1.

Chuông đồng hồ báo thức của bé Môn mỗi buổi sáng là bàn chân lông tơ của chú Ếch, nói chính xác phải là “bàn chân lông tơ của chú chó tên Ếch”, khều nhẹ vào tay cho tới khi Môn nghiêng người, có khi thì ngọ nguậy, có khi hé mắt rồi lại… ngủ nướng thêm một chút, rồi lại khúc khích cười khi Ếch liếm lên mặt, lên tai cho đến khi “cô chủ nhỏ” thức dậy mới thôi. Khi Môn dụi mắt ngồi dậy, đặt hai chân xuống giường cũng là lúc Ếch lon ton chạy loanh quanh phòng, hít thứ này, ngửi thứ kia, có khi kêu lên những tiếng sin sít vui sướng trong cuống họng (Ếch thì lúc nào cũng có lí do để vui khi có Môn bên cạnh), lúc lại cuống quýt chạy lăng xăng quanh chân Môn, cũng có lúc Môn hơi rề rà khi lấy khăn mặt, bàn chải… trước khi vào phòng tắm, Ếch liền quay sang tự… đuổi bắt với chính cái đuôi của mình hoặc nằm úp bụng xuống nền nhà, nghếch mỏ lên hai chân trước, nhìn về phía Môn với những tia sáng háo hức như thúc giục: “Nhanh lên nào… hãy cùng bắt đầu một ngày mới!”.


Biết Ếch đợi (dù đã cố gắng hết sức ghìm cho chiếc đuôi của mình đừng xoay tít khi cô chủ nhỏ đưa mắt nhìn sang) nên Môn thường đánh răng, rửa mặt thật nhanh rồi bước ra. Như chỉ đợi có vậy, Ếch chồm dậy, chạy đến quấn lấy chân Môn rồi lũn đũn đi ra bếp, hướng đến phía chiếc tủ lạnh, nơi Môn sẽ tiến đến, tự rót một ly sữa đầy cho mình và nửa chén sữa vào chiếc tô nhựa đặt ngay chân tủ lạnh cho Ếch. Có khi sữa trong tủ lạnh không còn, Môn và Ếch sẽ nạp bữa sáng bằng vài cái bánh quy, mấy lát trái cây hay dĩa xôi, hoặc củ khoai lang, cái bánh giò… mẹ để sẵn trên bàn. Về khoản ăn uống thì Ếch vô cùng dễ tính: Môn ăn gì thì Ếch sẽ ăn nấy, đó là kết quả của những ngày Ếch còn là một chú cún đỏ hỏn được Môn tự tay chăm nom bằng cách cho uống sữa kết hợp với món “sinh tố hỗn hợp” là những món ăn hàng ngày, kể cả rau và trái cây nên giờ Ếch có thể “xơi” cả xoài xanh, cóc, sơ ri hay chùm ruột chua lè hoặc vị chan chát của những trái sim vừa chín tới…

2.


Hình ảnh bé Môn với tóc thắt bím bước thong thả dọc theo con hẻm cùng với “chú Ếch” đủng đỉnh bên cạnh đã trở nên quen thuộc với mọi người ở xóm Chiếu này. Tuy tên xóm Chiếu nhưng không ai trong xóm làm nghề liên quan gì đến chiếu, mà đa phần là buôn bán nhỏ hay nhận đóng hàng gửi xe tải đường dài, mà có khi cả tuần mới đóng được một chuyến nên xóm Chiếu không mấy nhộn nhịp so với những xóm lao động khác. Nhịp sống chậm rãi phù hợp với nếp sinh hoạt của mẹ con Môn, nhất là đối với căn bệnh tim khiến sức khỏe của Môn không ổn định như những đứa trẻ đồng trang lứa.

