Trần Đăng Khoa
Nhà văn Đỗ Tiến Thuỵ bảo tôi: “Em đọc văn xuôi của bác khá nhiều. Nhiều cái bác gọi là Chân dung văn. Nhưng thực ra, nó là truyện ngắn đấy. Ví như “Lão Chộp” chẳng hạn. Có lẽ bác viết về người thật, việc thật, nên người ta tưởng nó là cái kí, hay chỉ đơn thuần một bài báo. Nhưng không. Nó là truyện ngắn. Cấu trúc truyện ngắn. Ngôn ngữ truyện ngắn. Bố cục truyện ngắn. Nói tóm lại, nó là một truyện ngắn thật sự. Văn nghệ Quân đội có mục Truyện ngắn hay tác giả tự chọn rất được bạn đọc yêu thích. Em muốn chọn “Lão Chộp” của bác. Nếu bác cũng đồng ý với em thì bác viết cho ít dòng về tác phẩm này”
Cảm ơn nhà văn Đỗ Tiến Thụy đã đồng cảm với tôi trong một quan niệm rất cụ thể về văn xuôi. Tôi ở Văn nghệ Quân đội mười một năm (1993 – 2004), nhưng chưa bao giờ được làm biên tập, mà chỉ là một anh phóng viên loong toong. Cơ quan giao viết cái gì thì viết cái đó. Nhân bốn mươi năm Giải phóng Điện Biên đến phỏng vấn Tố Hữu về bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”. Vừa kết thúc cuộc thi truyện ngắn thì hỏi các nhà văn trong ban giám khảo về chất lượng cuộc thi ấy. Hay mở chuyên mục mới Mười hai cuộc đối thoại trong năm, đến trò chuyện với nhà báo Hữu Thọ, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương về quản lí văn nghệ, báo chí. Nói tóm lại, yêu cầu của cơ quan đối với tôi rất đơn giản: Viết bài mang tính báo chí, đáp ứng yêu cầu thời sự của tòa soạn là được. Nhưng khi viết thì tôi viết theo cách của tôi. Làm sao mỗi bài phải khác nhau. Mười hai cuộc đối thoại trong năm là đối thoại chứ không phải phỏng vấn. Nếu phỏng vấn thì phóng viên chỉ đưa ra câu hỏi rồi ghi lại một cách trung thực câu trả lời. Sau đó, chuyển cho người được phỏng vấn xem lại rồi đưa in. Còn đối thoại thì phóng viên và khách mời cùng bàn về một vấn đề mà cả hai cùng quan tâm. Có điểm gặp nhau. Có chỗ khác biệt. Nếu khác biệt thì cùng bàn luận để tiến tới sự đồng thuận. Nếu không có được sự đồng thuận thì nhường lại cho bạn đọc nghĩ tiếp rồi tự đưa ra kết luận. Nghĩa là kéo bạn đọc vào cuộc chơi. Chuyên mục này rất thú vị nếu làm được đúng như tiêu chí của nó. Tôi là người mở đầu chuyên mục này trong cuộc trò chuyện với nhà báo Hữu Thọ. Nhưng đến bài khác, tôi thực hiện cuộc trò chuyện của các nhà văn ở Văn nghệ Quân đội với má Phạm Thị Lừa, một Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thì tôi lại phải viết khác, dù cùng một thể loại báo chí. Nếu cũng viết như bài trước thì dù có hay thế nào bạn đọc cũng thấy đơn điệu. Tôi phải biến cuộc đối thoại thành một kịch ngắn, có ngôn ngữ và tình huống kịch. Làm sao vừa thiêng liêng lại vừa xúc động. Nhưng vẫn là cuộc đối thoại. Để không rời tiêu chí thể loại.
Chuyện “Lão Chộp” cũng vậy. Nó nằm trong cuốn “Chân dung và Đối thoại”. Tôi quan niệm Chân dung văn học là thể loại tổng hợp. Nó giao thoa giữa kí, tùy bút và phê bình nghiên cứu. Nhưng bài nào cách viết cũng giống nhau thì chán lắm. Vì thế, có bài, tôi phải biến những tư liệu báo chí thành truyện ngắn. Ví như “Lão Chộp” và “Phù Thăng”. “Phù Thăng” cũng là một truyện ngắn. Rất nhiều người thích “Lão Chộp”. Nhưng Đỗ Tiến Thuỵ là người đầu tiên nhận ra nó không phải là một bài báo.
Trở lại với “Lão Chộp”. Tôi viết “Lão Chộp”, khi ông Peter Peterson, viên phi công Mĩ ngày xưa bị lão Chộp bắt sống, trở lại Việt Nam làm đại sứ. Ông là vị đại sứ Mĩ đầu tiên ở Việt Nam, người rất có công trong tiến trình bình thường hóa quan hệ hai nước. Hồi đó có rất nhiều phóng viên, trong đó có cả nhà văn tìm đến hỏi chuyện lão Chộp. Báo Hưng Yên in bài viết của nhà văn nổi tiếng Đào Vũ về chuyến thăm lão Chộp của ngài đại sứ Mĩ. Đào Vũ có mặt trong cuộc gặp gỡ đặc biệt này. Chỉ tiếc bài báo của ông rất sơ lược. Nhưng có một chi tiết rất hay. Ông Peter Peterson nói với lão Chộp: “Ngày xưa tôi đến làng ông phải đi máy bay. Còn bây giờ tôi đi ô tô trên con đường thênh thang thế này”. Nhiều phóng viên cũng ghi lại thế. Cần phải đẩy lên một nấc nữa. Nhưng tiếc các tác giả chỉ dừng lại ở đấy. Đào Vũ cũng không dành cho lão Chộp một đoạn văn nào thật sự có sức nặng.
Tôi nghĩ mình phải làm lại. Tôi bàn với Tổng biên tập Nguyễn Trí Huân và các Phó Tổng biên tập Nguyễn Bảo, Lê Thành Nghị. Các anh đồng ý để tôi đi viết cho Văn nghệ Quân đội, đặc biệt là tờ phụ trương vừa mới ra đời. Đi cùng tôi, ngoài chàng lái xe Nguyễn Văn Kiểm, còn có nhà văn Nguyễn Thị Như Trang. Tôi gặp lão Chộp chỉ nửa tiếng thôi. Cũng chỉ hỏi lại lão một số chi tiết. Biết kĩ thêm, có khi viết lại nhạt. Chuyện lão tôi triển khai mấy chi tiết: “Lão là con độc đinh, tham gia trong đội dân quân Quyết Thắng. Lão đã bắt phi công Mĩ như thế nào? Lão còn là người rất yêu thơ, cũng từng ôm mộng làm một thi sĩ. Vì đặc tính này mà tôi đưa lão vào tập “Chân dung…” viết về các nhà văn và những vấn đề văn học”.
