Trần Ninh Hồ là người có quá nhiều tuyên ngôn về thơ. Ông bảo: Thơ là quá trình bôi và xóa. Thơ là hai trang giấy bỏ quên nằm giữa những gì chưa kịp viết. Thơ là sự bất lực của người viết, nên trước ông lúc nào cũng mênh mông giấy trắng. Và cuối cùng, hình như thơ chỉ là thơ. Tuyên ngôn về thơ như thế là quá đủ.

Trong “Thủng thẳng với mùa xuân”, ông có hai câu lúc nào cũng ám ảnh tôi mãi: “Chợt ước thành đom đóm/ Vừa bay vừa giật mình”. Tôi cảm thấy ở hai cái đinh đóng vào trí nhớ của bạn đọc này vừa là hành trình tới đích vừa là một vệt sáng khác thường, nối dài của những khoảnh khắc không ngừng vận động, di chuyển trong cõi vô cùng, vô tận. Hai từ “giật mình” còn hàm chứa một tâm trạng thật ấn tượng, không yên, bé nhỏ mà không bé nhỏ chút nào. Nó giống như cát hàm chứa cả sa mạc, muối hàm chứa cả đại dương, như cái vô hạn đôi khi nằm gọn trong lòng một bàn tay.

Thơ Trần Ninh Hồ là thứ thơ thiên về cảm xúc trí tuệ. Riêng về cảm xúc trong thơ, ông rất thích Nguyễn Du với “Giột lòng mình mới nao nao lòng người” và rất thích Đỗ Phủ với “Thơ ba năm được hai câu/ Ngâm lên ta dẫu rầu rầu lệ tuôn/ Bạn nghe sắc diện bình thường/ Thì đành làng cũ tìm đường về thôi”…

Ở tuổi 73,  như bất chấp tuổi tác, ông vẫn là người đi nhiều, viết nhiều và nói nhiều.

Tính đến nay, ông đã cho  in 8 tập thơ, 7 tập truyện ngắn, 1 truyện dài và cũng đã được trao giải nhì cuộc thi truyện ngắn do Báo Văn nghệ tổ chức năm 1971, tặng thưởng thơ Hội Nhà văn năm 1996. Cách nay 3 năm, ông đã được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Đấy là sự văn, còn sự đời thì sao? Trần Ninh Hồ làm lính văn nghệ ở chiến trường B2 thời kỳ trước 1975, từng là phóng viên mặt trận của tờ Văn nghệ Quân giải phóng B2 rồi Văn nghệ giải phóng khi nước nhà thống nhất, từng gắn bó với nhiều nhà văn như Nguyễn Trọng Oánh, Thanh Giang, Nam Hà, Triệu Bôn, Văn Lê… Từ 1977 đến 1996, ông từng là Trưởng ban văn xuôi, Trưởng ban thơ, Trưởng ban phóng viên qua 7 đời tổng biên tập, quyền tổng biên tập ở Báo Văn nghệ cả thảy. Đến năm 1996, ông có một thời gian ngắn đảm nhiệm chức vụ Chủ nhiệm Chương trình Bảo tàng văn học Việt Nam thuộc Hội Nhà văn Việt Nam.

Năm 1988, ông theo học cao học ở Học viện Goócki tại Liên Xô trước đây, quê hương của Puskin, Lépmôntốp, LépTônstôi, Gôgôn…? Thời gian theo học ở Học viện Goócki tuy ngắn ngủi nhưng cũng đủ cho ông hiểu một Liên Xô đổi mới, cởi mở và dân chủ đại thể như thế nào.

