Chuyên mục TRUYỆN HAY đầu năm 2023 Quý Mão, Cầm Kỳ Official xin được giới thiệu truyện ngắn TRÁNG A KHÀNH của nhà văn Đỗ Bích Thúy

Nhà văn Đỗ Bích Thuý

Sinh năm 1975

Hội viên Hội Nhà văn VN

Giải Nhất truyện ngắn Văn nghệ Quân đội 1999-2000

Đã in 23 cuốn tiểu thuyết, truyện ngắn và tản văn

Sống và làm việc tại Hà Nội

Sau đây là phần tác giả tự bạch về truyện ngắn này

Nhà văn Đỗ Bích Thúy:

Từ Tráng A Khành tới Tráng A Phống

Truyện ngắn này tôi viết vào một dịp tết, nên ở ngay đầu truyện có chi tiết bà Vá dùng mấy ngọn trúc để quét mạng nhện, vừa quét bà vừa khấn. Đấy là chi tiết có thật trong đời sống của người Mông, hoặc ít ra là trong gia đình một người Mông thân thiết đối với tôi. Cứ vào cuối năm, chiều hai chín, ba mươi, thì bà chủ nhà ấy lại bẻ mấy ngọn trúc để quét mạng nhện khắp nhà. Cũng không rõ tại sao bà ấy lại dùng ngọn trúc chứ không phải dùng cái chổi quét mạng nhện thường ngày.

Đây là một câu chuyện buồn, và nó được viết trên nền của nỗi ám ảnh về thân phận đàn bà. Và vẫn là một bà Mông. Nhưng “số phận” của truyện ngắn này không dừng ở đấy.

Khi tôi viết kịch bản phim Lặng yên dưới vực sâu, trên nền tảng của truyện vừa cùng tên, thì có rất nhiều vấn đề đặt ra. Kịch bản phim dài tập khác với tiểu thuyết, truyện ngắn ở chỗ nó nhất định yêu cầu tác giả phải xây dựng cùng lúc nhiều tuyến truyện chạy song song từ đầu đến cuối phim. Việc xây dựng nhiều tuyến truyện có mấy mục đích: Thứ nhất, để tránh sự nhàm chán đơn điệu với chỉ một trục chính; Để “câu giờ” cho phim; Để khán giả được nghỉ ngơi, chia cảm xúc của mình ra cho những diễn biến khác ở các nhân vật khác; Để mở rộng biên độ của một vùng văn hoá mà bộ phim muốn khai thác v.v… Và tôi phải đặt tất cả mọi nhân vật đã có lên bàn, xây dựng một kịch bản với yêu cầu nó phải xum xuê hơn, phức tạp hơn, với ít nhất 3-4 tuyến truyện, và đặc biệt là sự xum xuê phức tạp ấy lại phải móc nối, đan cài với nhau. Chứ giả sử một bộ phim có 3 tuyến truyện mà mỗi tuyến ấy lại cứ văng ra khỏi nhau thì cũng không được.

Và trong quá trình mổ xẻ câu chuyện trong truyện vừa Lặng yên dưới vực sâu để làm kịch bản phim tôi phải sử dụng đến truyện ngắn Tráng A Khành và một số truyện ngắn khác. Tráng A Khành mang yếu tố bi kịch, nhưng vẫn nhân văn. Tôi luôn tin yêu vào tinh thần nhân văn trong quan niệm, lối sống, phong tục tập quán của người Mông. Tráng A Khành khi vào phim Lặng yên dưới vực sâu được đổi tên là Tráng A Phống, còn bố Phống lại là Tráng A Khành. Khành ở trong truyện ngắn thì hầu như chưa có những diễn biến số phận, mà chủ yếu tập trung vào bà mẹ và ông bố. Còn khi vào phim, sau này là tiểu thuyết, thì Tráng A Phống lại chiếm một vị trí vô cùng quan trọng, mang tính quyết định, mấu chốt, chạy suốt chiều dài của bộ phim. Bộ phim là phần cuộc đời của Tráng A Phống khi đã trưởng thành với tính cách được xây dựng rất rõ nét.