Bài viết được anh em trong tòa soạn ủng hộ. Có người còn bảo, nó sẽ là bài “đinh” của phụ trương đấy. Tuy nhiên, khi đưa in, có người lại băn khoăn. Không biết viết thế có được không? Cái cậu này cứ hay đùa cợt, tếu táo. Chỗ này lại cần phải nghiêm đấy. Chả gì, người ta cũng là đại sứ, lại là Thượng nghị sĩ, một quan chức ngoại giao lớn của Mĩ. Thế mà cậu lại đùa…
Tôi thấy hoang mang quá. Thực tình, mình đâu có đùa cợt. Cái chất của mình thế. Giọng mình thế. Làm sao mà khác được. Hồi ra “Chân dung và Đối thoại” cũng thế, có người nổi giận, còn bảo: “Cậu cứ bông phèng, cứ đùa dai. Mà đùa quá trớn. Gần chùa gọi Bụt bằng anh”. Tôi phải thưa lại rằng, tôi có đùa đâu. Cũng chẳng sàm sỡ với ai cả. Tôi chỉ nói thật lòng mình. Mà nói rất nghiêm túc. Nhưng giọng điệu của tôi nó thế. Cũng như một thằng bé nhà quê. Nó rất hiền lành nhưng lại có hàm răng vổ. Đi đâu cũng nhe răng như cười. Đến đám cưới cười thì được, chứ đến đám ma mà cười thì hỗn rồi. Bậy bạ rồi. Nhưng thằng bé có cười đâu. Nó đang khóc đấy chứ. Nhưng ai hiểu được tiếng khóc vô thanh của nó?
Tôi đưa bản thảo cho nhà văn Hữu Ước, lúc bấy giờ đang là Tổng biên tập báo “An ninh thế giới”: “Tôi nhờ ông đọc giúp tôi. Đọc ở góc độ an ninh ấy. Viết thế này có được không? Có gì thất lễ về mặt ngoại giao với Mĩ không?”. Ai dè mấy ngày sau, bài viết in luôn trên “An ninh thế giới”. Mà in ngay trang nhất. Không chữa một chữ. Anh em tòa soạn lại trách tôi: “Ông viết cho Văn nghệ Quân đội. Tòa soạn đưa ông đi. Ông lại đưa bài cho báo khác. Ông lại đùa rồi. Mà lần này là đùa ác đấy!”. Đúng là sống dở chết dở! Tôi chẳng biết thanh minh thế nào? Nhà văn Hữu Ước đã có công văn xin lỗi do hiểu lầm, tưởng tôi gửi bài. Anh hiểu lầm cũng do tôi thôi. Tôi đưa bài cho Tổng biên tập là gửi bài rồi. Không có chuyện Tổng biên tập của tờ báo này, lại biên tập cho một tờ báo khác. Bài tôi viết cho Văn nghệ Quân đội lại không đến được với bạn đọc quân đội. Và bây giờ, sau hơn hai thập kỉ, “Lão Chộp” mới được trở về với đúng “căn nhà” của “lão”, là Tạp chí Văn nghệ Quân đội.
Tôi muốn nói thêm về lão Chộp, nhất là những chuyện tôi chưa kể trong truyện ngắn này. Ấy là chuyến thăm ngài Peter Peterson của lão Chộp mà lão gọi là chuyến đi “dối già”. Đấy là lần đầu tiên lão Chộp lên Hà Nội. Lão có cô cháu gái lấy chồng bên Gia Lâm, làm nghề bán vải. Cô cháu đã bỏ ra cả một buổi chợ để đưa lão đi chơi, thăm danh lam thắng cảnh thủ đô. Nhưng chỉ đi được một lúc lão đã thấy chán, vì Hà Nội chỗ nào trông cũng giống chỗ nào. Không ngờ thủ đô lại chật chội và ồn ào quá. Người chen người. Nhà chen nhà. Nhìn khắp mọi xó xỉnh, chẳng thấy hở ra một chút đất nào. Thế thì trồng cấy làm sao? Lão Chộp thấy chán quá. Chưa hết buổi sáng đã chả còn chỗ nào nữa mà đi. Mãi đến lúc ấy, lão Chộp mới chợt nhớ đến một người quen là ngài đại sứ Mĩ, mà lão luôn coi ngài như một thằng em. Vì thực tình thì ngài kém lão đến ngót một con giáp. Hôm chia tay lão ở làng An Đoài, chính ngài cũng có nhã ý mời lão nếu có dịp nào về Hà Nội thì đến ngài chơi. Ừ, thế thì lão đến chơi. Đến xem thằng em sống thế nào. Lão Chộp nhờ cô cháu gái đèo đến cửa Đại sứ quán Mĩ. Rồi lão quay lại bảo cháu: “Thôi, mày về mà đi chợ đi. Tao vào uống rượu với Bu Sơn. Lúc nào cần thì tao bảo nó đưa về. Cháu không phải đón đâu”. Thế rồi lão đến thẳng tòa nhà mà cô cháu gái bảo đó là tòa Đại sứ quán Mĩ. Lão rất ngạc nhiên khi đến xứ Mĩ, lão lại gặp người Việt. Một anh gác cổng người Việt ngăn lão lại: “Cụ già đi đâu mà vào đây?”. “Tôi đến thăm ông Bu Sơn. Đây có phải là Đại sứ quán Mĩ không?”. “Vâng. Đây là Đại sứ quán Mĩ!”. “Thế thì đúng rồi!” – Lão Chộp cười. – “May quá, tôi lại cứ tưởng là mình nhầm nhà. Chú cho tôi gặp ông Bu Sơn!”. “Ở đây không có ông Bu Sơn cụ ạ!”. “Quái! Thế ra nó nói dối à? Mà làm sao lại có chuyện thế được”… “Ông Bu Sơn là người Việt hay người Mĩ?”. “Người Mĩ!”. “Thế thì không có rồi. Ở đây chỉ có mỗi ông Peterson là đại sứ Mĩ, chứ không có ông Bu Sơn nào cả”. “Đúng rồi, ông ấy là đại sứ Mĩ, nhưng ở làng, chúng tôi vẫn gọi là Bu Sơn”… “Thế cụ có giấy tờ gì không?”. “Tôi chẳng có giấy tờ gì cả. Mà làm sao lại cứ phải có giấy tờ. Tôi tưởng chỉ có xe máy, xích lô mới phải có giấy đăng kí. Thế ra người cũng phải đăng kí à?”. “Không phải giấy đăng kí mà là giấy thông hành. Cụ có chứng minh thư hay bất cứ một loại giấy tờ gì để đi đường không?”. “Tôi chỉ là nông dân. Nông dân thì cần giấy tờ làm gì? Tôi chỉ có mỗi một cái giấy để ở đồng làng thì không thể mang theo được”. “Sao lại có giấy tờ nào để ở đồng làng? Đầu óc cụ có làm sao không đấy?”. “Tôi chẳng có làm sao cả. Ông Bu Sơn mời tôi đến chơi thì tôi đến chơi thôi. Ông ấy có bảo tôi mang theo giấy tờ đâu. Mà tôi cũng chỉ có mỗi cái giấy dài một mét sáu, sâu đến tận mét ba ở cánh đồng làng thôi. Loại giấy ấy thì đến bố tôi cũng chẳng thể nào vác theo được”. Nói rồi, lão Chộp cười hô hố. Cái lưỡi đỏ nhờ nhờ của lão cứ đập đập vào lỗ răng thủng. Anh gác cổng cũng không còn giữ được vẻ nghiêm nghị: “Thế cụ với ông Peterson là như thế nào?”. “Nó là em tôi đấy!”