Về cuộc đời và thơ ca Hồ xuân Hương, từ hàng thế kỉ nay, đã bao nhà nghiên cứu trăn trở dày công khảo cứu truy tầm, nhưng…vẫn chưa có hồi kết, chưa có gì xác quyết. Đến một người tâm huyết tận lực như PGS.TS Đào Thái Tôn, khi mở đầu chuyên luận “Thơ Hồ Xuân Hương – từ cội nguồn vào thế tục” (Nxb Giáo dục, 1993) dẫn thơ Hoàng Trung Thông: “Người ta nói nhiều về/ Hồ Xuân Hương/ Nhưng người đó là ai?/ Thật mỉa mai/ Không ai biết rõ/...”. Vì thế mà người quan tâm đến Hồ Xuân Hương thật mừng khi nhìn thấy đầu đề bài báo trên tờ Văn nghệ Trẻ (VNT, số 17- ra ngày 24.4.2011): “Đã xác định được năm sinh năm mất của Hồ Xuân Hương (1772-1822) của tác giả Trần Nhuận Minh (TNM). Bài báo cho ta biết một số tình tiết về cuộc đời và nhấn mạnh một bộ phận trong sáng tác của nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Một số điều nêu ra như trên của TNM không phải là mới,chỉ khác là: các nhà nghiên cứu trước nay chỉ giả định, suy đoán, còn ông TNM thì khẳng định, xác quyết. Nhưng thiết nghĩ, mọi sự về Hồ Xuân Hương không đơn giản sáng rõ ở mức “không còn gì phải tranh cãi”, “không có gì phải bàn thêm”. Tôi xin được phá lời rào chắn của tác giả để nêu một số nội dung trao đổi.
Về những sự kiện trong tiểu sử Hồ Xuân Hương:
Trước hết là năm sinh năm mất, bài báo của ông TNM dài cả trang báoVNT với một hàng “tít” in đậm khẳng định: Đã xác định được năm sinh năm mất của Hồ Xuân Hương(1772-1822). Hơn thế, những dòng ở cột đầu trang cũng trình bày với lời rào đón không cho những ý kiến bàn cãi: “Chính căn cứ vào các tư liệu mới phát hiện này, và không còn gì phải tranh cãi này, mà người ta xác định năm sinh của Hồ Xuân Hương là 1772, đặc biệt năm mất là 1822. Điều đó đã được dòng họ Hồ ở Quỳnh Đôi, Nghệ An, quê hương bà cho khắc vào tấm bia đá lớn, thờ ở ngay đầu làng. Vậy việc đó cũng không có gì phải bàn thêm.”(tôi nhấn mạnh). Cái mà ông TNM căn cứ là “các tư liệu mới phát hiện này”, thì đọc suốt cả bài báo dài vẫn không thấy ông chỉ vẽ cho người đọc thấy đó là tư liệu nào: dạng văn bản (chữ Hán, chữ Nôm, chữ quốc ngữ), bài viết, chuyên luận ở sách báo nào, hay là gia phả dòng tộc… Theo sự hiểu biết hạn hẹp của tôi, năm sinh năm mất của Hồ Xuân Hương như TNM nêu, là gần trùng với cách của GS. Hoàng Xuân Hãn xác định khi trình bày gia phả Hồ Phi Diễn. GS. viết: “(đoán chừng) 1722 sinh Xuân Hương”, “Xuân Hương mất vào khoảng 1821-1822, 50/51 tuổi” (Chuyên luận Hồ Xuân Hương với vịnh Hạ Long công bố 12.1983, in trong sách Thiên tình sử Hồ Xuân Hương, Nxb Văn học, 1999, tr 268-269; La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, tập III, Nxb GD, 1998). GS. Hoàng Xuân Hãn chỉ phỏng đoán chứ không khẳng định! Nhiều nhà nghiên cứu về Hồ Xuân Hương lâu nay cũng chỉ là nêu các giả định, nên năm sinh của bà khoảng dự đoán rất rộng: 1935 – 1780; năm mất là trước 1842 (năm Tùng Thiên vương Miên Thẩm (1819-1870) thăm