Gặp cô, thay vì lệ thường hỏi thăm sức khỏe, người ta lại tò mò về cái sự bận rộn của một nghệ sỹ dương cầm trẻ tuổi, nổi tiếng. Thế mà Trang Trịnh lại khiến người hỏi ngạc nhiên khi đáp: Tôi không bận. Bởi vì sau một thời gian sống nhanh, bước vội, cô đã quyết định hãm phanh.

Tranh: Nguyễn Văn Hổ

Tranh: Nguyễn Văn Hổ

Tôi đến thăm Trang Trịnh vào một ngày mưa Hà Nội, len lỏi giữa đường phố cuống cuồng xe cộ, cuối cùng tôi cũng đến được nơi cô  hẹn gặp: Tòa nhà cao nhất Việt Nam Keangnam. Nghệ sỹ dương cầm sinh năm 1986 đang sống tại đây trong một căn hộ sang trọng không bày biện nhiều để tôn vinh cây đàn piano đặt ngay giữa phòng, bên những khung cửa ngăn cách với thiên nhiên bằng lớp kính trong suốt.

Tôi hình dung cảnh cô ngồi bên đàn trong một buổi chiều hoàng hôn nhuốm màu đỏ ối, để rồi âm nhạc đã khiến tâm hồn người phụ nữ trẻ ấy rung lên thành những câu văn khiến người ta bần thần: “Những giọt nắng hồng, đỏ, da cam, không chiều nào như chiều trước đó/Những giọt đàn nhanh, chậm, xa xôi của một Tôi mỗi ngày một khác/Những giọt buồn, vui, ngông cuồng, thanh thản, của mỗi con người, vẫn vậy, qua cả ngàn năm…”.

Cuộc sống hối hả ngoài kia như lùi xa sau cánh cửa Trang Trịnh. Vào thế giới của nghệ sỹ dương cầm bỗng dưng tôi muốn mình bước thật chậm, thật khẽ, để được lắng nghe và trải nghiệm. Cô nhắc tôi bằng câu chuyện về “Hoàng tử bé”: “Hoàng tử bé đi chu du các hành tinh rồi gặp một vị bán thuốc chào mời: Thuốc này khi uống vào sẽ không cảm thấy khát nước trong một tuần. Hoàng tử bé hỏi: Sao ông lại bán thuốc này? Người bán thuốc đáp: Bởi vì nếu anh dùng thuốc này, các nhà khoa học đã tính, anh sẽ tiết kiệm được trên năm mươi ngày trong một năm. Hoàng tử bé băn khoăn: Tiết kiệm thời gian đó để làm gì? Nếu tớ có năm mấy ngày trong một năm thì thà tớ đi rón rén, chậm rãi, đến một nguồn nước, tớ muốn tận hưởng cảm giác đó”.

Trang Trịnh kể đến đây tự nhiên tôi nhớ đến những câu thơ đẹp trong bài thơ “Tiếng cu gù” của nữ sỹ kiêm chính khách Bungari: “Đã qua mất rồi bao cơ hội được yêu/Làm sao kéo về dù chỉ một vầng trăng đã lặn/Dù chỉ một quả dại ngọt ngào dưới chân núi Pyrin/Dù chỉ một tiếng cu gù giữa giờ trưa mông mênh”. Vì sự tiết kiệm thời gian có lúc nào chính chúng ta lại hối tiếc đã đánh mất những món quà trải nghiệm nhỏ bé mà cuộc sống dâng tặng?

Mỗi ngày viết ba điều cảm tạ

Trang Trịnh cũng giống nhiều bạn trẻ, mê mải với thế hệ điện thoại di động thông minh. Một ngày, điện thoại thông minh giúp người ta kết nối với bao nhiêu người, bao nhiêu tin tức, bề bộn không khác gì Hà Nội giờ tắc đường.

Đã có những giai đoạn, Trang Trịnh bị cuốn theo dòng chảy ồn ào ấy. Khác với ngày hôm nay, cô ngồi đây, thanh thản kể cho tôi nghe từng câu chuyện nhỏ, trong căn phòng thoang thoảng mùi hương thanh sạch của cỏ cây thiên nhiên, trong tiếng đàn của học trò vọng ra: “Đã có những lúc, khi đang nói chuyện với ai đó, em lại nghĩ về một chuyện khác, em không thể thực sự tồn tại trong cái hiện tại. Em cứ tưởng cho rất nhiều thứ vào một ngày thì tiết kiệm được thời gian mà hóa ra lại mất. Em đã quyết định từ giờ không làm thế nữa để trong lúc trò chuyện thế này, mình có thể nhìn vào mắt nhau chăm chú, có thể lắng nghe nhau”.

Cô nói vậy và tôi hiểu, cô đang muốn sống chậm, để nghe thấy và thưởng thức những biến chuyển tinh vi của trời đất, của tâm hồn mình.

“Ở tuổi dậy thì, em từng ngồi ở một cái ghế dưới bóng một cây to trong sân trường. Em ngước nhìn lên trời và tự hỏi: Mình sẽ làm gì với cây đàn bây giờ? Tại sao mình cứ phải khổ sở học đàn như thế?”.