. “Là em cụ?” – Anh gác cổng trợn tròn mắt. – “Xin cụ nhớ cho rằng ông Peterson là người Mĩ” … “Thì nó là người Mĩ chứ sao! Tôi nói thực, chú lại cứ không tin. Tôi là anh Bu Sơn thật mà. Chú tưởng tôi là gián điệp hử? Tôi là anh Bu Sơn. Chú cứ vào bảo Bu Sơn, có thằng anh, là lão Chộp ở làng An Đoài đến chơi. Nếu Bu Sơn đi vắng thì tôi về” … Nghe đến tên lão Chộp, anh gác cổng dường như đã nhận ra người nông dân năm xưa đã bắt viên phi công Mĩ. Không ngờ ông lão vẫn còn rất tráng kiện, vẫn đùa nghịch tinh quái như một gã trai làng. Anh mời ông lão ngồi đợi, rồi đi vào gặp thư kí đại sứ Mĩ. Chỉ một loáng sau, anh đã quay ra: “Ngài Peterson rất mừng khi cụ đến chơi. Chỉ tiếc cụ đến đột ngột quá, lại không báo trước, nên xin cụ vui lòng chờ. Hết giờ làm việc, ngài Peterson sẽ tiếp cơm cụ. Còn bây giờ con xin mời cụ vào phòng khách đặc biệt của đại sứ”. Một người Mĩ nói rất thạo tiếng Việt dẫn lão Chộp vào phòng khách sang trọng. Trong phòng có sa lông. Có máy điều hòa. Một dãy tủ kính bày la liệt những rượu đủ các loại hạng. Chưa bao giờ lão Chộp nhìn thấy nhiều chai rượu đẹp và sang trọng đến thế. Ở quê, lão chuyên uống mỗi một loại rượu, là rượu nếp nút lá chuối khô. Lão bảo một anh nhân viên người Mĩ: “Chú có chai rượu ngon nào, loại ngon nhất ấy, cho ta mua một chai?”. “Thưa cụ, cụ thích loại rượu nào?”. “Anh nhân viên Mĩ hỏi lại lão Chộp bằng một giọng lơ lớ. Và điều ấy lại làm cho lão Chộp rất đỗi ngạc nhiên: “Ô, thế ra chú là người Hà Tĩnh à?”. “Không, tôi không phải người Hà Tĩnh. Tôi là người Hoa Kì”. – Anh nhân viên Mĩ phân bua. – “Tôi cũng đã hai lần qua quê cụ rồi. Quê cụ có bài hát Quê ta từ đất dấy lên. Tôi thấy ở đấy dấy lên rất nhiều lò gạch tự tạo. Cụ thích loại rượu nào?”. “Loại nào ngon nhất, đắt nhất ấy, khoảng vài triệu ấy”. – Lão Chộp nói với đầy vẻ hãnh diện. – “Chả nói giấu gì chú, sáng nay đi vội quá, ta chỉ kịp giắt túi có hơn chục triệu bạc thôi. Chú cứ tìm cho ta chai rượu vài triệu”… Lão Chộp nói vậy cho oai. Chứ thực tình, toàn bộ tài sản trong nhà lão, có đem bán hết thì cũng không thể kiếm nổi một triệu bạc. Lão Chộp bảo tôi: “Thực ra, trong túi tôi lúc ấy chỉ có nhõn một trăm ngàn đồng. Đó là tiền cô cháu gái đưa cho để ông về đi xe ôm. Nhưng mình cứ phải nói cứng lên như thế, để cho bọn Mĩ nó sợ. Nó cần phải biết rằng, nông dân Việt Nam không có xoàng đâu nhé. Cũng ăn chơi trác táng lắm đấy. Mĩ chẳng là cái đinh gỉ gì!”. “Thế khi cụ thanh toán thì sao?”. “Làm sao mà phải thanh toán? Ông Bu Sơn ông ấy trả cho hết chứ. Tôi biết trước thế. Mà thế là phải. Mình là khách cơ mà. Chính ông ấy đã mời mình đến, chứ có phải kiến tha mình đến đâu. Có ai mời khách đến nhà ăn cỗ lại bắt khách trả tiền cỗ bao giờ”. Nói rồi lão Chộp cười: “Tôi cứ tưởng rượu Mĩ ngon thế nào. Hóa ra chả ra cái quái gì. Chai rượu mấy trăm đô mà đắng ngắt như cứt bọ lẹt. Loại rượu ấy so với rượu ta sao được. Tôi đổ hết đi, chỉ giữ mỗi cái vỏ chai. Quả là thứ rượu ấy chỉ có mỗi cái vỏ là có giá trị”. “Tối hôm ấy, cụ gặp ông Peterson thế nào?”. “Mãi tới năm giờ chiều, Bu Sơn mới đến. Còn suốt buổi ấy, tôi ngủ một giấc đẫy, bác ạ. Khi tỉnh dậy lại không mở được cửa. Chìa khóa chỉ trùng trục một cái cục sắt. Rõ thật khóa cũng chẳng ra khóa. Thế mà nó lại bảo là khóa từ. Khóa từ chỉ áp nhẹ là cửa tự mở. Nhưng tôi không biết, tôi ấn mạnh quá nên từ bị triệt. Thế là cánh cửa cứ ngậm tịt như tường nhà tù. Tôi nghĩ bụng, bỏ mẹ, không khéo nó diễn biến hòa bình mình rồi. Trước đây mình nhốt nó vào kho lúa. Bây giờ nó nhốt lại mình vào cái lô cốt lạnh ngắt như l… ma. Tôi đấm cửa rầm rầm, bác ạ. Chỉ tí tẹo nữa, thì tôi đấm vỡ cái tòa đại sứ Mĩ”.
Vui nhất là là cuộc chia tay của anh em lão Chộp, khi ngài đại sứ Mĩ hết nhiệm kì. Lão Chộp kể: “Nửa đêm, ông ấy cho người gọi tôi qua điện thoại. Mà khổ, nhà tôi có điện thoại đâu. Ông ấy phải gọi nhờ qua con cháu ở đầu xóm. Nhà nó buôn bán nên mới sắm điện thoại. Tôi bổ sấp, bổ ngửa chạy đến. Tưởng gì, hóa ra ông Bu Sơn. Ông ấy mời tôi về Hà Nội chơi, chia tay với ông ấy. Thế là tôi với ông Sính lặn lội tàu xe lên Hà Nội. Ông Sính chắc bác biết rồi chứ? Ông ấy cùng bắt phi công Mĩ với tôi năm xưa ấy mà. Ông Bu Sơn bảo: “Lẽ ra thì em phải về làng An Đoài chào anh mới phải. Nhưng vì công việc bận quá. Anh thông cảm!”. Khổ, tôi có trách gì ông ấy đâu. Mà ông ấy tất bật, bận bịu thật. Chia tay hết đoàn này lại đến đoàn khác. Tuy thế ông ấy vẫn dành cho anh em chúng tôi suốt cả một buổi chiều. Cũng chẳng có chuyện gì mà nói. Vẫn luẩn quẩn cái chuyện ngày xưa. Ông ấy cứ hỏi tôi: “Sao hồi ấy, ông đã bắt tôi rồi, đã trói tôi rồi, sao vẫn cứ lăm lăm khẩu súng, lại còn lên đạn nữa?”. Tôi bảo: “Tôi lên đạn để dọa dân làng. Họ định xé xác ông. Tôi phải đi trước, cản họ, rồi che đất đá họ ném vào ông. Tôi bảo: “Nó bây giờ là tù binh của mình rồi. Nó mà chết thì tôi chết trước rồi các ông các bà chết sau. Chính sách tù binh của Đảng ta là rất khoan hồng. Ai giết nó là tôi bắn đấy!”. Rồi tôi lên đạn roạt roạt. Lên đạn để dọa bà con, chứ súng làm quái gì có đạn. Ngay cả khẩu súng tôi mang đi bắt phi công là ông cũng chẳng còn viên đạn nào”. Ông Bu Sơn ngạc nhiên lắm. Tôi bảo, bọn Mĩ các ông chỉ ầm ào phồng mang trợn mắt làm con ngáo ộp ở trên giời thôi, chứ xuống dưới mặt đất thì trông thấy đàn bà con gái, các ông cũng hãi đến vãi đái” … “Thế ông Peterson về thăm cụ mấy lần?”. “Ba lần. Một lần đi có quy mô, đón rước theo cấp nhà nước. Còn hai lần sau ông ấy đi riêng, đi lặng lẽ bình thường thôi. Ông ấy kết nghĩa anh em với tôi mà. Tôi biết ông ấy sắp về nước. Mà về nước là về vườn, ở nước tư bản đế quốc sài lang, không khéo đói nhăn răng ấy chứ. Tôi lo cho ông ấy lắm. Tôi nhắn ông ấy: “Chú rỗi thì bố trí về đây với tôi. Tốt nhất là đừng đi ô tô. Vì đi ô tô thì không thể ở lâu được. Chú cứ làm một cuốc xe ôm. Đi xe ôm rẻ chán. Nếu chú ngại thì tôi bảo cháu nó lên nó đón. Thằng con rể tôi làm nghề xe ôm mà. Về đây lâu lâu, tôi sẽ bày cho chú cách nấu rượu. Có nghề nấu rượu là chú sống được đấy. Vì bọn Tây mắt xanh mũi lõ các chú, xem ra thằng nào cũng nghiện rượu cả. Mà rượu của các chú thì chán bỏ mẹ. Đến ma nó cũng chẳng thèm uống, làm sao sánh được rượu làng tôi…”.
