NHÀ THƠ, NHÀ BIÊN KỊCH HOÀNG NHUẬN CẦM:
Trái tim ấy mãi thuộc miền tuổi trẻ
VNQĐĐT – Tháng tư, khi Hà Nội chuẩn bị đón một mùa hè mới, với những tiếng ve ngân gắn với bao thế hệ học trò, khi những nụ loa kèn, loài hoa đặc trưng của Hà Nội xòe cánh, xòe cánh ngỡ ngàng, vừa nở vừa khép nép trong sự trinh bạch, Hà Nội đã giật mình khe khẽ tiễn đưa một người con tài hoa, một người con sinh ra trong cái nôi âm nhạc và gắn bó với thi ca, người đã gửi lại tất cả để “vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu” với hành trang là những vần thơ tuổi trẻ – nhà thơ, nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm.
Cái tên Hoàng Nhuận Cầm mà cha ông, nhạc sĩ Hoàng Giác, tác giả nhạc tiền chiến đệ nhất Hà Nội, gửi gắm vào cậu con trai đầu lòng với một mong muốn cậu bé sau này sẽ nối nghiệp âm nhạc của cha, nhưng không, chàng trai sinh ra trong những nốt nhạc buồn sang trọng du dương ấy đã bị mê hoặc bởi những vần điệu của ngôn từ.
Nhà thơ, nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm. Ảnh: TL
Ông được bạn đọc nhớ đến với những bài thơ về một thời tuổi trẻ, tuổi học trò hồn nhiên mà trong trẻo, một thế hệ “tài hoa ra trận”. Bạn đọc nhiều thế hệ đã thuộc lòng những bài thơ như Chiếc lá đầu tiên, Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến, Viên xúc xắc mùa thu, Cho phượng năm xưa… Bên cạnh đó, ông còn có những bài thơ về người lính, về chiến trường với những bài thơ như Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu, Phương ấy, . Điều này cũng dễ hiểu, khi năm 1971, cùng lớp sinh viên Thủ đô, từ mái trường Khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội ông đã nhập ngũ vào chiến đấu tại Quảng Trị, là lính pháo cao xạ tại Sư đoàn 325B.
Vào bộ đội, cuộc sống người chiến sĩ gian khổ, chiến tranh khốc liệt nhưng lửa thơ vẫn hừng hực cháy, Hoàng Nhuận Cầm vẫn tiếp tục sáng tác. Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu/Dẫu hòn bi lăn hết vòng tuổi nhỏ/Trong những ba lô kia ai dám bảo là không có/Một hai ba giọng hát chú ve kim? (Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu) Những bài thơ viết từ trận địa được chàng sinh viên trẻ gửi về tạp chí Văn nghệ Quân đội. Một ngày, anh sung sướng khi nhận thư tòa soạn thông báo rằng, số sau tạp chí sẽ in một chùm thơ 3 bài của anh. Khi đó, đơn vị Hoàng Nhuận Cầm đang đóng quân tại Thanh Hóa, bên cầu Hàm Rồng, một trọng điểm bị địch đánh phá ác liệt trong chiến tranh. Chưa kịp nhìn thấy những đứa con đầu tiên trên cuốn tạp chí yêu mến thì đơn vị Hoàng Nhuận Cầm từ Hàm Rồng, Thanh Hóa được lệnh lên đường Nam tiến.
