Cao Chu Thần ngồi trước cái chén rỗng không. Đáy chén khô, màu men xanh lợt tái dưới ánh tà dương. Không rượu. Một chút cặn cũng chẳng có. Chén không phải để đựng rượu. Chỉ đựng những tia hắt rạng rỡ mang lời giã biệt của nắng chiều.

Thì cần gì rượu. Tại sao lại cứ phải rượu? Rượu là nước mắt của gạo. Rượu là hôn mê. Người uống rượu như uống nước dãi của đám dơi quạ. Thiên hạ ba ngàn sáu trăm năm trôi đi trong rượu điên. Thế nên có kẻ áo rách. Có kẻ oằn lưng roi quất. Có kẻ chân chôn ngập ngụa trong bùn sên mà đầu ngẩng, mắt ngưỡng thiên cười nấc. Có kẻ vật vã yêu một đời cuối cùng mới biết chỉ yêu ngọn cỏ tranh khô hoặc một nhúm tro than. Người đàn ông yếu đuối đi chân chữ bát, khật khưỡng tựa vào rượu như vịn vào gậy chống nhổ lên từ cỏ tranh.

Cao Chu Thần gục giấu mặt vào hai đầu gối. Nhắm mắt sẽ yên ả. Sẽ chỉ còn thấy đôi mắt gã gõ thuyền. Đối diện thóc mách như soi trăng trong dạ. Làm sao tạc lại phút giây này.

Sông Trà biếng nhác nằm thượt dưới hoàng hôn. Đôi bờ lộng lẫy nắng chiều cũng mang vẻ tai tái của những cuộc rượu bỗng dưng. Bỗng dưng ta đưa chân tới chốn này mà không là chốn khác. Bỗng dưng ta thấy đôi chân nhung nhăng trong đôi giày đã bạc. Bỗng dưng gió luồn thóc mách ve vuốt đôi đầu vú lép hàn sĩ lỡ thời trong ngực. Bỗng dưng ánh chiều đốt cháy vầng trán bốc hơi hừng hực. Bỗng dưng những kẻ chài lưới buồn rũ kéo lên vài con tép lẫn trong rong rêu và củi mục. Bỗng dưng ta ghé lại thuyền này. Thuyền gỗ màu sơn xanh lợt cũng đã lở lói. Mép gỗ dường mục nát. Chiếc lều thuyền lợp cỏ tranh vẫn yểu điệu uốn cong trên thuyền. Đầu thuyền kiêu kỳ nhô cao. Đôi con mắt thuyền dài, tròng trắng trắng bạc, tròng đen đen hắc, nổi bật trên sóng nước, sống động như đầu của một con thuồng luồng đang vươn cổ hóng vào bờ. Chỉ còn mái chèo mới, chắc nịch, buộc bằng dây chão trên thuyền và trông lúc nào cũng như chực chồm dậy mà đập vào sóng.


Minh họa: Thành Chương

Gã ngư phủ ngồi xếp bằng, đôi vai gầy nhô lên, chiếc cổ dài vươn cao trong bộ áo lùng thùng đã bạc, trông thân hình càng gầy guộc. Đêm nay Tổng đốc Lại Thế Quang mời khách từ kinh đô về thưởng rượu ngắm trăng sông Trà, kèm món đặc sản là nghe gã ngư phủ câm chơi huyền cầm.