Ngay sau khi chia tay với “thằng em” đại sứ Mĩ, lão bị tụt huyết áp, phải vào nằm Bệnh viện Bạch Mai. Lão đinh ninh lần này thì lão đi hẳn. Bởi thế, lão cứ nằng nặc xin về để chết ở quê. Ai ngờ khi về đến làng, ngửi mùi đất làng, hít thở ngọn gió đồng quê, lão lại tỉnh như sáo tắm. “Tôi không thể sống được ở thành phố bác ạ. Chật chội, ngột ngạt lắm. Nếu cứ ở phố, không khéo tôi chết từ lâu rồi!”. Lão Chộp vui vẻ nói vậy. Cứ theo lời lão thì quê lão đang chuyển đổi cây trồng. Gia đình lão cũng có một sào rưỡi tỏi. Cả nhà bây giờ chỉ còn biết trông vào hơn sào tỏi ấy và thằng con rể lái xe ôm. Mấy đứa con gái lão thì nheo nhóc con mọn nên cũng chẳng làm lụng được gì. Thằng con trai cả lão kiếm ăn ở phương xa, nghe nói nó vào Sài Gòn làm cửu vạn. Chẳng biết nó có kiếm được đồng nào không, nhưng mấy năm trời chẳng thấy gửi xu nào về nhà. Thằng con út cũng vậy. “Có phải cái cậu cụ xin vào làm ở đại sứ quán Mĩ không?”. “Ừ, chính nó đấy” – Lão Chộp cười. – “Nó tên là Thắng. Nguyễn Viết Thắng. Tên là Thắng nhưng làm cái quái gì cũng bại. Thằng này vụng thối vụng dòi. Trong lũ con nhà tôi, nó là thằng đoảng nhất. Bác cứ trông nó đấy. Người thì loẻo khoẻo loèo khoèo. Mấy năm trước, trầy trật mãi mới tốt nghiệp phổ thông. Thi đại học lại trượt”. Tôi bảo ông Bu Sơn: “Thôi, tôi cứ gửi nó cho chú. Nó dốt lắm, chỉ đi làm cho Mĩ là hợp. Chú xem rồi giúp đỡ cháu, đào tạo cháu. Rồi sau này thạo việc, chú về vườn, thì để nó thay chú luôn, rồi chú làm cố vấn cho nó. Chú cháu thì dễ hiểu nhau”. Lão Chộp ngất ngưởng nói vậy. Ai ngờ ngài Đại sứ Mĩ lại đồng ý. Ngài mời bố con lão lên đại sứ quán. Nhưng đến khi thử việc, mới hay “thằng cháu” lại chẳng làm được việc gì. Ngay cả cái việc đơn giản nhất là làm văn thư, nhận thư từ, chuyển cho các phòng ban trong đại sứ quán, cu cậu cũng không thể đảm đương được vì một chữ tiếng Anh bẻ đôi cũng không biết. “Tôi rất buồn vì không thể thực hiện được điều mong muốn của ông anh tôi. Cháu nó chẳng làm được việc gì ở đây cả”. – Đại sứ Peter Peterson tâm sự với chị Phan Thanh Hảo, phóng viên báo Giáo dục và Thời đại. – “Bây giờ thì tôi phải trở về Mĩ rồi, mà ông anh tôi thì mỗi ngày một già yếu. Không biết vài năm nữa, khi tôi có dịp trở lại Việt Nam, ông cụ có còn sống được đến ngày đó không? Tôi thực sự lo lắng cho sức khoẻ của ông ấy!”
“Ôi dào, lão ấy đãi bôi đấy! – Ông lão gác nghĩa địa ngay cổng đồng Mả Giai bình luận. – “Anh em cái cóc khô gì. Tôi chả bao giờ tin cái thứ tình cảm đầu lưỡi. Chú có đồng ý với tôi không nào? Đã là anh em, nếu quý nhau thật thì phải đỡ đần nhau một cách cụ thể những khi khó khăn chứ. Nếu không giúp được cái cần câu thì cũng phải cho nhau con cá. Đằng này, tôi chỉ thấy “anh em” lão nói chuyện suông bằng nước dãi…”.
Đối với người dân quê, những tình cảm suông dù nồng nàn, thắm thiết đến mấy cũng vẫn chỉ là chuyện “đãi bôi”. Nhưng tôi nghĩ ngài đại sứ Mĩ cũng chẳng có lỗi. Lỗi tại họ không hiểu nhau thôi. Vâng, tôi nghĩ là chẳng bao giờ họ có thể hiểu nhau được. Cho dù trước đây họ là kẻ thù, hay bây giờ là anh em kết nghĩa thắm thiết thì họ cũng sẽ chẳng bao giờ có thể hòa nhập được với nhau. Nếu lão Chộp hiểu người Mĩ, thì chắc chẳng bao giờ lão lại xin cho thằng con trai vừa hết lớp 12 vào làm việc ở Đại sứ quán Mĩ. Và nếu ngài Thượng nghị sĩ Mĩ Peter Peterson hiểu lão Chộp thì chắc ngài cũng sẽ chẳng bao giờ tặng lão Chộp những chai rượu Tây rất đắt tiền, để rồi sau đó lão lại đổ hết đi, chỉ mang về mỗi cái vỏ chai, trong khi chỉ cần số tiền mua rượu ấy cũng đã đủ giúp lão Chộp đổi đời rồi. Nhưng điều ấy thì ngài không thể biết được, cũng như lão Chộp, lão cũng sẽ chẳng bao giờ hiểu được thằng em kết nghĩa của lão. Bởi đó là sự khác biệt của hai nền văn minh.