Với gian hàng gốm sứ trước hẻm, mẹ vừa dùng làm nơi để buôn bán kiếm đồng vô đồng ra cũng vừa là để tiện chăm sóc, kèm cặp việc học hành tại nhà cho Môn. Gian hàng ấy được mẹ treo vô số những chậu dây leo nhỏ xinh che nắng chiếu, chắn mưa tạt vào chỗ Môn và Ếch thường hay nô đùa. Nơi ấy, mẹ cũng đặt vài chú vịt con, mèo con, ếch con, dăm cái nồi, vài cái chén bé tí… bằng gốm để cho Môn cùng chơi đồ hàng với Ếch mỗi khi mẹ bận với công việc bán hàng. Nếu mệt, Môn có thể leo lên chiếc võng treo ở góc cuối gian hàng, lúc đó Ếch sẽ nằm ngay sát nơi chân võng chợp mắt nghỉ ngơi. Thi thoảng, cả hai bị đánh thức bởi tiếng rao quen thuộc của chị Năm bán tàu hũ, anh Hồ bán bánh cam, thím Thắm bán trái cây… đi ngang qua, rồi dừng chân nghỉ một lát tại gian hàng gốm của mẹ. Chén tàu hũ, dĩa trái cây, cái bánh cam… đôi lúc cũng là bữa xế của “ba mẹ con” (mẹ Môn vẫn thường kêu Ếch là “con” và xưng mẹ hoặc thường gộp chung chữ “hai đứa” vào các câu hỏi han hàng ngày nên Môn cũng xưng chị và kêu “em” hoặc “cưng” với Ếch rất ra dáng chị Hai).

Bữa trưa luôn được mẹ chuẩn bị kĩ lưỡng từ lúc xế với những món hầm gia truyền mà theo lời mẹ là rất “nên thuốc, tốt cho sức khỏe của con” được mẹ nấu bằng cách gửi bếp than sang cửa hàng phở quen sát bên gian hàng của mình, lửa than cứ cháy liu riu, khoảng 15 đến 20 phút mẹ lại chạy qua trông chừng hoặc nêm nếm lại cho vừa miệng. Thương mẹ, Môn đều cố gắng ăn hết phần mẹ múc cho mình dù rất ngán; thương con, mỗi bữa mẹ cùng ăn “món nên thuốc” dù chẳng bệnh tật gì; dễ ăn, Ếch chưa bao giờ bỏ mứa món hầm nào, dù đôi lúc trong món hầm có vị thuốc khá đắng… Và cứ thế, Môn vừa học, vừa chơi nơi gian hàng của mẹ đến khi trời tắt nắng, rồi “ba mẹ con” cùng dắt nhau đi chợ chiều gần nhà hoặc cũng có khi dạo bước ở công viên nếu như đó là một ngày đẹp trời sau đó thong thả về nhà, cùng nhau nấu bữa tối.

3.


– Ếch, đưa tay cho chị dũa móng cho, chứ sáng nào cũng bị Ếch cào, tay chị trầy hết rồi đây nè, Ếch thấy không? Đưa tay đây… Ếch… đưa tay đây cho chị… Môn cao giọng như ra lệnh, nhưng rõ ràng là bị “yếu thế” khi Ếch cố tình hết lùi rồi lại xoay vòng như mỗi khi “bị” tắm hoặc “bị” dũa móng tay, móng chân hoặc “bị” cô chủ dùng bông gòn chùi tai, dù Ếch “biết tỏng” không thể nào tránh được. Mẹ bưng ly nước lọc cùng vài viên thuốc đến, rồi ngồi xuống bên cạnh, nắm bàn tay của Môn lên xem, ngạc nhiên hỏi:

– Trên tay con có vết trầy nào đâu?

Môn cười thèn thẹn:

– Phải nói vậy thì Ếch mới chịu để cho con dũa móng tay, chứ con không bị em Ếch cào trầy tay đâu, em Ếch ngoan lắm!

– Ừ, mẹ biết là em Ếch ngoan, chỉ tại mẹ hơi lo vì tưởng tay con bị trầy…

Mẹ với tay lấy cái khăn ướt đưa cho Môn lau tay như thay cho lời báo đã tới giờ Môn phải uống thuốc. Ếch ngoan ngoãn ngồi yên nhìn Môn, biết rõ mình không được phép nhộn nhạo vào những lúc như thế này. Mẹ xoa đầu khi Môn uống thuốc xong, cất giọng dịu dàng.

– Sáng mai con dẫn em Ếch qua gửi bên nhà ngoại nhé!

Môn cụp mắt xuống, cố giữ sao cho mình đừng lạc giọng:

– Mai ba về hả mẹ?

– Ừ, mai ba về!

Môn ngước mắt lên nhìn mẹ, khẽ mỉm cười như cơn run rẩy vừa rồi chỉ là một cái rùng mình thoảng qua rồi kéo Ếch vào lòng, đưa tay gãi nhẹ lên phần lông tơ mềm mịn nơi cổ của Ếch.

– Mai ba về rồi, tụi con sẽ ngoan… tụi con sẽ rất ngoan mà, đúng không Ếch?

Mẹ tiếp lời Môn:

– Con gái của mẹ với em Ếch lúc nào cũng ngoan, nên thế nào ba về cũng sẽ có quà cho hai đứa. Mà con thích được quà gì nhất?

