Nhà thơ Xuân Diệu – cây đại thụ của thơ ca Việt Nam thế kỷ XX – lúc sinh thời hơn một lần nói: “Thơ tình là phép thử của thi sĩ”. Thật vậy, có lẽ không có nhà thơ nào mà trong suốt cuộc đời sáng tạo của mình không một lần viết về tình yêu. Hay có thể nói chính thơ tình làm nên dung mạo đích thực của nhà thơ.


Trần Chấn Uy cũng vậy. Và còn hơn thế nữa, thơ viết về tình yêu nam nữ chiếm phần lớn những trang viết của anh. Anh cầm bút từ khi con tim biết rung động khiến tôi tin bài thơ đầu tiên anh sáng tác là bài thơ về tình yêu. Kể từ đó đến nay anh yêu rất nhiều, nói như nhà thơ Chi Lê Pablo Neru là “yêu liên tục” hoặc như thú nhận của văn hào Nga Lép Tônxtôi “yêu không biết mệt mỏi”. Yêu và trải tình yêu ấy vào thơ. Thơ tình chiếm số trang đáng kể trong tập thơ đầu tiên Mùa thu thành phố (Hội Văn nghệ Nha Trang, 1984), rồi đến Tình ca hát một mình (Hội Văn nghệ Khánh Hòa, 1990), tiếp là Xin đừng quên tôi (Nxb Phụ nữ, 1992), Chân trời khát (Nxb Văn học, 1996), Trăng lạnh xứ người (Nxb Văn học 2003). Gần đây nhất là Giấc ngủ khuyết vầng trăng (Nxb Văn học 2005, tái bản 2007) – tác phẩm được giải cao nhất về Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giai đoạn 2000-2010. Và đây nữa bản thảo tập thơ sẽ xuất bản năm 2012 đang có trong tay tôi Bên dòng sông đa tình
Trần Chấn Uy sinh ra ở một vùng quê lam lũ, nhưng được trời phú cho vẻ bề ngoài cân đối, dễ nhìn dễ ưa và đặc biệt rất dễ tin cậy. Phụ nữ yêu anh là điều không khó hiểu. Không những thế Uy lại có một trái tim quá nhạy cảm, nếu không muốn nói là mong manh. Có người nói: Trần Chấn Uy sinh ra là để yêu. Nhưng tôi còn biết: Trần Chấn Uy sinh ra là để được yêu. Âu đó cũng là số phận. Bởi không được yêu đã là rất khổ nhưng biết đâu được yêu rất nhiều lại có khi còn khổ hơn. Nhà thơ Xuân Diệu từng bộc bạch “yêu là chết ở trong lòng một ít”.
Không khổ sao được khi ngay trong mối tình đầu tiên anh đã yêu hết mình: Một thời em dâng/ Bộ ngực trần hư thực/ Tôi mông lung trong đêm sâu vô thức/ Đôi môi em đỏ rực/ Như bông hồng hồi hộp cháy hừng đêm.
Và rồi từ đó tình yêu không lúc nào để con tim anh yên tĩnh: Em mắt biếc em từ phương nào đến/ Bộ ngực trần phì nhiêu/ Dội lòng ta những đợt sóng vô hồi.
Những đợt sóng ấy không chỉ vỗ vào lòng anh mà còn cuốn anh đi hết lớp này đến lớp khác trong mê lộ của tình yêu: Mười lăm năm em đi tu/ Lửa dục đốt ngực/ Nụ hôn xưa còn ngọt mãi cơm chùa/ Đêm nước mắt, cõi niết bàn hư ảo/ Thực và mơ cơn khát cháy lòng/ Cái giây phút bão rung đê vỡ/ Mười lăm năm gió dữ hãy còn reo/ Mười lăm năm trăng từng giọt tan theo cơn khát/ Em ôm em vòng ôm trăng khuyết/ Chăn chiếu chay/ Không che nổi tấm thân ngọc/ Em run lên, nửa vầng trăng vỡ vụn/ Ngực chũm cau đâm toạc áo nâu sồng/ Dứt giải yếm ném vào mê lộ/ Đẩy cánh cửa từ bi em hốt hoảng vào đời.
Phải yêu ghê gớm lắm mới có thể viết lên những dòng thơ sôi sục và cháy bỏng đến như thế. Và đây những dòng thơ xót xa về những kỷ niệm đã một đi không trở lại trong cuộc đời không một phút bình yên của anh: Đáy lòng em còn sót lại tuổi tên ta/ Như sót lại điệu rum ba ngày cuối/ Chút run rẩy nụ hôn đầu vụng dại/ Cháy làn môi, tuổi trẻ hóa tro tàn.
Hay:
Em thiêng liêng hơn tất cả những gì thiêng liêng/ Nếu phải chết, anh hóa thành quán trọ/ Để một mai nhớ anh, em tìm về phố cũ/ Giữa đêm khuya, em có chỗ dừng chân.