Nhưng có một người còn hồi hộp đón chờ những bài thơ trên Văn nghệ Quân đội ấy hơn cả tác giả của nó. Đó chính là nhạc sĩ Hoàng Giác, cha của Hoàng Nhuận Cầm. Gia đình ông sinh sống tại phố Hàng Bạc, cũng chẳng mấy xa tòa soạn. Khi đơn vị Hoàng Nhuận Cầm chuẩn bị rời đi cũng là lúc số tạp chí Văn nghệ Quân đội có in chùm thơ đầu tiên của anh lính trẻ phát hành. Nhạc sĩ Hoàng Giác với tình thương của người cha dành cho con và những thấu hiểu của người làm nghệ thuật, rất lo con trai hi sinh mà chưa được thấy những bài thơ của mình được đăng báo thì thật xót xa, bởi ông biết Cầm vô cùng yêu thơ. Vì vậy, ngay khi có được những cuốn tạp chí có in thơ Cầm, nhạc sĩ Hoàng Giác đã cất công đạp xe từ Hà Nội vào tận Thanh Hóa, tìm đến đơn vị của con. Nhưng khi Hoàng Giác đến nơi thì đơn vị của con trai ông đã lên đường hành quân vào Nam, những cuốn tạp chí mà ông cất công mang theo với bao vất vả, thay vì được nâng niu đón đọc, được anh em đồng đội trong đơn vị truyền tay trong niềm tự hào thì vẫn buồn bã nằm yên trong túi. Với sự nhạy cảm của người cha, ông linh cảm rằng, chắc chắn Cầm phải để lại cái gì đó. Hoàng Giác ngẩn ngơ giữa trận địa pháo đã được rời đi, ông nhìn ra xung quanh như muốn tìm kiếm chút dấu vết thân thuộc của con trai. Quả nhiên, ông đã tìm thấy chiếc vỏ đạn pháo có giấu chùm thơ của con mình. Nhạc sĩ Hoàng Giác như được an ủi phần nào, ông đạp xe về Hà Nội mang theo những bản thảo thơ Hoàng Nhuận Cầm để lại. Khi đó Báo Văn nghệ đang có cuộc thi thơ, Hoàng Giác đã gửi chùm thơ của con đến dự thi. Một thời gian sau, Hoàng Nhuận Cầm được biết chùm thơ của mình do cha gửi đến báo Văn nghệ đã giành giải cao cuộc thi thơ năm 1972 – 1973 với chùm thơ gồm các bài: Nhật kí; Thư mùa thu; Nghe chim kể chuyện trên đồi chốt; Anh bộ đội và tiếng nhạc la. Cuộc thi thơ năm ấy cũng là cuộc thi đặc biệt của Báo Văn nghệ khi có tới 4 giải Nhất trao cho 4 tác giả. Cùng đoạt giải Nhất năm đó, ngoài Hoàng Nhuận Cầm trẻ nhất là những tên tuổi thơ sau này: Nguyễn Duy, Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Đức Mậu.
Từ đó, một tài năng đã dường như phát lộ, đã được giới văn chương dần ghi nhận, và quan trọng hơn là được bạn đọc trẻ yêu mến. Những vần thơ tuổi hai mươi ấy sống mãi cùng năm tháng, trẻ trung và tươi mới, như tác giả của nó, mãi mãi là chàng trai tuổi hai mươi, si mê và rực cháy, như thể chẳng bao giờ ra khỏi sinh quyển của thơ trong cả cuộc đời, dù bất cứ đang làm gì, dù cho thời gian đang dần trôi, dù cho đang thực hiện những việc được cho là trọng trách của đời người. Cứ thế, trong một cuộc dạo chơi miên viễn…
Năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, đất nước thống nhất, xuất ngũ trở về, Hoàng Nhuận Cầm trở lại với mái trường đại học, học và tốt nghiệp Khoa Văn. Sau đó ông đã về làm việc tại Hãng phim truyện Việt Nam từ năm 1981. Cả phần đời nghệ sĩ sau đó gắn với những vui buồn ở địa chỉ số 4 – Thụy Khuê, mảnh đất ven Hồ Tây đẹp đắc địa, nhưng cũng chính bởi sự “đắc địa” đó đã đem lại nhiều phiền toái cho các nghệ sĩ điện ảnh chỉ biết cống hiến cho nghệ thuật. Trước khi cổ phần hóa, một dạo, nơi này đã ồn ĩ lên vì những đồn đoán ứng xử với nghệ sĩ, những nhận xét hoạt động kém hiệu quả, vì những tranh chấp, bất đồng… Nổi cộm nhất là vụ tranh cãi về hợp đồng thuê đất làm nhà hàng, khi Hãng phim muốn thu lại để sử dụng cho mục đích khác thì bên cho thuê nhất quyết không đồng ý, dẫn đến những xô xát lớn mà không đi đến đâu. Như một lẽ tất nhiên, với cá tính nghệ sĩ của mình Hoàng Nhuận Cầm dường như không có những nỗi sợ hãi của người bình thường, ông đã “ra tay” giúp cơ quan, hăng hái đấu tranh đòi lại đất để Hãng xây dựng nhà truyền thống. Thế rồi các thế lực phía sau bị “cản mũi kì đà” có lẽ là điên tiết lắm. Chúng đã nổi máu giang hồ tìm cách uy hiếp ông, đe dọa cả đến tính mạng ông để dằn mặt. Dạo ấy báo chí đã ồn lên về vụ “bác sĩ hoa súng” bị bắn hụt khi đang ngồi trong quán ăn trưa, in cả ảnh vết đạn bắn thủng cửa kính ngay chỗ Hoàng Nhuận Cầm và những người bạn ngồi.