Khi  có người hỏi: “Thế kỷ 20 đã trôi qua. Về thơ, nếu để chọn một tác giả lớn, tôi sẽ chọn Chế Lan Viên. Đó là nhà thơ có tư tưởng, có cảm xúc trí tuệ. Cái bóng của ông rất lớn và đã trùm lên bóng của một số nhà thơ khác. Ngoài ra, Chế Lan Viên còn là một nhà phê bình sắc sảo, vu khoát. Chế Lan Viên cũng là người có kiến thức đáng kinh ngạc, thuộc diện thông kim bác cổ. Còn ông thì sao?”  Trần Ninh Hồ trả lời: “Tôi không cực đoan đến thế. Và nếu chỉ chọn có một thì thật khó. Tôi chọn 4 nhà thơ: Tố Hữu, Huy Cận, Chế Lan Viên và Văn Cao. Theo tôi, Tố Hữu gần như là nền móng của thơ ca cách mạng bắt đầu từ “Từ ấy”. Thơ Huy Cận có vẻ đẹp kinh điển. Thơ Chế lan Viên có vẻ đẹp bứt phá ngang dọc đầy thể nghiệm và thành công ngay trong thể nghiệm. Thơ Văn Cao luôn cách tân và có một giọng điệu mới. Có một thời, thơ ông đã chi phối sự cách tân của cả “nền thơ” Hải Phòng. Thành công nhất của Văn Cao là “Trường ca cửa biển”. Sau 4 nhà thơ trên, tôi chọn thêm Nguyễn Bính nữa. Thơ Nguyễn Bính có vẻ đẹp dân dã và giang hồ. Viết về sự chia xa mà Nguyễn Bính viết thế này, cũng gớm ghê đấy chứ: Một mình làm cả cuộc phân ly!”

Thời là Trưởng ban thơ Báo Văn nghệ, Trưởng ban sáng tác trẻ Hội Nhà văn Việt Nam, Trần Ninh Hồ rất quan tâm đến thơ trẻ, đặc biệt là những người sinh sau năm 1975. Ông thường nói: “Tôi yêu sự tìm tòi mới mẻ, trẻ trung của họ. Phẩm chất đáng yêu này sẽ đem đến cho bạn đọc và những thế hệ cầm bút trước họ về cách cảm, cách nghĩ. Họ gợi đến sự “đổi mới hay là chết” và khát vọng đổi mới của họ thật đáng khích lệ”. Nhiều lúc, ông đã khuyên họ: “Hãy bắt đầu từ gốc rễ (sức nghĩ), bắt đầu từ sự phong phú của đời sống và tri thức của dân tộc, nhân loại. Từ sức nghĩ sẽ tạo ra sức mạnh cho sức cảm. Bởi vì sức nghĩ là xương cốt, sức cảm là máu thịt. Hay còn gọi là mối quan hệ giữa hồn và cốt trong thơ. Theo Thánh Thán thì nghĩ mà đến được thì đi một bước (hay viết một từ) cũng gần cái nơi phải đến, nghĩ mà không đến thì đi ngàn dặm (viết ngàn từ) càng xa cái nơi phải đến”.

Ông nói tiếp: “Có một câu mà dường như người Á đông nào cũng biết: Đại giác thì đại mộng. Xem thế thì mọi tìm tòi chữ nghĩa, nếu chỉ dừng ở mức hình thức hoặc chỉ là hình thức, thì mới chỉ lập lòe xanh đỏ, vẫn mang nhiều tính chất của quảng cáo hàng chợ. Chính ánh sáng trắng ngỡ như không có mới là sự hòa nhập tuyệt vời của bảy săc màu căn bản. Những giá trị đích thực (hồn và cốt, mộng và giác) cho con người có cảm giác đứng trước sự trong trẻo trước ánh sáng trắng của khí trời. Thợ mỏ có một từ rất hay để phân biệt giữa gió trời và gió nhân tạo. Và thợ mở gọi gió trời là gió tươi. Nếu trong thơ mà kết hợp được ánh sáng tự nhiên và gió tươi thì không có gì lý tưởng hơn. Cách đây gần hai trăm năm, “Thần Siêu” (Nguyễn Văn Siêu) từng phê phán sự duy hình thức rất hiện đại qua một bức thư gửi “Thánh Quát” (Cao Bá Quát). Nội dung bức thư như sau: “Gần đây (ở Hà Thành) có một bọn tự biết mình bất tài, không thuyết phục được ai, liền sinh ra loại văn chương tắc tị và bí hiểm để hù dọa thiện hạ. Mới đầu thì kẻ ngu tin. Sau rồi, đôi kẻ có trí cũng a tòng mà đi theo. Cái sự độc hại này, xem ra còn ghê gớm hơn văn chương của bọn người không đọc sách”.

