Trận chiến cuối cùng

 

 

Truyện ngắn của Đinh Phương

 

Chiều ngả nghiêng, chao đảo, bóng nắng nhợt nhạt cuối ngày rơi thõng xuống ngay phía sau vai lão. Chẳng ai biết lão là ai, tên họ là gì, lão từ đâu tới, và tại sao lại tới cái miền biển cằn cỗi, nghèo khó này để sinh sống. Họ chỉ biết một ngày cuối mùa mưa năm nào đó lâu lắm rồi đột nhiên lão xuất hiện ở làng. Lão đến đây chẳng có gì, môi thâm vì đói, lạnh, trên người bộ quần áo nâu sờn vì sương gió đã rách vài chỗ, đôi chân trần tướm máu vì đi nhiều.

*

*   *

Cơn mưa đầu mùa dữ dội, chớp giật liên hồi, ba ngày trời đen kịt, tối sẫm, nước ngập khắp nghìn sông, vạn hồ. Vậy là cuộc hành quân của loài thuỷ tộc đã chính thức bắt đầu. Giống mọi năm, Thuỷ Tinh đem quân đến đánh trả thù Sơn Tinh vì năm xưa đã để tuột mất nàng Mỵ Nương.

Vua Hùng yêu con, thương con, muốn ở gần con nên thiên vị cho Sơn Tinh, chuyện ấy ai mà chẳng biết. Còn Thuỷ Tinh, thực ra cũng không yêu thương gì Mỵ Nương. Mà yêu làm sao được khi hai người còn chưa gặp mặt, chưa trò chuyện gì với nhau. Hiềm nỗi lòng tự ái trong vị thần nước bất tử cao quá không bỏ qua được. Năm này qua năm khác, nhớ thù cũ, lại dẫn quân từ biển về vùng đồng bằng…

Trước trận đánh đầu tiên bao giờ Sơn Tinh cũng thức trắng cả đêm, ngồi bên ấm trà đặc nguội ngắt từ bao giờ, chống tay, bóp trán đăm chiêu suy nghĩ. Tấm màn rủ trước mặt khẽ phe phẩy khi có cơn gió lùa vào từ khe cửa hai bên. Ngọn nến thắp trước mặt đã tắt từ lâu mà chàng vẫn còn ngồi bất động chưa muốn đứng dậy thắp lại. Mọi năm chàng cố nghĩ thật nhiều kế độc, tung thật nhiều tướng giỏi, đánh ngay trận đầu tiên phải thật ác liệt, giết thật nhiều nhân mạng loài thuỷ tộc. Nhưng năm nay chàng thấy trong mình có gì đấy vẫn bứt rứt chưa yên.


“Trận chiến này liệu sẽ kéo dài bao lâu, còn bao nhiêu sinh linh nữa phải bỏ mạng. Rồi ai là chính nghĩa? Ai phi nghĩa?”.

“Cuộc chiến này sẽ kéo dài hết đời này qua đời khác. Hết kiếp người nhỏ bé này sang kiếp người nhỏ bé khác. Chẳng ai là chính, cũng chẳng ai là tà. Nỗi đau làm gì thuộc về miền nào riêng biệt. Vết thương nào chẳng rỉ máu. Có cuộc chiến nào là cuộc chiến mang lại niềm vui?”.

Thêm sự bất tử ngự trị trên đỉnh cao quyền lực khiến chàng mệt mỏi, chán chường. Nhiều lúc, chàng thèm được chết, mũi gươm xuyên thấu tim. Từ đó được tái sinh sống một kiếp sống khác, kiếp sâu bọ, cỏ cây chẳng hạn.

Mà mới chiều nay thôi, khi đi thăm vùng ven chân núi xem việc đắp thành đón đoàn quân thuỷ quái của Thuỷ Tinh tràn về, chàng gặp lại một phần hình bóng chàng trai dắt ngựa chín hồng mao làm sính lễ năm nào. Vẫn là chàng trai nhỏ bé, rụt rè, tóc loà xoà trước mặt, chẳng mấy khi ngẩng đầu nhìn thẳng người đối diện. Người ta giải chàng trai đến trước mặt Sơn Tinh, bắt quỳ, hai tay trói ngược ra sau bởi dây rừng bện chắc.

