Nước thu dưng, trăm rạch đổ vào sông to. Lòng sông rộng cho đến đứng bờ nọ ngóng bờ kia không sao phân biệt được bò với ngựa.

Thấy vậy, Hà Bá đắc ý cho cái đẹp trong thiên hạ chưa còn ai hơn mình. Thuận dòng theo hướng Đông đi tới biển Bắc ngoảnh lại hướng Đông, không thấy mé.

Hà Bá mới than với Hải Thần:

“Tục ngữ có câu: Kẻ biết ít cho không ai bằng mình. Lời nói ấy, để nói tôi là phải. Tôi thường nghe chê chỗ thiếu học của Trọng Ni, nghe khinh cái lòng Nghĩa của Bá Di mà tôi không tin. Nay thấy chỗ vô cùng của Ngài, nếu tôi không đến cửa Ngài mà thị giáo, các nhà đại phương ắt sẽ chê cười tôi”

Thần Hắc Hải nói:

“Cùng ếch giếng không thể nói biển đặng: Nó chỉ biết có cái hang nó mà thôi. Cùng côn trùng mùa hạ, không thể nói băng tuyết đặng: Nó chỉ biết có cái mùa của nó mà thôi! Cùng bọn khúc sĩ không thể nói Đạo đặng họ bị trói buộc trong giáo lý của họ. Nay ông ra khỏi lòng sông, thấy biển cả mà biết xấu hổ. Vậy thì, nói đạo lý với ông được.

Dưới trời, nước không đâu nhiều hơn biển. Đó là nơi muôn sông chảy về, không biết bao giờ thôi, mà không hề đầy, rồi nước biển lại chảy vào các sông không biết bao giờ ngưng mà không hề vơi. Xuân, Thu chẳng biến đổi nó, mà thủy hạn nó cũng chẳng cần biết đến làm gì. Hơn rạch sông không biết lượng số nào mà kể, mà ta chưa từng cậy đó là nhiều, là vì tự sánh với Trời Đất, Âm Dương, thì ta có khác nào một viên đá nhỏ, một gốc cây gầy trong dãy núi to. Đã rằng là ít, sao thấy mình nhiều? Bốn biển ở trong Trời Đất phải chăng cũng chỉ là những hang nhỏ ở trong đầm lớn hay sao? Trung Quốc nằm trong bốn biển cũng chẳng giống hạt lúa ở trong kho lớn hay sao? Vạn vật, lấy số muôn mà nói, thì người chỉ được một số mà thôi! Lấy chín châu, nơi lúa thóc sinh sản toàn xe thông hành, thì người cũng không qua số một. Vậy, người đối với vạn vật, khác nào một sợi lông trên mình ngựa. Chỗ liên hiệp của Ngũ Đế, chỗ tranh giành của Tam Hoàng, chỗ lo lắng của người nhân, chỗ nhọc nhằn của kẻ sĩ, rốt lại có gì! Bá Di từ ngôi, lấy đó là danh, Trọng Ni nói ra, gọi đó là rộng. Những cái mà họ cho rằng nhiều đó, thì có khác nào người trước khi thấy biển, cho rằng nước của mình là nhiều vậy”

Hà Bá nói:

“Vậy, tôi cho Trời Đất là cực đại, mảy lông là cực tiểu, được không?”

Thần Bắc Hải nói:

“Không được! Kìa như muôn vật biến hóa không cùng, thời gian đi mãi không dừng, số phận dời đổi không thường, trước sau liên tiếp không thôi. Ấy nên bậc đại trí xét việc xa gần, thấy nhỏ không cho là ít, thấy lớn không cho là nhiều, đó là biết được chỗ biến vô cùng. Luận qua kim cổ, thì việc đã qua không ưu tư, việc đương thời không bận lòng: Đó là biết được chỗ không dừng của thời giờ. Xét việc lưng vơi, thì được không vui, mất không buồn: Đó là biết được chỗ thông thường của số phận. Thầy đặng như vậy thì sống không mừng, chết không lo: Đó là biết được chỗ trước sau liên tiếp không ngừng vậy. Chỗ biết của người, không bằng chỗ họ không biết. Thuở sinh ra không bằng thuở chưa sinh. Muốn lấy chỗ cực tiểu của mình mà cần hiểu tận chỗ cực đại, là mê loạn, là ngu xuẩn. Như thế, làm sao biết được cái lông đủ để làm mẫu của cái cực tiểu, làm sao biết Trời Đất đủ để làm cái mẫu của cái cực đại?”

Hà Bá hỏi:

“Luận giả trong đời đều nói: Một vật rất tinh, thì vô hình, một vật thật lớn, thì không thể bao gồm được. Có phải thực vậy không?”

