Đọc thơ bây giờ, có cảm giác phần đông nhà thơ đều muốn chống một cái gì đó cho đúng vẻ có bản lĩnh cách tân và hiện đại hóa; cố gắng phô diễn sự vi phạm một điều gì đấy cho có vẻ hợp thời và thể hiện sự bạo dạn của người cầm bút. Nhiều nhà thơ sáng tác sau 1986 muốn chống lại ngôn ngữ sử thi, thơ điệu ca trước kia; đối với họ đó là thứ ngôn từ đã trở thành sáo rỗng, nhàm chán, phiến diện, cần dứt khoát từ bỏ để truyền cho thơ một điệu thức mới, một đời sống thực sự mới mẻ. Họ có thể chống lại những quy ước chung của cộng đồng, những gì được cho là cấm kị, phi thơ, phi văn học; có thể chống chính thế hệ đi trước, những văn bản văn học trước đó được lưu hành và có ảnh hưởng nhất định đối với công chúng, chống lại một thứ ngôn ngữ kiến tạo ra những con người điển hình. Thậm chí, họ chống lại sự diễn giải có tính chất quán tính về thơ của họ, mọi sự đọc theo cách cũ, tiêu chuẩn cũ, chống lại những nhà phê bình quen “cầm roi” và độc quyền chân lý. Như vậy là, nhà thơ bây giờ tiếp tục đòi hỏi mở rộng tư duy và cách viết, muốn làm mới bằng cách chống lại mọi thứ hiện hữu – từ quan niệm văn học, khuôn mẫu thể loại, mỹ cảm, ngôn từ, đến những cách nhìn, cách cảm thế giới và những thiết chế xã hội văn hóa đang ràng buộc, hiệu chỉnh, quyết định mọi cái viết; kháng cự lại những cái viết chức năng/ công cụ.


Bản chất của thơ, của văn học như là sự chống lại những thói quen, những cái hàng ngày, những thứ lâu ngày đã trở thành quán tính trượt ra ngoài sự chú ý của chúng ta? Phải chăng sử dụng ngôn ngữ cấm kỵ, miêu tả những vùng cấm kỵ, bộc lộ thái độ cấm kỵ là sự đổi mới thơ/ văn học đích thực? Người viết nào cũng đối diện với một bên là bảo tồn, duy trì, triển diễn những nội dung cũ, hình thức cũ – một sự quay trở về, hòa tan vào đám đông, bồi đắp cho “những ngọn núi”; với một bên là kháng cự cái đã biết, tìm cách thay đổi, làm khác đi, nhằm tạo ra những hình thức mới, nội dung mới – một sự mở đường, tiến về phía trước. Sáng tạo là sự chống lại cái cũ, cái đã quen theo nhiều đường hướng khác nhau. Chống lại cái đã quen để làm khác, làm mới, làm cho văn học phong phú hơn, đa dạng hơn và còn để thỏa mãn khoái cảm thẩm mỹ, đánh dấu sự hiện diện của cá nhân. Sáng tạo bao giờ cũng là sự thay đổi, tháo dỡ, “sai khác”, cấu trúc lại… nhằm tạo ra cái khác. Vì vậy, sáng tạo là một hành động nguy hiểm, đầy khó khăn thử thách, không ít rủi ro và khó tránh khỏi sự chỉ trích, chế giễu, phủ nhận của đám đông đại diện cho cái cũ. Đích của sáng tạo không phải hướng đến cái tôi hay cái ta, mà là ngôn ngữ mới, luật chơi mới, tri thức mới – những thứ có thể gây ra ở người đọc một khoái cảm, hiệu ứng nào đó, thậm chí một sự khó chịu. Không có tham vọng làm khác, tạo ra một ngôn ngữ mới, lời nói mới, kí hiệu mới, cách nhìn mới nào thì sự viết đó coi như chưa có ý thức sáng tạo, chưa có bản lĩnh sáng tạo. Khoái cảm của người viết thể hiện ở chỗ anh ta say mê với ngữ pháp mới, quan niệm mới, cách nhìn mới, ý tưởng mới, từ ngữ mới. Khoái cảm của anh ta là khoái cảm với những câu chữ, kí hiệu – tự do nghĩ ra những phát ngôn mới, nỗ lực tìm kiếm cách nói mới, đặt ra những từ ngữ mới, cấu trúc những nhịp điệu khác và lạ.

