Khi cầm trong tay tập thơ “98 BÀI THƠ THIẾU NHI” (NXB Hội Nhà văn, 2015) của nhà thơ Trần Hoàng Vy với hình bìa có hai cô cậu nhỏ dễ thương, tự dưng trong tôi lại vang lên những nốt nhạc của bài “Dàn kèn ếch”, một bài thơ nhiều hình ảnh rất ngộ nghĩnh được nhà văn Khôi Vũ – Nguyễn Thái Hải phổ nhạc: “Trời mưa ếch trên tàu lá sen / nó đang tắm mát hay đang thổi kèn … Đồ sol la sol fa lá sol/ Mi re mi sol mi mi sol re …”.
Âm nhạc đã hình thành từ trong những lời thơ của anh. Đó là nhịp điệu rộn rã của muôn đời. Không chỉ là để đọc thôi, hẳn rằng khi nhận được món quà này những trái tim thơ bé sẽ nhiều lần nghe được biết bao niềm hân hoan, vui thích…
“Tôi làm thơ cho con, cháu suốt những năm tháng ấu thơ như tìm thấy bóng hình mình thơ ấu lung linh trong đó” – Trần Hoàng Vy đã bộc bạch như vậy! Vâng, không những anh tìm thấy chính anh thuở tuổi nhỏ, mà còn làm cho người đọc tuổi ông, tuổi bà tìm thấy bóng hình của họ trong ấy. Chính ở tuổi làm ông làm bà người ta mới có thể hiểu biết đến tường tận và vô cùng yêu thương trẻ con đến như vậy. Với tác phẩm thơ này, tác giả đã làm được một việc hết sức ý nghĩa là giúp cho đối tượng mà suốt đời tác giả hướng tới – đó là thiếu nhi – được NHẬN và CHO.
1. Trẻ em thích được làm người lớn. Thật sai lầm nếu ta cứ coi trẻ con chỉ là… hạng người cần giáo dục! Chính thiên nhiên chứ không ai khác, là người thầy có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến sự phát triển của trẻ thơ. Khi đem cả một thế giới ảo mộng, kỳ diệu dâng cho các em, ấy là tác giả đã đem đến cho độc giả nhỏ của mình một niềm tin lớn lao. Bởi những gì với người lớn cho là hoang đường thì với các em, đó là điều xác thực!
Hãy nghe qua những âm thanh, những hoạt động của của tạo vật. Trạng thái động và tĩnh quyện nhau như không còn phân biệt rõ ranh giới là đâu nữa! Vừa mới nghe tiếng động cúc cu ấy thì liền sau đó là cảm giác tĩnh lặng của mùa thu đang trở mình. Mà mùa thu trở mình thì ra sao ta? Tha hồ cho trẻ tưởng tượng:
Cúc cù cu cúc cù cu
Tiếng con cu gáy gọi thu trở mình
(Tiếng cu gáy)
Không chỉ có âm thanh mô phỏng trực tiếp, tác giả rất khéo vận dụng sự liên tưởng của các em để có những âm thanh gián tiếp. Những âm thanh ấy là âm thanh ẩn, nằm khuất trong cái vỏ của hình ảnh, chỉ cần một cảm nhận nhạy bén thì tức khắc ngân vang:
Có con ếch cốm
Che dù lá sen
Lăn tăn hạt nước
Tưởng đêm lên đèn
(Đóa sen)
Có lý quá, đẹp quá, nhờ che dù bằng lá sen mà ếch cốm mới tưởng được hạt nước là đèn… Rất hay! Lung linh như trong ảo mộng! Trẻ sẽ bị hút vào cái thế giới không bao giờ vơi cạn của thiên nhiên. Và chính cái thế giới “thu trở mình”, “hạt nắng sững sờ”, “tơ đỏ giăng mành”, “hoa thành giọt hương”, “con ve bật nhớ”, “lúa đồng mỏi mắt”…đã làm thức dậy trong tâm hồn trẻ biết bao tình cảm trìu mến, âu yếm, chân thành…
Để làm được ngần ấy thứ tưởng như có thật, nghệ thuật NHÂN HÓA được tác giả sử dụng trong toàn tập thơ. Với biện pháp tu từ này, một tiếng dế, bông hoa, chiếc lá… đều có hồn, sống động như tính cách con người. Nói một cách thú vị hơn, là tác giả đã “hô biến” cho tất cả thế giới vĩ đại này trở thành người bạn thân thiết của những tâm hồn nhỏ tuổi. Các em có thể nghe, thấy và sờ nắm được cả những gì không có hình dạng!
Nghe gió trượt dài, mà trượt dài vào trong mơ:
Em nằm trên võng lắng tai
Dòng sông gió chảy trượt dài vào mơ…
(Hòa âm vườn)
Và thấy được cả hạt sương đang mở khóa, ùa ra lay tỉnh lá sen:
Sáng rồi trời chớm bình minh
Hạt sương mở khóa lay nghìn cánh sen.
(Hạt sương lay sen dậy)
Hơn cà sờ, nắm và nghe… ; trẻ em còn có thể nhập vai vào, hóa thân vào chung với thân phận của hoa lá. Thầm thì thế thôi mà nuôi dưỡng tâm hồn em, vui với em suốt thời tiểu học. Điều này thú vị lắm mà em chưa muốn chia sẻ. Bí mật mà!