Nói đã quá dông dài. Bây giờ, tôi mời bạn đọc Văn nghệ Quân đội nghe lại chuyện lão.
I.
Lão Chộp lại có khách. Chuyện ấy thì chẳng lạ. Nhà lão ngày nào chẳng rậm rịch khách khứa. Căn nhà nằm ngay bên con đường chính của làng. Con đường nối ba xóm, dẫn ra đến cổng đồng. Nhà lão lại có bể nước mưa trong vắt, một nửa chôn chìm xuống dưới lòng đất, nên bốn mùa nước mát lạnh, uống đến đâu, biết đến đó. Đang mệt và buồn ngủ, tợp một ngụm là tỉnh queo như sáo tắm. Bởi thế, người ra đồng đáo qua, kẻ về nhà tạt lại, làm chớp nghỉ chân, rồi tiện thể đánh đẫy một gáo dừa, gọi là hưởng tí lộc giời. Nếu không cũng sà vào cái chõng tre kê ở hiên nhà, bắn vài điếu thuốc lào. Cái điếu nhà lão là điếu cổ, loại điếu bát, nghe nói có từ đời vua Càn Long ở bên Tầu kia. Thuốc nào nhồi vào đó, hút cũng ngon, cũng ngọt lịm như rót mật vào cổ. Rồi thì say. Say đứ đừ. Say từ ruột say ra, đã hơn cả thuốc phiện, cứ gọi là đê mê từ chân tóc xuống tới tận kẽ ngón chân. Đời người, mỗi ngày được một choác như thế, có khác gì lên tiên, lên Phật. Mà tiên, Phật cũng phải gọi bằng cụ. Bởi vậy, nhà lão luôn rục rịch kẻ ra, người vào. Toàn những tiên, Phật cả đấy. Nhưng ông khách đến nhà lão Chộp lần này lạ lắm. Không phải người làng. Cũng không phải người ở huyện, ở tỉnh, ở Hà Nội, trung ương, mà xa lắm, xa lắm lắm, nghe nói mãi bên kia Thái Bình Dương. Nghĩa là bên kia trái đất cơ đấy. Đó là ngài Peter Peterson, Đại sứ Hợp chủng quốc Hoa Kì. Quái, lão có quen ông ấy đâu nhỉ? Cả đời lão, đến cái tết con cọp này đã bước vào cái tuổi sáu tám, nhưng lão chưa bao giờ đi ra khỏi làng. Làm sao lão có được ông bạn vàng xa xôi thế, bệ vệ sang trọng đến như thế?
II.
Thực tình, nói có giời biết đấy, và cũng xin thề trước quỷ thần hai vai, lão Chộp không hề quen ngài đại sứ thượng nghị sĩ Peter Peterson. Lão vốn là thợ cày làng An Đoài. Nghề thợ cày là nghề gia truyền từ đời ông bà ông vải để lại. Nhà lão nghèo, lại neo đơn. Lão thuộc hạng độc đinh. Ông cụ thân sinh ra lão gặp phải cái cung số vất vả về đường con cái. Mà đâu chỉ riêng ông cụ. Ai ở cái làng này cũng vất vả đường con cái. Đẻ thì có đẻ. Nhưng khó nuôi. Có nhà đến chín, mười đứa con mà rồi chẳng còn một mống. Đứa leo cây, sa xuống đất: chết. Đứa rắn cắn: chết. Đứa trượt chân, rơi tõm xuống ao bèo: chết. Rồi đứa bị lên sởi: chết. Đứa đi chăn trâu, bị cảm nắng, thoạt tiên, đầu chỉ thấy váng vất. Thế rồi cũng lại lăn đùng ra chết. Chết cứ như đùa. Cụ thân sinh ra lão Chộp có đến năm người con, ba trai, hai gái, trông cứ đều thau tháu, đẹp như tranh vẽ. Chúng chỉ bị đậu mùa nhì nhằng. Vậy mà rồi ai ngờ, chúng cũng lại cướp công cha mẹ, chúng theo nhau đi hết. “Hú ba hồn chín vía cái Đĩ Gái ở đâu thì về…”. “Hú ba hồn bảy vía thằng Buồi Khoăm ở đâu thì về với chị, với em nhớ… ớ… ớ…”. “Hú ba hồn chín vía…”. Đêm nào, làng cũng cồn lên những tiếng hú hồn như thế. Tiếng hú eo éo rờn rợn vờn trên những tán cau, bụi chuối đen ngòm, vọng từ cổng đồng vào những ngõ xóm tối sẫm, hun hút mưa phùn gió bấc và rông rốc tiếng chó sủa, rồi lại từ ngõ xóm vòng ra ngoài cổng đồng. Những người đàn bà lớn tiếng, cả hơi đều được xung vào đội quân hú hồn. Thi thoảng cũng có đứa tỉnh lại. Ấy là hồn chưa đi xa, chưa bị lú đường, còn nghe được tiếng hú gọi mà lần về nhập vào xác. Còn nhiều đứa hồn đã lìa, mà không kịp gọi ngay là coi như đi đứt. Chúng đã bị giời bắt. Bà đồng Hỷ khoát tay quả quyết như vậy. Bà cụ ở mãi huyện bên, cách làng một thôi đường, một con sông, lại bị mù từ nhỏ, chỉ quanh quẩn trong cái điện thờ âm u hương khói mà cái gì cũng biết. Cứ như lời bà đồng thì trăm tội đều do ông giời cả. Tại ngài tất. Ngài đỏng đảnh lắm, tham lam lắm, chỉ muốn có nhiều kẻ hầu, người hạ. Cứ đứa nào có tên đèm đẹp là ngài bắt ngay. Thế là từ đó, đẻ con, người ta cứ thằng cu cái đĩ mà gọi. Có ông lão làm nghề đánh giậm, đẻ đến năm cô con gái. Lũ trẻ lau nhau trứng gà, trứng vịt, ăn cơm rau muống, tắm nước ao tù, mà thấc lên đẹp như tiên. Da trắng nõn trứng gà bóc. Môi chúm chím, ướt đỏ, trông đến mát cả mắt. Con gái thị thành cũng chẳng bén gót chân. Nhưng đến khi gọi tên thì nghe sởn cả da gà: Ếch, Ộp, Suốt, Suồn, Suột. Ấy vậy mà cũng đâu có thoát khỏi nạn giời. Cô Ếch đội nón ra đi sau một tuần bị chó dại cắn. Khổ! Không khéo cũng chỉ tại con bé có tên là Ếch. Thế thì đích thị là ngài rồi. Chính ngài chứ đâu phải chó dại. Biết đâu, ngài giở tính, lại thèm cái món đồng quê. Thế là khổ con rồi, con ơi! Bà đồng Hỷ bảo thế. Bà đồng đã phán là cấm có sai bao giờ!
Bởi vậy, khi lão Chộp ra đời, ông cụ thân sinh lão gọi luôn là thằng Vồ. Cả làng từ lớn đến bé cũng gọi lão là thằng Vồ. Rồi cậu Vồ, anh Vồ. Sau này lớn lên, lão tự đổi tên là Chộp. Chộp với Vồ thì cũng thế cả. Ấy là cái tên để doạ… ông giời. Chẳng biết ông giời có sợ lão không, nhưng quả thật, ngài cứ im thin thít. Bởi thế mà từ khi đẻ ra cho đến mãi sau này, lão chẳng ốm đau, sài đẹn gì, mà cứ lớn thôi thổi. Mười tuổi đã cao lưng cột nhà. Mười bảy tuổi, lão đã trị được con trâu hung dữ nhất của làng An Đoài. Ông giời lão cũng chẳng sợ. Cho đến cả thiên lôi, tầm sét có xuống, lão cũng chẳng coi ra cái thá gì!