Thần Bắc Hải nói:

“Tự nhỏ mà xem lớn, làm sao thấy hết đưỡc! Tự lớn mà nhìn nhỏ, làm sao thấy rõ rệt được! Tinh, là cái nhỏ thật nhỏ, thật lớn là cái lớn rất lớn vậy. Cho nên, phương tiện dùng phải khác nhau. Tinh và thô là để nói về những vật hữu hình: Còn vật vô hình thì con số không phân chia được nữa. Không thể bao gồm được, là vật vô cùng mà con số không hạn định được. Cái mà còn luận được, nói được, là cái thô của vật. Cái mà ý xét được, là cái tinh của vật. Nhưng còn cái mà lời không thể luận, ý không thể xét, là bởi nó không phải tinh mà cũng không phải thô.

Thế nên, bậc đại nhân hành động không gây hại cho ai mà cũng không ân huệ cho ai. Động không vì lợi, không coi kẻ canh cửa là hèn. Không vì tiền của mà tranh, cũng không lấy sự tự nhượng làm quý. Công việc thì không nhờ vả vào ai, cũng không khinh kẻ tham lam. Hạnh thì khác người thế tục, nhưng chẳng chuộng sự khác lạ, và làm theo đám đông, không khinh người siểm nịnh. Tước lộc của đời không đủ khuyến, hình phạt không đủ nhục, bởi họ biết phải trái không chỗ phân, lớn nhỏ không chỗ định. Nghe nói rằng: Người có đạo thì lặng lẽ, bậc chi đức thì không mong đặng gì cả, còn người đại nhân thì không có mình: Họ đã hợp tất cả làm một”

Hà Bá lại hỏi:

“Nhờ đâu mà phân biệt được chỗ trong ngoài, chỗ quý tiện, chỗ lớn nhỏ của vật?”

Thần Bắc Hải nói:

“Lấy con mắt Đạo mà xem, thì vật không có quý, tiện. Lấy vật mà xem, thì vật có quý có tiện, vì bởi vật nào cũng tự xem là quý, nên khi sánh lại với vật khác thường cho đó là tiện. Lấy con mắt của thế tục mà xem thì sự phân quý tiện lại không phải ở nơi mình. Lấy con mắt sai biệt mà xem, thì nhân cái lớn của nó mà cho là lớn thì vạn vật không có cái gì là vạn vật không có cái gì là không nhỏ. Biết Trời Đất như hột thóc, biết mảy lông như hòn núi là biết rõ chỗ sai biệt rồi vậy. Lấy theo chỗ công ích mà xem, nhân cái có của nó mà cho là có thì vạn vật không gì là không có, nhân cái không của nó mà cho là không, thì vạn vật không gì là không. Biết Đông Tây là nghịch nhau mà không có nhau không được, thì là biết phân định sự công dụng rồi, lấy chỗ ưa thích mà xem, nhân cái phải vậy của vật này mà cho nó là phải, thì vạn vật không vật gì là không phải, nhân cái không phải vậy của vậy này mà cho nó là không phải, thì vạn vật không vật nào là không phải… Biết Nghiêu và Kiệt đều tự cho rằng mình là phải mà cho nhau là quấy, đó là rõ được cái cốt của sự ưa thích rồi! Xưa kia Nghiêu Thuấn nhường ngôi nhau mà làm vua, còn Chi và Khoái cũng nhường nhau mà phải mất. Thang Vũ tranh nhau mà được nước, Bạch công tranh nhau mà phải chết. Do đó mà xem, trong lễ tranh nhượng, trong hành động của Nghiêu Kiệt, quý tiện tùy thời, chưa lấy đâu làm mực thường được. Cái lương lê dùng phá thành, không dùng mà lấp hang được: Khí cụ khác nhau. Kỳ, Ký, Hoa, Lưu một ngày chạy nghìn dặm mà không bắt chuột như mèo: Tài năng khác nhau. Chim cú đêm mắt tỏ đến bắt rận được, mà ban ngày gò núi sờ sờ không thấy: Tính khác nhau. Nên chi, muốn có phải mà không có quấy, muốn có trị mà không có loạn là chưa rõ cái Lý của Trời Đất, cái Tình của Vạn Vật. Ấy là mơ Trời mà không có Đất, mơ Âm mà không có Dương đó.

Vậy mà cứ bàn mãi mà không thôi, thì rõ nếu không phải là ngu, thì là vu khống vậy! Đế Vương tranh nhượng, hễ sái thời nghịch tục thì gọi là soán, còn nhằm thời thuận tục, thì gọi là nghĩa. Hà Thần này! Hãy lẳng lặng mà xét lại, sẽ thấy rõ đâu là cái gốc của Quý Tiện, của Lớn Nhỏ

Hà Bá hỏi:

“Vậy thì tôi phải làm gì bây giờ, phải đừng làm gì bây giờ? Tôi phải từ, phải thận, phải ưa, phải bỏ cái gì, tôi phải làm sao đây?”