Trần Quang Quý đặc biệt quan tâm đến những con chữ có đời sống riêng, những lời với âm – nghĩa – cú pháp đặc biệt nào đó. Anh thường nói đến những “cơn bão ngôn từ”, những xác chữ, xác từ, và những “chiếc lưỡi đi qua ngàn cơn bão từ vựng”. Thế giới hiện ra trước Trần Quang Quý ồn ào, phồn tạp, trồi sụt bất định. Đó là thế giới đa ngôn, đại ngôn; “thế giới những ngón tay”, thế giới được hình dung như một “siêu thị”, “sàn diễn”. Ở đấy, ý thức về lời như một ý thức về sự kiến tạo, về “ngôi nhà của hữu thể”, về quan hệ giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt, bao gồm cả những quy chế, quy ước phát ngôn đang vận hành trong đời sống. Đằng sau câu chuyện về siêu thị mặt, siêu thị lời của Trần Quang Quý là những ngẫm nghĩ sâu sắc của anh về con người và cuộc sống hiện thời. Chúng ta đã từng gặp cái nhìn ám ảnh như thế ở Siêu thị mặt…

Và giờ là Màu tự do của đất.

Màu tự do của đất tạo ra hai thế giới. Một thế giới nổi chìm trong ngoặc, những con chữ bị quy tắc hóa, bức bối, tù túng “có lúc muốn lồng lên”, muốn phá tung mọi giới hạn, muốn đổ đầy vào nó những tiềm thức, vô thức; đó là thế giới rỗng của những xác chữ. Một thế giới của đa ngôn, đa thanh, tự do sinh sôi, bất quy tắc, mọi thứ đều có quyền tồn tại ngay cả sự rỗng nghĩa. Trần Quang Quý đề cập giữa một bên là sự tự do của lời; và bên kia là sự đóng khung câu chữ. Thơ anh nghiêng hẳn về thứ quyền được nói, quyền được tự do suy nghĩ, cảm nhận, “quyền chính danh văn bản, một đặc quyền không đóng ngoặc tư duy”. Trong bài thơ Ngoặc đơn tác giả viết: “Nỗi buồn trong cấu trúc cô đơn/ chiếc ngoặc mong manh gông cùm phận chữ/ những con chữ một đời vai phụ/ những con chữ chỉ giản dị làm phu giải nghĩa/ cũng một đời thèm/ tháo ngoặc/ Tự Do!”. Nói về ngoặc đơn là nói về ranh giới, về những vai phụ. Hình ảnh ngoặc đơn – vai phụ là một trong những hình ảnh rất đắt của Trần Quang Quý. Đằng sau hình ảnh ngoặc đơn không đơn giản là chuyện câu chữ nào đó cần giải nghĩa, bồi nghĩa hay sự cần có những lời khác, tiếng nói khác, câu chữ khác thuyết minh thêm; mà còn là chuyện những con chữ đang bị gông cùm, chỉ đảm nhận chức năng bổ sung, nói thêm, nói về, làm phu giải nghĩa, và vì thế nó thường được (phát âm) lướt qua với giọng nhỏ hơn, thấp hơn. Đó là chuyện của con người, chuyện vừa có tính cách muôn thuở vừa có tính thời sự, chuyện ám ảnh, day dứt; chuyện về khát vọng tự do cất lời của những con chữ trong ngoặc đơn. Thèm tháo ngoặc là thèm tự do; thèm thoát khỏi sự đóng khung trong những vai phụ để được chính danh; thèm được tự nói về chính mình, nói với giọng to hơn, cao hơn; tự thân có nghĩa, có giá trị; là thèm bình đẳng, kết nhập vào các câu chữ khác tạo thành một khối dòng liền mạch, một cấu trúc chỉnh thể, không thể chia cắt, tách rời, không bị giới hạn. Ngoặc đơn góp một tiếng nói khác về thân phận con chữ suốt đời đóng vai phụ, những con chữ mà hồn vía của nó được dùng để trao cho con chữ khác, hướng về con chữ khác. Trần Quang Quý nói thấm thía về khát vọng tự do của những con chữ bị đóng khung, bị vây hãm, bó buộc bởi các “quy tắc ngữ pháp” mà một xã hội, cộng đồng đặt định cho nó, gán cho nó. Tinh thần bài thơ là chống lại các “quy tắc ngữ pháp”. Thơ Trần Quang Quý thoát khỏi những ồn ào sáo rỗng, “xủng xoảng ngôn từ”- như cách nói của tác giả, chính từ những tìm kiếm, suy tư sâu lắng như vậy.