Từ Tráng A Khành đến Tráng A Phống, từ truyện ngắn tới phim dài tập và tiểu thuyết, tôi thấy có một điều rất tâm đắc: Đó là, nhà văn hoàn toàn có thể nối dài số phận của một nhân vật chứ không phải khi đặt dấu chấm cuối cùng kết thúc một tác phẩm thì cũng đồng nghĩa sẽ không bao giờ động đến nó nữa. Và từ sau bộ phim này, với việc Tráng A Phống vốn chỉ là một cậu bé đã trở thành một người đàn ông với những khúc quanh khó lường trong cuộc đời, tôi nhận ra, lâu nay, khi viết văn có rất nhiều điều mình đã bỏ qua. Có rất nhiều số phận mình chưa giải quyết tận cùng, rốt ráo. Và đi tới tận cùng, đào sâu, xoáy kĩ, giải mã những uẩn khúc, thắt nút và tháo gỡ các bi kịch, không bỏ sót những tình huống dị biệt, hiếm có… là việc mà một nhà văn có thể làm suốt đời.

Và một điều thú vị chính tôi không ngờ tới là, khi bộ phim ra mắt, thì Tráng A Phống của tôi, vốn dĩ không được xây dựng là nhân vật chính thì đã trở thành nhân vật ấn tượng nhất, được khán giả bận tâm nhất, cũng là nhân vật mang đến nhiều thương cảm, đồng cảm nhất, ngoài dự kiến của cả ekip làm phim.

ĐỖ BÍCH THUÝ

TRÁNG A KHÀNH

Bà Vá dùng mấy ngọn trúc để quét mạng nhện, miệng lẩm bẩm: “Năm cũ qua đi, năm mới sắp tới/ Tôi quét, không quét hồn vía bố mẹ, con cái cả nhà/ Tôi quét, không quét hồn vía vàng bạc châu báu/ Không quét hồn vía lúa ngô/ Tôi quét, chỉ quét đi ốm đau, bệnh tật/ Quét đi tiếng kêu rên than khóc/ Quét đi lời xấu tiếng gở/ Quét đi ngựa vằn khăn tang/ Quét đi mọi điều xấu xa/ Quét xuống hang sâu, quét ra biển cả thật xa/ để mãi tìm không thấy, lần không ra/ sâu bướm nở cũng không tới…”

Miệng nói, bụng nghĩ, tay làm, mong sao đàn bò qua được mùa đông, sang năm mới đẻ thêm vài con bê; mong sao đôi tay mình còn nhanh nhẹn, đôi chân mình còn cứng cáp để lên nương trồng ngô; mong sao ngô trồng xuống rồi thì mau ra bắp, bắp ra rồi thì nhiều hạt, hạt về gác bếp rồi thì đừng mối mọt, có thế mới yên tâm có phần để dành cho thằng Khành kiếm vợ về. Vừa quét xong cái mạng nhện cuối cùng ngay trên cửa chính thì có người tới.

– Bác Vá à?

– Phải rồi. Ai đến chơi cuối năm thế?

– Có việc mới đến, chẳng chơi đâu bác à.

– Có việc gì thì cũng vào nhà đã. Uống bát rượu nhé, rượu vừa cất đấy, còn hơi nóng nữa.

– Được thế thì tốt quá.

Người đàn ông chừng hơn bốn mươi, dáng cao lớn, cúi đầu bước qua cửa. Tự tìm ghế ngồi, tự xoay cây củi to trong bếp cho nó cháy đều. Cây củi to, than rất đượm, than không vỡ thì năm tới lưỡi cày lưỡi bừa sẽ không bị gãy, dù cho có vấp thẳng vào đá.

Người đàn ông uống hết nửa bát rượu nóng thì bắt đầu nói. Chậm chạp và lưu loát, tỉnh táo. Chỉ có người nghe là chết điếng.

Ông ta nói, xin bà cho thằng Tráng A Khành sang bên kia núi thăm một người. Phải, chính là thằng Tráng A Khành – con trai bà.

Vì cái người ấy sắp chết rồi. Bị một cái u ở bụng, khi anh y sĩ biên phòng đưa xuống bệnh viện tỉnh, tỉnh đưa về trung ương, thì cái u đã “ăn” hết những thứ khác, trung ương trả về tỉnh, tỉnh trả về huyện, huyện cho xe đưa về đến đầu xã, rồi xã gọi thanh niên ra khiêng về. Về đến nhà gần như không nói được nữa, chỉ làm được một việc duy nhất là lần tay xuống dưới gối, lấy ra một cái mũ. Cái mũ của trẻ mới đẻ, có một chùm tua rua bằng len màu đỏ.

Cái mũ ấy vốn của thằng Tráng A Khành.