“Bẩm đại vương. Tên này định trốn ra vùng đang thuộc quyền cai quản của lũ thuỷ quái. Chúng tôi đi tuần bắt được giải về, tiện đây xin đại vương định liệu”.

“Ngẩng mặt hắn lên cho ta xem”.

Tên tướng vừa tâu đi đến phía sau nắm tóc chàng trai giật ngược lại. Từ vị trí rất gần nhưng Sơn Tinh không thể nào thấy rõ khuôn mặt ấy. Giữa nhiều vệt máu, vết thâm tím, xước xát vì bị thương trên khuôn mặt ấy còn biểu lộ điều gì đó khó diễn tả. Nó không phải là sợ hãi, thù hằn, cũng không là sự phản trắc.

“Được rồi”.

Sơn Tinh vẫy tay ra lệnh cho tên thuộc hạ bỏ chàng trai ra rồi ngồi nhắm mắt trầm ngâm hồi lâu. Thuộc hạ xung quanh xôn xao bàn tán, chờ đợi nơi chủ tướng mình một tiếng giết để làm gương trước trận chiến ngày mai…

Khi trời còn tối đất, phải rất lâu sau tiếng kẻng báo thức ba quân mới ngân lên thì có lệnh truyền xuống: Hoãn binh! Ai ai cũng bất ngờ, ngỡ ngàng, tiếng bàn tán xôn xao từ trại phía đông sang trại phía tây. Mọi năm, giờ này tất cả đã nai nịt, gọn gàng, đứng trên cổng thành chuẩn bị ném từng loạt đá xuống đầu quân thuỷ quái của Thuỷ Tinh. Tiếng cái chết từ phía dưới dội lên khiến máu từ những cái đầu nóng phía trên sôi lên, gạch đá được ném xuống nhiều hơn, mạnh hơn. Rồi như thường lệ, năm nào quân của Thuỷ Tinh cũng thua. Cái định mệnh khắc nghiệt của tự nhiên khắc sâu mối thù hận trong lòng hai vị chiến tướng. Cứ ngày ấy, tháng ấy một bên là điểm quân lên đường từ phía biển kéo vào. Bên kia điểm quân phòng thủ, từ trên núi kéo xuống tiến dần ra đẩy lùi đội quân không quen ở cạn. Rồi cuối cùng cái còn sót lại sau cuộc chiến là xác muôn loài cây cỏ, muôn loài cá mú, cùng những xác người. Mùi hôi thối xộc lên phải mất đến mấy đợt trăng lên, trăng xuống mới được đất mẹ cùng những bàn tay con người tẩy sạch. Người ta trồng lúa ngay trên những vùng ấy, lúa tốt bời bời, gặt về đập, nấu ăn thấy vẫn còn day dứt dư vị tanh của máu muôn loài.

Sơn Tinh không biết điều ấy, một vị thần bất tử ngự trên đỉnh non cao chỉ biết đến những niềm vui cùng lời tấu trình thuận tai. Nhìn những bông lúa ngày ngày lên cao chuyển từ xanh sang vàng chàng thấy vui mắt biết bao nhiêu. Chứ có biết đâu để làm ra được bông lúa ấy đã có bao nhiêu máu và mồ hôi của nhiều kiếp sống đổ xuống.

Lâu rồi chàng vẫn nghĩ con người, cỏ cây cũng bất tử như chàng, Mỵ Nương, Vua Hùng Vương thứ mười tám, kẻ tử thù Thuỷ Tinh. Nhưng rồi từ khi gặp chàng trai cháu của người dắt ngựa đi làm sính lễ năm nào chàng mới vỡ lẽ ra tất cả. Hoá ra con người không bất tử như chàng vẫn tưởng. Cái cuộc đời con người ngắn ngủi, hạn hẹp vụt qua trong chớp mắt. Cái chàng trai dắt ngựa cho chàng chỉ như mới gặp hôm qua thôi nay đã nằm sâu dưới ba tấc đất. Cái còn sót lại của cuộc đời con người là bộ xương khô quắt queo chẳng ai nhớ đến.