III.
Thế thì lão sợ quái gì mấy con giời rổm, ấy là cái lũ quạ Mĩ. Khi chiến tranh leo thang bằng không quân của chúng vừa bung ra miền Bắc, lão đã sung ngay vào trung đội dân quân Quyết Thắng của làng An Đoài. Với cây súng trường dài bằng nửa cái đòn gánh, trưa nào, lão Chộp cũng leo lên đỉnh cây gạo cạnh ao chùa, ngồi thu lu trên chạc ba, như một con chim cắt đang rình mồi. Lão đang rình máy bay Mĩ đấy. Rình mãi rồi chúng cũng mò đến. Chúng hét ầm ầm như sấm, như sét, nghe tưởng đứt màng nhĩ, hùng hổ cứ như ông thiên lôi. Nhưng nhìn tướng mạo thì rõ ra quân ăn trộm. Chúng bay sấp ngửa, bay nhớn nhác như quạ vào chuồng lợn. Rồi tên lửa, rồi cao xạ, trung liên, rồi 12 ly 7 nổ rền khắp cả bốn phía. Lúc bấy giờ mới biết quân ta đông thật. Chỗ nào cũng dày đặc trận địa phòng không. Đạn nổ rền như ngô rang. Lão cũng đòm theo vài phát súng trường cổ lỗ. Thực tình thì lão chỉ bắn doạ. Lão nện bừa lên thinh không chứ nào có kịp nhằm gì. Thế mà con giời cũng khiếp vía, chạy đến vãi khói đít.
Thế rồi, nhập nhoạng tối ngày 10/9/1966, lúc bấy giờ mới cơm nước xong, lão Chộp chưa kịp leo lên ngọn cây gạo thì bầy quạ Mĩ chẳng biết đi ăn sương ở đâu về, rồi bị đòn, bay đến khu vực làng An Đoài thì cháy bùng lên như một ngọn đuốc lớn. Lão Chộp sướng quá. Lão hét đến khàn cả giọng. Rồi cả làng cùng la hét, reo hò ầm ĩ. Rồi họ khua trống, gõ nia, gõ mẹt, gõ chậu thau, nồi đồng. Rồi lan sang cả mấy làng bên. Rồi thì khắp bốn phương giời, mười phương đất, chỗ nào cũng đụp đụp đẹt đẹt. Ngọn đuốc ma bấy giờ đã bành ra thành đống lửa lớn chùng chiềng đổ xuống mạn Ái Quốc. Phen này thì thằng lái ra tóp. Lửa phừng phực như thế, có là ông giời cũng chẳng thoát nổi. Toi rồi, con ơi! Cú này thì đời con thành chả rồi. Một miếng chả nướng cứ gọi là thơm phưng phức nhá!
Minh họa: Lê Trí Dũng
IV.
Vậy mà hai tên giặc lái trong chiếc máy bay bị bắn cháy đêm ấy vẫn không bị chết, cũng không bị thui thành miếng chả thơm phưng phức như lão Chộp tưởng tượng. Vào khoảng tám giờ tối hôm đó, ông Nguyễn Đình Bệch, công nhân lái phà ở làng Đào Xá đi làm về, tình cờ nhặt được chiếc mũ phi công rơi trên cánh đồng làng An Lâm. Thế có nghĩa là tên giặc lái đã thoát khỏi đám cháy, đã nhảy dù rồi. Có thể hắn rơi ngay ở trên cánh đồng làng An Đoài, hoặc ở mấy khu vực quanh quanh đây thôi. Bí thư đảng ủy Nguyễn Đình Hiện và xã đội trưởng Nguyễn Danh Cân đều có chung một nhận định như vậy. Trung đội dân quân Quyết Thắng đã được triệu tập tức tốc ngay trong đêm. Bằng mọi giá phải lùng bắt tên giặc lái đang lẩn lút đâu đó, không để cho hắn gọi đồng bọn đến giải thoát. Trung đội dân quân được bổ sung thêm một số thanh niên phụ nữ trong làng. Người có súng thì mang súng. Người không có súng thì mang đòn gánh, đòn càn, liềm hái, hoặc gậy gộc. Đạo quân truy tìm giặc lái chia làm ba mũi. Một mũi tiến về phía An Lâm. Một mũi tràn về mạn Quốc Tuấn. Lão Chộp dẫn đầu mũi vây quét ở khu vực An Đoài, Đào Xá. Lùng sục suốt đêm, chẳng thấy gì. Thằng lái chết rồi. Chắc chắn là hắn chết rồi. Cái mũ của hắn có thể vẫn còn sống, nhưng chính hắn thì đã bị cháy thành than cùng với chiếc máy bay. Lão Chộp nghĩ vậy. Rồi lão thung thăng dẫn quân về. Lúc bấy giờ đã khuya. Sương xuống mù mịt. Cả cánh đồng Mả Giai chờn vờn trong làn sương khói lãng đãng. Mảnh trăng thượng tuần xanh tái đang lặn xuống chân trời xa, hắt quầng sáng hấp hối lên đỉnh ngọn quéo đen sẫm. Cây quéo này, một thời nghe nói có ma. Khối bà đi chợ sớm qua đây, rồi cứ gồng gánh đi quanh gốc quéo cho đến sáng bệch mới thoát ra khỏi. Ma làm đấy. Bà đồng Hỷ bảo phải đóng vào gốc quéo ba cái đinh thuyền to bự cùng bao nhiêu bùa bà cho yểm mới trị được đấy. Bây giờ thì không còn ma nữa. Nhưng lão Chộp vẫn thấy rờn rợn. Linh tính báo cho lão biết có một điều gì đó không bình thường. Hay là vẫn còn ma? Mà đúng còn ma thật. Ma hiện lù lù ngay trước mắt kia, ở ngay trên đỉnh ngọn quéo kia. Lão Chộp dụi mắt nhìn. Một chiếc dù bùng biêng xanh xanh đỏ đỏ trong ánh trăng thoi thóp. Lão Chộp khoát tay ra hiệu cho cả nhóm tản ra xung quanh, tiếp tục lùng sục. Rồi lão trườn dọc bờ ruộng, men theo con mương đào. Có tiếng cá tũng toẵng đớp sương. Rồi tiếng thở phì phò bên kia mương nước. Thôi, đúng con giời rồi. Lão Chộp nhảy phóc qua mương. Rồi lão lăn một vòng xuống vệ cỏ, lăn luôn vào cái đống to xù đang nằm thở hổn hển. Lúc bấy giờ, lão Chộp mới bàng hoàng nhận ra mình chỉ có hai bàn tay không. Khẩu súng rơi đâu mất. Có lẽ nó đã văng xuống bờ mương bên kia. Tên giặc lái nghển cổ nhìn lão. Lão Chộp ngỡ sẽ có một tiếng súng lục vang lên. Nhưng chắc chắn lão không thể chết được. Nếu có bị trúng đạn thì cũng phải trói hắn xong, lão mới chịu chết. Nhưng không. Không có tiếng súng nào cả. Tên giặc bàng hoàng nhìn lão. Rồi bất ngờ, hắn chúi đầu xuống bờ ruộng. Hình như hắn muốn chui xuống đất. Nhưng hắn không phải con lươn, con chạch. Làm sao mà chui được cơ chứ! Lão Chộp nhảy phóc lên người hắn, chẹn chặt cổ. Rồi phía sau, ông Sinh, ông Măng, ông Lơ cũng vừa ập đến. Người đè chân, người giữ tay. Thế là tên giặc lái bị tóm gọn…
V.