Danh thơm về gã ngư phủ câm vang khắp chốn, lâu nay đã đến tận kinh kỳ. Cao Chu Thần sau nhiều ngày lang bạt, vâng mệnh vua, vào giữ chức chủ sự trong triều. Chức quan nhỏ mà danh phận lớn vì văn chương của Chu Thần được thiên hạ coi như thần thánh. Ngay cả vua dù thực tâm thù ghét kẻ ngang tàng, nhưng bề ngoài vẫn phải tỏ ra yêu vì nể trọng văn tài, nên ai kết thân được với Cao Chu Thần, vẫn được tiếng là sang quý. Lại Thế Quang vốn làm Tổng đốc ở Đàng Ngoài mới được vua ban thưởng chức Hình bộ Tả thị lang, vời vào kinh sư, dẫu giàu nứt vách, vàng bạc chứa đầy trong rương lẫm, vẫn bị mang tiếng là kẻ trọc phú, nên muốn kết thân cùng Chu Thần. Tiện dịp biết Chu Thần muốn đi thưởng trăng sông Trà, ông ta sốt sắng sửa soạn một chuyến tiệc rượu xa hoa, mời cả quan khách cùng đi.

Trên bến sông, dưới mái vọng lâu, mười hai ca nương kép hát xiêm áo sặc sỡ ngồi im thít. Khi gã gõ thuyền đã tới, thì chúng chỉ còn nước buông đàn câm lặng. Đám hầu non đi lại vật vờ như bóng, nắn vai, xoa lưng và dâng rượu cho đám quan viên. Khách đã bắt đầu ngấm hơi men. Những tia nắng cuối cùng lịm xuống mặt sông. Trời tím lịm. Trăng lên.

Gã ngư phủ nhìn lên bờ, lướt qua đám quan khách bằng một tia mắt không rõ trọng hay khinh. Gã quay mặt, quẳng cây huyền cầm chỏng chơ, chỉ dùng đôi mái chèo như một thứ đồ chơi. Gã đưa bàn tay gầy guộc miết lên chúng như phù thủy miết cây đũa phù phép. Gã giơ cao đôi mái chèo, vẻ cuồng nộ như sắp đánh ai, rồi thoắt dịu dàng. Gã ngồi gõ mạn thuyền mà hát.

Giọng khàn. Không rõ hát gì. Chỉ là những chuỗi âm thanh phát ra từ bụng rồi lên ngực. Giọng mới phát ra, thoạt tiên nghe như gió thổi qua một rừng lá ngô đã hoe vàng ẩm ướt nhựa của những nụ hoa dại bãi sông. Nghe thêm một chút, lại xạc xào rách phổi như gió đã mạnh lên và len lỏi qua một rừng lá mía đã khô. Càng nghe thêm, càng u uẩn như tiếng gió luồn qua một tang trống đã vỡ.

Tiếng hát lúc chìm lúc nổi trên nền chấp chới tiếng gõ thuyền. Mặt sông thoắt dềnh lên, chao đảo biển. Khách như say sóng, mắt đờ đẫn, không biết mình đang ở niết bàn hay địa phủ. Không rõ đó là tiếng mời gọi vào chín cánh cổng huy hoàng mây ngũ sắc hay là tiếng phán truyền của diêm vương và quỷ sứ dẫn dụ đi đầu thai làm quỷ ở kiếp sau.

Cao Chu Thần cúi mình, ôm ngực. Thật chẳng ngoa lời thiên hạ đồn về tài lạ của gã ngư phủ câm sông Trà. Bỗng dưng thấy người nhẹ như bấc. Ai đã lấy mất trái tim và gan ruột. Chỉ còn lại thân xác nhẹ hẫng, có thể bay lên trời. Đấy. Muốn giằng đi, xé, vứt cái áo xanh quan văn thêu chỉ bạc như cái áo liệm này trên bờ, lao xuống đúng chỗ đôi vai gầy nhô xương của kẻ gõ thuyền.

Xung quanh Cao Chu Thần, đám thực khách vừa ăn uống vừa chỉ cốt đến để được nghe tiếng gõ thuyền của gã ngư phủ cũng lặng người như bị hút mất hồn, phiêu diêu đâu đó ở vầng trăng treo ngược dưới đáy sông.

