NVTPHCM- Là giáo viên của Trường trung học kháng chiến Nguyễn Chí Diểu, tỉnh Thừa Thiên – Huế lúc mới 17 tuổi; qua những năm giảng dạy tại Khu học xá trung ương, Trường Trung cấp Sư phạm trung ương, Trường ĐHSP Hà Nội 1, Trường ĐHSP TP.HCM… PGS.NGND Trần Thanh Đạm đã trở thành người thầy đáng kính của nhiều thế hệ SV trong cả nước
PGS.NGND Trần Thanh Đạm:
Một đời nặng lòng với văn chương và giáo dục
1. Dù đang theo học trong trường sư phạm (SP) hay đã tốt nghiệp để trở thành những thầy giáo làm công tác giảng dạy khắp mọi miền quê, trong ký ức của các thế hệ học trò trường SP vẫn lưu giữ mãi hình ảnh đẹp về một người thầy thông tuệ, tươi vui và trẻ trung cả đến khi tuổi đã cao. Cùng với các bậc đàn anh như nhà giáo Trần Văn Giàu, Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Cao Xuân Huy,… PGS.NGND Trần Thanh Đạm thuộc số người góp công đặt viên gạch đầu tiên cho những ngôi trường đào tạo đội ngũ thầy cô giáo trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp đầy khó khăn gian khổ và những ngày hòa bình mới lập lại ở miền Bắc. Trong giai đoạn này, PGS.GS Trần Thanh Đạm trở thành một tấm gương về ý chí phấn đấu trong quá trình tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ để có kiến thức sâu rộng, uyên thâm. Từ một thầy giáo Hán học vùng kháng chiến, ông đã trở thành giáo sư văn chương biết thêm các ngoại ngữ Anh, Pháp, Trung qua rèn luyện và học hỏi từ sách vở, bạn thầy.
Có thể thấy rằng PGS.NGND Trần Thanh Đạm trước hết là con người của văn chương. Suốt cả cuộc đời ông đem chữ nghĩa văn chương truyền cho thế hệ đi sau bằng những bài giảng văn, lý luận văn học, ngôn ngữ mang dấu ấn thời đại và đậm tính nhân văn. Vốn là người say mê và hiểu biết rộng nền văn chương nhân loại, ông kính phục những kiệt tác của Victor Hugo, Banzắc, Sếchxpia, Lep Tônxtôi, Puskin… nhưng tình yêu văn chương của ông lại luôn hướng đến Tổ quốc Việt Nam đau thương trong kiếp nô lệ nhưng tự hào trong khí phách anh hùng. Cũng từ đó nhiều thế hệ SV ngữ văn đã thụ hưởng được rất nhiều tài sản văn hóa – văn học mà người thầy kính yêu để lại. Chỉ đứng trên bục giảng thì không thể thỏa chí say mê với nghiệp văn chương, nên PGS.NGND Trần Thanh Đạm đã tìm cách khám phá văn chương bằng con đường nghiên cứu khoa học. Hàng trăm, ngàn bài báo (nhiều bài ông viết với vai trò cộng tác viên thân tín được bạn đọc yêu quý của Báo Giáo dục), bài viết của ông là những công trình nghiên cứu văn học có giá trị trở thành tài liệu quý của nhiều khóa SV ngữ văn. Ông đã trở thành nhà giáo học pháp, nhà phê bình lý luận văn học có hệ thống và uyên bác.
