1. Dẫu biết quy luật một đời người cuối cùng rồi cũng phải trở về với cát bụi, nhưng cái tin nhà văn Trần Thanh Giao quy tiên đối với tôi vẫn là quá đột ngột. Tôi không thể tin được cây đại thụ của văn nghệ, báo chí Việt Nam đã giã biệt cõi đời này. Tôi cảm thấy ông vẫn còn đấy. Con người ông nhỏ thó và rắn rỏi, khuôn mặt với những nếp nhăn của thời gian và tuổi tác vẫn không giấu được đôi mắt tinh anh, ánh nhìn nhạy bén cùng với nét cười răng khuyết rất đặc biệt. Vẫn là người đàn ông mà sự hiểu biết toát ra từ ánh nhìn ban đầu bạn tiếp xúc đến giọng nói chậm rãi, giàu trải nghiệm, cẩn trọng trong từng câu chữ và luôn luôn hài hòa, với phong thái lịch thiệp của một người đã kinh qua Tây học.

Nhớ lần đầu gặp ông vào năm 1996 tại Hà Nội, hai năm trước khi tôi được là đại biểu Hội nghị Những người viết văn Trẻ toàn quốc lần thứ V (1998). Chúng tôi cùng uống trà ở một tiệm trà thanh lịch, nằm khá sâu trong một cái ngõ nhỏ, gần với hồ Trúc Bạch. Trước đó, tôi đã đọc khá nhiều tác phẩm của ông. Lúc bấy giờ, ngồi trước mặt tôi đích thực là nhà văn Trần Thanh Giao bằng xương bằng thịt, và chúng tôi bàn về những bài báo, bài ký, tiểu luận hoặc phê bình văn chương Đông, Tây, kim, cổ của ông. Văn của ông thật rất ăn khớp với người. Giọng cười của ông cũng thật đa dạng, lúc thì mủ mỉ kín đáo, lúc lại cao hứng như thác nước đổ.

Nhà văn Trần Thanh Giao (bên phải) và nhà thơ Bùi Tuyết Mai

2. Trong những tranh luận bên ly trà của chúng tôi, có khi cứ trở đi, trở lại vấn đề “nóng” của đời sống văn nghệ: Để có tác phẩm hay. Tôi nhớ những đúc kết của ông đọng lại. Người-Văn ấy đã tìm thấy ngọc và lấy đó làm ánh sáng để soi chiếu vào những trang viết của mình, và cũng để phần nào giúp cho những người bạn văn cùng chia sẻ, bàn luận và lựa chọn cho mình một hướng đi:

– Dẫu biết văn chương là để giãi bày nỗi niềm, số phận, thu hút sự ham mê của người đọc, nhưng giãi bày để làm gì, câu trả lời là để nâng đỡ con người, làm cho nó cao thượng lên chứ không làm cho nó hèn đi, thấp đi.

– Nỗi niềm và số phận của một kiếp người có hàng ngàn, hàng vạn, vẽ ra được đã là khéo, nhưng tư tưởng nhân văn của tác phẩm về những nỗi niềm và số phận, mới là cái khó tìm, khó vẽ, mới là cái có giá trị nhất trong văn chương.

– Vẽ mây, vẽ gió được đã khéo, nhưng vẽ cho đến mức Non cao non thấp mây thuộc/ Cây cứng cây mềm gió hay như Nguyễn Trãi mới thật khó, mới thật hay, mới là nét vẽ của bậc thiên tài. Cho nên từ xưa, hiện nay và sau này vẫn vậy, văn chương hay, nhất là văn xuôi, không thể chỉ có nỗi niềm và số phận, mà trên nỗi niềm và số phận là một tư tưởng nhân văn sâu sắc, và những vẻ đẹp làm mê mẩn lòng người.

– Đã đến lúc cùng nhau nêu ra định nghĩa: tác phẩm hay là tác phẩm làm rung động sâu sắc, lâu bền trái tim người thưởng thức vì những giá trị chân thiện mỹ mà nó chứa đựng.