Quan Hình bộ Tả thị lang nhìn người gõ thuyền, tỏ vẻ không ra vui, không ra giận:

– Ngư phủ? Đêm nay ngươi làm trò gì vậy? Ta đã lệnh cho ngươi phải hát, phải đàn những khúc nhạc vui. Khách ở kinh về, chẳng phải tầm thường, đêm nay cao hứng, muốn nghe đờn ca và thưởng trăng sông Trà. Cớ gì đêm nay ngươi không đàn mà chỉ gõ thuyền? Thật làm hổ mặt ta, chẳng khác gì một kẻ nông phu thô lậu không biết chiều đãi khách.

Cao Chu Thần ngạc nhiên nhìn Lại Thế Quang:

– Huyền cầm dẫu hay, nhưng cũng chỉ là thứ tiếng hót của lũ họa mi, đào kép nào có công rèn tập dăm ba tháng cũng đều chơi được. Còn tiếng gõ thuyền và tiếng hát của gã câm mới là độc nhất vô nhị trong thiên hạ, ân phúc lắm mới được nghe khúc gõ thuyền này. Quan khách đang cao hứng…

Lại Thế Quang tẽn tò im lặng. Mặc cảm trọc phú cồn lên trong dạ. Lời nói của Chu Thần dẫu lịch lãm, nhưng bên trong đầy vẻ cao ngạo. Lại Thế Quang xiết tay vào thanh kiếm đeo bên hông. Chu Thần không thấy cử chỉ ấy. Chàng đã lại phiêu diêu theo nhịp gõ thuyền.

Ngư phủ nghiêng đầu. Một mảnh khăn lụa sồi màu đen băng ngang mặt, không thấy miệng và mũi, chỉ còn đôi mắt. Đôi mắt lặng câm, không tỏ ra giận, không tỏ ra vui, không tỏ ra vâng lời hay phản đối. Riêng Cao Chu Thần thấy hình viền răng cưa của những cánh chim đại bàng màu đá xám đang giang ra, chao nghiêng hỗn loạn trong vực mắt sâu hun hút.

Cao rùng mình.

Lại Thế Quang thấy vẻ khác lạ của Cao, quay sang nhìn nghi hoặc:

– Quan Chủ sự biết gã câm này chăng?

Cao Chu Thần ngồi thẳng người lên:

– Tôi lần đầu đến. Nhưng tiếng đồn về gã thì từ lâu tôi đã biết…

Hình bộ Tả thị lang cả cười, không giấu được vẻ khoái trá:

– Thế đấy. Lạ lùng là cả ngàn đào kép và ca nương mà thiên hạ cũng chỉ coi là dòng xướng ca vô loài, trong khi gã ngư phủ câm thì đến cả vua cũng biết tiếng. Sông Trà vốn là chốn hoang sơ, lâu nay dập dìu thực khách vì gã câm…

Chu Thần không đáp. Chỉ cúi đầu nhìn trăng treo ngược dưới sông Trà.

*

Tiệc tàn.

Gã ngư phủ nhận tiền thưởng, cúi mặt cảm ơn thực khách rồi nghiêng mình ẩn vào lầu tranh đã nát trên thuyền.

Gã đốt thêm đĩa đèn dầu lạc. Mái chèo thôi gõ, trở về khua nước.

Trăng dát vàng và vỡ vụn dưới mái chèo của gã ngư phủ câm.

Chỉ còn thấy ánh đèn dầu lạc của gã nhòa dần trong sương khói sông Trà đang nặng nhọc bốc lên cao dần.

Hai cô hầu non dìu quan Tả thị lang vào phòng.

Quan đổ mình xuống chiếc giường khảm trai, đầu giường cẩn mã não. Hai cô hầu khẽ khàng cởi bỏ khăn áo cho ngài, rồi dùng khăn lông tẩm hương vỗ nhẹ, ve vuốt trên thân thể, dìu ngài vào giấc ngủ.

Hai cô hầu non cũng gà gật dưới ánh đèn màu ngà vàng.

