Chỉ vỏn vẹn 100 trang, nhưng Oscar và bà áo hồng đã dẫn độc giả vào hành trình của một đời người, có đầy đủ buồn, vui, hy vọng, mất mát… Qua cuốn sách, ta thấy bệnh tật chưa hẳn đã đáng sợ nếu dũng cảm chấp nhận nó, cái chết không phải là dấu chấm hết nếu biết cách trân quý, biến mỗi ngày thành một trải nghiệm thiên đường.

 

Cuốn sách gồm những bức thư gửi Chúa của cậu bé Oscar, 10 tuổi, mắc bệnh ung thư máu, được đặt biệt danh Sọ Trứng vì cái đầu trọc lốc – hệ quả sau đợt điều trị hóa chất. Cậu bé được ghép tủy, nhưng cuộc phẫu thuật thất bại và Oscar chỉ còn sống được chưa tới hai tuần. Cả bệnh viện không ai dám nói với cậu điều đó, từ bác sĩ, y tá đến những cô bé, cậu bé cùng nằm viện. Bố mẹ Oscar do quá đau buồn thậm chí còn không dám gặp con. Chỉ có bà Hoa Hồng, một tình nguyện viên đến chơi với các bệnh nhi là dám cho Oscar biết sự thật. Bà Hoa Hồng bảo Oscar nên viết thư cho Chúa – người mà cậu nhóc vốn không tin là có thật, để kể chuyện cho Chúa nghe, xin Chúa một điều ước mỗi ngày và hãy coi mỗi ngày sống như thể 10 năm. Thế là Oscar kể với Chúa về “cuộc đời hơn một trăm tuổi” của mình, với bao biến cố, có cảm xúc nguyên sơ khi chào đời, có rung động tuổi mới lớn, nỗi lòng về mối bất hòa với cha mẹ, rồi suy ngẫm của người đàn ông tuổi xế chiều, cả những băn khoăn về cách mà con người đối xử với nhau… Những lá thư ấy đã được bà Hoa Hồng tìm thấy sau khi cậu bé qua đời.

“…Và ông đã nói cho cháu bí mật của mình: mỗi ngày, hãy cứ nhìn thế giới như thể đó là lần đầu tiên. Thế là cháu nghe theo lời khuyên của ông và đã áp dụng ngay cho mình. Lần đầu tiên. Cháu ngắm nhìn ánh sáng, màu sắc, cỏ cây, chim chóc, muông thú. Cháu cảm nhận làn hơi đi qua hai lỗ mũi, giúp cháu hít thở. Cháu nghe thấy những giọng nói vang vọng trong hành lang như dưới mái vòm của một thánh đường. Cháu thấy mình đang sống. Cháu run lên vì niềm vui thuần khiết. Niềm hạnh phúc được tồn tại. Trong cháu ngập tràn cảm giác thán phục”. Những lời của Oscar được soi chiếu bằng ánh mắt trẻ thơ hồn nhiên, trong sáng, như rót từng dòng cảm xúc vào trái tim người đọc, khơi gợi vẻ đẹp thánh thiện, lòng trắc ẩn, vị tha trong mỗi con người.

Mặc dù các nhân vật trong truyện đều được hư cấu, những bức thư cũng chỉ là một dạng thức sáng tác của nhà văn, nhưng lại khiến độc giả có cảm giác như họ đang được đọc những lá thư của một cậu bé ngoài đời. Bởi thực tế có biết bao nhiêu cậu bé, cô bé đang đối mặt với căn bệnh ung thư, cũng đang cố vắt từng giọt thời gian để sống! Nhiều ý kiến nhận định, cuốn sách đã chỉ cho họ cách để tìm ra hạnh phúc, cách để phân biệt đau đớn về thể xác và đau đớn về tinh thần. “Đau đớn về thể xác, ta phải chấp nhận. Đau đớn về tinh thần, ta chọn lựa được”.

Oscar và bà áo hồng của Eric-Emmanuel Schmitt, một trong những tác giả Pháp nổi tiếng thế giới, được xuất bản lần đầu tại Pháp năm 2002 và mới được dịch sang tiếng Việt. Một trong hai dịch giả cuốn sách, GS. Ngô Bảo Châu chia sẻ: “Khi cầm cuốn sách lên, có một luồng sức mạnh lôi cuốn tôi đọc nó và thôi thúc tôi dịch nó sang tiếng Việt. Câu chuyện đề cập đến vấn đề lớn nhất của một con người là đối diện với cái chết, nhưng được nhìn bằng một thái độ dũng cảm, từ một góc độ hài hước, trẻ thơ, để toát lên giá trị nhân văn, thể hiện giá trị đích thực của cuộc sống không nằm ở việc chúng ta sống bao lâu mà quan trọng là chúng ta sống như thế nào”.

Theo Lê Thư – Đại biểu Nhân dân