Thăng Long có thơ nhắc tới nấm mộ Xuân Hương (câu “Xuân Hương quy khứ thảo thanh thanh” – Xuân Hương đi rồi cỏ mọc xanh rì – bài thơ “Long Biên” ). Điều này còn liên quan đến việc xác định thân phụ nhà thơ. Có hai luồng ý kiến: nhiều người theo nguồn dư luận truyền tụng, bà là con Hồ Phi Diễn (1703-1786); còn theo Trần Thanh Mại, khi công bố việc phát hiện tập thơ Lưu hương kí, cho rằng cha bà là Hồ Sỹ Danh (1706-1783), có con (Hồ Sỹ Đống) làm quan to được phong Hàn lâm thừa chỉ, hàm Thái bảo. PGS. TS. Đào Thái Tôn cũng nghiêng theo ý kiến này (Thơ Hồ Xuân Hương – từ cội nguồn vào thế tục, sđd). Trong bài TNM không nêu rõ tên cha bà mà chỉ viết: “bản thân bà cũng có anh con bà cả làm tể tướng”, ta hiểu đây nói đến Hồ Sỹ Đống (1738-1786). Như vậy, xác định năm sinh năm mất Hồ Xuân Hương theo TNM là kết hợp cả hai thuyết về thân phụ của bà? Về những tình tiết khác, TNM trình bày bằng những dòng in đậm dưới đầu đề, và cả trong bài, với cụm từ khẳng định “thì đã rõ”, “thì cũng đã rõ”: “Bà là vợ kế (chứ không phải vợ lẽ) quan tham hiệp trấn Yên Quảng”, “Bà đã hai lần từ Nghi Tàm…về Yên Quảng thăm người yêu, là ông Trần Phúc Hiển”, “bà đã ở hẳn lại Yên Quảng từ năm 1815…”. Đến đoạn sau, tác giả lại trình bày dùng dằng, nửa như khẳng định nửa như suy luận: “Nếu năm mất được xác nhận là 1822, thì nơi mất có thể có cơ sở, đó là chùa Giải Oan Yên Tử, vì cùng một nguồn tư liệu. Theo tư liệu trên, sau khi chồng chết…bà đi tu ở Yên Tử và khi mãn tang chồng thì chết theo chồng ở đây”, “Còn mộ bà ở đâu? Có cơ sở để nghĩ rằng, sau khi hung táng ở Yên Tử, thân nhân đã đưa hài cốt bà về nơi ở của bà trước khi làm vợ kế ông Hiển, là ở Nghi Tàm, gần Hồ Tây” (những chữ in nghiêng là của TNM). Nếu có tư liệu trong tay thì cứ việc trình bày, bằng tóm tắt hay trích dẫn nguyên văn, việc gì còn phải nói kiểu suy luận như thế? Xin hãy công bố tư liệu cho bạn đọc biết.
Người phát hiện tư liệu và công bố về quan hệ Hồ Xuân Hương với tham hiệp trấn Yên Quảng Trần Phúc Hiển là GS. Hoàng Xuân Hãn, trong chuyên luận “Hồ Xuân Hương với vịnh Hạ Long” (lần đầu in tập san Khoa học xã hội Pari số 11-12, tháng 12.1983). GS. cho biết nguồn tư liệu là “DƯỠNG HẠO Đỉnh tập QUỐC SỬ DI BIÊN của Thám hoa Phan Thúc Trực (nguyên tên Dưỡng Hạo) người Nghệ An soạn trước 1852, sách này chép việc năm Gia Long thứ 18 (Kỷ Mão, 1919) “quan Tham hiệp trấn Yên Quảng bị tội tử hình…Vợ bé ông tên là XUÂN HƯƠNG, giỏi việc văn chương và chính trị; bấy giờ nổi tiếng là tài nữ…”. Còn chính sử ĐẠI NAM THỰC LỤC chép chuyện quan Tham hiệp vào tháng năm Mậu Dần (1818), lúc mới bị bắt giam. Từ những sử liệu ngắn này GS. Hoàng suy đoán rồi cho rằng “Vậy nàng làm vợ lẽ y vào khoảng năm 1815-1818” (tr181, Hồ Xuân Hương thiên tình sử, sđd). Như vậy, những nội dung mà TNM viết quả là chi tiết, rất mới; chỉ có điều tư liệu mà tác giả dựa vào có độ chuẩn xác, tin cậy đến đâu?