Nghệ sỹ piano Trang Trịnh

Tôi đoán: “Chắc Trang bận lắm?”. Cô bảo, câu hỏi của tôi trùng với nhiều người. Ai cũng quan tâm tới sự bận rộn của cô: “Vừa hôm qua em viết trên trang cá nhân của em về thời gian. Mọi người hay hỏi: Em có bận không? Em thường trả lời là không. Trả lời là không thì không tỏ ra nguy hiểm, không tỏ ra oai,  phải bận mới có cảm giác mình đang oai, đang giỏi, đang nguy hiểm”.

Trang chẳng bận tâm tới chuyện chứng tỏ mình “oai”, mình “nguy hiểm”, bởi lẽ  cô còn bận chuyện khác, việc khác như ngắm hoàng hôn chẳng hạn. Cô viết: “Vũ trụ có những việc quan trọng. Trang cũng vậy, nhưng Trang vì không được như vũ trụ, nên còn có thêm nhiều việc cấp bách. Nhưng không phải lúc nào (mà thường là không) việc quan trọng cũng cấp bách. Giống như việc nhìn ngắm và tưới mát tâm hồn bằng bầu trời hoàng hôn của những ngày đầu hạ. “Nhanh lên, đi thôi Trang” – Nếu trả lời là “từ từ để tớ ngắm hoàng hôn, chắc bị người bạn lắc đầu chẹp miệng “rỗi hơi quá đấy”. Không phải rỗi, mà là bận, bận việc quan trọng”.

Một ngày bình thường của Trang: Ngủ đủ tám tiếng (bởi cô tin, chỉ có ngủ đủ tám giờ trong một ngày sự sáng tạo mới thức dậy) đọc sách, tập đàn, làm một vài công việc khác và không bao giờ quên viết ba điều cảm tạ. Mỗi ngày viết ba điều cảm tạ, ghi lại 3 điều tốt đẹp xảy ra với mình, để một năm  sẽ tích lũy được một ngàn điều tốt đẹp. “Nếu một ngày chỉ có ba điều buồn thì sao?”, tôi hỏi. Trang đáp: “Ba điều buồn cũng là ba điều cảm tạ vì chúng cho ta những bài học, cho nên chúng cũng chính là ba điều may mắn”. Có lẽ, bạn sẽ thắc mắc vì sao cô ấy muốn viết ba điều cảm tạ? Rất đơn giản, bởi vì “viết như thế nó bắt mình dừng lại và nghĩ”. Bằng mọi cách, cô luôn nhắc mình sống chậm.

Tặng may mắn cho trẻ em thiệt thòi

Trang Trịnh: Hãm phanh để biết cho và nhận - ảnh 1

Nghệ sỹ piano Trang Trịnh.

Cô đang là một trong những nghệ sỹ piano trẻ tuổi được biết đến nhiều nhất hiện nay ở nước ta. Tên thật của cô là Trịnh Mai Trang nhưng cô đã đảo ngược tên, họ, cắt tên lót, thành ra: Trang Trịnh, vẫn đảm bảo nữ tính mà lại  khỏe khoắn, tương thích với thế hệ của cô, mạnh mẽ, sáng tạo, ham trải nghiệm.

Trang Trịnh không có xuất thân đặc biệt. Bố mẹ cô cũng là những người yêu nghệ thuật nhưng theo lời cô thì tình yêu ấy “không có gì đặc biệt hơn những người bình thường khác”. Một lần xem truyền hình, bố mẹ Trang bắt được lời khuyên: Cho con học piano trước sáu tuổi, sẽ kích thích trí tuệ phát triển. Thế là cô được học đàn dương cầm. Cuộc đời cô may mắn và thay đổi từ đây.

Các giáo viên dạy Piano cho Trang Trịnh đều khuyến khích bố mẹ cô nên đầu tư cho con phát triển bộ môn nghệ thuật này, bởi họ nhận ra ở cô có nhiều điều khác lạ. Bốn tuổi Trang Trịnh bắt đầu học đàn piano. Ngay từ lúc 9, 10 tuổi, cô đã phải luyện đàn vài tiếng một ngày, song song với học thêm, học văn hóa ở trường. Đã có những lúc cô cảm thấy cô đơn, cảm thấy học đàn là một “gánh nặng”: “Ở tuổi dậy thì, em từng ngồi ở một cái ghế dưới bóng một cây to trong sân trường. Em ngước nhìn lên trời và tự hỏi: Mình sẽ làm gì với cây đàn bây giờ? Tại sao mình cứ phải khổ sở học đàn như thế?”. Nếu tuổi thơ trong mắt nhiều người gắn với trò chơi, thì Trang Trịnh đồng ý: “Em không có tuổi thơ”.

Một trong những nhà phát minh giàu ý tưởng nhất trong lịch sử nhân loại Thomas Edison từng đúc kết: “Thiên tài là một phần trăm cảm hứng và 99 phần trăm đổ mồ hôi”. Trời ban cho Trang Trịnh tài năng âm nhạc nhưng để được như ngày hôm nay không biết bao nhiêu giọt mồ hôi đã rơi trên phím đàn của cô. Đang là học sinh cấp 3, cô sang Anh du học, bởi cô biết không ở đâu có điều kiện học âm nhạc cổ điển tốt hơn ở châu Âu, Royal Academy of Music (Học viện âm nhạc Hoàng gia Anh) là khát vọng cô hướng đến.