Trong Màu tự do của đất, Trần Quang Quý nói khá nhiều về tự do, sự bừng thức và khai mở. Bài thơ Sự sáng là một ví dụ. Ở đây người viết tạo ra hàng loạt kí hiệu. Không gian thơ tràn đầy ánh sáng bừng ngộ, nhớ lại, tái sinh, sự sống, sự trỗi dậy, sự chuyển động đột khởi, sự tái liên kết, tinh khiết, năng lượng…. Giữa nhiều hình ảnh biểu tượng, nổi bật là “ánh sáng của một ngày tự thức”, thứ ánh sáng đối lập với bóng tối của vô thức, tiềm thức, lãng quên, các ngăn kín. Đành rằng, nói về ánh sáng không mới mẻ, nhưng mô tả nó như biểu trưng “đánh thức bản nguyên”, lòng trắc ẩn, sự vươn tới tự do, khám phá chiều sâu của tâm hồn là một nỗ lực đáng quý của Trần Quang Quý: “Ánh sáng của một ngày tự thức/ ánh sáng len lỏi vào ngõ quen, vào ngóc ngách vô cảm/ đánh thức bản nguyên/ cởi nút thắt bóng tối nằm hoang muội trong bức tường câm thức/ Ánh sáng dẫn tôi bò qua những con dốc nhịp thở/ gõ cửa trái tim cảm hứng/ bánh xe trật tự khởi quay/ và bật dậy trong tôi những lãng quên biền biệt chân trời… ánh sáng khoan thoai trong khung cửa ngộ thức/ hình như tôi vừa tự mở khóa mình”. Ở đây hành động, nhịp điệu của ánh sáng trở thành những dấu hiệu biểu hiện sắc thái tinh tế của tư duy, lý tính (ánh sáng dựng lên, len lỏi vào rãnh quen, dẫn tôi bò qua tôi, gõ trái tim cảm hứng, ánh sáng tan chảy, ánh sáng ghì thung lõm, ánh sáng khoan thai…). Sự sáng hướng dần về sự tiếp nối, điều hòa giữa các yếu tố vô thức và ngộ thức. Sự sáng chống lại tình trạng cá nhân tự giam hãm mình, vô cảm, im lặng, lãng quên, trì đọng; Sự sáng hướng đến bản ngã, bản sắc của chủ thể phát ngôn; sự sáng không phải đơn thuần kể về ánh sáng từ cái nhìn không gian, mà là câu chuyện về thay đổi, sự sáng tạo ra hình ảnh mới, mở ra không gian mới, nhen nhóm lên cảm hứng và nhận thức mới; là nhu cầu mở lòng hòa nhập, nhu cầu giải thoát, “tự mở khóa mình” của chủ thể. Đọc Trần Quang Quý không phải đọc cái nổi lên bề mặt ngôn từ mà đọc cái trật tự ẩn, đọc những không gian ký ức, tiềm thức trong văn bản.