Về các bộ phận thơ ca của Hồ Xuân Hương
Tác giả TNM, nhắc tới tập Lưu Hương kí, rồi viết “Lời Tựa của ông Tốn Phong viết ở đầu sách, khắc in năm 1814, thì Hồ Xuân Hương nói rằng: đây là toàn bộ thơ của cuộc đời tôi. Trong đó không có bài thơ nào trong số hơn 100 bài thơ Nôm truyền tụng được gán cho Bà mà Xuân Diệu vinh danh là Bà chúa thơ Nôm”. Nghiêng về việc phủ định “sạch trơn” bộ phận thơ chữ Nôm truyền tụng, tác giả viết: “Tôi đồng tình với nhận định của giáo sư Hoàng Xuân Hãn đưa ra tại Pari (Pháp) từ 1952 và giáo sư Trần Thanh Mại, đưa ra tại Hà Nội năm 1964, cho rằng TOÀN BỘ thơ chữ Nôm truyền tụng của Hồ Xuân Hương, tất thảy đều không phải của Hồ Xuân Hương, mà là thơ dân gian của các ông đồ, sáng tác và nhuận sắc cùng thời với truyện Trạng Quỳnh, Trạng Lợn.”. Theo tôi được biết, thì tình hình tài liệu và các ý kiến không hẳn như ông TNM mô tả. Trước hết nói về Lưu Hương kí, không biết TNM dựa vào đâu để bảo tập sách này có cùng lời tựa của Tốn Phong, lại được “khắc in năm 1814”? Phải nói ngay rằng: Lưu Hương kí và Bài Tựa của Tốn Phong thị nằm ở 2 nguồn khác nhau, cùng được phát hiện và công bố năm 1964 bởi GS. Trần Thanh Mại. Bài Tựa nằm trong Du Hương Tích động kí của Chu Mạnh Trinh (tư liệu ở Thư viện Khoa học trung ương), cùng với 31 bài thơ chữ Hán của Tốn Phong tặng đáp Xuân Hương, không có thơ Lưu Hương kí! Tập Lưu Hương kí do Cử nhân Hán học Nguyễn Văn Tú (quê Hành Thiện, Nam Định) gửi cho ban Văn-Sử-Địa Hà Nội, khoảng năm 1956-57. GS. Trần Thanh Mại sau khi tìm thấy bài Tựa của Tốn Phong, được ông Tú cho hay, nên mới tìm được tập Lưu Hương kí rồi giới thiệu trên Tạp chí văn học (11.1964). Theo Th.s Phạm Văn Ánh (Viện Văn học), bản mà GS Trần Thanh Mại dùng chỉ là bản sao (bài Một số hiện tượng bất thường trong văn bản Lưu Hương kí, Nghiên cứu Văn học, 11.2008).
Có phải GS. Hoàng và GS. Trần đều cho “TOÀN BỘ thơ Nôm truyền tụng đều không phải của Hồ Xuân Hương”? GS. Hoàng cho biết: năm 1952 ông thấy trong tập sách chép tay, nhan đề ĐẠI NAM DƯ ĐỊA CHÍ ƯỚC BIÊN, không tên tác giả (ông Đào Thái Tôn sau này cho biết tác giả là Cao Xuân Dục (1842-1923); có chép một số bài Hán văn luật Đường, vịnh cảnh trí Hạ Long, ghi tên tác giả là Hồ Xuân Hương, GS. đã dịch năm bài ra quốc âm. Trong chuyên luận GS. còn giới thiệu, bình, chú thích, chỉ dẫn các bài thơ chữ Hán, chữ Nôm trong Lưu Hương kí; ở phần V, “Những thơ truyền tụng coi là của Hồ Xuân Hương”, GS. khảo sát tất cả các văn bản thơ chữ Nôm, chữ quốc ngữ chép phần thơ này. PhầnVI – Lời tóm tắt và kết luận, có đoạn: “Nay đến lúc, ta phải lấy lại phần thơ truyền tụng, bằng phép so sánh mà gạt ra những phần mới vơ quàng hay ngụy tạo, rồi hợp với phần nghiêm túc mới phát hiện để soạn một tập XUÂN HƯƠNG THI THOẠI xứng đáng” (tr 329. sđd). Như vậy là đã rõ, ông TNM đã dẫn không đúng ý kiến GS, cả về thời điểm và nội dung. Còn ý kiến của GS. Trần Thanh Mại, chỉ đề nghị phân loại, chọn lọc trong số thơ Nôm truyền tụng “số thơ lành mạnh tiến bộ”, những bài có tính tư tưởng cao và nghệ thuật cao là của Hồ Xuân Hương. GS. Hoàng Xuân Hãn nhắc lại và nói lời đồng tình: “tôi đồng ý với TRẦN THANH MẠI rằng trong loại này chỉ giữ những bài có thi vị và lời khéo, không thô bỉ, ác nghiệt…” (tr 330, sđd). Không biết ông TNM lấy các ý kiến của hai GS. ở đâu mà nói như vậy ? Nếu không dẫn ra nguồn của các ý kiến này thì ông đã có lỗi với hai GS., vì dẫn không đúng.