Tráng A Khành đang cắt tiết một con gà trống rất to, cái mào của nó đỏ rực, nặng như muốn rụng đến nơi. Con gà này để cúng thần chủ quản, tí nữa Khành sẽ dùng tiết của nó vẩy lên chỗ trú ngụ của thần và nhổ máy chiếc lông cổ gà dán lên đấy nữa. Khành làm rất cẩn thận, thành thạo.

Bà Vá ngồi yên một chỗ nhìn con.

Lại nhìn cái ghế ông khách vừa ngồi. Nhìn bát rượu ông ấy đã uống sạch. Nhìn cái gộc củi ông ấy vừa xoay trong bếp lò.

Lại nghĩ đến người sắp chết. Lại nghĩ thằng Khành năm nay mới bắt đầu lớn, vai bắt đầu nổi bắp và gan bàn chân thì đang dày lên, hai cánh tay cũng chi chít sẹo.

Ông khách khi nãy nói: Bà cứ coi như cho bên này mượn nó một lần thôi. Mượn rồi trả ngay, muộn nhất là sau giao thừa, nó vẫn kịp về xông nhà. Cho mượn ư. Mượn như người ta vẫn thường mượn bò của nhà hàng xóm để cày cho xong vạt nương trong một buổi ư?

Rồi bà lại nhớ tới ông Sình. Nhắm mắt rồi, còn một hơi thở cuối cùng, ông nói nốt: Thằng Khành là con bà, giống như tôi chỉ có bà là vợ, bà vợ già ạ.

Trời đã tối hẳn. Bà chống gối đứng dậy, vào buồng sắp cho thằng Khành một bộ quần áo, đèn pin, mũ, thêm một chiếc khăn nữa, và hai tờ mười nghìn giấu rất kĩ dưới đáy hòm.

Xong, bà gọi con vào:

– Con đi với cái ông đang đứng đợi ở cổng, sang bên kia núi, xong việc thì về.

Khành đứng trân trân nhìn bà:

– Muộn thế này rồi, mẹ còn muốn con đi đâu?

– Có một người sắp chết, trước khi chết nhất định phải gặp con. Nếu con không đến thì họ đi rồi mà hồn còn ở lại, người già, trẻ con sẽ ốm hết, bệnh hết.

– Nhưng người ấy là ai? Sao phải gặp con?

– Cứ đi rồi sẽ biết. Chỉ vượt qua đỉnh Chí Sán kia là biết. Nhanh chân lên nhé.

Khành nhìn gương mặt tái nhợt của mẹ, đứng như dính chặt xuống nền nhà.

Bà Vá đeo cái túi vải chéo qua cổ Khành, đẩy nó ra khỏi cửa.

*

Khành không biết, nó được sinh ra trên đời này nhờ một con bò.

Khi Tráng A Sình dắt con bò ra khỏi cổng, trước khi khép cánh cổng gỗ đã bắt đầu mục nát ông còn ngoái cổ lại:

– Tôi sẽ mang về trả bà một thằng con trai.

Một năm sau, ông mang về một thằng con trai thật. Thằng bé ấy là Tráng A Khành. Cháu đích tôn của dòng họ Tráng ở Sán Séo Tỷ.

Một con bò đổi được một thằng cháu đích tôn, cũng không có gì đắt. Mọi người chép miệng bảo thế.

Tại sao ông Sình lại có thể đổi một con bò lấy một đứa con trai?

Ông Sình đi đám cưới ở Há Súng. Chú rể là con trai người bạn thân nhất của ông thuở nhỏ. Bạn cũ gặp nhau, hai người hai bên, ở giữa là đĩa thịt dê luộc to tướng, với một hàng chai rượu trắng, đưa qua mũi đã muốn say. Lúc con trai, con dâu đã tắt đèn vật nhau huỳnh huỵch, bạn mới nói: Phải có con trai mới được.

– Không có con trai, mình chết mình thành ma đói ngay.

– Nhưng không có con trai được, cố mười năm rồi, sắp thành miếng thịt trong nồi thắng cố rồi cũng có được gì đâu. Lại thương bà vợ già, không bỏ được.

– Cần gì bỏ, cứ để đấy vẫn dùng được mà, tôi biết có một chỗ chỉ một con bò là xong thôi.

Tiếng vật nhau huỳnh huỵch, hình như cả hai còn rơi cả xuống nền đất, vẫn vọng qua bức tường trình dày cộp nghe như tiếng trống đánh trong chăn. Chỉ tuổi trẻ mới làm được điều ấy, chứ còn ông, như bà vợ già hay nói: “ngáp ngáp mấy cái là xong”.