Để làm giàu cho khả năng biểu đạt, Trần Quang Quý hướng về nhiều biểu tượng truyền thống, cấp cho nó những cảm quan mới. Trong cái nhìn của tác giả, hình ảnh đất trở thành cái toàn thể, qua đấy thấy được những biến thiên của cuộc đời. Có thể đọc từ đất những dấu chân, gương mặt, lời nói, những vực thẳm, cạm bẫy, bài học làm người: “Tôi đọc trên đất những bước đi ngắn, những bước đi dài/những khi bước thấp, những khi bước cao/bài học ban đầu/thuở còn lẫm chẫm/trang sách nhân gian đất bày vô tận/…Một đời khát vọng/tìm gió/theo mây/mới hay mọi điều học ngay từ đất” (Từ đất). Đất chính là cuộc đời, hiện thực, đất phong phú vô hạn, đất cấu trúc sự sống. Bài học từ đất là bài học từ cuộc đời, trong nhân gian, và từ lịch sử; có thể học làm người, học mọi sự trên đời từ ngay những thứ xung quanh ta, ngay dưới bàn chân ta. Từ đọc đến học là một sự lĩnh hội, thấm thía, chuyển hóa, và tri ân. Trần Quang Quý chọn lựa ngôn ngữ giản dị tưởng như không dụng công tu từ để nói với chúng ta sự nghiệm sinh của cá nhân. Trong thơ Trần Quang Quý chủ thể phát ngôn có tâm thế hướng về phía trước, về cái đang mở ra, đang bắt đầu, ngay cả khi người nói xuất phát từ truyền thống, những cái đã quen thuộc; anh ta tìm cách để có được một tương lai trong ngôn ngữ đang kiến tạo. Từ đất là một cái nhìn động, là cái khởi đầu, là nền tảng và căn cước văn hóa “đất cùng ta mùa màng, đón ta về vô tận”. Bài thơ Từ đất là một bài học đọc: sống là không ngừng đọc nếm trải. Từ đất cấp cho chúng ta một bài học về sự lắng nghe, phải biết lắng nghe từ trang sách nhân gian và từ tự nhiên, từ lịch sử của đất để có ứng xử phù hợp; nhưng Từ đất còn gợi ra một bài học về sự tìm kiếm các giá trị, ý nghĩa trong những cái giản dị, quen thuộc, và trong các huyền thoại xa xưa, các mẫu gốc (đất…), tìm đọc từ đất là tìm về những giá trị cốt lõi. Từ đất chống lại cái nhìn bàng quan, đơn giản, phiến diện; đồng thời từ chối những giấc mơ, khát vọng “tìm gió, tìm mây”, những tìm kiếm viển vông, xa vời; nó kéo chủ thể trở về mảnh đất hiện thực, đòi hỏi anh ta gắn bó với thực tế gần gũi.

Trần Quang Quý là nhà thơ của giấc mơ về cánh đồng, người đánh những cánh đồng tiềm thức, làm sống dậy ký ức đất đá, cây cỏ, mùi rơm rạ, bùn đất. Anh không chối bỏ cội rễ, vùng quê miền núi của mình, có cảm giác nhiều khi anh trốn phố về làng, thơ anh “trùng điệp bóng quê” nhưng cũng không hẳn ở yên đấy. Anh “không chỉ sống cho hoài niệm, mà đúng hơn, muốn mang những hoài niệm rót vào cuộc sống hôm nay để làm mới nó, để nó mang một ý nghĩa biểu đạt mới.” (Trần Quang Quý). Trong máu thịt Trần Quang Quý rất gắn bó với không gian miền núi, nông nghiệp, với vùng đất cội nguồn; hình ảnh ngày mùa, sương muối, mùa cốm thơm, gió heo may, cây cỏ… trở thành một phần ký ức thơ anh. Mặc dù hình ảnh thôn quê, làng quê thường xuyên hiện hữu trong thơ nhưng đọc Trần Quang Quy thấy anh rất mới, anh nói về làng quê bằng ngôn ngữ hiện đại, ngôn ngữ đương đại. Trong Bài hát tháng Mười hình ảnh cánh đồng trở đi trở lại nhiều lần dưới nhiều dạng thức: cánh đồng châu chấu, cánh đồng cỏ dại, cánh đồng mê cảm, cánh đồng mệt nhoài… Nói đến cánh đồng trong Màu tự do của đất là nói đến không gian nguồn cội, đến vùng ước mơ thẳm sâu, một nhịp trầm, chậm của đời sống. Bài hát tháng Mười là bài hát về con đường gieo hạt, về mùa dâng hạt: hạt lúa và hạt người. Trần Quang Quý xem trọng không gian văn hóa gốc (làng quê), coi đó như một giá trị bền vững, một mảng đời gắn bó, một nguồn cảm hứng sáng tác dồi dào, một thứ trầm tích. Cũng do viết nhiều về cái đã qua, về cái thực tại hơn cái mơ ước, viễn cảnh, nên thơ Trần Quang Quý giàu tính chiêm nghiệm, tính triết lí và ý nghĩa xã hội. Ở Trần Quang Quý cái nhìn không gian thường hướng về phía kí ức – những ngày xưa, về con đường đời – những phận người, và thường gắn với những suy tư, giấc mơ, ước vọng có khi “ngược về cổ xưa tiền kiếp”.

