Nhà văn Trần Văn Thước sinh năm 1954 tại xã Vũ Lăng, huyện Tiền Hải, Thái Bình. Mặc dù bị thương tật đặc biệt, liệt hai chân nhưng bằng tài năng, nghị lực và lòng yêu văn chương, ông đã xuất bản được 10 tập truyện ngắn, tiểu thuyết; được giải thưởng cuộc thi truyện ngắn, bút ký của Báo văn nghệ, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Báo Tiền phong, Tạp chí Cửa Việt, Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch, giải thưởng Lê Quý Đôn… Năm 1999, Trần Văn Thước được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.


* Thưa nhà văn Trần Văn Thước, hầu như tất cả những tác phẩm văn chương, truyện ngắn, bút ký, tiểu thuyết của ông đều viết về những người nông dân?
Nhà văn Trần Văn Thước: Đúng thế, những người nông dân là thợ cày, thợ cấy, quan chức, trí thức hay người lính trong các tác phẩm của tôi đều là từ người nông dân mà ra.
* Đọc những trang văn của ông, độc giả có thể nhắm mắt lại và tưởng tượng ra cảnh người nông dân vác cuốc ra đồng, người đàn bà đang lom khom cấy lúa, người đàn ông và con trâu đang cày ruộng hay tiếng chửi bới của người hàng xóm. Bức tranh văn chương thôn quê của ông thật sống động.
Nhà văn Trần Văn Thước: Tôi thích viết những gì mà cuộc sống đang diễn ra ở làng quê như nó vốn có mà không thích sự cường điệu hay giật gân.
* Điều gì đã khiến ông trung thành với đề tài người nông dân?
Nhà văn Trần Văn Thước: Người nông dân chiếm tỷ lệ 70-80% dân số cả nước, họ là những người dựng làng, dựng nước và giữ làng, giữ nước, họ là một đề tài vô tận để tôi và các nhà văn khai thác. Tôi viết về người nông dân với một sự trân trọng, hàm ơn!
* Người nông dân sống trong những ngôi làng mà làng quê là hồn cốt của nước, mất làng là mất nước. Nhưng rất nhiều làng quê hiện nay đang bị biến mất bởi sự tàn phá của chính con người: người ta phá vườn, lấp hết ao làng để xây nhà, người ta lấy ruộng để xây nhà máy gây ô nhiễm môi trường, rồi nạn rược chè, cờ bạc, nghiện hút, mại dâm cũng đang tràn về làm tan nát biết bao gia đình nông dân. Ông nghĩ gì về điều này?
Nhà văn Trần Văn Thước: Đó là một sự thật- một sự thật đau lòng, nhức nhối ở nhiều làng quê mà tôi cũng đã cảnh báo trong một số tác phẩm của mình. Thiết nghĩ các nhà hoạch định chính sách cần sớm có những giải pháp cấp bách, cụ thể để bảo vệ, gìn giữ làng quê chứ đừng hô hào bằng những khẩu hiệu chung chung “Xây dựng nông thôn mới!”…
* Là một nhà văn của những người nông dân, ông có kế sách gì để bảo vệ ngôi làng của họ?
Nhà văn Trần Văn Thước: Theo tôi mỗi xã, mỗi huyện, mỗi tỉnh đều có một ông bí thư và ông chủ tịch có tài có đức thì làng quê được bình yên, người nông dân được ấm no.
* Nhưng làm thế nào để có được ông bí thư, chủ tịch có tài có đức?
Nhà văn Trần Văn Thước: Cứ để dân trực tiếp bầu một cách dân chủ thì sẽ có người lãnh đạo tài- đức; chứ đừng để nạn mua quan bán chức, ô dù, phe phái, dòng họ bầu nên cái đám quan tham, bất tài, hại dân hại nước.
* Tôi đang ngồi với ông trong căn phòng hơn 10m2, kê một cái giường, một cái tủ nhỏ đựng hàng hóa và một cái hòm gỗ bé xíu mà ông dùng làm bàn viết. Đây có phải là cái quán văn chương mà các nhà văn, nhà thơ hay gọi?
Nhà văn Trần Văn Thước: Quán văn chương là do anh em văn nghệ sĩ gọi cho vui chứ thật ra là cái quán bán hàng của tôi, nó đã ra đời mấy chục năm rồi, trước là nhà cấp 4, sau ông cụ thân sinh là lão thành cách mạng được nhà nước cấp cho 50 triệu xây nhà nên xây thành mái bằng.
* Và ông vừa bán hàng tạp hóa vừa tiếp bạn bè văn chương, tiếp những nhân vật nông dân của ông và vừa viết văn trong cái quán văn chương này?
Nhà văn Trần Văn Thước: Tôi bị thương tật liệt mất hai chân nên chỉ quanh quẩn trong cái quán này, ngoài những lúc bán hàng, tiếp khách, tôi tranh thủ viết văn.
* Xem ra cái quán văn chương này rất quan trọng đối với ông?
Nhà văn Trần Văn Thước: Vâng, quả là nó rất quan trọng, nó là nơi giao tiếp, là nguồn thu nhập bù với mấy sào lúa và đồng lương bệnh binh của tôi để nuôi ba đứa con ăn học thành người.
* Và văn chương cũng rất quan trọng đối với cuộc đời ông?
Nhà văn Trần Văn Thước: Đúng thế, tôi là con ngựa (tuổi ngựa) lẽ ra phải được tung vó khắp nơi nhưng lại là con ngựa què thành ra văn chương là người bạn lớn mà tôi tựa vào để sống để viết.
* Thế còn người vợ tần tảo của ông có vai trò như thế nào?
Nhà văn Trần Văn Thước: Vợ tôi sống ở Tuyên Quang, khi tôi đang công tác ở Thái Nguyên, bị thương tật phải về quê sống, vợ con tôi cũng về theo. Tôi bị liệt hai chân, nếu không có người vợ tần tảo, chịu bao hy sinh, gian khổ cho chồng cho con thì tôi cũng khó mà trở thành nhà văn nông dân, ba đứa con của chúng tôi cũng khó học hành nên người. Cả đời tôi biết ơn vợ.
* Ông không ra khỏi nhà, không ra khỏi làng vậy ông lấy thông tin từ đâu để viết?
Nhà văn Trần Văn Thước: Từ những người đến đây mua hàng, từ hàng xóm, bạn bè văn chương, từ đài báo, ti vi…
* Văn chương là một nghề gian khổ, ông là một nhà văn của những người nông dân, ngày ngày cày trên những thửa ruộng chữ nghĩa vậy ông nghĩ gì về nghề văn?
Nhà văn Trần Văn Thước: Viết văn là một việc đòi hỏi rất nhiều trí lực. Nhà văn đích thực dù gắng gỏi, nỗ lực đến đâu cũng không dám nghĩ là đã đủ, đã đạt… Tôi nghĩ đấy là nghề nghiệp văn chương.
* Xin cảm ơn ông!

Nguồn tin: TCNV 10-2012