Bỗng quan choàng dậy, đạp mạnh vào hai cô hầu:

– Mau gọi gã gõ thuyền đến đây!

*

Cao Chu Thần nằm trên bến thuyền. Đêm đã khuya nhưng bên tai vẫn chấp chới tiếng hát không nên lời và nhịp gõ thuyền niết bàn địa ngục của gã ngư phủ.

Gã câm gõ thuyền hát u ơ trên sông Trà! Ngươi từ đâu tới? Sao ngươi che mặt chỉ còn hở đôi mắt? Tại sao quan Tả Thị lang cưng chiều ngươi mà ngươi cứ một mực ở trên con thuyền nát với đĩa đèn dầu lạc?

Ngươi hát gì mà sao ta nghe trong rạc rời giọng câm ngươi:

Ba vạn con ba ba ngửa mai vật lên bờ

Thuồng luồng rạch biển

Trăng treo ngược sông…

Cao đang mơ màng, bỗng giật thót mình khi nghe tiếng đèn đuốc và tiếng hô hét náo loạn của người nhà quan Tổng đốc:

– Mau tìm nó! Thuyền còn đây! Nó đâu mất dạng?

– Thằng này mà trốn mất, lũ lính gác chúng mày liệu hồn, đến cái xương cũng chẳng còn.

Tiếng người chạy rầm rập trên bờ sông. Tiếng mái chèo khua náo loạn. Những ngọn đuốc cháy phừng phực như nuốt cả vầng trăng đang chênh chếch trên sông Trà.

*

Cao Chu Thần không tránh đám sương mờ lạnh. Trăng lẹm nửa. Tiếng mái chèo khua đã ngừng. Những ngọn đuốc tìm kiếm gã câm gõ thuyền cũng đã tắt rụi. Cao nghe tiếng nghiến răng ken két của quan Tả thị lang. Ngày mai đại quân củ soát khắp vùng. Gã gõ thuyền dù ngang ngược nhưng cũng chỉ như chim trong lồng, như cá trong chậu. Đâu đâu cũng là đất vua và đất quan.

Canh ba. Cao Chu Thần vẫn nghĩ miên man, nhấp chén trà người nhà Lại Thế Quang vừa đưa tới. Ta cần chợp mắt một khắc. Chiều mai, ta phải lên thuyền, vượt biển theo lệnh vua, sóng to gió cả đâu biết sống chết thế nào.

Một trận gió thổi. Cao Chu Thần thiếp đi. Cao mơ màng thấy có kẻ chân đi giầy vải, lén bước không tiếng động, đến bên giường nhìn chằm chằm xuống mặt ngài, rồi cười khẩy. Rồi lại thấy mình bị kéo tay chân, bị khiêng như khiêng lợn, khi đến bên sông thì nhẹ nhàng thẩy người mình xuống nước, không một tiếng động.

Cao Chu Thần nhận biết hết, nhưng không thể cựa quậy, không thể kêu. Cao chìm lập tức xuống đáy sông. Thôi cũng được. Thời thế nhiễu nhương. Ta đi tìm người ở đáy sông Trà.

*

Khi Cao Chu Thần mở mắt, lừ lừ cái mặt bị bịt kín bằng mảnh vải đen, chỉ hở đôi mắt đang trông xuống toàn thân ướt rượt thảm hại của chàng. Những cánh đại bàng chao điên đảo trong đôi mắt hun hút vực thẳm. Gã gõ thuyền! Tưởng gã đã chết mất xác, nay lại lừng lững ngồi đó. Đầm lầy hoang. Đảo dừa nước mọc rậm rịt ngút ngàn. Xung quanh đảo là vài chục con thuyền nhẹ như lá tre, trên mỗi thuyền đều có dăm ba người đang ra vẻ chăm chú gỡ đăng bắt cá nhưng mắt nhìn sắc lẹm.