Bà vợ già đã mấy lần nói: Để tôi tìm cho ông một đứa gái nhé. Cứ để nó đẻ, tôi nuôi cho. Nhưng ông không nghe. Ông thương bà vợ già, gọi là vợ già nhưng cặp má vẫn hây hây, bầu ngực căng tròn, cái bụng mềm và đôi cánh tay cũng mềm, người khiến ông sau mười bốn năm vẫn chưa hết si mê. Ông không gật đầu được.

Nhưng đúng là chưa bao giờ ông nghe rõ đến như vậy tiếng vật nhau của đứa trai, đứa gái trẻ tuổi. Rồi chẳng mấy chốc tiếng trẻ con khóc váng lên, sẽ làm nứt cả những viên ngói âm dương hàng trăm năm tuổi, như một cây ngô ra bắp, rồi bắp lại gieo thành ngô.

Vì tiếng vật nhau của hai đứa trẻ tuổi, ông đồng ý mang một con bò đi đổi, quyết để cây ngô nhà ông ra bắp rồi còn lấy bắp để gieo thành ngô. Trong nhà không còn nghe tiếng vật huỳnh huỵch nữa thì đúng là sắp thành nhà không có chủ rồi. Sao bây giờ ông mới nghĩ ra nhỉ

Và ông mang con bò đi thật. Thậm chí bà vợ già còn chọn cho ông con bò đẹp nhất đàn, con bò vàng có cái đốm nâu giữa trán, tiễn ông tới tận chân núi Chí Sán, còn đứng nhìn theo ông mãi. Ông cũng vừa dắt bò vừa ngoái lại nhìn vợ. Từ rất xa vẫn nhìn thấy tấm váy dày bị gió thổi xoè ra rực rỡ. Nhưng cũng từ xa, ông không nhìn thấy trên hai gò má hây hây hồng có những giọt nước mắt đang nối nhau chảy.

Bà ngồi phệt ở cửa chuồng bò, nhìn chỗ buộc dây của con bò vừa được dắt đi. Bà ngồi ở đấy đến khi tối mịt, khi đàn lợn trong chuồng lên cơn đói, gào như bị chọc tiết mới vịn thang chuồng bò đứng dậy.

*

Thằng Khành và ông cậu nó đã đi một lúc lâu. Nghĩ thế nào, bà vùng dậy, mặc thêm áo, quàng thêm khăn vào cổ, cầm đèn pin, gọi con chó, chạy theo.

Khi bà đến chân núi Chí Sán thì ánh đèn pin của hai cậu cháu đã lập loè tít trên đỉnh núi.

Bà đi trước, con chó đi sau. Có lúc nó vụt lên trước, hít hít, giơ chân đái một bãi, đứng lại chờ bà, rồi lại chạy vụt lên. Con chó này, ông Sình mang về cho thằng Khành lúc nó hai tuổi.

Bốn tuổi, thằng Khành nhanh như một con sóc, leo cây bắt chim, rơi tõm xuống vực. Bảy, tám người đàn ông mất một ngày mới tìm được nó. Như một miếng thịt bị dần trước khi quẳng vào chảo, nó mềm nhũn, gẫy một chân, sứt một tai. Phải mấy tháng trời bó thuốc mới đi lại được. Từ khi bị ngã, lúc nào nó cũng nằm trên lưng bà, ôm cổ bà, gối đầu vào gáy bà. Bà phải lấy một cái dây dài, buộc cái chân bị gãy của nó, vòng trước bụng, treo lên cổ cho đỡ va quệt. Bà đi nương nó trên lưng, bà nấu cám lợn nó trên lưng, bà xuống suối tắm nó cũng vẫn dính chặt trên lưng, hễ bỏ xuống là nó khóc váng tai.

Rồi đến lúc nó thay răng, cái răng cửa dưới rụng đầu tiên, bà ném lên mái ngói, nó bò lên, quyết tìm bằng được, không thấy lại không dám xuống, ngồi thu lu trên ấy đợi bà đi nương về trèo lên cõng xuống.

