân cách sống lành. Người miền Tây hào phóng, bộc trực, vị tha. Nhu cầu về thơ ca vẫn đi về trong phút lắng sâu của bản thân khi không thể và không còn gì chia sẻ. Tôi đã thấy những người bạn thơ chia sẻ thơ với nhau qua điện thoại đến khi máy hết tiền thì thôi. Họ nhiệt huyết với câu chữ và chân thành trong tình bạn. Họ vẫn đọc nhau và khích lệ nhau luôn đó chứ! Nhịp sống hối hả quá, thơ dần trở thành “món hàng xa xỉ”!
PV: Anh có thể nói thêm về tác phẩm đoạt giải của mình cho độc giả?
Nguyễn Thanh Hải: 2 tác phẩm đoạt giải của tôi viết về 2 vùng quê đều thuộc khu vực ĐBSCL. “Tản mạn trưa” là tác phẩm tôi viết về mảnh đất Gò Công, nơi chôn nhau cắt rốn của tôi. Nơi tôi có đầy ắp kỷ niệm. Ở đó, tôi có một người bà luôn dạy cháu con nghĩa nhân bằng những câu chuyện cổ. Ở đó, ông tôi vì chiến tranh đã ra đi mãi mãi không về… Còn “Phía mùa cam bạc lá” tôi viết về miệt Cái Bè, quê hương thứ hai của tôi. Bài thơ xuất phát từ thực trạng bệnh vàng lá của cây cam mấy năm gần đây…
Trần Huy Minh Phương: Không riêng về tác phẩm đoạt giải mà gần như có khoảng 30 bài thơ tôi đã làm trong lúc chat mail với bạn văn chương, nhiều nhất và chân tình chia sẻ sâu sắc nhất là với anh Nguyễn Trọng Tấn – phóng viên Báo Ấp Bắc (Tiền Giang). Chính anh đã khích lệ tôi thi thơ ĐBSCL và “Nhật kí cho ngày rỗng” ra đời trong lúc chat mail với anh ấy. Những đứa con xa quê, những phận người thành bại… dẫu làm gì, đi đâu về đâu vẫn luôn nhắc lòng mình nhớ về quê hương. Quê hương đã nuôi lớn tâm hồn ta. Ở đó “có tiếng chuông chùa Mahatup nhắc ta đường xa tâm hùng trí dũng”.
PV: Cũng giống như văn xuôi, những tác phẩm viết về miền đất sông Cửu Long luôn đem đến cho người đọc sự hấp dẫn, thú vị và cả tò mò vì những nét đặc trưng của vùng đất. Xin hỏi tác giả Nguyễn Thanh Hải, là trong bài thơ đoạt giải nhì “Phía mùa cam bạc lá” có một câu mà bản thân tôi nghĩ những người không sống ở miền Tây sẽ khó hiểu như “nỗi buồn đeo đĩa” thế nào. Anh có thể chia sẻ thêm về câu thơ này không?
Nguyễn Thanh Hải: (Cười) Mọi người chắc là biết con đĩa- tức con đỉa (theo cách gọi ở nhiều nơi, trong đó có miền Bắc) chứ? Ở ĐBSCL trước đây đỉa rất nhiều. Hầu hết mọi người ai cũng sợ đỉa. Đỉa đeo hút máu người thì khó mà gỡ ra lắm. Tục ngữ có câu “Dai như đỉa”, ý nói đỉa sống rất dai, khó mà tiêu diệt được chúng, đồng thời cũng muốn ám chỉ sự việc gì đó kéo dài dai dẳng, không dứt ra được. “Nỗi buồn đeo đĩa” cũng phát xuất từ ý nghĩa đó.
PV: Vẫn biết những đặc sản của miền đất sông Cửu Long là mùa nước nổi, là bụi u du… mà các nơi khác không có. Nhưng tôi có cảm tưởng, những “đặc sản” này là con dao hai lưỡi, nếu không “tiết chế” thì ngoại cảnh sẽ lấn át nội tâm. Ý kiến của anh thế nào?
Nguyễn Thanh Hải: Không sai. Nhưng nếu thiếu đi những “đặc sản” như bụi u du, mùa nước nổi… thì thơ ĐBSCL đâu còn màu sắc đặc trưng vùng miền nữa? Có điều, người viết phải biết tự “tiết chế” để nội tâm không bị ngoại cảnh lấn át là một việc làm cũng không phải dễ.
Trần Huy Minh Phương: Nếu sáng tác mà chỉ là miêu tả hoặc kể lể thì không gì để bàn. Nó phải có tư tưởng, nghệ thuật và nhiều điều nữa thì tác phẩm mới trọn vẹn. Cần “tiết chế” chứ!
PV: Khi đọc những tác phẩm thơ của các cây bút ở các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… có tác động gì đến suy nghĩ của anh không? Anh có thấy ngòi bút của mình cần thay đổi không?
Nguyễn Thanh Hải: Mỗi một vùng miền đều có đặc trưng riêng, mỗi tác giả cũng có phong cách thơ riêng. Thơ của các cây bút ở các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều cái hay riêng, nhiều cái để học tập. Sáng tạo là nhu cầu không thể thiếu trong sáng tác, cho nên tôi luôn luôn tìm tòi, học hỏi, sáng tạo làm mới thêm cho ngòi bút của mình.
Trần Huy Minh Phương: Mỗi tác phẩm thơ của mỗi tác giả có cái hay khác nhau và cũng đôi khi có cái hạn chế. Đọc, cảm nhận nhưng không nghĩa là làm theo mà làm sao cho không trùng lắp, không lặp lại chính mình. Sáng tạo là mỗi phút giây ta tự làm mới mình nhưng không có nghĩa là làm dáng. Câu chữ có thần thái của nó riêng, không dối lừa được đâu! Tôi chỉ mới bắt đầu thôi, chưa có gì và chưa là gì… cần trau dồi thêm nhiều, nhiều lắm vậy!
* Cảm ơn các anh đã chia sẻ!
Hiền Nguyễn (thực hiện)
Một số dư luận cho rằng, hai tác phẩm đoạt giải của Nguyễn Thanh Hải phạm quy vì đã in sách. Nhưng Hội Văn học nghệ thuật Tiền Giang, cụ thể là ông Văn Ngọc Nhuần- Chủ tịch Hội đã xác nhận: Hai bài này đã có in trong một tập thơ vào tháng 2/2013 nhưng chưa phát hành… Giải thưởng vì thế được giữ nguyên. Trước đây, trong cuộc thi Thơ về Hà Nội, tác giả Nguyễn Phan Quế Mai cũng đã in bài được giải vào một tập thơ và được ban tổ chức cho phép. |
Nguồn: Toquoc