Trái tim của người đàn ông – thi sĩ mới đẹp làm sao và mới cao thượng làm sao ngay cả khi tình yêu đã đi qua,đã tan vỡ.
Tiếp nối mạch thơ tưởng chừng không bao giờ dứt ấy, Bên dòng sông đa tình Trần Chấn Uy lại bước sang một cung bậc khác. Trái tim anh đã dành cho tình yêu quá nhiều, đã hạnh phúc quá nhiều và chắc cũng quá nhiều khổ đau, giờ đây thôi gào thét mà lặng lẽ như biển đang chờ cơn bão sau sẽ đến. Giờ đây là tình yêu của người đàn ông đã bước qua đỉnh dốc của cuộc đời, tuy vẫn còn nóng bỏng nhưng dường như từng trải hơn, điềm tĩnh hơn, sâu lắng hơn và có phần bao dung, độ lượng hơn. Anh trút tất cả lên trang giấy trắng những câu thơ tưởng chừng như bị nén chặt và sẵn sàng bùng nổ.
Trần Chấn Uy đem đến cho ta một cảm xúc thật trữ tình thật ngọt ngào với những rung động chưa biết gọi thành tên với một người con gái lớn hơn anh đang giữa tuổi xuân thì: Chị dỏng cao trắng ngần da thịt/ Tôi mười ba vỡ giọng vịt bầu/ Vai thon thả chiếc đòn tre kĩu kịt/ Chị gánh tuổi xuân ngây dại những đường cong/ … Chiều chớm thu đi học đường làng/ Cây gạo đỏ một chùm hoa như máu đỏ/ Tôi giật mình buốt lạnh chiều se gió/ Một làn hương trinh bạch Chị đang về.
Viết đến đây tôi chợt nhớ đến bài thơ diêu bông của nhà thơ Hoàng Cầm. Nhưng cái khác biệt của Trần Chấn Uy là cho ta thấy người đàn bà trong thơ anh là người đàn bà xương thịt, đem đến cho anh một cảm xúc và cảm giác có thực. Nó cuộc đời hơn và vì thế quyến rũ hơn.
Và đây, đứng trước một người nữ tu, tác giả chan chứa cảm thông và cũng chan chứa yêu thương: Đêm trở mình sang khuya/ Em đã về Yên Tử/ Heo may choàng vai người viễn xứ/ Em đã lên chùa với gió sương/ … Áo nâu mặc lạnh đêm mưa/ Tràng hạt lần chi vòng luẩn quẩn/ Cõi người còn nguyên lòng vướng bận/ Nước mắt em đẫm ướt vạt áo thiền.
Và đây nữa một Trần Chấn Uy đang nghẹn ngào nhớ về một người con gái đã có lần đi qua đời anh: Trở lại dòng sông ấy một mình/ Bến vẫn xưa. Em không còn ở đó/ Anh còn nghe trong nghẹn ngào sóng vỗ/ Tiếng cuốc kêu đứt ruột dọc bờ sông/ Em đã đi về phía quê chồng/ Mờ mịt gió, một cơn mưa vừa đến/ Chiều đã hoang, lòng vẫn xưa, người lỡ hẹn/ Dòng vẫn trôi. Lạnh lẽo bến không thuyền.
Nhịp những câu thơ đứt gãy diễn tả thật tuyệt vời cảm xúc của thi sĩ trước một mối tình dang dở như vẫn còn đang nấc lên trong lòng người.
Trần Chấn Uy là người biết nâng niu và chắt chiu tình cảm của mình, đó là tài sản quý giá mà cuộc đời ban tặng. Một ánh mắt năm nào của cô gái bất chợt ngang qua cuộc đời anh trong chiến tranh, nhưng anh vẫn nâng niu, gìn giữ và dành cho cô gái ấy những tình cảm thật nồng ấm qua những dòng thơ thật xúc động: Bỗng sáng ấy giữa cánh rừng già/ Rừng nghìn tuổi còn em thì rất trẻ/ Đôt mắt huyền nụ cười trong sáng thế/ Em làm mềm đi những tàn khốc của chiến tranh/ … Không tìm được mộ em/ Tôi đốt nén nhang cắm vào chân cỏ/ Như phép nhiệm màu, nén nhang cháy đỏ/ Em đang về, làn gió bỗng lạnh hơn.
Ở đây ta bắt gặp một thứ tình cảm còn cao hơn cả tình yêu nam nữ. Đó là sự cảm thông giữa trái tim với trái tim, giữa con người với con người – thứ tình cảm hình như ngày càng hiếm hoi trong cuộc đời, cái tình cảm ấy khiến tim ta nghẹn ngào, se thắt.
Người con trai cuồng si năm nào giờ đã là người đàn ông tóc đã nhuốm màu sương khói. Và thi sĩ bất chợt ngộ ra một điều: yêu tức là cho chứ không phải là nhận. Có thể trong cuộc đời Trần Chấn Uy đã có rất nhiều người con gái đã đi qua… Không hiểu sao tôi luôn tin rằng những người đàn bà đã từng yêu anh thì cho dù kết cục thế nào đi chăng nữa, họ cũng sẽ không hề nuối tiếc. Anh đã đem đến cho họ tất cả hương vị của tình yêu.Tình yêu thực sự đẹp bao giờ cũng hiếm hoi và là tài sản vô giá không dễ gì có được trong cuộc đời mỗi người.
Trần Chấn Uy có những bài thơ phảng phất không khí Liêu Trai. Nhà văn Nguyên Hồng từng nói “thơ hay là thứ thơ bên trong có quỷ”. Bài Gái tơ của anh là một trong số không ít những bài thơ “có quỷ” ấy – bài thơ đã đạt tới mức hoàn mỹ, cổ điển.
Thu chớm vườn xưa cúc chín vàng