Vừa leo dốc bà vừa nghĩ, nếu không có thằng con trai này không biết những năm qua bà sống thế nào. Bà vẫn nhớ ngày đầu tiên ông chồng già mang thằng bé về. Nó nằm còng queo, bé tí trong quẩy tấu, hai má đỏ như táo chín, tóc vàng hoe lơ thơ mấy sợi bên dưới cái mũ vải thêu hoa. Đêm đầu tiên, bà ôm chăn, leo lên gác. Ông Sình ôm con lúc nằm, lúc ngồi, lúc chồm hổm trên giường, nửa đêm nó khóc quá, thì ông bế nó đi vòng quanh nhà, vừa đi vừa ư ư dỗ. Càng dỗ, thằng bé càng khóc. Cuối cùng thì bà phải dò dẫm mò xuống, thổi bếp cho ngọn lửa bùng lên, rồi bế lấy thằng bé. Bà vạch tấm chăn ra, ôi thôi, nó đã đái dầm, cả đi bậy từ lúc nào, hai cái mông bé tí vừa ướt vừa bẩn. Loay hoay mãi rồi bà cũng rửa xong cho nó, thằng bé thôi khóc, mút môi chùn chụt. Rồi nó rúc vào ngực bà, rúc mãi, như một con chó con rúc vào bụng mẹ. Bà run rẩy vạch áo ra, nó như vồ lấy bầu ngực chưa một lần tiết sữa, nó mút hóp cả má. Bà đau, nó cũng đau, không có sữa, lại khóc toáng lên. Bà không bỏ mặc nó được, đến như con bò mẹ ngã xuống vực, bỏ lại con, mà bà còn không bỏ mặc được, nói gì một con người.

Cho đến giờ, mỗi khi nhìn thấy thằng Khành ngồi ăn ngon lành bát mèn mén chan canh rau cải, bà lại thấy ran rát nơi đầu ngực. Vậy mà bà phải trả nó về cho người đàn bà ấy sao?

Khi ông Sình tháo dây buộc bò, bà còn nói:

– Ông sang bên ấy, muốn ở lại cũng được.

Ông Sình nhìn bà không chớp mắt:

– Bà nói thật đấy à?

Bà gật gật. Cổ họng nghẹn ứ.

– Bà không tiếc à?

Bà không trả lời. Tiếc gì chứ. Cái thứ vẫn là của mình bao nhiêu năm tự dưng không còn là của mình nữa, mình không được dùng nữa, không được dùng vì nó thích mang cho đứa khác dùng, không nên tiếc.

Như hiểu hết bà đang nghĩ gì, ông Sình nói:

– Cái gì của bà vẫn là của bà, tôi chỉ mang đi dùng tạm vào việc khác ít ngày thôi.

Ít ngày ấy là ba trăm bốn mươi sáu ngày.

Ông Sình không vui được mấy với niềm vui của một ông bố. Thằng Khành lên bốn tuổi thì ông chết vì bục dạ dày. Cứ tưởng rượu làm liền được vết loét trong dạ dày nên càng đau ông càng uống, cho đến lúc nó bục ra như cái túi đựng gạo bị rách, thì không cứu được nữa. Nhưng ông được chết thoải mái, vì đã có một thằng con trai, lại có một bà vợ tốt, nuôi được thằng con trai ấy, trong nhà lại đã có sẵn một đàn bò hơn 10 con, với một đàn dê đông gấp mấy lần chỗ ấy nữa.

Từ khi ông Sình chết, bà chỉ có thằng Khành, thằng Khành cũng chỉ có bà. Nó ngày càng cao lớn, vững chãi, tự biết kiếm việc nặng làm thay mẹ, tự biết có miếng ăn ngon phải nhường cho mẹ, tự biết chưa xong việc nhà thì dù có gái đẹp đứng thập thò ngoài bờ rào đá cũng không được nhảy tót ra khỏi cổng.

Chỉ có một điều thằng Khành không hề biết, đó là nó được đổi về bằng một con bò. Ngày ấy bà đã tự hỏi: Nếu cái người đàn bà kia cứ đẻ một đứa con lại đổi được một con bò, thì chắc đàn bò của bà ta phải đông lắm. Bà lại nghĩ đến con gà mái nhà mình, nghỉ được vài hôm lại cục tác váng cả đầu, có thêm một quả trứng. Hoá ra trên đời lại có người chả làm gì, chỉ đẻ và lấy bò về, lạ thế chứ!

Con chó đã dừng lại ở một cánh cổng gỗ khép hờ như có ý chờ bà. Chắc nó chạy theo hơi thằng Khành nên dẫn bà đi rất đúng đường. Bà đứng ngần ngừ hồi lâu trước cánh cổng đen thẫm. Đêm ba mươi rất tối trời, sở dĩ bà còn lò dò đi được là nhờ con đường nhỏ dẫn lên căn nhà có rải đá trắng, chứ còn chiếc đèn thì đã hết pin từ lúc lên tới đầu dốc. Trong nhà có vài bóng người đi đi lại lại, đèn thắp hai cái, một trong nhà, một treo ngoài mái hiên thấp lè tè.