Không có cái chết nào xảy ra trong cái buổi chiều đầy mây mù, sấm chớp ấy. Gió thổi thốc từng cơn theo nhịp bước đều đặn lên xuống của con ngựa tía. Chàng trai lầm lũi đi bên Sơn Tinh nơi cuối đoàn người.

“Tại sao ngươi lại bỏ trốn ra vùng của bọn thuỷ quái mà không ở lại cùng ta chống lại bọn chúng?”.

“Xin ngài tha tội. Quả con không phải là kẻ hèn nhát gì đâu. Nhưng ngặt nỗi nơi ấy còn mẹ già mắt mờ, chân yếu. Là con trai duy nhất mà không lo được cho mẹ già nên trong lòng lúc nào cũng canh cánh không yên. Cha con thì mất sớm cũng trong trận chiến chống thuỷ quái năm nào, mẹ một mình nuôi con lớn khôn, rồi vì ham mê tuổi trẻ con lại bỏ bà mà đi. Nếu ngài quả còn nhớ đến cha con, thương mẹ con thì xin cho con về ngay tìm mẹ, kẻo mẹ có bề nào con không sao mà sống được”.

Chàng trai quỳ xuống cầu xin. Sơn Tinh vội nhảy xuống ngựa, đỡ chàng đứng dậy, nói nhỏ vào tai chàng. Trong lúc ấy đoàn tuỳ tùng, quân lính vẫn tiếp tục đi hướng về phía trại chính.

Thêm một ngày nữa trận chiến được hoãn lại, kéo dài. Phía ngoài tiếng chửi rủa, tiếng binh khí chạm nhau của đội quân thuỷ quái vang lên không ngớt. Thuỷ Tinh đứng trên một con mực khổng lồ mặt đằng đằng sát khí uốn nước thành muôn ngàn mũi tên lao thẳng về phía các bức tường bao của Sơn Tinh. Đã có nhiều người, nhiều cây chết vì những mũi tên, giáo sắc nhọn.

Từ sáng đến giờ đã có ba, bốn đợt lính từ bốn phía đông, tây, nam, bắc được phái về cấp báo tình hình khẩn cấp. Ba quân vẫn mong mỏi lệnh truyền xuống từ vị tướng tối cao để quyết một trận sống mãi. Sơn Tinh nghe xong mặc lòng sôi lên như lửa đốt nhưng nét mặt vẫn tỏ ra điềm nhiên như không ra lệnh giữ vững phòng thủ chưa được tấn công. Đến khi người lính về cấp báo đi rồi chàng mới đứng dậy đi đi lại lại, mặt đăm chiêu, thở dài. Nếu mọi năm giờ này là giờ chàng đang hưởng men say chiến thắng thì ngược lại năm nay chưa có trận chiến nào diễn ra nhưng chàng đã cảm thấy sự thất bại, bất lực. Một người tướng giỏi là phải làm cho ba quân cùng gia đình họ được hưởng yên vui, an ấm lâu dài. Chàng đã làm được điều ấy chưa? Hết cha rồi đến con, đến cháu nối tiếp nhau lao vào nơi lửa đỏ không có đường thoát ra.

Ngồi gục mệt mỏi phía sau tấm màn cùng bao suy nghĩ, câu hỏi không có lời giải thích thoả đáng, chàng ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Tỉnh dậy, phía ngoài bầu trời đã chuyển tối, ngọn nến góc phòng được thắp lên, chàng ngỡ ngàng thấy Mỵ Nương ngồi cạnh mình từ bao giờ. Đôi mắt nàng ánh lên niềm lo lắng..

“Nàng đến lâu chưa? Sao không gọi ta dậy?”.

“Thiếp đến lâu rồi, thấy chàng ngủ say quá nên không dám gọi. Hai đêm rồi chàng không về nhà, thiếp lo quá nên mạn phép đến xem chàng thế nào”.