Ông bảo: Suy cho đến cùng thì loạn thư còn ghê gớm hơn thất học. Ông bảo:  Văn chương đích thực là thứ rước không lên, dìm không xuống, cái gì còn thì còn, cái gì mất phải mất.

Có người lại hỏi: “Thơ bây giờ in ấn nhiều quá! Có người bảo: Thơ đang “lạm phát”, vậy thì đáng mừng hay đáng lo, thưa ông?” Trần Ninh Hồ nói ngay: “Chẳng có gì để nói thơ “lạm phát” cả. Thay vì truyền miệng thơ thì người ta in ấn thơ. Âu cũng là thực hiện quyền tự do xuất bản vậy! Chỉ có điều cần bàn nếu thấy cái gì gây tạp cho xã hội thì phải sàng lọc ngay không chờ thời gian, như người ta đánh phèn để cho nước trong ngay, không chờ nước tự lắng. Chúng ta làm thế để có nước trong ngay thỏa mãn kịp thời cho những cơn khát văn chương. Nhiệm vụ này đầu tiên thuộc các hội đồng biên tập của các nhà xuất bản”. Rồi ông phàn nàn: “Tuy vậy, tôi vẫn không hiểu làm sao: Nhiều tập thơ ra đời chỉ đơn giản vì tác giả của chúng lắm tiền. Chẳng lẽ có nhiều người có lắm tiền, không biết làm gì, nên mới sinh chuyện với thơ như thế? Thơ không cần ăn một cách cầm hơi như vậy!”

Trần Ninh Hồ viết văn trước khi làm thơ. Ông có thời đến với bạn đọc bằng cả văn lẫn thơ. Hay nói một cách khác: Ông đã đi vào văn học bằng hai chân: Thơ và văn. Còn bây giờ, ông chỉ tập trung cho thơ thôi. Văn của ông rất có thành tựu và có mặt đầy đủ trong các tuyển tập văn xuôi Việt Nam. Lâu rồi, ông không viết văn vì ông bị thơ cuốn đi. Vả lại theo ông, làm thơ sướng hơn viết văn và theo ông, làm thơ là hạnh phúc nhất, vì thơ nó huyền hoặc và quyến rũ ông một cách kỳ lạ.

Tuy vậy, cũng như nhiều người, ông làm nhiều thứ khác để mưu sinh thuần túy như viết báo, viết phê bình văn học, viết bản kịch phim…Vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, ông đã cùng nhà văn Nguyễn Khắc Phục viết xong kịch bản phim tài liệu 12 tập về 1000 năm Thăng Long.  Tuy vậy, thơ với ông, vẫn là một thứ tôn giáo không thể thay thế.

Cách này dăm năm, một tuyển thơ Trần Ninh Hồ dày dặn đã được xuất bản. Mới đây gặp tôi, ông nói: “Về mặt thi pháp, tôi vẫn thích tân cổ điển (hay còn gọi là phục hưng mới), vừa truyền thống vừa cách tân. Trong sáng tác, tôi rất thích quan niệm của Viên Mai (một học giả đời Thanh ở Trung Quốc): Trong thơ, ý tứ như ông chủ, còn ngôn ngữ chỉ như đầy tớ. Một khi đã không có ông chủ thì lũ đầy tớ mặc quần áo đẹp để làm gì!”

Qua nội dung bức thư của “Thần Siêu” gửi “Thánh Quát” (đã nêu ở trên) và quan niệm của Viên Mai về thơ, mới hay cái sự “ôn cố tri tân” của Trần Ninh Hồ mới chí lý làm sao!


Theo Đặng Huy Giang – Nguồn VNTPHCM