Thấy Chu Thần vừa tỉnh lại, gã gõ thuyền xông tới, giang thẳng cánh tay, vả thật mạnh ba cái vào mặt ngài.

Chu Thần tối tăm cả mặt mũi, thét lạc giọng:

– To gan! Mi…

Cao gắng hết sức bình sinh, chồm dậy thộp cổ gã gõ thuyền.

Gã gõ thuyền không tránh né. Bàn tay thư sinh gầy guộc của Chu Thần mất sức, trượt xuống vai, bỗng rờn rợn vì những đợt sóng bất thần nổi lên. Làn da của gã gõ thuyền mát và mịn như lá đước.

Chu Thần rụt tay lại như phải bỏng, rồi, hối hả quay mặt, nét mặt co rúm lại.

Gã gõ thuyền táo tợn nắm lấy vai Chu Thần, xoay ngược lại:

– Cao tiên sinh, cơn cớ gì né tránh. Hãy giương to mắt mà nhìn!

Cao há miệng, a lên một tiếng. Gã câm biết nói cơ đấy!

Gã giật phăng mảnh băng đen che mặt.

Rồi, như một kẻ điên, gã giật phăng manh áo ngư phủ đang mặc trên người.

Kìa, gã có đôi bầu vú căng đầy như vầng trăng. Dưới ánh đèn dầu lạc, dưới núm vú bên phải, còn sắc nét một vết sẹo hình lưỡi đao.

Người câm thành Vị Xuyên! Ta đi tìm người, sao người cứ lẩn tránh ta hoài!

Người từ sông Vị, ta nghe người hát bên sông Vị. Cha người và mẹ người cùng em trai người bị trói, kẹp cổ vào cây tre đực chẻ đôi. Một nhát đại đao lia dọc cây tre như lau mía. Ba mái đầu rũ rượi tóc lăn lông lốc xuống đất. Cả đầu và thân đều còn sống, giẫy lên rùng rợn giữa những tia máu phun lên trời xanh. Cơn cớ chỉ là có kẻ thân tín tìm thấy một bài phú cây thông được tìm thấy dưới gối của cha người trong một đêm trăng sáng như đêm này. Kẻ thân tín đó đã dâng bài thơ cho Quang Tổng đốc. Quang Tổng đốc dâng lên vua, tấu rằng đã phát giác được một âm mưu phản loạn. Chỉ thế thôi mà. Rồi kẻ được trọng thưởng, được triệu về kinh thăng chức Hình bộ Tả Thị lang, trở thành tay chân thân tín của vua, trở thành đại phú.

Mỹ nhân thành Vị Xuyên, lúc đó người đang nằm trong bó cỏ tranh, miệng người đã được nhét giẻ để khỏi phát ra tiếng thét khi thấy cảnh cha mẹ và em người đầu lìa khỏi cổ. May mà ta liệu sớm, đã cho bọc người lại trong bó cỏ. Ta cho kẻ thân tín kĩu kịt gánh người đi giấu trong thư phòng nhà ta. Rồi người đóng giả làm ngư phủ trên bến sông. Lệnh truy bắt người được ban bố khắp nơi và ngay cả đến thư phòng nhà ta cũng bị khám xét.

Hồi đó người chưa biết gõ thuyền. Nhưng người đã câm nín từ đó. Trên đôi vú người có vết sẹo hình lưỡi đao, đó là do người lấy dao tự rạch mà nên, chẳng phải do ta, cũng chẳng phải do người nhận mũi lao lưỡi mác. Mỹ nhân thành Vị Xuyên mà tự hủy nhan sắc, thì là người đã đâm dao vào tim ta.

Một đêm trái gió, người rời sông. Người rời thuyền. Người bỏ ta mà đi. Ta đã tìm người bao lâu nay trong đám ngư phủ, trong đám đàn địch ở các bến sông, người có biết không?