“Hai ngày rồi ta ngồi suy nghĩ về cuộc chiến này. Cái cuộc chiến kéo dài lê thê cuốn đi bao nhiêu sinh mạng. Biết một người chỉ huy ba quân kiêng kị nhất là mềm yếu mà không sao làm khác, nghĩ khác được. Mà nàng ngồi gần lại đây nào, ta ngửi thấy thoang thoảng mùi bồ kết nơi tóc nàng”.

“Chàng vẫn nhớ ngày chúng ta mới lấy nhau chứ. Chiều chiều, chàng thường đứng bên múc nước cho thiếp gội đầu. Cái ngày tháng tưởng gần ấy mà cũng đã qua bao nhiêu kiếp rồi. Chúng ta không già đi nhưng những suy nghĩ lại càng ngày càng cằn cỗi, người đời thèm bất tử, thiếp thì ngược lại, chỉ thèm làm một người vợ, người mẹ bình thường như bao người phụ nữ trên trần gian này mà thôi”.

“Ta xin lỗi. Ta vẫn chưa cho nàng niềm vui được làm mẹ. Mà…”.

“Có chuyện gì vậy? Xin chàng đừng giấu thiếp”.

Sơn Tinh định nói gì đấy, lưỡng lự, lại thôi. Chàng khẽ nở nụ cười, vòng tay ôm chặt lấy Mỵ Nương, hít thật lâu mùi bồ kết trên mái tóc đen dày của người vợ yêu thương. Mùi bồ kết lan toả mãi trong không gian hoà cùng niềm hạnh phúc ngắn ngủi trước trận chiến quyết định bắt buộc phải diễn ra ngày mai…

Nửa đêm, Sơn Tinh trao vội phong thư cho chàng trai cháu người dắt ngựa năm nào rồi giục anh ta đi ngay. Chàng trai im lặng, vội vã quỳ xuống, đưa hai tay lên nhận phong thư. Con ngựa tía được chủ nhân đích thân dắt ra khỏi chuồng, hý lên từng chặp, phả từng bụm hơi trắng như tuyết. Lần đầu tiên trong đời nó được giao một nhiệm vụ kỳ lạ đến thế. Trao dây cương xong, cho đến khi bóng chàng trai khuất sau rặng tre phía ngoài trại, Sơn Tinh vẫn đứng nhìn theo. Nỗi lo lắng tăng lên khôn nguôi, biết cái kế hoạch liều lĩnh này có thành công? Nơi chàng trai phải đến khác nào hang hùm, miệng rắn.

Trở vào trong trại, rót từ bình ra một chén rượu nhỏ, rượu nồng và gắt. Uống hết chén rượu, Sơn Tinh nghe thấy bên tai mình văng vẳng tiếng hát. Tiếng hát cất lên từ sự tự do, từ hạnh phúc của một ngày trên cánh đồng màu mỡ, từ chiếc thuyền thúng giữa biển cả mênh mông vô tận. Tiếng hát xuyên qua rừng, qua núi, qua những vực thẳm khôn cùng ngăn cách muôn loài với nhau. Tiếng hát không mang trong mình sự bất tử, trường tồn mãi mãi, tiếng hát cũng hữu hạn như một kiếp người bình thường, nhỏ bé. Lúc nhỏ, tiếng hoá thành tiếng ru của mẹ hiền bên nôi mỗi đêm. Lớn lên, tiếng hát là tiếng của vợ chồng lúc vui, buồn, hờn, giận. Về già tiếng hát là tiếng khóc thương của con, của cháu. Tiếng hát đời này kết thúc thì tiếng hát đời sau lại sinh ra. Mỗi đời người lại nghe tiếng hát ở một âm điệu khác nhau, khi nhanh, khi chậm.

Lần đầu tiên trong những giờ khắc cuối, Sơn Tinh cảm giác được rõ ràng mình đang sống, đang tồn tại. Khí trời lúc này có mùi vị ngọt dịu của dòng sữa mẹ. Ánh nến hoá thành ánh nhìn đầm ấm, nghiêm khắc của cha. Dòng rượu chảy vào thực quản mang cả tính ấm, cay nồng, cháy bỏng nơi tình yêu.