Rồi sự kiện đó qua đi. Cũng như bao chiến tích oanh liệt thời chống Mĩ rồi cũng qua đi. Lão Chộp không còn nhớ nữa. Những ông lực điền cùng bắt giặc với lão cũng không còn nhớ nữa. Họ bận bao công việc đồng áng, mùa màng. Chẳng ai còn nhắc lại chuyện cũ. Thế nhưng, viên phi công Mĩ bị bắt đêm ấy, ngài Peter Peterson thì lại không quên. Vừa đến Hà Nội được ít ngày, ngài đã trở về An Bình, thăm lại mảnh đất xưa mà cứ theo lời ngài thì đó là mảnh đất ngài có nhiều kỉ niệm sâu sắc.
Lần này, ngài đi giữa ban ngày. Cùng đi với ngài còn có Bí thư Tỉnh ủy Phạm Văn Thọ cùng nhiều cán bộ cao cấp Bộ Ngoại giao. Lão Chộp cũng ra đón ngài. Lão đi cùng đám thợ cày, thợ cấy làng An Đoài. Cuộc đón tiếp diễn ra trọng thể theo đúng nghi thức đón khách quốc tế.
– Ông còn nhớ tôi không? Ông có mong tôi trở lại không?
Đại sứ Peter Peterson bắt tay lão Chộp và hỏi lão như vậy. Câu hỏi ấy làm cho lão rất đỗi kinh ngạc.
– Làm sao tôi lại nhớ và mong ông được. Ông không phải người làng tôi, cũng không phải họ hàng. Ngay cả bây giờ gặp ông giữa ban ngày ban mặt mà tôi cũng còn chẳng thể nhận ra được nữa kia. Lúc ấy, ông khác lắm…
– Tôi khác ư? Khác thế nào? – Đại sứ đâm tò mò.
– Thì lúc ấy, ông là cái anh đầu trọc. Tôi muốn túm tóc ông cũng không túm được. Còn bây giờ thì ông thế này…
Đại sứ Mĩ cười vang. Lão Chộp cũng cười. Câu chuyện xưa đã trở thành cổ tích. Còn hiện tại lão Chộp đang thũng thẵng cùng Peter Peterson đi thăm cánh đồng Mả Giai, thăm gian nhà kho chứa thóc giống nơi ngài từng bị nhốt. Tất cả giờ đổi khác. Cây quéo xưa đã chết. Đường ra đồng rộng thênh thang, có thể chạy hai hàng xe tải. Nhiều nhà xây đã mọc lên, có dáng dấp những biệt thự vườn. Rồi quán cháo lòng, quán cơm bụi, quán karaoke. Làng An Đoài đã váng vất đâu đó chút mùi vị thị thành. Đến chính lão Chộp cũng không còn nhận ra được dấu tích đìu hiu của cái làng quê xưa cũ. Nhưng ngài Peter Peterson thì vẫn nhận ra. Ngài nhớ rất rõ từng bờ rào, từng mô đất trên con đường làng ngoằn ngoèo những vệt trâu đái và ngai ngái mùi cúc tần, mùi rơm rạ. Lão Chộp rất kinh ngạc trước trí nhớ kì lạ của viên phi công Mĩ ngày nào.
– Chỗ này dạo ấy không phải như thế này đâu. Nó có rãnh nước nhỏ…
– Phải rồi! Lão Chộp xác nhận. – Nó là rãnh đất ải. Ông tập tễnh bước trên những rãnh đất ấy…
– Tôi nhớ là tôi rất đau chân. Đau lắm. Lúc ấy, tôi ngỡ mình không phải bước trên mặt đất, mà đang giẫm lên những bàn chông. Vâng, đúng là những mũi chông nhọn hoắt…
Lão Chộp cười hô hố:
– Không phải chông đâu. Đất làng tôi đấy. Tôi vẫn giẫm trên những vạt đất ấy ra đồng mỗi ngày. Chỉ có điều là ông đi chưa quen thôi. Lúc ấy, tôi đã lột giày ông, vì cứ tưởng điện đài ông giấu trong giày. Nếu biết ông cộc tếch, chỉ có mỗi bộ đồ lề của lão phó cối, thì tôi đã chả bắt ông phải làm như vậy…
– Dạo ấy, tôi ngồi ở chỗ này, đúng không? – Đại sứ Mĩ chỉ cái bục gạch đã tróc vữa nham nhở ở góc sân kho hợp tác xã.
– Đúng đấy…
– Lúc ấy, có một người rót cho tôi bát nước. Bát nước rất lạ. Thoạt đầu chỉ thấy đắng ngắt. Đắng đến nỗi, tôi tưởng là thuốc độc. Nhưng sau lại thấy thơm, thấy ngọt. Một vị ngọt cũng rất lạ.
– Nước vối đấy. Còn người rót nước cho ngài là ông Lơ…
– Ông ấy có ở đây không?
– Ông cụ mất rồi. Mất cách đây mới vài năm thôi…
– Thật đáng tiếc. Cầu Chúa ban phước lành cho ông ấy. – Giọng Peter Peterson trầm xuống. – Quả thật là khi uống bát nước của ông ấy đưa cho, tôi biết là mình sống. Nhất định sẽ sống. Thế còn đống lửa? Tại sao lúc ấy họ đốt lửa to thế?
Lão Chộp cười:
– Họ đốt để nhìn rõ mặt ông đấy. Mặc dù lúc ấy, đốt lửa rất nguy hiểm. Vì lửa có thể là mục tiêu bắn phá của các ông…
Đại sứ Mĩ vẫn chưa hết ngạc nhiên:
– Thế còn những người xung quanh, họ la hét, họ cứ nhảy choi choi trước mặt tôi. Họ muốn làm gì tôi thế?
– À, đấy là những người có chồng, có con bị bom các ông giết hại đấy. Rất may là chúng tôi kịp nhét ông vào kho lúa, khóa lại, chứ nếu không thì không chắc chúng tôi đã bảo vệ được ông thoát khỏi những cơn thịnh nộ của họ…
Đại sứ Mĩ cười buồn, rồi quay sang lão Chộp:
– Cũng may là tất cả mọi việc đã qua rồi. Tôi rất mừng là cả hai chúng ta đều còn sống. Lần trước, tôi đến An Bình bằng nhảy dù. Bây giờ thì tôi đến An Bình bằng ô tô. Tôi muốn chúng ta hãy khép lại quá khứ, cùng nhìn về tương lai. Tôi sẽ làm hết mình cho tương lai ấy. Ông bạn tôi, ngài Tali có nhờ tôi chuyển lời hỏi thăm ông, hỏi thăm bà con An Bình…
– Thế ông Tali là ông nào? – Tôi tò mò hỏi lão Chộp.