Hương bưởi đêm về thơm lối sang

Ngõ vắng nhặt thưa trăng từng vũng

Bóng ai nem nép góc vườn hoang.

Heo may đùa giỡn tà áo biếc
Rờn rợn màu trăng ánh trắng ngà

Da thịt ngọc gieo eo lưng thắt

Mắt nhìn như có gió sương pha.

Trái ửng hồn xuân căng ngực áo
Gió trăng nhễ nhại ánh màu ma

Nghìn kiếp tu hành chưa đắc đạo

Áo thiền vội cởi gửi chùa xa.

Trong thơ Trần Chấn Uy, một mảng lớn thấm đẫm hồn quê với những bài thơ chắt ra từ gan ruột làm người đọc hiểu thêm những nỗi niềm của một người yêu quê hương, yêu đến đau đớn, đến xa xót, đến nghẹn lòng. Những câu thơ bãng lãng buồn, se sắt buồn, vời vợi buồn, da diết buồn, mênh mang buồn. Và thật kỳ lạ, tâm hồn ta như giàu có thêm, nhân hậu hơn lại chính vì có những nỗi buồn như thế:
Sông quê con đò nhỏ

Mỏng manh neo bờ mây

Chiều thả đàn ngựa gió

Vó tung mưa bụi bay.

Ngày vãn, đã tím chiều
Mùa đã thu một nửa

Heo may cài then cửa

Cúc nhóm lửa vàng sân.

Bóng đêm vừa chạm ngõ
Lòng đã buốt hồn quê

Hình như đàn ngựa gió

Chở người xưa kịp về.

Và đây nữa những câu thơ chân cảm, ám ảnh về một miền quê luôn đau đáu trong anh mỗi khi mùa gió bấc lạnh lẽo thổi về.
Ngày vãi gió gieo mùa bấc

Se lạnh chân chiêm đồng xa

Mẹ gánh trĩu chiều cơn rét

Xo ro dáng vạc dáng cò.