Thần Bắc Hải nói:

“Lấy con mắt Đạo mà xem thì có gì là quý, là tiện, đó chỉ là chuyện phản phúc biến thiên đáp qua đáp đổi lại, đừng bận lòng câu chấp đến. Lấy Đạo Lớn mà xem thì có gì là ít, là nhiều, đó chì là chuyện cho ra lấy vào, cũng đừng phải bận lòng. Cùng với đạo sai biệt, thì nghiêm trị như một quốc quân không tư đức, tự nhiên như tế thần xã mà đừng cầu phúc riêng tư. Lòng mênh mông như cái vô cùng của bốn phương, không phân bờ cõi. Ôm chầm tất cả vạn vật, không thiên về phương nào! Muôn vật đều là nhất tề, cho nên có gì đâu là dài ngắn. Đạo thì không sau, không trước, vật thì có chết có sống, đừng trông cậy nó ở lúc thành tựu. Một vơi một đầy: Không hình thức nào đứng vững mãi. Không ai thêm được tuổi, không ai chận được thời. Khi tăng khi giảm, khi đầy khi vơi nối tiếp nhau luôn: Có sau ắt có trước. Đó là lấy cái phương của đại nghĩa mà nói, lấy cái lý của vạn vật mà luận. Mạng sống của vạn vật như ngựa chạy mau lẹ: Không có cái động nào mà không có biến, không phút nào mà không dời đổi. Phải làm đi gì? Phải không làm đi gì? Hãy để cho vạn vật tự nhiên mà tự hóa!”

Hà Bá hỏi:

“Sao gọi là Trời? Sao gọi là Người?”

Thần Bắc Hải nói:

“Ngựa bò bốn cẳng, đó là Trời, ràng đầu ngựa, xỏ mũi bò, đó là Người. Bởi vậy mới nói: Đừng lấy Người giết Trời, đừng lấy nhân tạo mà giết mạng, đừng lấy sự được mất mà chết theo danh. Cẩn thận mà giữ gìn đừng làm mất, đó gọi là “Trở về cái Chân của mình”.

Lời bàn:

Đây có thể gọi là một bài văn u mặc tối thượng thừa kiểu mẫu của Trung Hoa trong đó gồm được tất cả những yếu tố độc đáo của văn u mặc mà có nhiều người cho là “khinh thế ngạo vật”. Một lối cười độc đáo mà trang nghiêm, lên án mà không lên án ai cả. Dù là người hùng biện đến đâu cũng không sao dùng sự hùng biện của mình mà tự bào chữa cho nổi.

Hay nhất là Trang đã biết dùng đến những hình ảnh vô cùng khêu gợi để ám chỉ những con người có cái nhìn phiến diện lại tự tôn tự đại với cái hiểu biết vụn vặt chi ly của mình. Vì người đắc Đạo như Hải Thần, còn người có cái nhãn kiến nhị nguyên với lối nhìn phiến diện một chiều một mặt như Hà Thần thật là tuyệt diệu! Những danh từ như “khúc sĩ”, “ếch nằm đáy giếng” lại càng khêu gợi hơn nữa.

Trong một đoạn văn khác, Trang đã lên án bọn “khúc sĩ” này là nguồn gốc của ly loạn. Bàn về cái loạn của thời Chiến quốc, Trang viết: “… Trong thời thiên hạ đại loạn, bậc hiền thánh sống trong bóng tối, không còn gì nhất trí trong đạo đức học thuật nữa. Phần đông sống trong những ý kiến cá nhân, riêng tư độc đoán hết sức rời rạc. Cũng như tai, mắt, mũi, miệng… mỗi cơ năng chỉ nhận thức được trong khu vực hạn chế của quang năng mình thôi, thiếu sự thống nhất nhận thức với nhau. Bách gia chư tử với những kỹ thuật của riêng mỗi nhà cũng thế. Mỗi nhà đều hay đều giỏi trong đường lối chuyên môn của mình, tất cả tuy đều hữu dụng trong một lúc nào đó thôi, nhưng họ thiếu sự gồm nắm, thiếu luồng mắt thống quan, nên họ chỉ là bọn khúc sĩ mà thôi. Họ là bọn người cắt vụn vũ trụ ra từng khúc, đẽo sự lý của vạn vật ra từng mảnh. Ít kẻ biết nới rộng nhãn quang của mình để nhìn thấy cái đẹp chung hầu xứng với cái chân tướng của Thần mình. Bởi vậy cái đạo (nội thánh ngoại vương) trở nên tối mà không sáng, uất mà không nẩy. Thảy đều làm theo điều mình muốn, lấy mình làm phương thức chung cho tất cả mọi người… Ôi! Đạo thuật đã bị thiên hạ xé nát!”

Đoạn chót, khi Trang giảng về cái đạo hữu vi (nhân vi) và cái đạo vô vi (thiên vi) bằng một hình ảnh hết sức bất ngờ táo bạo: Ngựa bò bốn cẳng, đó là Trời, ràng đầu ngựa, xỏ mũi bò đó là Người!”, không rõ ta có nên cười hay nên khóc? Quả là “đề tiếu giai phi”!

 

– Theo Thu Giang Nguyễn Duy Cần – Cái cười của thánh nhân –

Exit mobile version