Năm 2015, ngay trong Đại hội Nhà văn, tôi nhận được món quà quý của ông. Đó là cuốn Tiểu luận phê bình của Trần Thanh Giao, Cánh hạc & Tiếng chuông, Nxb Hội Nhà văn, 2014. Bìa phụ là dòng chữ bút mực còn tươi rói, ông đềThân tặng Bùi Tuyết Mai và cẩn thận ghi Hà nội 2015 rồi ký tên. Cùng với cuốn sách là một chiếc đồng hồ nữ mạ vàng rất đẹp, rất thanh lịch, viền kim loại màu vàng, mặt và dây đeo màu đỏ nâu tía, lấp lánh ánh bạc ẩn phía trong khung kim giây chạy, là tháp Effel. “Anh mua nó trong một chuyến thăm Thủ đô Paris, nước Pháp. Tặng em!” Tối hôm đó, rất khuya, sau khi ngồi cùng cánh nhà văn trẻ từ miền núi phía Bắc, tôi mới lần giở từng trang cuốn cảo thơm này của người bạn vong niên. Tôi đã thức luôn đến sáng với cuốn sách, tìm thấy trong đó những ký ức về cuộc trao đổi của chủ nhân cuốn sách với mình từ thập niên cuối cùng của thế kỷ XX, hiện cũng nằm trong cuốn sách.

Cuốn sách này của ông, tôi luôn luôn mang theo để đọc mỗi khi có thì giờ. Và chiếc đồng hồ ấy, cũng trở thành vật bất ly thân của tôi, kể từ khi ông tặng.

3. Ông đặc biệt yêu thích cuốn Mái Tây của Vương Thực Phủ. Lại nhớ, một dịp ông ra Hà Nội họp, chúng tôi có hai ngày đi lên Mường. Đi lên tỉnh Hòa Bình, một địa danh nổi tiếng của người Việt cổ, với ông đây là một dịp “rất đáng để tiêu thời gian vào đó!”. Chúng tôi đi đại tứ Mường: Nhất Bi (huyện Tân Lạc), nhì Vang (huyện Lạc Sơn), tam Thàng (huyện Kỳ Sơn và Cao Phong), tứ Động (huyện Kim Bôi), bốn vùng Mường cổ nhất, lớn nhất của Việt Nam tại tỉnh Hòa Bình. Cũng trong chuyến đi này, tôi được biết cái bút danh Song Văn của anh là do anh rất yêu thích Mái Tây của Vương Thực Phủ mà ra. Ông khuyên tôi nên đọc cuốn ấy, vì cái kịch ấy cũng đã hay, nhưng lời bình của Kim Thánh Thán sau mỗi chương là những chỉ dẫn vô cùng hữu ích cho những người viết văn có tài năng – những người “thợ trời”.

Nhà văn Trần Thanh Giao (bên phải) vànhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ

4. Mỗi lần tôi có tác phẩm được đăng Báo Văn Nghệ, hoặc trên các diễn đàn, ông đều đọc thấy và là người cho nhận xét. Chúng tôi có những người bạn chung, một trong số họ là nhạc sĩ tài danh Nguyễn Tài Tuệ. Lần gặp gỡ gần đây nhất của chúng tôi cũng tại Đại hội Nhà văn (2015). Buổi tối, chúng tôi đến thăm nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ tại nhà riêng, phố Khương Trung, Hà Nội. Tôi hơi ngạc nhiên khi thấy hai ông già ôm nhau một cách vô cùng mừng rỡ và đằm.

Hóa ra, họ từng quen và dõi theo nhau từ năm 1976. Khi ấy, Nhà báo Trần Thanh Giao đã gặp và phỏng vấn nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, Trưởng phòng Nghệ thuật của Đoàn Ca Múa Nhạc Việt Nam, nhân dịp nhạc sĩ đưa đoàn văn nghệ sĩ, diễn viên vào Thành phố Hồ Chí Minh biểu diễn mừng một năm thắng lợi, non sông thu về một mối.

Hai ông đều thuộc hàng “Tây học trong nước lớp đầu” từ trước Cách mạng Tháng Tám 1945. Trần Thanh Giao học ở Cần Thơ, Nguyễn Tài Tuệ học ở Sài Gòn. Cả hai đều phát âm và dùng rất chính xác văn phạm tiếng Pháp, nhưng lại rất thống nhất với nhau về quan điểm, quan niệm sáng tác. Do có công cụ ngôn ngữ tiếng Pháp trong tay, đồng thời lại có vốn cha mẹ để lại là chữ Hán và chữ Nôm, cả hai có điều kiện để tìm đọc sâu, học hỏi kỹ các giá trị văn học và âm nhạc của phương Đông, phương Tây. Trong cuộc gặp gỡ hiếm hoi ấy, tôi đã được nghe tiểu kết của Trần Thanh Giao: Nếu như cái thuyết cốt lõi của văn học phương Tây là chủ nghĩa nhân văn (humanisme; humanism) thì trong thơ văn Việt Nam có thuyết “nhân nghĩa” (humanité et loyauté; bennevolence and righteousness) đồng thời được bổ sung thêm các giá trị nhân bản khác.