Cảnh vật, con người trong Màu tự do của đất tràn ngập nỗi “nhớ xưa”. Đọc Màu tự do của đất còn là đọc những ký ức xưa trở lại, đọc thứ thơ “bay ngược quá khứ”; đọc một dáng xưa, nét xưa, nhịp điệu xưa trong vẻ hiện đại, ồn ào của phố phường; có thể kể đến ở đây chẳng hạn bài thơ Cổ Ngư một lát cắt. Nỗi nhớ trong Cổ Ngư một lát cắt là nỗi nhớ không gian cổ kính, không gian tĩnh lặng thấm đẫm khát vọng an bình của dân tộc. Nhưng đọc Cổ Ngư một lát cắt ta vẫn cảm thấy ngôn ngữ thơ Trần Quang Quý thuộc hẳn về không gian đương đại/hiện đại: từ một buổi chiều dậy thì khỏa sương Tây Hồ, một mùa thu vàng cởi cuống xiêm y, với dáng xuân hừng hực qua đường đến bầu trời lơ lửng những cặp môi và những ký ức treo trên vòm lá… đều khoác chiếc áo hiện đại, chiếc áo thanh xuân. Tác giả cố gắng làm mới trên thi liệu, thi ảnh quen thuộc bằng cách truyền cho nó những cảm thức mới, nhịp điệu mới. Hành trình tìm về truyền thống, hồn quê, trở lại những tháng năm xưa cũ, đối với người phát ngôn trong thơ Trần Quang Quý như là để gột mình, để quăng bỏ “những bức bối thị thành, những muộn phiền nhầu nhĩ/những gương mặt nhạt nhẽo, những cái nhìn tị hiềm”. Ẩn trong câu chữ Màu tự do của đất một khát vọng phiêu bồng, phiêu du, tự do, tự tại của cái tôi. Không phải ngẫu nhiên, Trần Quang Quý nỗ lực kiến tạo cho mình không gian riêng để nương náu, để chầm chậm bước về, tìm về trong ngay những lát cắt thị thành đặc sắc. Cũng trong mạch cảm hứng tìm về như thế, Trần Quang Quý sáng tạo ra một Sơn Tây hiện đại nhưng không đánh mất hồn đất cổ kính ngàn tuổi. Nhìn thành quách nghĩ về thời gian dâu bể, viết về xứ Đoài với mây trắng, đá ong rêu phong và trung du cuộn đỏ hiển nhiên không còn mới nữa; nhưng viết về Sơn Tây với ngôn ngữ và trí tưởng tượng táo bạo như tác giả Màu tự do của đất đã làm thì không dễ gì viết được. Dường như Trần Quang Quý không thuần tả cảnh Sơn Tây, người Sơn Tây mà đang đánh thức, tìm kiếm, kiến tạo cái chất Sơn Tây, sức sống Sơn Tây hòa quyện trong cảnh trí, con người. Tác giả chọn cho mình một lối về, một lối vào “phế hoang chiều cổ đại”, chọn cho mình một cuộc gặp quen gần và tình tứ với “những cô nàng răng đen hạt nhót đang cười duyên”, nghĩa là người viết ấy đã chọn được những gì chung nhất, đặc trưng và ấn tượng nhất trong sự trải nghiệm, tưởng tượng. Đọc Sơn Tây ta gặp những câu thế này: “Các nàng liếc nhìn tôi bằng sâu thẳm bầu trời thị giác/ bằng cả những phía sau cong mi… Tôi đi qua ngàn năm để đỏng đảnh một chiều váy ngắn… Sông hổn hển kể những ngày nàng thôn nữ ra bến quê giặt yếm/ khỏa những nụ cười duyên/ giặt cái dịu dàng, giặt phồn thực/ các nàng giặt tôi, kì cọ tôi bằng chiều quê cổ điển/ bằng cổ tích Ba Vì, bằng cả bây giờ quần jean, tóc hấp” (Sơn Tây). Đó là những câu thơ góp phần “làm mới Sơn Tây” gợi được nhiều cảm nhận bất ngờ về một đời sống khác, một vẻ đẹp khác. Trần Quang Quý muốn làm mới những cái đã trở thành truyền thống trong thi ca. Cái tạng của anh và năng lực sáng tạo dồi dào của anh bộc lộ trong lối thơ như vậy.