Poster bộ phim “Mùi cỏ cháy”, đạo diễn Nguyễn Hữu Mười, biên kịch Hoàng Nhuận Cầm gắn với những kỉ niệm thời quân ngũ của nhà thơ.
Bên cạnh sự nghiệp thơ, Hoàng Nhuận Cầm còn có sự nghiệp điện ảnh. Ông là biên kịch của nhiều bộ phim, trong đó có một số phim nổi bật như Đêm hội Long Trì, Hà Nội mùa đông năm 46, Pháp trường trắng, Ai lên xứ hoa đào, Nhà tiên tri… Mùi cỏ cháy chính là một trong những bộ phim ông dành nhiều tâm huyết. Bộ phim nói về những sinh viên Hà Nội tạm biệt Thủ đô, tạm biệt mái trường yêu dấu lên đường đi chiến đấu, tham gia vào chiến dịch Quảng Trị mùa hè đỏ lửa năm 1972. Bốn chàng trai Hoàng – Thành – Thăng – Long cùng từ biệt mái trường đại học ra trận, mỗi người một nét cá tính nhưng đều trẻ trung, tinh nghịch, không ngại khó khăn gian khổ, không ngại cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Trong đó nhân vật Hoàng mơ mộng, yêu thơ mang dáng dấp của chính Hoàng Nhuận Cầm. Những chàng trai còn mang trong mình chất trẻ thơ trong trẻo, mới chạm tới những rung cảm đầu đời ấy đã gác lại tất cả để ra trận, đã chiến đấu, đã hi sinh, đã có những người trở về, có những người nằm lại mãi mãi. Bộ phim của Hãng phim truyện 1 do Nguyễn Hữu Mười làm đạo diễn, Hoàng Nhuận Cầm giữ vai trò biên kịch công chiếu năm 2011 đã gây xúc động mạnh cho người xem. Mùi cỏ cháy là một bài ca về thế hệ sinh viên Hà Nội hào hoa mà kiêu dũng, là một biên sử đẹp về những người lính.
Hàng năm, trong dịp Ngày sách Việt Nam, Hoàng Nhuận Cầm vẫn về nói chuyện, giao lưu tại các đơn vị bộ đội, đặc biệt là các đơn vị phòng không và đơn vị cũ của ông. Ở đó ông luôn được chào đón, nhất là cánh lính trẻ, ông như sống mãi tuổi hai mươi của một thời xếp bút nghiên lên đường đánh giặc. Những hội trường đầy đặc những mái đầu, những ánh mắt lính trẻ như được thắp lửa, bùng lên những hân hoan khi Hoàng Nhuận Cầm bước ra sân khấu, khi ông nói về những anh hùng liệt sĩ trẻ tuổi thuộc thế hệ “mãi mãi tuổi hai mươi” Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm, Hoàng Thượng Lân, Hoàng Kim Giao… và chính ông cùng đồng đội; và đặc biệt là khi những vần thơ của ông được cất lên bởi chính tác giả của nó. Thừa hưởng gen âm nhạc từ cha, thơ Hoàng Nhuận Cầm giàu nhạc tính, những xao xuyến, bâng khuâng cứ tràn chảy tiếp nối trong mạch cảm xúc không ngừng nghỉ. Những bài thơ được điểm xuyết bởi những điểm rơi gieo vào người nghe những rung ngân. Ông không viết nhiều, nhưng bù lại là sự say mê đến tận cùng, cháy hết mình với những câu thơ của mình, nên khi nghe ông đọc thơ, nhiệt lượng ấy đã truyền qua bạn đọc, tạo nên một sức hút lớn. Ở thời mà không phải ai và lúc nào cũng sẵn sàng nghe thơ, thì trước Hoàng Nhuận Cầm người ta sẽ khó có thể chối từ, bởi ở người thơ ấy toát lên một sức hút kì lạ, khi trong ông tích hợp những nội lực của thơ ca.
