Mưa trong tự nhiên là một dạng ngưng tụ của hơi nước khi gặp điều kiện lạnh, để hoàn tất cái vòng tuần hoàn bất biến. Mưa trong lòng người lại là một dạng ngưng tụ của cảm xúc, từng giọt buồn lạnh. Còn cơn mưa trong tôi/ Mặn như là nước biển/ Đã lâu rồi chắt gạn/ Mưa thầm – cơn mưa khô (Cơn mưa trong tôi). Đó là những câu thơ chắt lọc đầy đủ tinh thần và cốt tủy của cả tập thơ Mưa không mùa của tác giả Trần Gia Thái.
Đọc thơ sẽ hiểu được cái tạng ngôn ngữ riêng của mỗi tác giả. Với Trần Gia Thái là cái tạng ngôn ngữ cảm xúc, có sự gia công và những khoảng ngưng đọng nhất định. Sáng tạo thơ cũng chính là sáng tạo về mặt ngôn từ, phải vừa biết kìm nén nhưng không khiêm cưỡng, vừa đủ độ đa chiều nhưng không nở bung trên trang giấy, giữ lấy cái hồn cốt nhưng vẫn toát ra nét thanh thoát bên ngoài. Thơ Trần Gia Thái đã làm được cái gì đó vừa đủ độ. Đôi lúc người ta thường hiểu sai về nghĩa sáng tạo ngôn từ. Sáng tạo ngôn từ không phải đơn thuần là những câu chữ trau chuốt, sáng, và độc mà là những câu chữ bình dị được đặt vào đúng vị trí đắc địa của nó, lúc ấy tự thân ngôn ngữ đã toát lên tài năng của tác giả khi sử dụng vỏ bọc ngôn từ để chở cái lõi cảm xúc. Mà với thơ truyền được cho người đọc cảm nhận thấy một chữ tình trong câu chữ đôi lúc cũng là khó, Mưa không mùa biết cách dẫn dụ độc giả bằng giọng thơ và chính bằng cảm xúc thật vốn có.
Đã có hơn một người nhận ra rằng trong các bài thơ của Trần Gia Thái xuất hiện nhiều câu hỏi. Gần như bài nào cũng thấy, nhưng có câu người đọc còn có thể tạm gắn cho nó một câu trả lời, đa phần là không thể. Vì tự thân nó đã hàm chứa kiểu hỏi nhưng không cần trả lời. Giống như những nốt trầm hiếm hoi trong hợp âm thăng hoa vút cao của cảm xúc. Hỏi về quá khứ, về bản thân, về cuộc đời… Để biết rằng trong lòng ngổn ngang nỗi niềm trăn trở. Này là những ”Khoảng vắng” Có nhiều lúc/ Không biết đang làm gì/ Không muốn làm việc gì/ Định đi tìm cái gì/ Không tài nào nghĩ nổi/ Đành gọi là quên. Đó là những khoảnh khắc khi ta tự vấn lại mình, tìm gì trong thực tại, cuộc đời nhộn nhạo, để thấy rằng chìm trong vô thức để quên đi quá nhiều những cái cần phải nhớ. Để hòa vào hư vô.
Trần Gia Thái viết riêng một bài thơ với tựa đề Hỏi giống như một cuộc truy tìm bản thể cá nhân của mình. Giữa thể xác và linh hồn tách biệt nhưng ở trong nhau vừa đơn lẻ lại hòa nhập. Miền sáng trưng diện, miền tối trầm u, xa gần mà đều chua chát như nhau. Giữa ta và ai có một ranh giới mỏng manh nhưng không thể trộn lẫn. Vì thể mà đủ để soi chiếu nhau, ngấm độ chát đắng của nhau rồi cùng cảm nhận. Cái điệp khúc Ta là ai cứ lặp đi lặp lại như một câu hỏi day dứt không giải thích nổi. Và trong cuộc hành trình đi tìm câu trả lời ấy cuối cùng vẫn chỉ vẹn nguyên một sự hồ nghi Lời gắn kết hay lời chia cắt/ Nơi ấy nơi gì mà sao mê si?