Về con người và tác phẩm của Hồ Xuân Hương, theo bài khảo cứu gần đây nhất của Nguyễn Hữu Sơn và Đặng Thị Hảo, thì vẫn chỉ cho rằng: “Cuộc đời nữ sĩ tài ba xuất chúng ấy quả còn đầy bí ẩn. Chúng ta chỉ tạm hình dung mấy nét vắn tắt: ít nhất có một Hồ Xuân Hương sống sau Phạm Lan Anh (cuối thế kỷ XVIII) một chút, mất trước 1842, khoảng năm 1814 nàng đang ở Thăng Long, và là chủ nhân của Cổ Nguyệt Đường bên Hồ Tây, là tác giả của Lưu Hương ký và một số bài thơ Nôm truyền tụng xuất sắc” (bài “Giọng thơ đa tài Hồ Xuân Hương, sách Gương mặt văn học Thăng Long, Nxb Hà Nội, 2010, tr 521).
Ngoài ra, trong bài viết của TNM còn một số chi tiết chưa chính xác: Trần Phúc Nhàn lại viết Trần Phúc Nhân; Trần Phúc Hiển thì viết Nguyễn Phúc Hiển (cột một, dòng 22 từ trên xuống); phủ Tam Đới đổi tên vào năm 1822 (Minh Mạng năm thứ ba), không phải 1823; Thương Sơn thi tập, không phải Thượng sơn thi tập (hiệu của Miên Thẩm là Thương Sơn); Bài Cây đánh đu Trong Hồng đức quốc âm thi tập (có 328 bài của nhiều tác giả) lại viết là “bài Chơi đu có trong thơ Lê Thánh Tông (1442-1497)”, dẫn 4 câu thơ đều có 6 tiếng, một số chữ khác: “Bốn cột lang nha khéo trồng/ Ả đánh cái, ả còn ngong / Vái thổ địa, khom khom cật/ Khấn hoàng thiên, ngửa ngửa lòng…”; chép đúng phải là: Bốn cột lang cắm (ngắm) để trồng/ Ả thì đánh cái ả còn ngong/ Tế hậu thổ khom khom cật/ Vái hoàng (hàng) thiên ngửa ngửa lòng/...(theo Nguyễn Lộc và Đào Thái Tôn).
Trước những sự phức tạp về tư liệu xung quanh Hồ Xuân Hương, muốn đưa ra những nhận định này nọ, nhất thiết phải công bố chi tiết về tư liệu để mọi người có cơ sở khảo sát. Góp phần soi dọi các khía cạnh về cuộc đời và thơ ca Hồ Xuân Hương. Kinh nghiệm từ sự khảo sát bước đầu Lưu Hương kí của Th.s Phạm Văn Ánh, phát hiện một số bài trong tác phẩm “có dấu hiệu hết sức bất thường”, nên đề nghị: “trước khi phiên dịch toàn bộ tác phẩm này để giới thiệu rộng rãi với bạn đọc, cần có sự khảo cứu thật kĩ càng về văn bản. Việc làm này nên được thực hiện bằng thái độ nghiêm cẩn, khách quan và khoa học của nhà văn bản học, thay vì cái nhìn thiện cảm đối với một nhà thơ nổi tiếng…” (Nghiên cứu văn học 11.2008, bđd). Đây là một lời nhắc hữu lý trong việc sử dụng tư liệu khi nghiên cứu một số tác phẩm, tác giả, không chỉ ở trường hợp Hồ Xuân Hương, mà còn ở một số tác giả văn học cổ Việt Nam khác, nói chung.
Nguồn: vanvn.net