(To quoc) – Trận đói tháng ba năm Ất Dậu (1945) ập đến nhiều địa phương Bắc Bộ và mấy tỉnh phía Bắc Trung Bộ, đột ngột như một trận bão siêu cấp không được báo trước. Hơn 2 triệu người đã chết! Trận đói này mãi mãi ghi vào lịch sử dân tộc ta một chương bi thảm nhất trước Cách mạng tháng Tám.

Ký ức tuổi thơ tôi vẫn lưu giữ những hình ảnh trận đói khủng khiếp nhất ấy tại quê nhà, Quảng Xương. Đã hơn 60 năm rồi mà những hốc mắt đen sâu thăm thẳm trên những hộp sọ người đói vẫn cứ còn nhìn xoáy vào tất cả ai đã chứng kiến và còn sống tới bây giờ. Ngỡ như không thể nào hiểu vì sao lại đói đến vậy. Cái đói tối ư là vô lý, chỉ thấy trong ác mộng.

Sử sách đã ghi đầy đủ nguyên do của sự vô lý cực kỳ tàn nhẫn đó. Cái đói bắt đầu lúc quân đội phát xít Nhật tràn vào Việt Nam – Đông Dương và bộ máy thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng để quân Nhật chiếm đóng ba nước Đông Dương. Để có đủ lương thực dự trữ đặng có thể chống lại với đồng minh (gồm 5 nước Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp và Trung Quốc (Tưởng Giới Thạch)) phát xít Nhật bắt thực dân Pháp phải cung cấp cho chúng một lượng lương thực khá lớn. Vậy là từ năm 1941 đến 1944 Pháp vơ vét dồn gom nộp cho Nhật tới gần bốn triệu tấn gạo và nửa triệu tấn thóc. Đã thế, bọn phát xít Nhật còn bắt nông dân ta phải nhổ lúa để trồng đay lấy sợi dệt bao bì phục vụ cho cuộc chiến tranh thế giới thứ hai của chúng. Lúa gạo ở miền Bắc cạn kiệt. Gạo miền Nam không chở ra được để ứng cứu vì rất nhiều cầu đường sắt xuyên Việt đã bị máy bay Mỹ đánh sập, lại thêm bọn con buôn lợi dụng thời cơ đổ tiền ra mua rồi bán với giá cắt cổ. Một số gian thương biết tin mấy tỉnh biên giới Trung Quốc cũng đang thiếu lương thực gắt gao, liền lùng sục khắp chợ cùng quê để mua vét rồi chở sang bên đó bán. Nên chỉ trong hơn một tháng mà giá gạo từ 90 vọt lên 1200 đồng Đông Dương một tạ.

Trời tháng ba năm Ất Dậu dường như lại đồng lõa với giặc. Rét vô cùng. Rét như cưa xương cắt thịt. Đói và rét hợp sức kết liễu rất nhanh mạng sống hàng triệu con người.

Thoạt đầu, khi trong chum vại, bồ bịch không còn chút gì cho sự sống nữa, người ta toài ra vườn ra ngõ để ngắt, để chặt và đào tất cả những thứ có thể đút vào miệng được ngay. Cây chuối, củ chuối đã hết, thì sờ tới thân cây đu đủ. Thân cây luộc, hoặc gọt sơ sơ lớp vỏ rồi ngâm vào nước muối năm mười phút là ăn. Dạ dày, ruột gan đã nhiều ngày không một tí hơi ngũ cốc mà ăn củ chuối, ăn thân cây đu đủ, không ít người đi ngoài như tháo cống và ngã vật xuống chết luôn.

Cái đói đã làm cho trong nhà, ngoài vườn nhẵn trụi. Đến lúc phải lần tìm ra các cánh đồng. Hết rau sam, rau mà thì lê lết tới các ruộng khoai, ruộng đỗ ngắt lá vặt ngọn mà ăn. Và dĩ nhiên khó mà tránh khỏi những trận đòn như đòn thù, bởi lẽ hầu hết ruộng đất ngày ấy là của nhà giàu. Sau mươi lăm ngày đói, những cánh đồng tháng ba mới hôm nào xanh mơn mởn, bây giờ trống trơn, xơ xác như thể vừa bị dịch sâu keo hủy hoại.