– Là cái ông phi công nhảy dù cùng với ông Bu Sơn. Cái máy bay cháy đêm ấy có những hai phi công cơ, bác ạ. Chúng tôi chỉ bắt được mỗi ông Bu Sơn thôi.
– Ông Peter Peterson, cụ ạ. – Tôi vội đính chính.
– Ở đây chúng tôi vẫn gọi là ông Bu Sơn. Vừa rồi ông ấy về đây, chúng tôi cũng gọi là Bu Sơn. Ông ấy cũng chẳng cãi gì. Thế thì đúng ông ấy là Bu Sơn rồi còn gì, có bác nhớ nhầm tên ông ấy thì có. – Lão Chộp cười hề hề. – Vừa rồi, nghe ông Bu Sơn nói, tôi mới biết ông Tali là bạn ông ấy. Hai ông cùng nhảy dù. Ông Bu Sơn đau chân, vì va phải cái gì đó trên máy bay ấy. Ông Tali khoẻ hơn, ông ấy rủ ông Bu Sơn chạy trốn, nhưng ông Bu Sơn không chạy vì chân đau…
– Thế ông Tali có chạy được không?
– Chạy được chừng hơn hai cây số, sang phía bên kia cánh đồng Tè. Tưởng ông ấy trốn ở đâu, hóa ra chui vào bãi tha ma. Ông ấy đào ở ria đống mả một khoảng hõm đúng bằng một cái ghế ngồi. Ông ấy ngồi ở đó, lấy lúa che bốn xung quanh. Mà khen thay, là ông ấy xóa dấu vết rất giỏi, người ông ấy to xù như thế mà đi qua lúa chẳng để lại tí dấu vết nào. Đến khi mấy bà đi làm cỏ lúa túm được ông ấy thì ông ấy lại giả vờ chết. Đầu ông ấy ngoẹo xuống, mắt nhắm nghiền, như một cái xác thật, nhưng mồm lại thở phò phò…
Lão Chộp cười khậc khậc:
– Ông Tali bây giờ, nghe nói cũng làm to lắm, đâu như ông ấy là giám đốc hãng hàng không máy bay du lịch Mĩ. Khi ông ấy bị bắt thì cũng rất buồn cười. Y hệt ông Bu Sơn. Đầu cũng trọc lông lốc. Khám người chỉ thấy lỉnh kỉnh dăm cối. Các bố này cũng biết đề phòng có thể bị bắt, nên mang theo dăm cối, để đóng giả ông phó cối, dễ trà trộn. Nhưng mặt mũi ấy, chân tay ấy làm phó cối sao nổi.
– Chắc đó là thứ gỗ thay cho củi, dùng để nướng thức ăn gì đó chăng?
– Không! Dăm cối rõ ràng, bác ạ, chẳng lẽ tôi mà lại nhầm được?
Lão Chộp lại cười, vẻ khoái chí! Rồi lão đẩy cái điếu bát sang phía tôi:
– Bác hút thuốc đi. Thuốc lào Vĩnh Bảo đấy. Vừa rồi, ông Bu Sơn về đây, tôi cũng đãi ông ấy một chầu thuốc lào…
– Ông ấy hút được thuốc lào, hả cụ?
– Hút tốt. Ông ấy vê thuốc gọn lắm. Chắc hồi nằm khoèo ở trại giam Hà Nội, ông ấy có hút thuốc lào. Về cái khoản bắn thuốc này thì ông ấy chẳng chịu thua cánh thợ cày chúng tôi đâu…
Lão Chộp dừng lại. Lão nhìn tôi đăm đăm, vẻ như thăm dò, rồi lão dè dặt hỏi:
– Này, tôi hỏi khí không phải. Có phải bác là cái anh Hạt gạo làng ta không?
Tôi ngạc nhiên nhìn lão:
– Vâng! Có chuyện gì thế cụ?
– Ồ, thế thì hay quá! Tôi định khăn gói quả mướp tìm gặp bác lâu rồi kia. May quá! Đúng là giời phù hộ, bác ạ!
Nói rồi, lão Chộp lậng cậng bước vào buồng. Có tiếng lảnh cảnh va đập của chai lọ. Rồi lúc sau, lão lôi ra một cái xắc cốt quen thuộc mà ta vẫn thường thấy ở các cán bộ xã thời kháng chiến chống Mĩ.
– Tôi có mấy cái này, làm đã lâu rồi, hồi còn là thanh niên trong trung đội dân quân…
Tưởng gì, hóa ra lại là thơ. Lão viết trong những cuốn sổ ghi công điểm hợp tác xã. Nhìn chỗ nào cũng dầy đặc những chữ. Tôi lần giở từng trang. Bài thơ nọ nối bài thơ kia, trông rậm rịt như những vạt rau muống. Biết đâu trong số này chẳng có một đôi bài làm nên tên tuổi lão ở đời sau. Cứ xem lão nâng niu chúng, đủ biết đối với lão, đây mới chính là báu vật.
Tôi nhìn lão kinh ngạc. Hóa ra lão không muốn làm anh hùng, mà chỉ ôm mộng thành thi sĩ. Chuyện ta biết về lão vẫn chỉ là cái chuyện bắt phi công Mĩ. Chuyện ấy đối với lão lại là chuyện vặt. “Bác đừng viết làm gì, kẻo dân làng tôi họ lại bảo cái lão này già rồi còn thích khoe, mà toàn khoe những chuyện cũ rích. Tôi có cả bài thơ viết về ông Bu Sơn đấy! Hay là thế này. Đêm nay, bác nghỉ lại đây đi. Ta làm ấm trà đặc…”
– Vâng! Thế nào cũng có buổi tôi trở lại nghe thơ cụ. Còn bây giờ thì tôi phải đi rồi…
– Thế bác có về Hà Nội không, hay còn làm việc ở Hải Dương?
– Tôi về Hà Nội ngay chiều nay, cụ ạ.
Lão Chộp mừng rỡ:
– Thế thì bác cho tôi gửi cho ông Bu Sơn cái này nhé.
– Cụ gửi gì thế?
– À, tôi muốn gửi biếu ông ấy chục trứng gà mới đẻ với nải chuối tiêu, gọi là chút quà quê. Lần trước, ông ấy về, cập rập quá, tôi lại quên khuấy đi mất.
– Ấy chết, cái đó thì tôi không chắc chuyển được, cụ ạ. Ông ấy bây giờ làm đại sứ Mĩ, chuyển quà không dễ…
– Thế thì bác cứ nhắn là tôi có nhời hỏi thăm. Tôi chúc ông ấy mạnh khoẻ. Và nếu ông ấy rỗi rãi, mời ông ấy về An Bình chơi với chúng tôi. Tôi sẽ đọc thơ tôi viết về ông ấy cho ông ấy nghe. Tất nhiên, nếu có về An Bình, ông ấy cứ đi bằng ô tô như hôm vừa rồi, chứ đừng nhảy dù.
– Thế nếu ông ấy cứ nhảy dù thì cụ tính sao? – Tôi hỏi trêu lão Chộp.
– Thì… thì tôi lại phải… “chộp” ông ấy thôi. Mà điều đó thú thực với bác là tôi rất không muốn. – Lão Chộp cười. – Ấy cũng là nói cho vui thế thôi, chứ tôi với ông ấy đều già cả rồi. Ai lại còn đi làm cái trò trẻ con ấy nữa.
1998
T.Đ.K
Văn nghệ Quân đội
Phạm Thúy Quỳnh đưa bài