Môn ôm Ếch chặt hơn, rồi Môn thở nhẹ ra, nới lỏng vòng tay mình khỏi người Ếch, lấy tay mình chạm vào tay mẹ, trả lời bằng giọng mỏng mảnh như cái dáng hình ốm yếu của mình

– Ba… ba tặng quà gì, con cũng thích hết!

Mẹ cười, định nói một câu gì đó với Môn nhưng rồi khuôn mặt mẹ như tái đi, có phần hốt hoảng khi thấy Ếch rời khỏi vòng tay của Môn rồi cuống quýt chạy vòng quanh, khi thì dùng chân trước cào lấy bàn chân của Môn, khi thì sủa cật lực về phía mẹ. Đó là cách Ếch “báo động” về cơn choáng ngất của Môn, điều vẫn thường xảy ra khi Môn mệt mỏi hay xúc động. Nhanh chóng, mẹ bế thốc Môn lên rồi đặt Môn nằm xuống giường, kê gối cho Môn nằm rồi nhanh chân chạy đến đầu tủ lấy lọ thuốc nhỏ vào miệng Môn mấy giọt. Đoạn, mẹ bóp nhẹ tay chân Môn, thở ra nhẹ nhõm khi thấy nhịp thở của Môn đã đều đặn trở lại. Môn hé mắt ra nhìn mẹ, miệng mấp máy như định nói gì đó nhưng mẹ đã ngăn lại.

– Suỵt, con cứ nằm nghỉ đi, có chuyện gì đợi mai hãy nói…

Đưa tay vuốt mái tóc Môn, rồi mẹ cất giọng ru hời, vừa hát ru, vừa nhìn về phía Ếch đang ngồi dưới đất hóng theo từng nhất cử nhất động của mẹ và Môn, gật đầu ra hiệu cho phép Ếch được phép nhảy lên giường. Đứng thẳng lên và quắc đuôi một lượt như cảm ơn mẹ, Ếch tiến đến phóng nhẹ lên giường, rồi tự mình dụi đầu vào cánh tay Môn đang đặt dọc theo thân người. Mắt nhắm như đã thiu thiu ngủ, nhưng như theo bản năng, Môn đưa tay vỗ nhè nhẹ lên đầu Ếch như âu yếm, như vỗ về và như tìm sự bình yên bên người em nhỏ. Khẽ nghiêng người, mẹ nằm xuống bên cạnh Môn, miệng vẫn khe khẽ cất tiếng ru hời, còn mắt thì nhìn lên trần nhà, thở ra từng hơi thật nhẹ, tai lắng nghe từng nhịp đập của trái tim Môn…

4.


Là tài xế xe tải đường dài, ba Môn dành phần lớn thời gian của mình phía sau tay lái và quen với cảnh cơm đường cháo chợ, những đêm thức trắng theo từng cung đường, với những lon nước tăng lực, những ly cà phê đen sánh, thích ăn to, nói lớn… nên mỗi khi về nhà, ông không sao quen được với cái không khí chậm chạp và có phần tẻ nhạt nơi đây. Cũng như sáng nay khi vừa về tới nhà, nhìn thấy cảnh Môn nhợt nhạt nằm ngủ thiêm thiếp, còn con chó thì cụp đuôi chui tọt ngay xuống gầm giường và nhất là cái mùi thuốc bắc từ món canh hầm và tiếng nói khẽ khàng của vợ “con nó vừa lên cơn đau tim tối qua” là ông chỉ muốn quay ngược ra xe rồi dong ruổi theo những chuyến hàng như trong suốt thời gian qua.

Mẹ nhanh chóng tiến đến, đỡ túi xách rồi phủi lớp bụi đường trên cổ áo ba Môn, cất giọng dịu dàng:

– Em chuẩn bị sẵn nước ấm trong phòng tắm rồi, mình vô rửa mặt, tắm rửa rồi ra ăn sáng với mẹ con em.