2. PGS.NGND Trần Thanh Đạm còn là con người của GD. Là con người của văn chương nhưng ông đặc biệt quan tâm sâu sắc đến ngành GD. Điều này cũng rất dễ hiểu vì ngoài công tác giảng dạy, có một thời gian dài ông đứng ra làm công tác quản lý, vận hành cả một cỗ máy GD của một trường sư phạm lớn nhất nhì trong cả nước. Dù trong điều kiện và hoàn cảnh nào ông cũng tìm cách nhìn thấy được bề rộng, chiều sâu và tầm cao của nền GD để đáp ứng nhu cầu của thời đại. Cùng với nhiều học giả trong cả nước, ông trở thành sứ giả GD có tiếng nói thuyết phục đến các cấp, các ngành quản lý. Gắn bó và có trách nhiệm với ngành nên ông luôn đưa ra những ý kiến sâu sắc, những đánh giá thấu lý đạt tình về những thuận lợi cũng như khó khăn cần được tháo gỡ trong GD đại học hay GD phổ thông. Cho đến cuối đời điều ông tâm đắc nhất vẫn là sứ mệnh của người thầy phải luôn giữ vững bản sắc dân tộc và bản chất XHCN. Với một hoài bão tha thiết và cái tâm trong sáng, những kiến nghị về cải tiến GD để cải thiện tình hình chất lượng GD của ông đều mang tính thực tiễn và có tính dự báo cao. Đây cũng là lý do mà thời gian sau này khi ông đã nghỉ hưu tôi thường đến ngôi nhà nhỏ trên đường Chu Văn An, Q.Bình Thạnh, TP.HCM trao đổi với ông để có những bài báo mang tầm định hướng GD. Tự coi mình là thế hệ đã quá “cũ” đôi khi không còn phù hợp với xu thế GD hiện nay, nhưng không bao giờ ông từ chối nhà báo dù sức khỏe ngày một yếu hơn. Đó là điều tôi vô cùng cảm phục và kính trọng về ông – một “Nhà giáo nhân dân” trọn nghĩa. Tuy không có may mắn trở thành học trò của ông nhưng từ lâu tôi vẫn coi là người thầy vì ông đã cho chúng tôi rất nhiều kiến thức về văn chương qua các bài viết, các công trình nghiên cứu có giá trị trên nhiều tạp chí văn học thời tôi còn là SV Trường ĐHSP Vinh.
Từ Trưởng ban phụ trách cho đến khi được bổ nhiệm Hiệu trưởng, PGS.NGND Trần Thanh Đạm còn là người có nhiều công lớn đối với Trường ĐHSP TP.HCM sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Tuy những ngày đầu mới tiếp quản biết bao khó khăn bộn bề nhưng với sự hiểu biết sâu rộng về GD, về yêu cầu sự phát triển của một trường sư phạm trong chế độ mới, PGS.NGND Trần Thanh Đạm đã trở thành một “thuyền trưởng” tài ba với trách nhiệm của một nhà trí thức cách mạng. Không chỉ có học trò mà rất nhiều đồng nghiệp, đồng chí, bạn bè thực sự kính nể cường độ và thái độ làm việc nghiêm túc của một nhà quản lý, một nhà nghiên cứu. Làm việc hết mình, không màng danh lợi cá nhân, luôn mẫu mực về đạo đức và nhân cách đó là “mẫu số chung” của một thế hệ nhà giáo rất đáng tự hào như ông. Dù bận rộn với nhiều cương vị khác nhau nhưng ông vẫn dành những phút giây riêng tư cho bản thân qua những vần thơ, bài thơ ông tự sáng tác để tặng bạn bè thân hữu hay trải lòng mình trong những giây phút tràn đầy cảm xúc. Nhiều câu thơ tinh tế, hàm súc, chứa đựng rất nhiều ý nghĩa về cuộc đời và con người càng tô thêm vẻ đẹp tâm hồn và tính cách của một nhà sư phạm mẫu mực đúng như lời thơ của NGND Lê Trí Viễn viết tặng ông: “Dĩ ký văn chương thác nhất sinh/ Phong xuy vũ đả cảm vong tình” (Đã đem văn chương ký thác cho một đời/ Dù gió táp mưa sa đâu dám quên tình).
Đến hôm nay khi ngồi viết những dòng này, tôi vẫn không quên nụ cười hiền, đẹp cùng với giọng nói ấm tình người của một nhà giáo tài năng và đức độ dù lâu nay không gặp lại và mãi mãi không còn gặp được ông trên cõi đời này nữa.
Theo Phan Ngọc Quang – Nhavantphcm