Dù không thể sắp xếp để đến tham dự buổi tọa đàm, gặp gỡ tác giả mà mình yêu thích, nhưng tôi thấy mình thật hạnh phúc, thật may mắn khi cầm trên tay tập truyện ngắn “Chuyện của các nhân vật có thật trên đời” của nhà văn Võ Thị Xuân Hà, đặc biệt có cả chữ kí của nhà văn.

Chuyện của các nhân vật có thật trên đời (7- 2019, NXB Trẻ) của Võ Thị Xuân Hà là tập truyện ngắn gồm 15 câu chuyện, mà trong đó có những truyện được tác giả kể lại bằng bút pháp trần thuật, không chỉ trải lòng mình trên những trang viết như “trút sợi tơ lòng”, mà hơn thế, tác giả để mình xuất hiện, toan gắn mình qua sự hiện hữu của nhân vật như một cơ duyên.

Ngay từ ánh nhìn đầu tiên, tác phẩm đã thu hút tôi một cách mạnh mẽ. Bởi cái màu da nhẹ nhàng, tinh tế, khẽ khàng lay động trái tim giữa muôn vàn sắc màu chói sáng ngoài đời thực. Những mái nhà, song cửa lẩn khuất sau màn sương mỏng chập chờn. Những con người – “các nhân vật có thật”, những mảnh đời u uẩn đâu đó trong cõi đời rộng lớn cứ thế hiện ra rồi nhòa đi lẻ loi, đơn bạc. “Chữ là người, chữ là tâm hồn”, nhà văn Xuân Hà thực sự đã lay động trái tim, xâm lấn tâm trí tôi khi kể tôi nghe những câu chuyện tôi chưa từng được biết (về Bà Chúa Mở Nước – thái hậu Ngọc Vạn và An Quốc hầu Trần Đình Huy – trong truyện Cọng cỏ kiêu hãnh), đưa tôi đến một nơi tôi chưa từng đặt chân “Bến Đoạn Hà”. Nhưng có thể “con sông đó ở ngay đây, bên cạnh bước chân chúng ta”, là cuộc sống mà nhiều người trong đó có tôi đã, đang và sẽ trải qua.

Với văn phong tinh tế, gần gũi, đa phần tác giả thường khắc họa chân dung, hình tượng người phụ nữ giản dị, bình thường với nhiều vui buồn, sướng khổ, được mất trong cuộc sống. Những câu chuyện đời thường, nhẹ nhõm như ngọn bấc, lâng lâng những mối tình phôi pha, gói ghém gửi vào thương nhớ, tưởng như chỉ khẽ chạm tay đã vỡ, cũng giống như hương thơm của loài cây hoàng mộc hương vô cùng quyến rũ nơi lưng chừng núi, thế nhưng từng ngày từng ngày, chúng héo rũ trong chiếc chậu chốn thị thành.

Tác giả đã rất khéo léo, tinh tế khi đưa những bài thơ, lời bài hát vào trong tác phẩm của mình. Người đọc như được thả hồn mình hòa vào một bản nhạc du dương, với những cung bậc bổng trầm, đầy xúc cảm:
Những con đường thản nhiên bên nhau
Dưới lớp lá khô những vệt đi lạnh lùng không tìm tới bến
Dường như dưới chân tòa nhà ai đang cố vun lá trúc…

Hay:
“Nàng là giọt sương sa
Đậu trên gai sắc
Cánh hoa muộn màng…”

Bất hạnh với nhiều bi kịch ngang trái thường là mẫu số chung của hình tượng phụ nữ trong các tác phẩm của nhà văn. Thế nhưng dù rơi vào hoàn cảnh nào chăng nữa, trong trái tim trong sáng, thánh thiện của họ luôn chan chứa yêu thương, nhân ái, bao dung… tạo nên dấu ấn đặc biệt cho các nhân vật nữ mà tác giả xây dựng. Bởi một điều giản đơn: Đàn bà lúc nào cũng đẹp, đủ dịu dàng để tỏa ngát hương làm mê đắm lòng người, đủ mạnh mẽ, dũng cảm để vượt qua mọi cay nghiệt của cuộc đời, lột xác một cách ngoạn mục để sống cho cuộc đời của chính mình. Đàn bà vốn đẹp, và đàn bà vốn sinh ra để được yêu thương và xứng đáng được nhận lấy hạnh phúc…

Đọc các tác phẩm của nhà văn Võ Thị Xuân Hà người đọc sẽ có dịp soi rọi chính mình, soi vào nội tâm, suy ngẫm, nhận thấy một hiện thực cuộc sống bề bộn, trộn lẫn, đan xen những mảng màu sáng tối.

Nhà văn còn đem đến cho cuộc đời những thông điệp ý nghĩa về sự đẹp đẽ trong tâm hồn mỗi người. Mỗi một nhân vật nữ trong tác phẩm như một hạt châu sa óng ánh trong muôn ngàn hạt châu. Những hạt châu ấm áp, tràn đầy yêu thương, tiếp thêm nghị lực, sức mạnh, ý chí để ta vượt qua những trở ngại, khó khăn phía trước, tin tưởng vào một tương lai tươi sáng. “Tôi của ngày hôm qua, vụt sáng như sao băng, kiêu hãnh như cọng cỏ…”

Võ Thị Xuân Hà kể về Chuyện của các nhân vật có thật trên đời bằng giọng văn chân thật, đầy xúc cảm, “không miêu tả một cái có thật, mà là một ấn tượng về sự có thật”, trút lòng bằng những câu từ, những chuyện kể gần gũi đời thường, đồng thời truyền tải nhiều tư tưởng sâu sắc bằng một tiết tấu cảm xúc vừa phải. Đây là một tác phẩm hay, bởi lẽ “những tác phẩm càng giản dị, gần gũi đời thường thì càng chứa đựng tính tư tưởng trong đó” như trải lòng của tác giả. Tôi thích cái đời thường, cái cách mà nhà văn tìm kiếm, khẳng định cái tôi bản thể, vì nó sẽ là nền tảng vững chắc để không riêng những người đàn bà thực sự an nhiên, hạnh phúc.

Tôi đã đọc, đã cảm, và đã bệnh…
Bệnh gì ư? “Bệnh Đan Thiềm”

Tôi mong các bạn cũng sẽ nhận được sự hạnh phúc, ấm áp ấy như tôi khi cầm trên tay tập truyện ngắn “Chuyện của các nhân vật có thật trên đời” của nhà văn Võ Thị Xuân Hà.
Mà như tác giả đã nói: “Khi sách đến tay bạn đọc thì là của xã hội rồi”.

Tôi mong các bạn sẽ có duyên hạnh ngộ, lật từng trang sách, cảm và bệnh như tôi – căn “bệnh Đan Thềm”, theo quan niệm của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng là “bệnh” mê đắm tài hoa siêu việt của người sáng tạo nghệ thuật, sáng tạo ra cái đẹp.

– Lệ Hằng –