Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng, độc giả không quay lưng lại với sách, chẳng qua là do những cuốn sách đó quá dở.
Trần Ðăng Khoa nổi tiếng là thần đồng thơ từ năm lên tám tuổi với những bài thơ giản dị, ngộ nghĩnh viết về những điều quanh mình. Cái nghiệp văn chương đã ngấm vào anh từ nhỏ. Anh đã tâm sự rằng: “Tuổi thơ luôn là vùng ký ức màu mỡ trong những tác phẩm của tôi. Nếu được quay lại thời trẻ con, tôi sẽ tranh thủ chơi nhiều hơn làm thơ. Tôi bắt đầu từ giã tuổi thơ của mình từ khi công bố tác phẩm đầu tiên, bấy giờ tôi 8 tuổi …
Chào nhà thơ Trần Đăng Khoa, anh có nghĩ rằng, độc giả hiện nay đang quay lưng lại với sách vở không?
Điều này không đúng đâu, tôi thấy nhiều người cho rằng, bạn đọc bây giờ quay lưng và thờ ơ với sách nhưng tôi không thấy như vậy. Sách là do các Nhà xuất bản làm ra và họ bán sách là do nhu cầu đời sống, không ai làm sách chỉ để trưng bày. Có sách xuất bản, tức là phải có người mua họ mới in. Độc giả chỉ quay lưng lại với những cuốn sách dở thôi, chứ những cuốn sách hay vẫn có người đọc đấy chứ.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa
Năm 2015 vừa qua được đánh giá là năm ồn ào của văn thơ khi có vụ đạo thơ của Phan Huyền Thư và việc tranh chấp bài thơ Khi tổ quốc gọi tên giữa Nguyễn Phan Quế Mai và Nguyễn Xuân Phúc, anh nghĩ sao về điều này?
Việc ồn ào về văn thơ như thế cũng không có gì đáng ngạc nhiên cả. Trường hợp của Phan Huyền Thư thì cô ấy đã có tiếng nói, lên tiếng xin lỗi với mọi người rồi nên chúng ta không nên bàn thêm về điều đó nữa. Còn bài thơ Khi tổ quốc gọi tên thì hiện nay cũng chưa có sự phân định rõ ràng. Vì thế rất khó để nói gì. Nếu ai đó bảo rằng, Nguyễn Phan Quế Mai lấy thơ của tác giả đó, thì Nguyễn Xuân Phúc phải đưa ra được bằng chứng bằng văn bản, phải là tác phẩm đã in, nếu như chưa in mà nói là người ta lấy tác phẩm của mình là chưa thoả đáng. Khi không chứng minh được đó là tác phẩm của mình thì không nói mạnh được.
Việc ồn ào năm 2015 vừa qua chứng tỏ một điều, đăng ký bản quyền cho các tác phẩm văn thơ vẫn còn để lỏng đúng không anh?
Đúng như vậy, mọi thứ vẫn chưa được hoàn thiện. Làm việc gì thì cũng phải có chứng cớ, nếu như việc tranh chấp thơ của Nguyễn Phan Quế Mai mà đăng ký bản quyền tác phẩm ngay lúc bài thơ ra đời thì đã không ồn ào lâu như thế. Bản thân các nhà văn, nhà thơ cũng muốn tác phẩm của mình được công nhân và được bảo vệ quyền tác giả – điều này là nhu cầu chính đáng và văn minh của xã hội hiện đại.
Hiện tại, các hội viên của Hội nhà văn Việt Nam đã có những biện pháp nào để bảo vệ quyền tác giả của mình, thưa anh?
Hiện nay ở Hội nhà văn Việt Nam đã có cơ quan bản quyền văn học gọi tên là Trung tâm Quyền tác giả Văn học Việt Nam do nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ làm giám đốc, hoạt động rất tốt.
Các tác giả có tác phẩm có thể làm hồ sơ đăng ký ở đó. Hoạt động của trung tâm nhằm bảo vệ cho tác giả ở tác phẩm do mình sáng tác. Việc đăng ký hồ sơ ở trung tâm này cũng là việc đăng ký “thương hiệu” cho tác phẩm. Nó là tấm áo “bảo hộ” để bảo vệ đứa con tình thần của các nhà văn, nhà thơ.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa ký sách tặng độc giả
Nhiều ý kiến cho rằng, thời đại công nghiệ thông tin phát triển, trẻ em bây giờ thích chơi điện thoại, ipad hơn là ngồi đọc thơ. Anh có nghĩ thế không?
Cũng không hẳn như vậy. Phải tìm hiểu xem trẻ con bây giờ thích gì, nếu các em không thích thơ thì lỗi là tại các nhà thơ chưa chinh phục được các em. Các em nhỏ không có lỗi, đừng bao giờ trách bạn đọc có lỗi. Trước hết, trách các nhà thơ chưa thuyết phục được các cháu yêu thơ của mình. Độc giả công bằng lắm, hay thì học đọc, không hay thì họ bỏ. Các nhà thơ tự trách mình trước khi trách độc giả.
Nhưng thưa anh, có một thực tế là, nếu hay, có nhiều người đọc thì tác phẩm phải liên quan đến những chi tiết giật gân, câu khách, thậm chí là yếu tố sex?
Không, nếu là tác phẩm hay thì không giật gân cũng có đọc giả. Vừa qua đã có những cuốn như: Bảy bước tới mùa hè, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng… của Nguyễn Nhật Ánh mới bán ra đã phải tái bản rồi. Bạn đọc rất tinh tế, họ không bị lừa bởi những thứ như giật gân, câu khách đâu, vấn đề vẫn là chất lượng của nhà văn viết ra thôi.
Nhiều người vẫn tò mò về cuộc sống riêng của nhà thơ Trần Đăng Khoa?
Tôi sống rất giản dị, không có khát vọng gì lớn cả vì thế tôi rất hạnh phúc. Vợ tôi làm ở ngành ngân hàng, chúng tôi có hai con gái, một học lớp 9, một học lớp 6. Vợ tôi là người rất tốt, chúng tôi sống với nhau gần 20 năm rồi mà chưa bao giờ nói nặng nhau câu nào, chứ đừng nói cãi nhau. Tôi chỉ có thể “bật mí” về chuyện riêng của mình như vậy thôi.
Bí quyết gì mà anh và chị lại có thể hoà thuận như thế trong 17 năm ở bên nhau?
Để sống hoà thuận trong những năm ấy, vợ chồng chúng tôi có sự điều chỉnh lẫn nhau. Vợ và chồng cần tôn trọng và làm đẹp cho nhau. Tôi thấy hiện nay nhiều phụ nữ trang điểm, ặn mặc cầu kỳ kho ra ngoài đường nhưng lúc về nhà thì cẩu thả với chồng, nhiều ông chồng cũng thế, về nhà với vợ không nói được câu nào tử tế… khiến hai vợ chồng chán nhau. Chúng tôi có quy tắc là yêu thương nhau và đẹp ngay từ trong nhà, rồi sau mới ra ngoài xã hội.
Cảm ơn những chia sẻ của anh!
Theo Lạc Thành – Thời nay