Vậy là những hình hài của cái đói như từ âm phủ hiện lên, lang thang dắt díu nhau tới các chợ Ghép, chợ Gia, chợ Quán, chợ Bùi, chợ Môi, chợ Lưu Vệ… Dễ hiểu thôi. Chỉ còn ở chợ mới có những thứ ăn được để mà xin. Tuy nhiên, giữa cái thời hạt gạo, củ khoai đắt như châu như quế ấy, người đói đi ăn xin lại đông như ruồi, ai có lòng thương đồng loại đến mấy cũng chỉ cho được một đôi lần là cùng. Mà cái đói thì cứ đòi ăn từng lúc từng giờ. Nên chi, xin chẳng được ai cho nữa, thì đành phải rình rập để cướp. Cướp của người bán, cướp của người người mua, người đang ăn, cướp của nhau. Miếng ăn kiếm được bằng cách cướp giật đó nhiều lúc phải đổi bằng những cái đá, cái đạp đến nhừ tử. Tôi đã trông thấy một bà già chừng bảy mươi tuổi, người kẻ Mom (nay là xã Quảng Nham) cướp được chiếc bánh đúc ngô của một chị vừa mua đặt vào thúng đang bê bên hông. Nhưng chị kia kịp giật lại được và xô bà già ngã sấp xuống. Khi tan chợ, đứa con trai đói của bà từ một góc chợ lết lại. Anh ta lay gọi mẹ, nhưng cái thân thể chỉ còn là chiếc khung xương của bà đã hoàn toàn bất động. Sáng hôm sau tuần đinh không chỉ đem chôn một thi thể bà mà chôn theo luôn cả xác đứa con trai của bà. Trong tình cảnh vô vọng ấy thì cái chết lại là sự giải thoát cho cuộc đời cơ cực đến cùng tột.

Rõ ràng của cướp được rồi nhưng chưa chắc đã là của mình, chưa chắc đã bỏ vào được miệng mình. Thường là bị rượt đuổi riết ráo đến tận cùng. Vậy nên, thà chịu đòn còn hơn bị lấy lại miếng ăn. Người đói nghĩ ra cái mẹo là vứt xuống đất, rồi lấy chân di đi di lại cho bẩn, nếu là bánh cuốn, bánh xèo; hoặc đạp cho vỡ tung ra, nếu là bánh tráng. Rồi người chủ của vật bị cướp thấy vậy phải bỏ đi, thì nhặt lên mà ăn.

Người đói kéo tới các chợ còn bởi một lẽ nữa. Chỉ ở chợ mới có những đống rác mà người khán chợ quét dồn lại sau mỗi ngày chợ tan. Người đói và ruồi nhặng vừa chia phần nhau vừa giành giật nhau những thứ dư thừa trong các đống rác đó. Thứ nào có thể ăn được hoàn toàn như vỏ chuối, lõi ngô, ruột cá… thì vội vàng cho vào miệng nhai nuốt thật nhanh. Thứ nào không ăn được hoàn toàn như lá gói bánh tày, bánh bột tẻ, bột khoai thì dùng lưỡi lua liếm cho kỳ hết những gì còn dính bết trên đó.

Không thể nào quên một người khoảng ba mươi tuổi, tên là Khôi, người làng Ngòi (nay là xã Quảng Thạch) bới tìm được trong đống rác chợ Ghép, là một chợ lớn của làng tôi, một con chuột chết đã lúc nhúc những dòi. Anh ta cứ xé ra từng mảnh mà ăn, ăn ngấu nghiến một cách hoàn toàn vô thức. Khi đói đến mức ấy, đói hàng chục ngày, đói gần trăm ngày như trận đói Ất Dậu ấy, thì người ta không còn là người nữa, nên đã mất hết cảm giác nhờm gớm, mới có thể ăn một con chuột chết kinh như thế! Chừng nào chưa chết hẳn thì những con người ấy thật sự đã là ma-đói. Tổ tiên chúng ta đã nói rồi đấy thôi: “No nên bụt, đói nên ma”. Hai ngày sau đó con ma đói có tên là Khôi đã chết còng queo trên nền đình chợ Ghép. Lúc này những con rận, hàng trăm con rận, đông như một đàn kiến, mới chịu rời bỏ cái thân thể khô quắt mà bò túa ra nền đình chợ. Hóa ra rận là loài côn trùng ký sinh sinh ra từ những thân thể bẩn và đói kéo dài nhiều ngày.