Đồng thom thóp đất màu bạc

Mắt vọng hút tầm đăm đăm

Giáp hạt mặt người héo quắt

Chim trời cá nước mù tăm.

Vẹt gót kiếm tìm cơm áo
Dân làng trăm núi nghìn sông

Mỗi chiều căm căm gió bấc

Nỗi quê ăm ắp cõi lòng.

Ở tập Bên dòng sông đa tình Trần Chấn Uy có hai bài thơ đặc sắc viết về hai đại thi hào dân tộc: một về Nguyễn Tiên Điền – Nguyễn Du; một về Uy Viễn tướng công – Nguyễn Công Trứ. Hai nhà thơ lừng lững trong dòng văn chương bác học của dân tộc cùng quê huyện Nghi Xuân – nơi hạ nguồn dòng sông La đầy vẻ thơ mộng, lãng mạn và huyền bí.
Chỉ vài nét chấm phá Nguyễn Công Trứ đã hiện lên như một võ tướng một đời chiến trận nhưng cũng thật phong lưu hào hoa và đa tình:
Gái điếm kinh thành

Rượu quý vua ban

Từ quan đại thần đến thằng lính thú

Từ ả thôn quê giữa đồng ứ hự

Đến nàng Mai, nàng Đào

Chốn Thăng Long phù hoa…

… Ngày làm thần

Đêm làm ma

Một kiếp phong trần

Suốt đời lãng tử

Mây gió thênh thang

Thơ viết ngàn trang

Bài nào cũng lạ.

Anh cũng dành cho Nguyễn Tiên Điền những câu thơ hào sảng, đầy khí phách của một bậc chính nhân quân tử:
Thăng Long giã biệt

Ông về neo gió sông La

Săn thỏ núi Hồng

Thuyền nan đậu bến Giang Đình

Tăm tăm rượu gạo

Cửa Khổng sân Trình ngàn năm mộng ảo

Giấc Nam Kha mù tăm

Những mong ngọn bút giúp đời

Đường hoạn lộ long đong vinh nhục.

Sinh ra giữa buổi tao loạn, không đành nước đục thả câu, Nguyễn Du với nỗi tận cùng cô đơn soi bóng mình xuống dòng sông La như năm xưa Khuất Nguyên cảm khái ngâm bài phú Hoài Sa bên dòng sông Mịch La. Và rồi cả hai đều có kết cục như nhau: Khuất Nguyên ôm tảng đá mà gieo mình xuống dòng sông Mịch La tự vẫn. Còn Nguyễn Du ốm nặng không chịu uống thuốc để lặng lẽ từ giã cõi đời trên đường đi sứ phương Bắc
Trần Chấn Uy trong một lần về thăm quê, anh như gặp lại những người mà “thác là thể phách, còn là tinh anh” ấy:
Chòm râu trước gió bơ phờ

Nguyễn đi dọc sông La

Viết những câu thơ Kim tự tháp

Thả con thuyền lục bát

Trôi nghìn năm, nghìn năm

Trên dòng sông đa tình.

Dòng sông đa tình – Sông La – chảy trên đất Hà Tĩnh, một miền đất địa linh nhân kiệt. Mảnh đất này đã sản sinh ra những người con làm rạng danh quê hương đất nước: Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác… và còn biết bao anh hùng, thi nhân khác nữa.
Trần Chấn Uy cũng sinh ra bên dòng sông ấy. Như người xưa vẫn nói: “Văn chương nết đất”, anh trở thành nhà thơ không có gì đáng ngạc nhiên. Cái đáng ngạc nhiên ở anh là anh sáng tác rất nhiều thơ tình mà không nhàm chán, trùng lặp. Anh là một thi sĩ đa tình và đa tài. Chỉ có thể giải thích được bởi anh lúc nào cũng yêu chân thành, yêu hết mình như một câu thơ của người viết bài này tặng anh:
Buổi hẹn hò nào cũng là buổi đầu tiên

Cuộc chia tay nào cũng là

cuộc chia tay lần cuối.

Hà Nội, Giáng sinh 2011

Nguyễn Tùng Linh

Nguồn: TCNV 05-2012.

Exit mobile version