Cái nhìn nghệ thuật ở Trần Quang Quý có tính hệ thống. Anh thường nhìn sự vật hiện tượng như một thế giới, một cấu trúc, tự thân chúng chứa đựng một câu chuyện nhân sinh nào đó; người viết nỗ lực tìm kiếm khám phá “những vỉa người”, đọc những giọng nói, diện mạo, đời sống, thân phận, cách ứng xử của con người trong mỗi sự vật hiện tượng quan sát. Tác giả Màu tự do của đất thường chọn một hình ảnh, sự vật, hành động nào đó rồi soi ngắm, cắt nghĩa nó từ nhiều chiều và nhiều dạng thức biểu hiện, người phát ngôn liên tục đưa ra các chất vấn, dò hỏi, phán đoán, những định nghĩa, diễn giải để vừa nhằm nắm bắt bản chất câu chuyện mà chúng muốn kể, nghe cho được những tiếng nói rất riêng ấy cất lên vừa nhằm tạo nhịp, tạo giọng, tránh sự đều đều như thường thấy. Trên cơ sở những liên tưởng phong phú, những thủ pháp luyến láy, điệp ngữ, Màu tự do của đất tạo ra các chùm hành động, chùm hình ảnh biểu tượng, tạo thành một thế giới đa diện. Ví dụ, nói về mảnh vỡ, Trần Quang Quý đi từ những mảnh vỡ thời gian, những mảnh gốm ngủ trong lòng đất, đến mảnh vỡ đam mê, mảnh vỡ tâm hồn, mảnh vỡ trái tim, “những mảnh vỡ quẫy lên tiềm thức”; hoặc nói về chiếc lưỡi, người viết quan sát nó trên vũng cạn ngôn từ, từ diễn đàn hội nghị đến nơi bán mua cổng chợ; nói về ngón tay, chủ thể phát ngôn tạo ra một thế giới “những ngón tay giao cảm gọi mùa”, một “miền hoang ngón”; hay khi nói về nỗi buồn (nhân vật tôi gọi là “điểm danh những nổi buồn để chúng không đơn lẻ/không đơn lẻ chính tôi/nỗi buồn cũng cộng đồng”) Trần Quang Quý gói chúng thành “từng mùa đau”….

Màu tự do của đất là một thế giới đa thanh, mở ra một thế giới tiếng nói, giọng nói: từ tiếng nói của sông, của ghế, của đá, tiếng mài gươm, tiếng đại ngàn, tiếng nói của tiền nhân, tiếng hát của cánh đồng châu chấu, tiếng hát sương khuya, tiếng chim sẻ thời thơ ấu, tiếng cỏ hát, tiếng thở dài của hàng cây, tiếng hạt nảy mầm, tiếng gầm mãnh thú, tiếng vỗ cánh ban mai, đến tiếng gọi đáy ngày, tiếng vọng những mảnh vỡ, tiếng nghiến răng của lịch sử, tiếng gọi nhau toát lạnh vỉa tầng tử khí, và giọng hát thật của chính những câu chuyện được chôn vào quá vãng… Nghĩa là tác giả đã nghe thấy trong mỗi sự vật, không gian một ngôn ngữ, một cách nói giao cảm, một thái độ nhân sinh. Trong Màu tự do của đất có cả bài thơ hay về Giọng, về “thế giới đa giọng, đa thổ ngữ”. Chú ý đến tiếng nói, giọng nói, những tiếng vọng, tiếng dội… ở đây, là quan tâm đến sự sống, sức sống, những kiếp sống, đến đời sống bên trong, những dấu hiệu về hoạt động chức năng của ký ức văn hóa và lịch sử. Thơ Trần Quang Quý có bản sắc và chiều sâu tư tưởng; có thể xem đó là thứ thơ sáng tạo ra để thay đổi những cảm nhận thông thường, để suy ngẫm và thôi thúc chúng ta tự hỏi, tìm câu hỏi về nhân sinh, nhân tâm.