Giọt nước mắt hạnh phúc đầu tiên, cũng là cuối cùng trong cuộc đời của vị chiến tướng được dồn lại trong chén đựng rượu nhỏ để đối diện phía bên kia bàn. Để rồi sáng sớm hôm sau khi Mỵ Nương vào thì tất cả chỉ còn lại gió. Một hình hài gió giống hình hài của Sơn Tinh. Hình hài này dắt tay, chỉ cho Mỵ Nương thấy cốc rượu pha bằng nước mắt mà người chồng thương yêu để lại…

*

*   *

Đứa bé gái câm càng lớn càng xinh đẹp. Ngày ngày, nó vẫn ra ngồi với lão già nhìn về phía biển cả mênh mông, vô tận. Nhiều hôm, nó thấy từ dưới biển đi lên một chàng thanh niên cao to, vạm vỡ, tay cầm ngọn giáo dài. Chàng thanh niên ngồi rất lâu bên lão, cả hai cùng ngắm mặt trời lên từ phía biển. Họ nói với nhau những chuyện mà nó không thể nào hiểu được. Như về bức thư, về trận chiến trong quá khứ, về sự lặp lại buồn tẻ của cuộc sống bất tử hay cái hữu hạn của kiếp người. Chàng thanh niên trước khi về lại với biển hỏi lão rằng lão có hối hận khi từ bỏ cuộc sống của một vị thần để lấy cuộc sống của một con người bình thường, già nua. Lão trả lời không, chỉ tiếc một điều không biết ở phương xa kia vợ lão sống sao, liệu lão có đứa con nào không, mặt mũi nó thế nào, có giống lão…?

Chàng thanh niên hứa sẽ trở lại đưa lão về thăm quê.

Nhưng ngày ấy chưa kịp đến thì…

Một buổi sáng giữa mùa đông lạnh lẽo ngồi trước biển lão kể cho con bé câm nghe chuyện lão là một vị thần, vì chán ghét chiến tranh mà phái người mang thư điều đình với vị thần đối phương để trở về làm một con người bình thường. Lão còn có vợ nữa, vợ lão có mái tóc dày, đen, ngát hương bồ kết. Nếu lão có con thì con lão lúc này chắc cũng tầm tuổi nó, xinh đẹp như nó.

Con bé nghe mà chẳng tin. Nó mỉm cười, vui vẻ, tung tăng về đan lưới với mẹ để chuẩn bị cho chuyến ra khơi ngày mai của cha. Để rồi vài tháng sau khi lấy chồng, con một người buôn ngựa miền sơn cước, nó quên béng mất lão đã từng nói gì, quên mất chàng thanh niên đi lên từ biển. Còn lão, nói xong câu chuyện lão về nhà đặt lưng xuống ngủ rồi không bao giờ trở dậy nữa.

Khi Thuỷ Tinh nhớ lời hẹn đến đón lão về thăm quê thì chỉ còn lại gió và cát như lão chưa từng ở trong cái làng chài ven biển nghèo khó, thưa thớt ấy.

Người dân quê tôi vẫn đời đời kể lại cho nhau nghe về trận quyết chiến long trời, lở đất diễn ra bảy ngày bảy đêm ấy. Không có bên nào thắng, không có bên nào thua. Sau bảy ngày mặt trời ló rạng hồi sinh cỏ cây, hoa lá. Loài thuỷ quái không thấy chủ nhân mình đâu, sụt sùi khóc thương kéo nhau về phía biển. Cây cối, con người trên cạn chưa kịp vui mừng đã lo lắng làm lễ tang tiễn biệt.

Cũng từ năm ấy quân của Thuỷ Tinh không còn từ biển kéo lên quấy nhiễu người dân, muôn loài ở trên cạn nữa. Còn hai vị thần núi, thần biển biến đi dâu? Chẳng ai biết. Chỉ biết cuối năm ấy Mỵ Nương hạ sinh ra một người con gái đặt tên là La Bình. Nàng La Bình càng lớn càng thông minh, xinh đẹp. Thay cha, nàng cai quản, bảo vệ con người, muông thú trên khắp trời đất nước Nam.

Nguồn: Báo Quảng Ninh