Lần tay vào trong túi vải đeo bên hông, lấy ra chiếc áo tà pủ bé tí vẫn còn thơm mùi vải và xanh màu chàm, bà dứt khoát bước vào.

Đắp chiếc chăn vải hoa con công ngang cằm, người nằm trên giường trông như một đứa trẻ. Mặt mũi nhăn nhúm có lẽ vì chịu đựng cơn đau quá dài ngày, chỉ còn đôi mắt hơi sáng lên một chút khi nhìn thấy bà. Bà chợt nhận ra đôi mắt rất quen, hình như bà đã gặp ở đâu đó.

Bà chìa chiếc áo ra trước mặt, thì trong đôi mắt rất quen kia nhỏ ra hai dòng nước. Ý bà muốn khẳng định thằng Khành này chính là con của cô ta đấy, và vì hồi trước nó lớn nhanh quá nên chiếc áo này không kịp cũ.

Người nhà luồn chiếc áo xuống dưới gối cho cô ta. Rồi kéo thằng Khành ra ngoài. Thằng bé vẫn còn cứng đơ như khúc gỗ, mặt trắng bệch.

Bà Vá ngồi xuống bên giường, ghé tai sát miệng để cô ta nói gì đó. Phải rất cố gắng bà mới nghe nổi một câu, một câu khiến mặt bà còn trắng hơn mặt thằng Khành, và suýt nữa còn ngã vật ra. Nhất là khi bà theo ánh mắt cô ta, nhìn lên bức tường phía đối diện, một cái đầu con bò có cặp sừng cong treo trên đó, giữa hai cái sừng là một đốm nâu nổi rõ trên lớp lông vàng như râu ngô.

*

Con chó vẫn chạy trước, Khành đi thứ hai, sau cùng là bà Vá. Bà phải bắt Khành đi lên trước vì sợ nó trượt chân ngã xuống vực, Khành lại sợ bà mắt kém, chân run, ngã sau lưng mà nó không biết, đùn đẩy mãi, cuối cùng Khành phải đi trước, bà đi sau cầm đèn pin.

Trong đêm, nhìn cái dáng đi cun cút của thằng Khành bà thấy như có ai xát muối vào lòng. Lúc trước, khi đã đi qua cánh cổng gỗ, bà còn dừng lại nói thêm lần nữa:

– Con có muốn ở lại thì cứ ở, Khành à.

Nhưng thằng Khành nói y như bố nó:

– Con chỉ cho mượn thôi, rồi con về với mẹ chứ.

Từ đấy, hai mẹ con không ai nói câu nào nữa. Đỉnh Chí Sán ở lại sau lưng. Vui buồn cũng ở lại sau lưng. Nhưng trước mặt là một điều kinh khủng mà bà Vá không biết có nên nói ra với con hay không. Đấy chính là điều mà người đàn bà sắp chết kia vừa nói với bà, cô ta nói:

– Thằng Khành không phải họ Tráng, nó họ Vàng. Tráng A Sình chỉ nuôi hộ thôi.

Sau lúc suýt ngã vật ra, bà nuốt khan rồi hỏi như buột miệng:

– Thế ông ấy…?

Cô ta đảo hai con mắt thay cho cái lắc đầu. Bà còn nhớ như in ngày ông bế thằng Khành về, chìa nó ra cho bà, không giấu nổi hớn hở như trẻ con:

– Nó đây. Dùng có mỗi một lần, thế mà được luôn.

Lúc ấy bà chỉ muốn lao vào ông mà cấu xé. Ai tin được chứ.

Thằng Khành đang đi, chợt dừng lại, ngồi thụp xuống. Bà luống cuống:

– Làm sao thế, đau chân à Khành?

– Mẹ ngồi lên lưng, con cõng mẹ về. Mẹ làm rơi một chiếc dép ở đâu, chân dẫm vào đá nhọn thế không đau à?

Bấy giờ bà mới soi đèn pin xuống chân, một chiếc dép rọ nâu rơi đâu mất thật. Máu đang toé ra từ mấy ngón chân vấp vào đá.

Khành xốc bà lên cái lưng bắt đầu bè bè ra của nó. Con chó vẫn chạy trước, chốc chốc dừng lại chờ. Đường về nó thuộc hơn bà, nó dẫn đường cho mẹ con bà. Mưa đã bắt đầu rơi lây phây, hình như có tiếng những bông mận đang nở ra lách tách.

Exit mobile version