Sau khi được vào ngôi trường trong mơ này, cô theo học chuyên ngành piano cổ điển. Tại đây Trang Trịnh đã lập kì tích khi thuyết phục được Học viện âm nhạc Hoàng gia Anh tổ chức lại hội đồng chấm thi riêng cho mình và sau này, cô đã tốt nghiệp xuất sắc thạc sỹ âm nhạc chuyên ngành piano. Bất ngờ ở chỗ, khi đã đến hồi hưởng thụ thành quả, Trang Trịnh lại quyết định cùng chồng (nghệ sỹ Opera người Hàn Quốc Park Sung Min) về nước, bỏ lại sau lưng những lời chào mời hấp dẫn về công việc: “Chúng em muốn dùng toàn bộ tuổi 20 để góp sức cho cộng đồng. Mong muốn của chúng em là được sống với tuổi trẻ của mình một cách hết mình nhất, không lãng phí nhất”.

Song song với công việc giảng dạy, biểu diễn âm nhạc, Trang Trịnh và Park Sung Min còn sáng lập và điều hành “Dàn hợp xướng và giao hưởng kỳ diệu”, một dự án âm nhạc dành cho những em bé có hoàn cảnh thiệt thòi. Qua hai năm hoạt động, số lượng em bé được thụ hưởng món quà âm nhạc kì diệu này ban đầu chỉ trên 10 em đến nay đã tăng lên 80 em. Mặc dù có những khó khăn về kinh phí cho một dự án thiện nguyện nhưng hai vợ chồng Trang Trịnh vẫn cố gắng để “Dàn hợp xướng và giao hưởng kỳ diệu” phát triển lâu bền: “Nhiều hay ít bé không quan trọng, quan trọng là phải bền vững, dài lâu. Dự án này không nhằm phát hiện tài năng, biến các bé trở thành nghệ sỹ hay dùng âm nhạc để kiếm sống mà muốn thông qua âm nhạc để giúp các bé nhận ra các giá trị sống tốt đẹp”, cô cho biết. Thí dụ, Trang Trịnh dùng âm nhạc để dạy các bé biết yêu trật tự. Cô chơi một bản nhạc và nói với các bé: Bản nhạc này không im lặng nhưng rất trật tự, nốt này chơi xong mới đến nốt kia… Giống như khi đi trên đường, đèn đỏ thì dừng, đèn xanh thì đi. Khi chúng ta lưu ý trật tự đó thì sẽ không bao giờ xảy ra tắc đường.

Trang Trịnh: Hãm phanh để biết cho và nhận - ảnh 2

Ảnh: Trang Trịnh và chồng.

Điều tuyệt vời nhất âm nhạc mang đến cho các em bé thiệt thòi chính là việc chuẩn bị cho các bé tâm thế để trở thành công dân tốt. Còn điều tuyệt vời nhất âm nhạc mang đến cho Trang Trịnh, có lẽ không phải việc biến cô thành một nghệ sỹ dương cầm nổi tiếng, một ngôi sao đang lên trong nghệ thuật được Forbes Việt Nam lựa chọn vào danh sách “30 gương mặt dưới 30” nổi bật trên nhiều lĩnh vực năm 2015, mà hơn hết, âm nhạc giúp cô biết nhận và cho: “Tôi luôn thấy vui khi chơi piano. Điều kỳ diệu là bằng cách nào đó mà chính tôi cũng không rõ, niềm vui ấy có thể truyền tới trái tim của một người khác. Có lẽ vì thế mà người ta gọi tôi là nghệ sỹ dương cầm hạnh phúc”.

Không 100 cây nến, 100 đóa hồng

Lời cầu hôn Trang Trịnh nhận được từ anh ấy không diễn ra trong khung cảnh lung linh ánh nến, hoa hồng, mà diễn ra ở  một quán ăn khuya, khi cả hai đang ăn… thịt gà. “Anh muốn kết hôn cùng Trang”, lời cầu hôn đáng yêu này đã được chàng nghệ sỹ Opera Hàn Quốc nói bằng tiếng Việt.

Làm dâu Hàn Quốc không khó khăn với Trang, vì cô được sự ủng hộ của gia đình chồng. Mới đây, nhân một sự kiện đặc biệt của Hàn Quốc tại Việt Nam,  nghệ sỹ Park Sung Min đã được giao trọng trách chỉ huy dàn hợp xướng hát quốc ca Hàn Quốc và cùng với vợ hát quốc ca Việt Nam. Park Sung Min hồi hộp vì lần đầu tiên hát quốc ca nước Việt, trước mặt quan khách và… vợ nhưng anh đã hoàn thành xuất sắc. Có những vị khách người Việt đã rơi nước mắt vì xúc động khi nghe người ngoại quốc hát quốc ca nước mình quá hay.

Theo Nông Hồng Diệu – Tiền phong online