Ba Môn khẽ hừ trong mũi như thay cho tiếng trả lời rồi bước chân về phía phòng tắm. Mẹ đưa mắt nhìn về phía Môn đang nằm trên giường, thấy Môn vẫn còn ngủ, mẹ liền bước vào bếp bày biện món ăn sáng ra bàn, rồi khẽ chắc lưỡi khi sực nhớ ra sáng nay khi nấu đồ ăn sáng, vì mãi nghĩ đến món cho Môn ăn lại sức mà quên béng đi một việc: Ba Môn rất ghét ăn những món hầm có vị thuốc bắc. Nghe tiếng xối nước từ trong phòng tắm vọng ra, mẹ Môn thở ra nhẹ nhõm vì biết mình vẫn còn đủ thời gian để chuẩn bị một món ăn mới. Nhanh tay, mẹ lấy hai cái trứng gà, hộp pate, chén thịt bò ướp sẵn trong tủ lạnh ra, bật bếp lên rồi chế biến món bò lúc lắc kèm với trứng ốp la, pate. Thời may, vẫn còn chút dưa chua nhưng nếu có thêm ổ bánh mì nóng nữa thì có lẽ ba Môn sẽ hài lòng hơn.

– Cũng đành vậy, mẹ Môn tự nói với chính mình, chứ nếu giờ chạy ra đầu hẻm mua bánh mì đúng lúc Môn thức dậy mà không thấy mình bên cạnh hay nếu Ếch nó sủa khi nghe tiếng động gì đó thì…

Mẹ Môn tự ngăn không cho mình nghĩ tiếp bởi vẫn còn nhớ như in những chuyện đã xảy ra cũng trong một tình huống tương tự như thế này vào 2 năm trước…

…Ba Môn đã luôn muốn có một đứa con trai nên ông đã vô cùng thất vọng khi biết tin mình sẽ có một đứa con gái, và càng thất vọng hơn khi Môn được sinh ra với thể trạng yếu ớt, đau ốm, quấy khóc liên miên, hầu như tháng nào cũng phải nằm viện một vài ngày. Lớn lên, tình hình cũng không khá lên là mấy khi nhịp sống gia đình đều phụ thuộc vào tình hình sức khỏe của Môn, nhưng ngay cả khi khỏe nhất, Môn dường như cũng không thể trở thành đứa con như ba Môn từng mong đợi. Khi ấy, mẹ thỉnh thoảng vẫn theo ba đi gom hàng ở ngoại thành chất đầy lên xe tải để ba chở ngược ra các tỉnh phía Bắc giao cho bạn hàng. Không yên tâm khi gửi Môn cho ngoại, mẹ đưa Môn đi theo cùng, nhưng cứ hễ ngồi lên xe tải là mặt mày Môn tái xanh, rồi nôn mửa, làm mệt… khiến cho những lần gom hàng có Môn đi cùng luôn là những lần đầy lo âu cho mẹ và những cơn cáu gắt không kềm chế được của ba. Có lẽ chính vì điều đó mà ông thường hay bực dọc mỗi khi nhìn thấy Môn, nhất là ông không tài nào hiểu nổi những tiếng líu nhíu, lắp bắp trong miệng và cái đầu cúi gằm mỗi khi Môn trả lời câu hỏi gì đó của ông…

Một lần, sau chuyến chở hàng đường dài, ông về nhà mà không báo trước. Khi bước vào nhà, ông không nhìn thấy vợ đâu mà chỉ thấy Môn đang ngồi khóc thút thít bên hồ cá nhỏ. Ông bước đến, hỏi:

– Sao khóc vậy con?

Môn ngước lên nhìn ông, đôi mắt đầy nước, rồi cất giọng run rẩy như cố nén quá nhiều cảm xúc đang diễn ra cùng một lúc.

– Bé Sẹo… bé Sẹo… của con…

Ba Môn không nghe rõ, hỏi lại:

– Bé nào? Cái sẹo gì, con nói rõ lại cho ba nghe coi…

– Bé Sẹo… là bé Sẹo…

Giọng Môn như lạc đi, vỡ òa rồi chỉ tay vào cái hồ cá nhỏ bên cạnh, nơi có một chú cá vàng đang thoi thóp thở. Ba Môn hơi chưng hửng một chút, nhưng vẫn cố cất giọng dịu dàng:

– Là con cá vàng thôi mà. Nó sắp chết rồi, quăng nó đi, ba sẽ mua cho con khác đẹp hơn. Ba Môn nhìn quanh nhà, hỏi – mẹ đâu rồi, nhà có gì ăn không, ba đói quá!

