Ngôi làng nhỏ nép mình dưới triền đê thơ mộng, ven dòng sông Đuống hiền hòa. Qua nhiều thập kỷ, thuở vàng son của làng tranh dân gian Đông Hồ (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) có lúc tưởng chỉ còn là dĩ vãng. Nhưng với nỗ lực lặng thầm của những nghệ nhân tâm huyết, Đông Hồ đang từng bước ngược dòng tìm lại hình bóng về một làng tranh tấp nập kẻ bán người mua…
Ảnh Internet |
Từ Ký ức hoàng kim… Trên triền đê xanh cỏ, anh thanh niên tự xưng con cháu Đông Hồ vừa chỉ đường cho chúng tôi vào Trung tâm giao lưu văn hóa dân gian tranh Đông Hồ (Trung tâm) của gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, vừa thủng thẳng trò chuyện. “Đông Hồ có đận tưởng phải đổi tên thành làng vàng mã. Nhưng cũng may, vẫn còn có những nghệ nhân cả đời đau đáu giữ nghề. Bây giờ đã có nhiều người đến tham quan và mua…”. Trung tâm được dân làng ở đây gọi nôm na là “bảo tàng tranh Đông Hồ”. Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, người dồn cả tâm huyết và cuộc đời để giữ lấy nghề tranh thì bảo, ông muốn gọi đó là “xưởng tranh”, nơi lưu giữ một nét văn hóa độc đáo của dân tộc. “Xưởng tranh” mộc mạc và độc đáo này được xây dựng trên mảnh đất bên chân đê sông Đuống, ngay đầu làng, diện tích rộng hàng nghìn mét vuông; có phòng trưng bày, xưởng sản xuất và cả một căn nhà mái gianh để bày tranh theo lối cổ; nhiều năm qua gây ấn tượng mạnh với hàng triệu khách tham quan trong nước và quốc tế. Có được cơ ngơi ngày hôm nay, ông đã dành hàng chục năm để níu tìm và phục dựng. Tranh Đông Hồ hưng thịnh từ trước năm 1944, với 17 dòng họ, hơn 150 gia đình trong làng làm tranh. Để chuẩn bị cho những phiên chợ tấp nập được tổ chức vào dịp tháng Chạp, cả làng bận rộn từ tháng Bảy âm lịch. “Khi ấy, từ sân đình, sân nhà đến triền đê sông Đuống đều là nơi dân làng chuẩn bị các nguyên liệu để làm, phơi tranh. Mầu đỏ của sỏi son, mầu xanh lá chàm, vàng hoa hòe, lấp lánh của vỏ sò, vỏ điệp… Những gam mầu thiên nhiên làm nên nét độc đáo của tranh Đông Hồ bừng sáng đến từng góc nhỏ” – nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế lặng người nhớ về những tháng ngày xa cũ. Người Đông Hồ ai cũng nằm lòng câu ca Dù ai buôn bán trăm nghề/ Nhớ đến tháng Chạp thì về buôn tranh. Khắp các tỉnh từ Nghệ An, Thanh Hóa trở ra, nhà nào cũng cố gắng sắm tranh Đông Hồ về chơi Tết. Trên bến, dưới thuyền tấp nập kẻ bán, người mua. Nhưng rồi tranh Đông Hồ dần suy thoái, mai một. Chiến tranh làm những ván khắc gỗ dần thất lạc; cuộc sống khó khăn khiến thú chơi tranh tao nhã dần mất đi. Thậm chí, nhiều nhà còn đem những ván khắc cổ ra đóng chuồng gà hoặc làm củi đun. Ông Chế cùng một vài nghệ nhân hiếm hoi còn giữ nghề trong làng đến từng nhà vận động, thuyết phục mua lại những ván khắc ấy. Tình yêu, tâm huyết chính là sợi dây kết nối bền bỉ để ông, thế hệ thứ 20 của gia đình quyết tâm giữ nghề. Sau khi nghỉ công tác, ông trở về quê hương tìm cách khôi phục lại dòng tranh đang đứng trước nguy cơ biến mất. … Đến những nỗ lực truyền lửa giữ nghề Đầu tư tiền tỷ xây dựng Trung tâm, gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế không chỉ mong muốn tạo điểm đến cuốn hút để giới thiệu và quảng bá, mà hơn thế, còn tham vọng truyền ngọn lửa tình yêu nghề đến các thế hệ tương lai của làng tranh. Ông Chế tích cực đưa tranh Đông Hồ tới các triển lãm, hội chợ nhằm tạo cơ hội để mọi người biết và hiểu nhiều hơn về dòng tranh này. Khi có dịp, ông trực tiếp giới thiệu với bạn bè quốc tế về tranh Đông Hồ ở nhiều quốc gia. Từ những bước đi ban đầu nhiều khó khăn ấy, đến nay, Trung tâm đã trở thành một địa chỉ đỏ trên bản đồ du lịch vùng Kinh Bắc; mỗi ngày đón tiếp hàng chục đoàn du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu và mua tranh. Các con trai, gái, dâu, rể trong nhà đã trở thành thế hệ thứ 21 trong dòng họ, tiếp nối ông giữ mạch làm nghề. Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Văn Ảnh nhận xét: “Cùng với những nỗ lực bảo tồn, giữ gìn các giá trị truyền thống và mở rộng quảng bá, gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đã có nhiều đầu tư về công sức, thời gian và tài chính để sưu tầm, phục chế những bản khắc cổ; đồng thời sáng tác những mẫu khắc mới với nội dung phù hợp cuộc sống đương đại…”. Trong làng, gia đình nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam cũng là một địa chỉ lưu giữ, truyền nghề. Gắn bó với tranh từ thơ bé, đến nay, ông Sam vẫn miệt mài truyền nghề cho con cháu; ở từng công đoạn từ làm giấy, bồi điệp, pha mầu, in, vẽ đến phơi tranh… Ông mong muốn hậu thế không chỉ biết và thành thạo những quy trình cầu kỳ để làm nên một bức tranh, mà còn phải hiểu, thấm từng triết lý nhân sinh sâu sắc được cổ nhân gửi gắm trong những Vinh hoa, Đám cưới chuột, Hứng dừa, Đánh ghen… Ông Sam lưu giữ như báu vật hàng trăm bản khắc cổ; đồng thời sáng tạo thêm một số bản khắc mới trên nền tảng kỹ thuật truyền thống như Lý Thái Tổ hạ chiếu dời đô, Đến hẹn lại lên, Tấm áo mẹ vá năm xưa… Cùng với Trung tâm của gia đình ông Chế, cơ sở sản xuất tranh của ông Sam cũng là điểm đến của nhiều du khách. Làm giàu cùng vốn cổ Với nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, gia tài quý giá nhất chính là bộ sưu tập gồm hàng trăm bản khắc cùng nhiều bộ tranh cổ vô cùng giá trị như Quang Trung – Nguyễn Huệ, Kiều, Sơn Tinh Thủy Tinh, Tố nữ…; cổ nhất là bộ Thạch Sanh có tuổi đời cả trăm năm. Với nỗ lực sưu tầm, gìn giữ và giới thiệu của ông và một số nghệ nhân tâm huyết, những bức tranh Đông Hồ độc đáo giờ đây không chỉ được biết đến là những sản phẩm văn hóa đặc trưng của Việt Nam mà đã trở thành một món quà đặc biệt hấp dẫn đối với nhiều khách nước ngoài. “Xưởng tranh” giúp gia đình ông Chế có nguồn thu ổn định với doanh thu hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Nơi đây không chỉ giới thiệu, bán tranh mà còn có các dịch vụ như tham quan quy trình làm tranh thủ công, trải nghiệm nghề làm tranh… Có những bộ tranh cổ được bán hàng nghìn USD; những bộ tranh khắc gỗ do con trai ông thực hiện cũng được ưa chuộng với giá bán hàng chục triệu đồng; những bức tranh giấy dó đa dạng đề tài, nội dung bán với số lượng nhiều nhất… Được sự giúp đỡ của một nhà sưu tập người Pháp cung cấp gần 100 bản Đông Hồ bị thất lạc do chiến tranh, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đã phục chế được 30 mẫu. Nhằm hỗ trợ gia đình các nghệ nhân, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu tỉnh Bắc Ninh ban hành một đề án về bảo tồn, phát huy giá trị nghề tranh dân gian Đông Hồ. Tỉnh đã tổ chức cho các nghệ nhân, nhà quản lý, trong đó có con trai nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế sang Nhật Bản học tập mô hình bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân gian; quảng bá, giới thiệu rộng rãi tranh Đông Hồ tại các sự kiện lớn. Bên cạnh đó còn hỗ trợ kinh phí, tổ chức hội thảo, tọa đàm, tua du lịch đến làng tranh… Với sự phối hợp của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, dự kiến trong năm 2016, hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận tranh dân gian Đông Hồ là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp sẽ được hoàn thiện. Tỉnh Bắc Ninh sẽ tiến hành mở rộng đình tranh của làng để xây dựng thành Trung tâm bảo tồn của khu vực. Theo Nguyễn Thu Trang – Nhandan |