Mình chỉ gặp nhau
Lúc tan trường về
Cố một chút xíu…
Phượng, bàng tỉ tê
(Bé lên lớp ba)
Trong nỗi chờ mong rất thơ ngây, mưa đã đến cùng một lúc với các vị khách nhỏ. Mưa mời từng vị… cởi áo quần ra mà tắm cho mát. Niềm vui nhộn này đã sinh ra một hiệu ứng Domino lan tỏa đến những vị trí xa hơn, tạo ra một sự thay đổi liên tiếp. Ngàn cây nội cỏ đã vì hiệu ứng tình cảm này mà bật mình thức dậy, vui lên mà quên mất nỗi buồn:
Mong mưa lũ trẻ… tắm truồng
Ngàn cây thức dậy, đổi buồn làm vui
(Mong mưa)
Có hoang đường không, hay những câu thơ này chính là chiếc đũa thần trong cuộc sống còn lắm nhiêu khê, để từ phép màu này các em nhận được một thế giới công bằng, đầy tình thương yêu, không đói nghèo, không bất hạnh…? Nói không quá đáng, chính phép tu từ nhân hóa này đã cho trẻ nhận được trọn vẹn những gì mà tâm hồn trẻ thơ hằng khao khát. Phép nhân hóa, một sự chuyển đổi cảm giác đầy thú vị!
2. Và một khi mà, tâm hồn trẻ tràn ngập niềm hân hoan vui sướng thì những cảm xúc lớn lao được nảy sinh. Từ chỗ rung động trước cảnh đẹp, trẻ sẽ yêu quý thiên nhiên hơn, yêu quý cuộc sống hơn và muốn mình trở nên “người lớn” hơn để làm những việc có ích hơn. Như thế, chẳng phải là trẻ đã CHO rất nhiều nơi cuộc sống này sao?
Em đã cho những gì? Đó là công sức những lúc giã bàng giúp gia đình. Mồ hôi chứ nào phải mực mà dễ để dấu! Muốn in thành vết, phải qua nhiều tháng nhiều năm! Ai mà không cảm động khi phát hiện ra chiếc chày đã ghi lại biết bao mồ hôi mà em cống hiến cho cuộc sống. Những giọt mồ hôi ấy, vô màu mà vô giá!
Chày bàng,
Lỡ nhịp mồ côi.
Còn in dấu vết,
Mồ hôi em cầm.
(Xóm giã bàng)
Trong ý thức tự giác, cái tôi ích kỷ, ham ăn… của trẻ cũng được thu nhỏ lại để sự chia sẻ được lớn rộng ra. Ở một viên kẹo nhỏ bé, các em đã thể hiện được sự nhường nhịn rất đồng đều:
Cộng vào chẳng thể vui lâu
Chia ra mỗi bạn mỗi màu thích ghê
(Những viên kẹo bảy màu)
Em đã nao nao buồn khi thấy sợi tóc mẹ rơi trên gối. Những nhạy cảm nơi tâm hồn này, hẳn sẽ là vốn sống giàu có, là bản chất nhân văn quý báu cho trẻ lúc trưởng thành:
Con biết mỗi sợi tóc bạc
Cho con khôn lớn mỗi ngày
(Sợi tóc bạc)
Dù được cưng nựng, được chăm lo đầy đủ:
Sinh nhật chú tặng cho Ipad
Vừa chơi game, lướt web, học hành..
Nhưng ai dám bảo chú nhóc hiện đại ấy không biết đến người khác, thờ ơ với những thứ chung quanh? Không, từ thực tế, tác giả cho ta thấy rằng tình yêu thiên nhiên đến tình yêu con người là một quãng rất gần. Tình cảm chan chứa ấy không còn bó hẹp nơi bạn bè và người thân nữa mà thành một ý thức cộng đồng tốt đẹp đối với người không quen biết. Trong khi mà ngay cả người lớn trong cuộc sống hằng ngày đã phô ra rất nhiều vô tâm vô tình, thì hành động của trẻ thật đáng khen:
Ghế hết rồi phải đứng
Cháu đứng lên nhường ông!
(Trên xe bus)
Ở một không gian rộng lớn, vĩ đại hơn, tác giả đã không để ngôn ngữ của mình thành những bài giáo dục khô cứng mà thay vào đó là những hình ảnh nhỏ bé, thân thương. Biển, đảo, quê hương… cơ hồ như luôn ở cạnh một bên với trẻ. Một hình bóng luôn gần gũi như thế, thì khi lớn lên trẻ làm sao mà không ra sức bảo vệ và giữ gìn? Thành công của nhà thơ Trần Hoàng Vy là ở chỗ này, lấy cái nhỏ bé để mở ra cái vô cùng.
Một nét chữ thôi, cũng nghe thấy sóng:
Nghe mùi vị biển chữ nghiêng
Hình như có sóng từ miền Trường Sa?
(Chú ở Trường Sa)
Quê hương như một nỗi gắn kết không buông rời, hiện diện cả trong giấc ngủ:
Nhớ ngày đồng xanh cỏ biếc
Cánh diều no gió bay cao
Nửa đêm giật mình thao thiết
Tiếng con dế gáy nơi nào?
(Nhớ quê)
Chắc rằng khi tập sách đến tay thiếu nhi, tác giả và người lớn chúng ta không có mặt ở đó. Nhưng các bậc người lớn có quyền hy vọng rằng, từ trong những câu chuyện bằng thơ diễm ảo bước ra, các em sẽ trở thành một người khác! Từ đây, có những cái không có thể mà các em vẫn với tới, vẫn vươn tới tự do trong tưởng tượng để tìm đến những chân trời mới mẻ.
Và, trong khi công nhận sự trưởng thành của nhân vật trẻ em, nhà thơ Trần Hoàng Vy vẫn không thôi sáng tác. Anh vẫn âm thầm làm một bờ vai tin cậy để lý giải, để làm chỗ vịn vững chắc cho các em…
Tháng 3- 2016
Theo Nguyễn Thị Ánh Huỳnh – VNCA