Nói xong, ông tiến đến chỗ bếp lục đồ ăn, vô ý không thấy Môn như đang run lên nhưng vẫn cố đưa hai tay như muốn dời hồ cá đi nơi khác. Luống cuống thế nào, hồ cá tuột khỏi tay Môn rơi xuống đất vỡ toang. Nghe tiếng động mạnh, ba Môn quay lại, cau mày khi thấy nước tràn lênh láng ra nền nhà và Môn thì đang lẩy bẩy chụm hai bàn tay vào nhau vớt con cá vàng từ trên nền đất, đặt lại vào cái ly gần đó rồi cuống quýt chạy tới vòi, vặn nước đầy vào ly. Bực bội vì đang đói mà trong bếp chỉ có món hầm toàn vị thuốc bắc cộng thêm với việc nhìn thấy Môn bỏ con cá vàng sắp chết vào cái ly mà ông vẫn thường uống cà phê đá mỗi khi về nhà khiến ông nổi cáu, tiến đến giằng cái ly ra khỏi tay Môn, lớn tiếng:

– Sao con lại bỏ cá chết vô ly uống nước vậy hả? Đưa đây cho ba.

Môn chưa kịp phản ứng gì thì đã thấy con cá vàng cùng với nước trong ly bị hất văng ra ngoài cửa sổ, rớt xuống đất kêu một tiếng “bịch” nhẹ tênh. Môn sững người một chút rồi bước nhanh ra ngoài. Từ trong nhà, ba Môn chỉ nghe một tiếng nấc khẽ nên cũng không chú ý lắm, bởi nghĩ đó là thói quen mau nước mắt của Môn nên chắc lưỡi một tiếng rồi quay sang rửa ly, sau đó múc món hầm có vị thuốc bắc, ngồi xuống bàn, cố nuốt cho qua cơn đói.

Đi chợ về, mẹ điếng người khi nhìn thấy Môn nằm lả người trên nền đất với ánh mắt khép hờ, trong tay vẫn giữ con cá vàng, trên mặt Môn còn đọng vài giọt nước, không biết nước hay là nước mắt. Mẹ bế Môn lên, xấp xải chạy vội ra đầu hẻm đón xe đưa Môn vào bệnh viện, lòng nguyện cầu trái tim bé bỏng của Môn hãy cố giữ những nhịp đập trong lồng ngực, dẫu đó là những nhịp đập yếu ớt, mỏng manh. Và lời nguyện cầu ấy của mẹ đã được đáp lại, tuy sau đó, khoảng cách của ba và Môn như càng xa hơn và cho dù cố gắng thế nào, mẹ cũng không thể nào níu hai người thân thương nhất của đời mình lại gần với nhau được nữa.

Thấy Môn cứ hiu hiu buồn, ông Tám hàng xóm, vốn từng làm nghề huấn luyện chó nói với mẹ Môn:

– Bệnh tật lại không có ai bầu bạn nên bé Môn mới như vậy. Thôi, để đợt này con chó Bo nhà bác đẻ, bác để dành lại một con chó con cho bé Môn nuôi, con thấy bác tính vậy có được không?

Mẹ Môn mừng rỡ:

– Dạ, nếu được vậy thì còn gì bằng, nhưng… bé Môn nhà con ốm yếu như vậy mà lại nuôi chó trong nhà thì không biết có ảnh hưởng gì tới sức khỏe con gái con không hả bác Tám?
Ông Tám cười:

– Chuyện đó thì con yên tâm, chó là bạn tốt nhất của con người, nuôi một con cún trong nhà, bé Môn sẽ khuây khỏa, tinh thần khá lên thì sức khỏe cũng sẽ khá lên, không có ảnh hưởng xấu gì tới sức khỏe bé Môn đâu mà con lo…

Đúng như lời ông Tám nói, từ khi đem Ếch về nuôi, tinh thần Môn phấn chấn lên hẳn. Môn ăn uống được hơn, ít bỏ bữa vì tự thấy mình phải làm gương cho “em Ếch” noi theo. Mỗi buổi sáng, Môn dành phần lớn thời gian của mình bên Ếch, cùng chơi đồ hàng, đi bộ ra gian hàng gốm mẹ mới mở nơi đầu hẻm, chơi đánh banh chuyền rồi ném banh cho Ếch đi nhặt lại, tha thẩn cùng Ếch khám phá đi, khám phá lại từng ngõ ngách của khoảng sân nhỏ trước nhà… và đến chiều, Môn bế Ếch qua nhà ông Tám để ông huấn luyện. Nhờ tài huấn luyện của ông Tám, Ếch trở thành chú chó có thể “báo động” cho mẹ và mọi người mỗi khi Môn chẳng may bị ngất té xuống nền nhà, trở thành “đồng hồ báo thức” cho Môn mỗi buổi sáng và khiến mẹ yên tâm mỗi khi để Môn ở nhà một mình… nhưng dường như tất cả những điều đó vẫn không thể khiến ba Môn có thiện cảm hơn với Ếch bởi chứng nhảy mũi liên tục vì bị dị ứng với lông chó. Thế nên mỗi lần biết ba Môn về nhà, mẹ và Môn sẽ đem Ếch gửi tạm qua nhà ngoại mấy hôm…

…Ba Môn từ phòng tắm bước ra cũng là lúc Môn dụi mắt thức dậy, bước chân xuống giường. Nhìn thấy ba, mắt Môn như lạc đi, hốt hoảng nhìn quanh tìm kiếm Ếch. Mẹ cất giọng như trấn an Môn và cũng như muốn giải thích với ba.

