Khác với vẻ ngoài im ỉm, ít nói, Trần Nhã Thụy với bút danh Hai Đầu Méo, có đủ chuyện để kể ở cuốn sách “Váy ơi là váy”.

Tên sách: Váy ơi là váy

Tác giả: Hai Đầu Méo (Trần Nhã Thụy)

NXB Hội Nhà văn và Phương Nam ấn hành

“Khi đọc lai rai những tiểu phẩm ký bút danh Hai Đầu Méo, tôi không tin là gã”. Đó là sự ngạc nhiên của Lê Minh Quốc khi phát hiện, hóa ra những bài tiểu phẩm Hai Đầu Méo mà anh đọc bấy lâu nay lại chính là của gã trai anh vẫn hay gặp: Trần Nhã Thụy.

Phát hiện ra điều này, Lê Minh Quốc cho rằng, nói “văn là người” là trật lất. Ít ra trong trường hợp của gã Hai Đầu Méo. “Thoạt nhìn bản mặt của gã, tôi luôn sực nhớ đến cái tựa rất oách của nhà văn bậc thầy Nam Cao: “Cái mặt không chơi được”. Hoặc nói như ngôn ngữ của thời “Sát thủ đầu mưng mủ” là chán như con gián. Ai đời, trong những cuộc trà tam tửu tứ, thiên hạ đua nhau huyên thuyên ba hoa chích chòe, tranh nhau tào lao xích đế thì gã cứ ngồi ngậm câm như thóc”, Lê Minh Quốc tiếp tục bình luận tếu táo về tính ít nói của Trần Nhã Thụy.

Bìa cuốn “Váy ơi là váy”.

Đúng là làm sao Lê Minh Quốc có thể ngờ được Hai Đầu Méo lại là Trần Nhã Thụy cơ chứ. Bởi bản thân “gã” này sau mấy năm đọc lại tiểu phẩm của mình cũng không nhận ra đấy là những tiểu phẩm do chính mình viết.

Thử nghe Trần Nhã Thụy lý giải về bút danh Hai Đầu Méo: “Tại sao là Hai Đầu Méo? Vì tôi vốn thứ Hai, từ nhỏ đã sở hữu một cái đầu hơi… móp méo, nên khi nghĩ bút danh cho mục Tiểu phẩm (trên báo) tôi đã lấy cái tên nghe ngồ ngộ này. Thêm nữa, vì đây là tiểu phẩm châm biếm, nên phải được tư duy bằng cái đầu hài hước và hơi… méo mó một chút”. Thế đấy!

Cuốn Váy ơi là váy gồm 46 tiểu phẩm của Hai Đầu Méo bám sát với thời sự mỗi ngày. Từ chuyện trong nhà ngoài ngõ, đến chuyện vi mô, vĩ mô, thể hiện qua các tiểu phẩm: Ăn tết ở phố… Vui thật!, Bà già Noel, Bí quyết sách Best Seller, Bờ mông cực buồn, Chửi… Giỏi, Chuyện tình thời… Lô cốt, Con đường… Mau đẻ, Đời sống… Lên cao!, Hạnh phúc thời tăng giá, Khi thi sĩ thi Game show, Oan như… Mắm tôm, Triển lãm… Tội ác các ông chồng, Xóm Hô – Li – Út, Váy ơi là váy…

Các nhân vật của anh cũng xuất hiện với những cái tên cực méo mó, như: Văn Tèo, Thị Hợi, Văn Tóp, Văn Teo, Thị Búp, đại gia Tý Tửng, Bảy cà rem, Trần Văn Mười Bảy, Chín Cà lăm, nhà văn Xèng, đạo diễn Lé Ròm, thi sĩ Tủn, chủ bút của một tờ báo thì có tên Văn Nhất Định Mới… Nhân vật của Hai Đầu Méo quan niệm về cuộc đời khác hẳn mọi người. Hãy nghe Bảy cà rem quan niệm: “Đời như cây cà rem nhiều khi vừa mát vừa lạnh, vừa giấu bên trong nhưng cũng phải thò ra ngoài, thấy thèm thì phải ăn, nếu không ăn thì sẽ bị… chảy nước” (Bí quyết sách best seller).

Phố xá hiện trên trang viết của anh với kẹt xe, ngập nước, nhà sập, cầu nghiêng, đào đường, lô cốt. “Dân thành phố vốn đã quen với cảnh đào đường rồi. Đường này đi không được thì băng đường khác, chịu khó… lội bùn, vượt chướng ngại vật rồi thì cũng tới nơi”. Và đi xe đạp không chỉ tiết kiệm, bảo vệ môi trường mà còn có rất nhiều cái hay: “Hễ gặp chỗ nào kẹt xe là vác lên vai mà… vượt phố”. Khổ nhất là các bà mẹ trẻ: “Sáng chạy ra đường liền bị kẹt xe “đỉnh cao”, chiều đi làm về lại bị ngập nước “đỉnh cao”, cuối tuần đi siêu thị thấy hầu bao thâm hụt “đỉnh cao”, lâu lâu soi gương thấy nhan sắc hao hụt “đỉnh cao”… Vậy thì thử hỏi làm sao không tắt sữa cho được” (Đời sống lên cao).

Cảnh phụ huynh chen chân, xếp hàng nộp hồ sơ nhập học cho con được Hai Đầu Méo cho đó là dịp hiếm hoi để ôn lại kỷ niệm dấu yêu một thời bao cấp: “Mọi người hồi tưởng lại những kỷ niệm thời họp thôn ở sân phơi hợp tác xã. Tiếng đập muỗi, tiếng ca cải lương, tiếng người la mất dép, tiếng đánh rắm… khiến ai nấy đều thấy lòng xao động. Ôi dễ gì mới có dịp như thế này để ôn lại kỷ niệm làng quê xưa” (Đời nghèo càng vui).

Nói về giá cả cứ thay đổi từng giờ theo kiểu “phi cơ cất cánh”, Hai Đầu Méo cho rằng nó lợi lắm chứ chả chơi. Số là cái sự tăng giá đã góp phần “giữ gìn hạnh phúc gia đình” anh lắm lắm. “Sống trong thời tăng giá em thấy gia đình trở nên hòa thuận ấm cúng hơn. Đêm đêm em ngồi dạy cho con gái học may vá, thêu thùa, còn đấng chồng với con trai thì huỳnh huỵch phía sau bếp luyện võ. Học may vá để mai mốt quần áo có rách thì còn tự biết mà vá. Tăng cường sức khỏe để nếu có thất nghiệp thì đi làm bốc vác kiếm sống. Nói chung gia đình trở nên đoàn kết thương yêu nhau rất nhiều”.

Việc tăng giá bây giờ đã trở thành một bài ca hay đáo để, có vần có vè, có nhạc điệu hẳn hoi: “Học phí lên cao, viện phí lên cao và các khoản thu phí đều… lên cao… lên cao!… trong khi mọi thứ lên cao thì… lương lại rất thấp… rất thấp”.

Cái sự “đời sống lên cao” tới mức… giật lùi khiến người đọc cười đến chảy nước mắt. Chỉ có một số ít không cười vì cảm giác bị gã này “chơi xỏ”.

Nguồn: yume.vn

Exit mobile version