Huế mưa, Nha Trang còn nhớ, Thung lũng yêu, Nợ cao nguyên, Câu thơ ghi ở Sông Xen, là những cảm nhận rất riêng của tác giả về những miền đất đã đi qua. Nếu như Huế ám gợi bởi những cơn mưa Sông Hương rưng rức xanh/ Và đôi mày cong Tràng Tiền giãn cùng mắt biếc/ Đâu có nhíu cau nhòa nhoạt kinh thành/ rồi tiếng hát cứ ùa lên bát ngát/ Đưa gió thơm về trời… Nhưng mưa vẫn Huế (Huế mưa) thì Nha Trang lại hiện hữu với những màu sắc đặc trưng khác, vẫn chất chứa yêu thương. Ta nhận ra Nha Trang không mùa thu/ Biển đỏng đảnh vờ như không sóng/ Giấu im lặng vào chùm sao mắc cạn/ Nghe tim mình nhảy nhót giữa đơn khuya.(Nha Trang còn nhớ). Những gì đã qua, kỷ niệm và cảm nhận lưu đọng trong ký ức tác giả được viết ra với nét riêng mang đậm đặc không gian vùng miền. Phải trải hồn mình với mảnh đất ấy, thì lúc xa nó vẫn lưu giữ được màu sắc, mùi vị và đường nét của nó.
Cũng có những bài thơ Trần Gia Thái viết về tình yêu khá hay. Hay ở chỗ nó đượm chất tình, và biết cách lồng ghép chất tình đó với một tư duy về cảm quan thời gian. Thời gian trong thơ được mạc định theo cái kiểu riêng của tác giả. Thì cứ gọi một giờ là một phút/ Ngày đợi chờ sẽ vợi bớt xa xôi/ Cứ cho là mùa thu không về nữa/ Thì em ơi đông đã tới bên rồi! (Mùa thu không lại). Tình yêu và nỗi nhớ là một đề tài chủ đạo trong thơ và chỉ có những kẻ sĩ say tình mới khát khao được co ngắn thời gian, rút dần khoảng cách lại để mà gặp gỡ, yêu thương. Rồi mộc mạc, trong veo như Cái thủa đuôi gà, Nơi không giờ, Rồi thì một thoáng… Xuân này còn mắt lửa?/ Phiên tất niên chợ hoa vãn chiều nắng nghỉ/ Rơi rơi những mảnh hoa nhàu (Nơi không giờ). Một thực tế cho thấy hiện nay thơ có sự mới mẻ về hình thức thể hiện, câu từ được các nhà thơ tung ra khá độc, khá chọn lọc. Nhưng với thơ và độc giả thì chỉ cần một chữ tình là đủ. Ngôn ngữ giàu cảm xúc và cảm xúc ấy là thật thì sẽ giữ được một chỗ đứng trong lòng người đọc, mà đôi khi chẳng cần phải màu mè. Sức sống của nó âm thầm giống như những câu thơ Lá rụng xuống/ Đâm chồi rễ/ Rễ bật mầm/ Vẫn sống/ Vẫn yêu (Cây lá bỏng).
Đã mang lấy nghiệp thể hiện rõ nét nỗi lòng trăn trở của tác giả về cuộc đời và nỗi buồn của người cầm bút. Trong thời đại hiện nay rất ít người còn thói quen đọc sách và đặc biệt là đọc thơ. Dù rằng Ôi câu thơ rút ruột/ Rỏ máu người làm thơ/ Viết ra thì tự đọc/ Ai tri âm bây giờ/ Viết ra thì tự đọc/ Người cần nghe không nghe/ Đời nháo nhào tranh giật/ Thơ cứ rơi não nề thì tác giả vẫn cầm bút vì đó là cái nghiệp mà đã là nghiệp thì sao mà bỏ được. Đành vậy, sống cảm nhận và viết, đọc trong câm lặng, bỏ mặc sự chảy trôi của dòng đời bạc bẽo mà cất một tiếng cười khinh bạc.
Mưa không mùa – một món quà giàu cảm xúc, mà chắc hẳn ai đọc nó cũng sẽ có những phút trải lòng về những miền ký ức đôi lúc đã bị bỏ quên, để chiêm nghiệm về cuộc đời, tình yêu và đôi khi là thăng hoa của những giao cảm tâm hồn.
Nguồn: Vannghequandoi