Để làm mới, làm khác, nhà thơ cần có ý thức về cửa ải cấu trúc để thay đổi cấu trúc. Trần Quang Quý có ý thức rõ rệt trong việc cấu trúc các tập thơ của mình. Màu tự do của đất tạo dựng rất nhiều con đường biểu tượng. Con đường là một trong những hình ảnh xuyên suốt tập thơ. Màu tự do của đất là thơ về những con đường, “những con đường vời vợi bóng người”, “mỗi con đường đều có một số phận” khác hẳn với những tập thơ thường được gom ghép từ những bài lẻ. Gọi sẻ là bài thơ xúc động về “giai điệu cánh đồng”, về “con đường chạy dọc ấu thơ”, về mùa sẻ xây tổ ấm, về “hạnh phúc lót bằng đời rơm rạ” – những thứ đã trở thành máu thịt, thấm vào máu thịt… Gọi sẻ được nhà thơ cá nhân hóa trở thành gọi tuổi thơ, gọi những kỉ niệm, những “mùa khốn khó”, và gọi “những mùa thơm hạt”; gọi còn là nhớ lại, nhắc về, là khao khát, ám ảnh khôn nguôi. Thơ Trần Quang Quý đúng là thư thơ của những hồn dân dã, một thứ thơ gói đựng những ước mơ lộng lẫy, muốn cất lên, bay lên, “thắp lên cánh vỗ những chân trời” trong những gì rất đỗi bình dị, nhỏ bé và đời thường.

Màu tự do của đất đặt ra không ít vấn đề nhân sinh sâu sắc. Thơ Trần Quang Quý là thứ thơ đau đáu với con người hiện tại, với cách sống hiện tại của con người: “Trong mắt rắn, dĩ nhiên rồi ta cũng loài rắn/ngôn ngữ của trườn bò…Trong mắt bầy khuyển kia, làm sao khác ta cũng thành đồng loại/ những cơn tru hoang (tiếng người hóa dại)/ ngày thấp thỏm quạ kêu, đêm chập chờn cú rúc/ những con mắt gài quanh bờ giậu/ lách nhách cắn bóng đêm hay tự sủa phận mình/ có cái chết trong bầm rập vết răng đồng loại/ có bước chân côi cút lẻ bầy” (Đồng loại). Người làm chữ ở đây chú ý đến cách nhìn và thứ ngôn ngữ nói về kẻ khác, đến cách ứng xử và cùng với nó là những thân phận. Trần Quang Quý cố gắng trình hiện trước chúng ta một thứ ngôn ngữ diễn giải, một không gian – nơi tiếng nói cất lên nhằm kiến tạo diện mạo và số phận kẻ khác. Bài thơ Đồng loại trả lời câu hỏi ai có thể tạo dựng hình ảnh “chúng ta”, và những gì có thể được đồng loại của mình dùng để định nghĩa. Bài thơ Mặt ghế thể hiện những quan sát về “một sàn diễn của vòng quay thế sự”, “có cái đầu luôn khát tự do/lại có tự do tự gông cùm trên ghế”, “đó đây những gương mặt mộng du quyền lực/bài hát về tự do dài rộng thiên nhiên/thiên nhiên mãi mãi tươi xanh”. Bài thơ Có những điều giản dị biểu hiện một mơ mộng về bản thể, một khát vọng về cách sống đẹp, nó chống lại sự giả dối. Nói thật, sống thật, ở đấy, vừa là quan niệm, thái độ sống, vừa là một phát ngôn về việc sống của nhân vật tôi: “Được sống thật không dễ/nói thật dễ gì hơn?/Tôi lột vỏ ngôn ngữ/cùng đồng bào từ vựng của tôi tự do ùa xuống mặt đường/… Phóng túng gì bằng được giải phóng lời khỏi những mật ngữ/hứng khởi gì bằng bóc vỏ tự do/nghe trái tim cuộn chảy dòng máu nhân sinh/nghe sự thật bong ra khỏi vai diễn/nghe cội rễ tự nhổ khỏi đất cằn những ngày nhạt…”. Có những điều giản dị là một tuyên ngôn, một lời tự vấn của người viết. Trần Quang Quý khẳng định: “Thái độ sống quyết định sáng tác. Tôi cho rằng, dù làm bất cứ việc gì, nếu không tận tâm, tận lực với nó thì chỉ có thể thành thợ. Văn chương lại khó khăn hơn nhiều; đặc biệt là thơ. Nó đòi hỏi sự ký thác máu thịt, một thái độ văn hoá, một sự đồng cảm lớn…”. Đến tập thơ này, qua nhiều bài thơ ký thác, Trần Quang Quý một lần nữa, thể hiện rõ quan niệm sáng tạo nhất quán của mình, đồng thời đặt ra và kiến tạo những chuẩn mực trong xã hội, những ứng xử giữa con người với con người.