-Tối qua, may nhờ có con Ếch báo động cơn đau tim của con, em mới kịp thời cho con uống thuốc rồi xoa tay chân, không thì…
Ba Môn “uhm…” một tiếng rồi ngồi vào bàn ăn, nơi mẹ đặt sẵn món bò lúc lắc với 2 cái trứng chiên cùng vài lát pate, đồ chua. Mẹ quay sang nói với Môn.

– Con còn mệt không? Thôi, vô đánh răng, rửa mặt rồi còn ăn sáng…

Môn khẽ dạ rồi bước chân đến phòng tắm. Như chỉ đợi có vậy, Ếch từ dưới gầm giường chạy ra, quấn quýt bước cạnh Môn bởi đã quá quen thuộc với nếp sinh hoạt của cô chủ nhỏ vào mỗi buổi sáng. Đánh răng, rửa mặt xong, Môn mở tủ lạnh rót một ly sữa cho mình và nửa chén sửa cho Ếch. Môn bưng ly sữa ngồi vào bàn, cất giọng lí nhí:

– Con mời ba mẹ ăn…

Môn chưa nói dứt câu thì ba đã hắt hơi mấy lượt. Mẹ vội đứng dậy, rót ly nước cho ba rồi nhân dịp đó, suỵt cho Ếch đi ra khỏi nhà. Ngỡ được ra sân chơi đùa với cô chủ nhỏ, Ếch mừng rỡ nhảy chồm chồm lên, loanh quanh hết chạy ra rồi lại quay vào như chờ Môn đứng lên cùng theo mình ra sân. Ba Môn lại hắt hơi thêm mấy lượt, khuôn mặt trở nên đỏ gay, nước mũi tứa ra cùng với ánh mắt bực bội nhìn về phía Ếch đang xoáy tít đuôi hướng về phía Môn như chờ đợi. Khi thấy ba đẩy cái dĩa ra, mẹ nhanh nhẩu cất lời:

– Mình với con ăn sáng đi, để em cột Ếch ra ngoài sân.

Nhanh chóng, mẹ xua Ếch ra ngoài trong khi Môn cúi gằm mặt không dám ngước nhìn lên ba bởi biết rõ nguyên nhân của những cơn hắt hơi vừa rồi và cũng biết ba khó chịu với sự hiện diện của Ếch ra sao. Một đợt hắt hơi nữa lại kéo đến càng khiến Môn cúi mặt thấp hơn nhưng rồi Môn ngạc nhiên quay sang khi Ếch từ sân chạy vội vào, cào nhẹ vào tay Môn, đuôi xoáy tít rồi sủa nhẹ lên vài tiếng như thúc giục Môn cùng ra sân chơi đùa với mình như mọi hôm. Mẹ từ ngoài sân đi nhanh vào, nói như giải thích với ba Môn:

– Nhà không có sợi dây cột chó nào, thôi để em ẵm nó qua nhà (ngoại)…

Không để mẹ dứt lời, ba Môn đã xô ghế đứng dậy, túm cổ Ếch rồi quăng ra cửa sổ, nói bằng giọng gay gắt:

– Có con chó thôi mà cũng làm rộn chuyện, thiệt đúng là…

Một tiếng “ẳng” vang lên, và rồi tiếng thắng gấp kéo lê của xe máy…

Tiếng “ẳng” im bặt.

Mọi thứ như ngưng đọng lại một vài giây, và rồi tiếng ồn ào từ ngoài cửa sổ vọng vào…

Môn sững lại, rồi không biết sức mạnh từ đâu mà có, Môn chạy bổ về phía cửa sổ, hướng mắt nhìn ra ngoài.

Từ nơi cửa sổ, một tiếng “hức…” vang lên- rất khẽ.

Rồi ngưng bặt…

Rồi lặng im…

Mãi mãi…

Nguồn Văn nghệ số 8/2016