Tác giả “Life navigator 25: Người tình của cả thế gian” cho rằng điều hạnh phúc nhất với nhà văn là tìm được bạn đọc kiễn nhẫn đi hết tác phẩm của mình.
Life Navigator 25: Người tình của cả thế gian là tiểu thuyết đầu tay của Trần Tiễn Cao Đăng. Tác phẩm được xếp vào hàng “khó đọc” của văn chương Việt, bởi lối viết đan xen giữa hiện tại và những giấc mơ (hoặc thời đại rất xa trong tương lai). Life navigator là những con người đặc biệt của thời đại tương lai, có khả năng dẫn dắt tâm trí người khác đi qua những giấc mơ nhiều kiếp khác của chính họ, qua đó khám phá ra nhiều điều về bản thân và thực chất thế giới. Tác phẩm cho thấy một thế giới đầy bất ổn của ngày hôm nay với vô vàn vấn đề như chiến tranh, môi trường, baọ lực… Từ đó, tiểu thuyết đặt ra câu hỏi về sự tiến hóa của loài người. Nhân dịp ra mắt tác phẩm, Trần Tiễn Cao Đăng có buổi giao lưu với độc giả Hà Nội vào tối 10/6.
Tác giả Trần Tiễn Cao Đăng. Ảnh: Việt Hà |
– Do đâu mà anh viết tiểu thuyết với nhân vật lạ lùng là Life navigator?
– Cái tứ của cuốn tiểu thuyết đến với tôi từ một giấc mơ lạ. Tôi thường đưa trọn vẹn những giấc mơ của mình vào tác phẩm, một số truyện ngắn. Nhưng với giấc mơ này khi thức dậy, tôi chỉ nhớ được một hình ảnh, đó chính là hình ảnh Life navigator – một thanh niên dong dỏng, thanh tú – đứng dựa vào thân tàu trắng. Cái tên “Life navigator 25” là những gì còn lại của giấc mơ. Khi thức dậy, tôi biết rõ anh ta là con người như thế nào, có năng lực gì. Có lẽ tiềm thức đã chuẩn bị sẵn cho tôi nhân vật này rồi.
– Anh triển khai tác phẩm từ một hình ảnh kỳ lạ đó ra sao?
– Ban đầu tôi định viết một truyện vừa, về anh chàng Life navigator đến gặp một người phụ nữ của đời thường chúng ta, và tình yêu xảy ra. Nhưng sau đó, tôi biết câu chuyện không chỉ có thế. Tôi không hình dung sẵn về cấu trúc câu chuyện, mà cứ nghĩ tới đâu thì viết tới đó.
Tôi viết trong ba năm, nếu in bản thảo thô thì có lẽ lên tới 800 trang. Nhưng sau đó tôi chỉnh sửa, cắt bỏ, bổ sung, thì ra cuốn sách ngày hôm nay.
– Tại sao anh lại lựa chọn cách viết khó đọc, không cốt truyện, mỗi chương là một mảnh vụn như vậy?
– Tôi nghĩ tác phẩm có câu chuyện đó chứ. Nếu bạn không đọc những chương giấc mơ (chương chứa những hình ảnh siêu thực một chút, bạn có thể phân biệt rất dễ). Nếu chỉ đọc những chương thực, bạn sẽ thấy câu chuyện, dù nó mờ. Đó là câu chuyện về sự biến đổi của cô gái.
Đương nhiên sách của tôi không dễ đọc với số đông. Nếu bạn đến với nó mà mong chờ câu chuyện tình yêu kiểu Marc Levy thì không có. Văn chương hay ở chỗ có cuốn dễ có cuốn khó. Có lẽ các bạn nên kiên nhẫn khi đọc tiểu thuyết này.
– Tiểu thuyết có rất nhiều chi tiết. Anh làm thế nào để giữ mạch truyện, không làm cho chính mình bị rối khi viết?
– Trong quá trình viết, tôi viết các chương khác nhau. Khi đã xong, tôi sắp xếp lại với dụng ý đan xen chương thực, chương mơ.