Màu tự do của đất mở rộng phóng túng những liên tưởng, tìm tòi, tạo ra cho độc giả nhiều trải nghiệm về vẻ đẹp của hình ảnh và ngôn từ độc đáo. Người làm thơ nhạy bén với những vẻ đẹp phồn sinh cuốn hút, những vẻ đẹp lỗng lẫy, mềm mại và tràn đầy sức sống. Màu tự do của đất là thơ của những sinh sôi bất tận, của ngôn ngữ tuôn trào mạnh mẽ và táo bạo. Đọc Trần Quang Quý người đọc vẫn thấy ngôn ngữ thơ tinh tế, giàu sức gợi mà lại là những tìm tòi về câu chữ, cách nói, những cách biểu đạt mới lạ, chứ không phải thứ ngôn ngữ giản đơn, ít giá trị tu từ, như ta vẫn gặp trong thơ “đổi mới” hiện nay. Màu tự do của đất không khiêu khích người đọc bằng cách làm rối trí họ, thách đố sự tiếp nhận của họ; ngược lại, nó muốn chinh phục người đọc qua “những điều giản dị” và qua những hình ảnh đẹp, độc đáo.

Trần Quang Quý là một nhà thơ có ý thức làm mới, làm giàu ngôn ngữ thi ca, một người “muốn làm khác những gì đã cũ ở ngay mình”. Trong bảng ghi danh các tác giả nỗ lực đổi mới thơ Việt đương đại có tên Trần Quang Quý một cách đường hoàng. Anh đến sau một nhịp so với nhiều nhà thơ cùng lứa, cũng được độc giả biết đến có phần muộn hơn. Nhưng lại là một trong những người thể hiện rõ khát vọng muốn làm cho câu thơ Việt khác trước, ngôn ngữ và thi ảnh khác trước. Trần Quang Quý có một nẻo đi riêng biệt nhưng luôn ý thức về những giá trị mà thơ ca cần hướng tới. Có ý thức đổi mới nhưng anh không đánh cược với sự may rủi. Cách tân cần bản lĩnh, cần “có vốn”, nhưng không thể bằng tâm thế may rủi. Màu tự do của đất từ chối lối viết hậu hiện đại đang trở thành mốt, bởi đó không phải là thế mạnh, con đường lâu dài của Trần Quang Quý, nó chỉ là một kinh nghiệm tham khảo đối với người làm thơ này. Sự đổi mới ở Trần Quang Quý, qua Màu tự do của đất, xem ra có phần bình tĩnh hơn, đỡ ồn ào hơn nhiều so với nhiều tác giả thường tuyên bố cách tân đương thời; người viết ở tập này vẫn đề cao “huyết mạch truyền thống”, vẫn thấy có một sợi dây truyền thống gắn bó từ trong tiềm thức, vô thức mỗi người cầm bút. Màu tự do của đất tiếp tục vun đắp cho những mỹ cảm truyền thống nhưng lại có được ngôn ngữ mới mẻ; một tập thơ có sự lai trộn giữa lối viết truyền thống và ngôn ngữ hiện đại; và đó chính là giá trị nổi bật của tập thơ này