Ta đồ rằng, người theo dấu chân Quang Tổng đốc. Nghe nói một ngày, có một gã ngư phủ gõ thuyền được đưa đến bến sông Hương theo lệnh vua. Đức vua mặt rỗ, chữ đẹp, thơ bóng lộn, có tới hơn ba trăm vợ nhưng thực ra là chỉ là những bầu nước để đó mà ngài không khát uống. Nghe nói đêm đêm ngài ngự chỉ ngủ được khi nghe tiếng huyền cầm của gã ngư phủ văng vẳng từ bến sông Hương. Rồi nghe nói gã ngư phủ đã chết, thây chẳng toàn, tay bị trói chặt, bị lũ cá ăn mất mặt, nổi dập dềnh trên bến Phú Văn.

Ta đã ngưng tìm kiếm. Lòng ta bây giờ mỏi mệt. Ta những tưởng đèn sách giỏi giang, thơ phú khẩu khí đến cả thiên hạ cũng nghiêng mình, khi vào làm quan chỉ cần dốc tấc lòng ngay thẳng ra giúp đời là đủ khiến cho kẻ đói có cái ăn, kẻ rách có cái mặc, tiếng khóc oan khốc trong thiên hạ sẽ dần ngưng nín và thay dần bằng tiếng hoan ca.

Nhưng khi vào đến kinh đô, ta biết mình đã nhầm. Lòng thêm tê dại, phếch bạc.

Người sông Vị, kẻ tri âm xưa có thể chỉ còn ca hát dưới suối vàng. Văn chương ta cả mấy ngàn bài. Kẻ sông Vị làm sao đọc xuể? Nếu đã xuống suối vàng, người còn có biết đọc chăng?

*

Ngư phủ thét lạc giọng, mớ tóc ướt dựng lên cuồng nộ:

– Cao Chu Thần, văn chương của ngài, dù đem chôn dưới chín lớp bùn đất ở cửa thành, đêm đêm vẫn phát sáng, dụ người ta dậy mà đi như ma trơi. Tình thế nước sôi lửa bỏng là vậy, mà người vẫn tham chút chức quèn, lại còn dật dờ chơi bến sông trăng?

Cao Chu Thần nhìn kẻ mới đây còn là kẻ gõ thuyền câm, bây giờ đã hiện nguyên hình cố nhân- người đẹp thành Vị Xuyên ngực sẹo. Cao Chu Thần đưa tay xoa chỗ má bị vả sưng, cười thảng thốt:

– Khi mới thấy người, ta đã ngờ ngợ. Lâu ngày không gặp, chưa biết lòng dạ có đổi thay, còn phải đo dò tâm địa. Tạ ơn cố nhân đã vì ta đêm nay!

Người đẹp thành Vị Xuyên quỳ xuống khóc:

– Đại nhân đừng nói chuyện ân huệ. Thiếp không thể quên ơn cứu mạng xưa của đại nhân, bỏ người mà ra đi thật đắc tội bạc bẽo, nhưng chẳng qua cũng để ẩn nhẫn tìm thời cơ để phục thù cho cha mẹ, chỉ tiếc chưa gặp anh hùng rồi cùng trả nợ giang sơn…Gặp nhiều mới biết, thiên hạ ba vạn sáu trăm ngàn nam nhi, chẳng qua cũng chỉ là một lũ giả câm giả điếc vì miếng ăn mà thôi…

Cao Chu Thần ngửa đầu nhìn trăng cao, lại cúi đầu nhìn trăng ngược, cười trong nước mắt:

– Đến kẻ nhi nữ còn chẳng quản sống chết, chấp nhận kiếp giang hồ, mai danh ẩn tích không quên nghiệp lớn, dám liều thân vì non sông xã tắc… Ôi, một khi khí thiêng sông núi còn chưa tận tuyệt, ngày tới Lương Sơn của ta đã cận kề…

1-2013

Nguồn: vannghequandoi.com.vn