Là tác giả, tôi luôn mong muốn tìm được bạn đọc lý tưởng của mình. Đó là người trước khi đọc có tìm hiểu về cuốn sách, nắm luật chơi của nó, rồi đi cùng nó.
Mong muốn lớn nhất của tôi là khi bạn đã kiên nhẫn đọc cuốn sách, thì sau khi đọc xong, bạn không thấy lãng phí thời gian với nó. Nếu người đọc hiểu cuốn sách, đó là hạnh phúc không gì sánh đối với người viết văn.
Tiểu thuyết Life navigator 25: Người tình của cả thế gian. Ảnh: Việt Hà |
– Tại sao anh đặt tên sách là “Người tình của cả thế gian”?
– Bản thân tôi cũng không chắc lắm tại sao tôi chọn cái tên đó. Nó đến với tôi một cách tự nhiên. Nhưng nếu phải lý giải nó, thì có lẽ mối tình của nhân vật Life navigator, cũng như mối tình của các nhân vật chính trong tác phẩm này đều là tình yêu tha thiết. Họ không chỉ yêu một con người, mà là yêu cả thế giới. Khi yêu một người, không thể chỉ yêu một “anh” hoặc “em”, mà chán ghét thế giới. Họ yêu thế giới như yêu người tình vậy.
– Tiểu thuyết viết về sự biến đổi của cô gái. Dường như anh tin vào thuyết tiến hóa khi viết tác phẩm?
– Khi viết tôi không nghĩ về tiến hóa. Nhưng có lẽ đúng, tác phẩm là sự tiến hóa. Khi đọc sách này, các bạn thấy có hai cách tiến hóa. Thứ nhất, theo thời gian, rất xa trong tương lai loài người chúng ta sẽ tiến hóa cao hơn, có thể theo cách loài người chúng ta diệt vong để có loài khác.
Cách thứ hai, nếu mỗi cá nhân trong thời gian hữu hạn chúng ta có, chúng ta vẫn thay đổi, tiến hóa. Vấn đề là nhận ra tiềm năng của mình và tiến hóa, giống như cô gái trong tác phẩm này.
– Tác phẩm cho thấy những bất ổn, bức xúc của loài người. Nếu chọn làm loài khác anh có chọn không?
– Nhìn ra xã hội xung quanh, loài người đang phát triển quá nhanh về vật chất, nhưng lại phát triển quá thấp về tâm trí.
Nếu đặt câu hỏi chọn làm loài khác thì có vẻ không thực tế. Với tôi tiến hóa là mình vượt lên chính mình. Chúng ta hãy phát huy chính bản thân mình, từng ngày để tiến hóa.
Trần Tiễn Cao Đăng quê ở Huế, được người yêu văn chương biết tới với tư cách dịch giả. Anh từng in tập truyện ngắn Baroque và ẩn hoa năm 2005. Ngoài viết văn, anh còn dịch nhiều tác phẩm như Biên niên ký Chim vặn dây cót (Haruki Murakami), Nếu một đêm đông có người lữ khách (Italo Calvino), Từ điển Khazar (Milorad Pavic), Mãi đừng xa tôi (Kazuo Ishiguro)…
Dịch giả Đinh Bá Anh: Bản thảo này làm cho tôi “mệt vô biên” khi đọc. Tác phẩm không được kết cấu theo truyện, mà kết cấu theo cảnh đan xen giữa thực và mơ, đầy ẩn dụ. Đây không phải là tiểu thuyết giả tưởng. Nó mượn một số thủ pháp, cho thấy chủng loại chúng ta đang rất có vấn đề, như: môi trường, con người đối xử với nhau, chiến tranh…
Nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh: Life navigator 25: Người tình của cả thế gian chắc chắn là một cuốn sách khó đọc, thử thách lòng kiên nhẫn, nhưng là cuốn sách đáng tìm đọc nhất đối với những ai yêu tiểu thuyết và muốn tìm những thể nghiệm, sáng tạo văn chương mới mẻ ở Việt Nam. Nó không chỉ thay đổi triệt để cách viết quen thuộc, mà còn xuyên phá những định giới vốn đã trở thành một thứ khuôn mẫu trơ nghèo nàn của hiện thực.
Theo Việt Hà – Zing.vn