Nếu cứ dõi theo hệ thống các tác phẩm của Trần Thanh Giao – Dòng sữa (truyện ngắn, 1962); – Đi tìm ngọc (truyện 1964, 1972, 1987, 2002); – Cầu sáng tiểu thuyết 1976, 1985); – Đất mới vỡ (tiểu thuyết 1978, 1981); – Giữa hai làn nước (truyện 1979); – Sao Mai gần gũi (truyện và ký 1983); – Một vùng sông nước (truyện 1985); – Thị trấn giữa rừng Sác (bút ký 1985); – Bầu trời thềm lục địa (bút ký 1986); – Câu chuyện một chiều thứ bảy (truyện ngắn 1987); – Một thời dang dở (tiểu thuyết 1988, 1992); – Thời áo trắng (tiểu thuyết 1995, 2002); – Tuyển tập truyện ngắn (2002); – Ai vượt Cửu Long Giang (bút ký 2003); – Ai tri âm đó… (phê bình, tiểu luận, 2003), – Văn học TP.HCM 1975 – 2005 (nghiên cứu, khảo luận…, 2008), – Chuông chùa (truyện ngắn 2011); – Cánh hạc & Tiếng chuông (phê bình, tiểu luận, 2014)… Đồng thời, cũng luôn luôn nghe vang lên trên làn sóng các phương tiện đại chúng những tác phẩm thanh nhạc và khí nhạc của Nguyễn Tài Tuệ (trên 30 tác phẩm) thắm đượm chất trữ tình và nhân văn được phát triển từ âm nhạc dân gian Việt Nam đi rất xa…  có thể thấy rất rõ ý thức, trách nhiệm sâu sắc của họ với đất nước, với dân tộc. Tôi vẫn nhớ, Trần Thanh Giao đã nhấn mạnh với Nguyễn Tài Tuệ trong buổi tối đáng ghi nhớ ấy: Trong các tác phẩm thanh nhạc của anh, tôi thấy những bán cung, nửa cung lẽ ra là rất Tây, vậy mà anh đưa vào cứ ngọt và vô cùng thuần Việt trongMùa xuân gọi bạn, Suối mường Hum còn chảy mãi, Xa khơi, Mơ quê, trong Tiếng hát giữa rừng Pác Bó v.v.. Có cả câuxuống xề của cải lương trong Xôn xao bến nước nữa! Rồi những bản Rondo sonata, concerto, operette, v.v.. của ông đậm đà chất nhạc Việt. Tóm lại, nếu nói cách tân về hình thức thì cha ông ta cũng đã làm nhiều, và làm thành công… Nếu ta đừng sùng ngoại, đừng hám của lạ, tự hào về cha ông mình thì ta cũng có thể nêu ra “luận thuyết”, đóng góp vào những thuyết chung, có ích cho sự phát triển nhận thức của con người về bản chất của văn học nghệ thuật và cuộc sống.

Trần Thanh Giao, Nguyễn Tài Tuệ và tôi, cả ba cùng yêu thích Chức cẩm hồi văn của Tô Huệ, một tác phẩm thơ “siêu hình thức” cách nay đã hơn 2000 năm. Rồi tiếp sau đó, là những kiệt tác nhân loại như Iliade, Odyssée, cùng với các tác phẩm của những tác gia hàng đầu của nhân loại như Shakespeare, Cervantes, Dante, Goethe, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du… Để qua việc đọc những kiệt tác đó mà bồi đắp chiều sâu nội lực cho mình trong sáng tạo và tiếp nhận những giá trị mới của văn học nghệ thuật.

5. Cái tin ông ra đi vào ngày 10 Tháng Chạp khiến tôi bị bất ngờ. Tôi không thể tin nổi một cái cây cổ thụ đã đổ xuống, vận vào lời Thôi Hiệu, Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản (Hạc vàng một đi không trở lại), bài thơ sinh thời Trần Thanh Giao hằng yêu thích và lấy đó làm dấu tích của cuốn tiểu luận phê bình cuối cùng, dồn tụ nhiều tâm huyết. Một khoảng trống của văn đàn không bù đắp được. Tuy biết từ nay tôi sẽ không bao giờ nhận được những dòng cảm xúc tươi rói của ông qua email nữa. Tôi vẫn thấy nụ cười trẻ trung của ông. Sự nhiệt tâm xốc vác. Ông vẫn như còn đó, với ba lô, laptop và máy ảnh, sẵn sàng cho một chuyến đi mới.

Hà Nội, những ngày áp Tết Bính Thân 2016


– Bùi Tuyết Mai – Vanvn.net –