Chẳng rõ cái cây cổ thụ gọi là cây nhớt ở chợ Quán có còn đến nay không. Cây nhớt ở chợ Ghép, trước cửa nhà bà The xưa làm nghề tráng bánh cuốn (mà người quê tôi quen gọi là bánh dẻo, bánh mướt) thì đã bị chặt hạ từ lâu lắm rồi. Giá như nó còn để làm một chứng tích sống cái cảnh đói năm Ất Dậu ấy tại chợ Ghép này. Thân và cành nó hao hao cây gạo. Quả mọc thành chùm tròn như viên bi ve trẻ con thường chơi, màu trắng nhờ. Bên trong quả chứa thứ nước màu trắng đục (phải chăng vì vậy người ta mới đặt tên là cây nhớt). Mùi của nó rất gây. Trước đó chưa hề ai nghĩ rằng là thứ quả ăn được. Thế mà giờ đây người đói bâu quanh cây nhớt nhặt những quả rụng mà ăn, ăn hối hả. Đang cơn đói xé ruột lại ăn thứ quả ấy, ruột càng bị cài xé thêm. Có người chết cứng rồi còn nắm chặt trong tay chùm quả nhớt. Người chưa chết thì thượng thổ hạ tả.

Một ngày ở chợ có hàng chục người chết. Chưa kể trên dọc quốc lộ 1, đường số 4, số 8 ngày nào cũng la liệt những xác chết mà ba bốn ngày sau chưa có người chôn. Chuột, chồn tìm đến khoét mắt, gặm môi… Mỗi khi nhớ lại cảnh thương tâm này, tôi lại tự hỏi không hiểu số phận có giành cho đứa bé ngày ấy sự may mắn nào không, để nó sống qua trận đói này. Tôi nhìn thấy hai mẹ con nó bên vệ đường đi vào làng Mỹ Thạch (nay thuộc xã Quảng Trung) khi người mẹ đã là một cái xác đen ngăn ngắt từ bao giờ, nhưng nó thì vẫn còn ngậm cái vú chết mà nhay nhay tìm sữa…

Cái cảnh chôn người chết cũng thật là thê thảm và khủng khiếp. Vạt ruộng hoang trước nhà tôi được chính quyền hương thôn bấy giờ chọn làm nghĩa địa. Mỗi buổi sáng, ông hương kiểm dẫn các tuần đinh ra, kéo những xác chết dồn lại một chỗ, rồi cho lên chiếc xe ba gác đẩy ra đây, cứ thế dốc xe đổ ào xuống huyệt chôn chung. Những ai vậy, tên tuổi, quê quán ở đâu… chỉ có thần chết may ra biết được. Có xác nằm khuất nơi bờ bụi, phải bốn năm ngày sau mới phát hiện ra, đã trương phềnh lên. Chẳng ai dám chạm tay vào nữa. Thế là tuần đinh dùng dây thừng thắt một đầu thành cái thòng lọng rồi luồn vào đầu hoặc cổ chân mà kéo lê đi xềnh xệch…

Hẳn là cũng như các huyện miền biển khác trong tỉnh Thanh Hóa, ở huyện tôi người làm nghề cá chết nhiều nhất. Rất dễ hiểu thôi. Khi đói đến cái mức ấy, ai còn có tiền mua cá mua tôm. Nên phải bán với giá gần như cho không. Cả một rổ tôm cá bán đi không đủ mua một hai bơ gạo nấu cháo cho cả gia đình húp cầm hơi. Mà các nhà vùng biển thì rất đông nhân khẩu. Càng đông nhân khẩu càng đói dài đói dữ.

Tới khi gặt vụ chiêm năm ấy, ngỡ rằng cái no đã đến rồi. Sau gần trăm ngày đói, miệng cao dạ dốc, những người sống sót giờ gặp cơm là ăn no căng bụng. Sau một bữa ăn, sau vài ba bữa ăn thì bỗng lăn quay ra chết. Chết no vì bội thực!

Tư liệu về con số người Quảng Xương chết đói năm ấy không rõ bây giờ còn có lưu giữ ở đâu. Có lưu trữ được không. Chưa ai biết con số chính xác. Chỉ nghe các cụ cao tuổi nhất ở từng làng, từng vùng kể lại thôi. Chẳng hạn một kẻ Mom mà chết tới hơn nghìn người, một làng Bùi (nay là xã Quảng Giao) chết 300 người, dân của làng Phú Xá (nay là xã Quảng Hùng) thì gần như bị xóa sổ.

Phải chăng nỗi đau thương và sự sỉ nhục do trận đói có một không hai ấy, đã cồn lên thành luồng sóng mạnh góp vào cao trào của cuộc khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 để quét sạch kẻ thù xâm lược, chấm hết cho dân tộc ta gần một trăm năm nô lệ.

Mai Ngọc Thanh