Nhà văn Trần Hoài Dưởng (ảnh: Internet)
Nhà văn Trần Hoài Dương khai sinh tên Trần Đắc Quỳ, quê gốc Hải Dương, sinh ngày 8-11-1943 tại Thị Cầu, Bắc Ninh. Ông đã có hơn 10 năm làm việc tại Ban Văn xuôi báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 1982 ông chuyển công tác vào Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1992, ông xin ra khỏi biên chế, làm một nhà văn tự do, trở thành một trong số những nhà văn hiếm hoi của Việt Nam đã dành cả đời và tâm huyết cho mảng văn học thiếu nhi: “Tôi gắng chắt lọc từ cuộc sống ngổn ngang, bề bộn những gì tinh túy nhất, trong ngần nhất để viết cho các em. Tôi đến với văn học thiếu nhi như đến với một thứ Đạo. Viết là để đem lại lòng yêu thương và vẻ đẹp tuyệt vời của văn chương cho trẻ nhỏ. Tôi cũng hy vọng những trang viết của tôi không chỉ dành riêng cho trẻ em đọc mà còn cho tất cả những ai muốn tìm lại tuổi thơ đã mất của mình, những ai muốn có những giây phút sống yên bình trong thế giới trắng trong của cái Đẹp và cái Thiện.”
Ông mất ngày 6-5-2011, sau đột quỵ tại nhà riêng tại đường Thích Quảng Đức, thành phố Hồ Chí Minh, hưởng dương 68 tuổi.
Buổi ra mắt cuốn sách “Trần Hoài Dương – Con người – Tác phẩm” được Nhà xuất bản Hội Nhà văn tổ chức ngày 16-3-2016. Đã có rất đông các nhà văn lão thành, bạn và người thân nhà văn Trần Hoài Dương đến dự. Trong không khí trang trọng, đầy thương nhớ, các nhà văn đã lần lượt bày tỏ niềm trân quý và những kỷ niệm đối với một người văn mà cả cuộc đời, văn chương đều nhân ái và trong ngần.
Nhà văn Hoàng Quốc Hải nói: “Tôi đã đọc hầu hết những gì bạn văn viết về Trần Hoài Dương. Có những nhà văn mà tác phẩm và con người khác nhau, nhưng Trần Hoài Dương khác. Ông sống thế nào, viết như thế. Ông đem cuộc đời vào tác phẩm. Nhân tính, thiên tính quyết định nhân cách của con người. Phải là người có bản lĩnh lắm mới giữ được con người trong sáng. Tôi tin ông là một người trời, và ông đã về trời.”
Nhà thơ Nguyễn Phan Hách sau khi chia sẻ những kỷ niệm sâu sắc với Trần Hoài Dương, ông kết luận: “Trần Hoài Dương lúc nào cũng nghiêm túc và sang trọng.”
Nhà văn Trần Huy Quang dành nhiều điều tâm sự về Trần Hoài Dương: Tính cách của ông ảnh hưởng đến tôi rất nhiều. Tôi nghĩ chúng ta đến đây để tôn sùng một vẻ đẹp của văn chương.
Nhà thơ Trần Quang Quý – Phó Giám đốc Nxb Hội Nhà văn: Có lẽ, văn hóa Kinh Bắc – Hà Nội – Sài Gòn đã tạo nên con người Trần Hoài Dương. Ông là một sự pha trộn những nền văn hóa lớn, tạo thành một tính cách Trần Hoài Dương lịch lãm và sang trọng.
Bạn bè, đồng nghiệp không chỉ nể Trần Hoài Dương ở nhân cách, mà với văn chương của ông, họ còn dành những lời trân quý nhất để nói về ông, như ông đã dành những trang văn trong ngần nhất dành cho văn học thiếu nhi nước nhà. “Văn phong Trần Hoài Dương xót xa, thương yêu, ít dữ dội, nhưng cứ thấm thía, nhẹ nhõm và mang một nỗi buồn rất lạ lùng.”