Nhà thơ, nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm với 4 diễn viên chính của bộ phim “Mùi cỏ cháy”. Ảnh: TL
Nhưng năm nay, tác giả Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu đã lỡ hẹn với những người lính, lỡ hẹn với những người yêu thơ và yêu quý ông. Những cuộc hẹn đã lên nay thành dang dở, những sân khấu đã dựng nay ngẩn ngơ buồn. Những người chào đón ông thay vì háo hức nghe nhà thơ “bác sĩ hoa súng” đọc thơ như lên đồng thì ngậm ngùi tiếc nhớ ông trong âm hưởng ngân nga những vẫn thơ từ khi nào họ đã thuộc nằm lòng, trong đó có những bài như lưu giữ kí ức thời trận mạc của những người lính trẻ năm xưa. Đêm trong suốt áp ngực vào phương ấy/Gặp lại mùi cỏ cháy suốt thời trai/Ngôi sao rơi trên dãy kẽm gai dài/Cái vùng đất không tiếng gà cất gáy/Bao hăng nồng cỏ cháy rát hoàng hôn./Là cái phương sao quá bồn chồn/Đón thư mẹ qua bảy vòng lửa khói/Vết thương đỏ, viên đạn thì sáng chói/Chiếc lá xanh kỳ lạ trút trong đời. (Phương ấy) Từ “chiếc lá đầu tiên” khi “Anh nhớ quá, mà chỉ lo ngoảnh lại/Không thấy trên sân trường chiếc lá buổi đầu tiên”, đến hôm nay, “chiếc lá xanh kì lạ” đã rũ bỏ cõi đời, thiên thần thơ ca nơi giảng đường đã bay về “phương ấy”.
Hoàng Nhuận Cầm đã chọn một ngày rất đẹp để ra đi, nhẹ nhõm. Ấy là một ngày cuối tháng tư, tròn nửa thế kỉ, tròn 50 mùa ve kêu kể từ mùa ve năm 1971, chàng trai Hà Nội năm xưa vẫn vẹn nguyên những cảm xúc đầu đời, vẫn ngơ ngác trước cuộc đời dù bão giông hay yên bình, dù chầm chậm trôi hay quay cuồng trong những nhịp điệu, bình thản sống đời nghệ sĩ. Bởi trái tim ấy đã thuộc về miền thi ca, đã thuộc về miền tuổi trẻ. Mãi mãi.
Nhà thơ, nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm sinh ngày 7/2/1952 tại Hà Nội. Là tác giả của các tập thơ: Thơ tuổi hai mươi (in chung, 1974); Những câu thơ viết đợi mặt trời (1983); Xúc xắc mùa thu (1992); Thơ với tuổi thơ (2004); Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến (2007); 36 bài thơ (2008).
Là 1 trong 4 giải Nhất của cuộc thi thơ Báo Văn nghệ năm 1972-1973, Hoàng Nhuận Cầm cũng được Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1993 cho tập thơ Xúc xắc mùa thu.
Bộ phim Mùi cỏ cháy do ông biên kịch (đạo diễn Nguyễn Hữu Mười) đã đoạt Huy chương Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17. Phim cũng được trao 4 giải Cánh diều Vàng tại giải thưởng Cánh diều Vàng năm 2011 (Phim điện ảnh xuất sắc nhất; Âm nhạc xuất sắc nhất; Quay phim xuất sắc nhất; và Biên kịch xuất sắc nhất). Ngoài ra ông còn giữ vai trò biên kịch cho một số phim điện ảnh thành công khác.
NGUYỄN XUÂN THỦY
Đưa bài: Phạm Giai Quỳnh