Nhà văn Tô Hoài, năm 1998 đã viết thư cho Trần Hoài Dương: “Không hiểu sao, đọc truyện chọn lọc của Trần Hoài Dương, tôi cứ hình dung một thoáng tháng giêng, tháng hai đơn sơ như thế. Không biết tôi đang là trẻ thơ, tôi không nhớ tôi là một ông lão, tôi không biết tuổi đương đọc những sáng tác không có tuổi. Mỗi sáng tác hay thường khiến cho người đọc đánh mất tuổi như vậy…Chỉ cảm được cây bút và tâm hồn người đã viết ra thành chữ, từng chữ đem lại cho tôi cảm giác yêu đời, nhớ đến hạt sương tàu lá cải và biết quý những con vật, những đồ vật quanh mình. Tôi nhận ra đấy là những khơi gợi vun đắp nên tấm lòng nhân hậu, tin yêu.” (Được biết, nhà văn Tô Hoài không chỉ là nhà văn lớn được Trần Hoài Dương vô cùng ngưỡng mộ, mà còn là nhà văn đầu tiên nhận bản thảo và có những nhận xét chính xác về nhà văn tên tuổi tương lai, Trần Hoài Dương đã viết trong “Miền xanh thẳm: “Văn anh sẵn sàng một không khí trong sáng lắm…”
Nhà văn Lê Phương Liên, Ban Văn học Thiếu nhi, Hội Nhà văn Việt Nam là một trong số ít nhà văn Việt Nam hiện nay còn chuyên tâm với văn học thiếu nhi đã nói: “Tất cả những sáng tác của Trần Hoài Dương đều hướng tới lối cảm thụ thẩm mĩ với vẻ đẹp trinh nguyên của tâm hồn trẻ thơ, sự kỳ diệu trong cách nhìn thế giới vừa thật vừa ảo, những rung cảm tinh tế trong từng cử chỉ, lời nói, ánh mắt nhìn hoa, nhìn lá…”.
Nói về Trần Hoài Dương, nhà văn Lê Phương Liên cũng rất xúc động: Khi ông mất, chúng ta không chỉ mất một người bạn, mà văn học thiếu nhi nước ta còn mất đi một khoảng lớn. Chúng tôi vẫn tiếp tục lý tưởng thẩm mĩ mà ông để lại, viết cho thiếu nhi để tạo ra một thế giới kỳ diệu như ông đã làm…
Cả cuộc đời sáng tác, Trần Hoài Dương đã để lại hơn hai mươi tập sách, trong đó có cuốn sách mà ông vô cùng trân trọng, thiên truyện dài, song được coi là cuốn hồi ký “Miền xanh thẳm” đã được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải B (không có giải A) năm 2001.
Cuốn sách “Trần Hoài Dương – Con người -Tác phẩm” được chia làm hai phần chính. Phần thứ nhất là những hình ảnh lưu lại những khoảnh khắc Trần Hoài Dương với gia đình thân yêu của ông và những bài viết của bạn bè viết về ông trước và sau khi ông mất. Phần thứ hai là những tác phẩm chọn lọc của Trần Hoài Dương, chỉ giới hạn trong khoảng một phần mười những tác phẩm đã in và chưa công bố, gồm truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết, kịch bản phim, tạp bút…Truyện dài “Miền xanh thẳm” đã được in lại. Theo lời Huy Thắng, Trần Lê Quỳnh – những người biên soạn thì: Đây không chỉ là tác phẩm tiêu biểu mà “Trần Hoài Dương mơ ước cả đời”, mà còn vì một lẽ: Qua cuốn truyện, bạn đọc hiểu rõ hơn về những người đầu tiên đã động viên, giúp đỡ để Trần Hoài Dương thêm lòng tin, quyết tâm bước vào con đường văn chương và trở thành một nhà văn tên tuổi.
Buổi giới thiệu cuốn sách “Trần Hoài Dương – Con người – Tác phẩm” đã khép lại với bao xúc cảm. Tôi, người ghi chép vẫn nhớ hình ảnh ông Trần Đồng Minh, người bạn thân thiết của nhà văn Trần Hoài Dương, tóc bạc phơ, khắc khổ. Ông Minh đang điều trị ung thư ở bệnh viện, nhưng nhất định đến buổi giới thiệu cuốn sách của người bạn mà ông yêu quý, với những sẻ chia vô cùng xúc động: Tôi thấy Trần Hoài Dương như một Jean Valjean, nghèo mà hay bố thí, thậm chí bố thí quên mình. Ông yêu quý cây cỏ, động vật, nhưng trên hết, ông yêu con người. Ông sẵn sàng chia sẻ vật chất cho những người cùng khổ, bị xã hội lãng quên, mặc dù đã có lúc ông phải bán máu để sống.
Tôi cũng xúc động khi gặp anh trai, chị gái, em gái nhà văn Trần Hoài Dương, những nguyên mẫu trong “Miền xanh thẳm”, đã có một tuổi thơ nghèo khó nhưng mang trong mình một trái tim nhân ái, tâm hồn trong suốt. Và, với tâm sự của nhà văn Đỗ Chu, câu chuyện về Trần Hoài Dương, nhà văn của tuổi thơ còn dư vọng: Chúng ta yêu mến một nhân cách, quý trọng một tài năng. Nhưng hơn cả là chúng ta yêu một người trung thực và dũng cảm. Một người đã trốn cuộc đời nhiều phức tạp để đến với tuổi thơ trong sáng, tuyệt vời và nhân hậu.
Thanh Thúy – (Nguồn: Báo Văn Nghệ- HNV)