Quả đồi nhỏ gần sông hơi cách biệt với làng có hình dáng một con rùa. Khi lũ to, nước ngập hết xung quanh, đứng từ cao nhìn thấy đủ cả đầu lẫn chân trông càng giống. Một người hay chữ đi qua phán: “Ai làm nhà chỗ này thì no chứ không giàu. Con trai sinh ra khỏe mạnh, nghịch ngợm, gặp thời có thể thành anh hùng, không gặp có thể làm giặc, nhưng dù thế nào cũng vẫn là người tử tế”. Ông Tác bốn mươi tuổi vẫn chưa có con, nghe vậy dọn nhà ra quả đồi ở. Ông tặc lưỡi: “Thời nay làm gì có ai giàu, may lắm là không đói, thế mà ở đấy lại đủ ăn. Nếu sinh được thằng con trai, nó khỏe mạnh thì còn gì bằng. Nó làm anh hùng hay làm giặc mà tử tế thì đều tốt cả”.

Mấy năm sau ông sinh Tộ, lớn đi học được cải là Tô. Sau ông còn sinh thêm được cái Tịa.

Mười sáu tuổi, Tô cao lớn vạm vỡ nổi bật trong đám bạn bè cùng trang lứa, có người tưởng Tô đã hai mươi. Học lớp sáu với Tô phần lớn vắt mũi chưa sạch. Vốn đã chán học, giờ thấy mình lộc ngộc, Tô ì ra không học nữa, chỉ cắp sách đến lớp ngồi hết buổi thì về.

Giờ văn, cô giáo gọi Tô hỏi định nghĩa thế nào là chủ ngữ, vị ngữ. Tô đứng ngay đơ, cả lớp cười ồ. Cô giáo viết lên bảng dòng chữ “Tôi không học bài”, bảo Tô phân tích thành phần câu, khoanh dấu tròn từng bộ phận chủ ngữ, vị ngữ. Tô bảo: “Em không biết phân tích. Em chỉ biết phân chuồng với phân xanh. Ở lớp có mỗi cô giáo xưng tôi, còn lại ai cũng xưng em. Nên chữ “tôi” là cô giáo. Cả câu là: “Cô giáo không học bài”.

Cô giáo ném sách vở của Tô ra ngoài, bảo về gọi bố mẹ đến xin lỗi nếu không từ nay đừng học giờ văn của cô. Tô chẳng nói chẳng rằng, ra ngoài nhặt đá ném thẳng vào lớp, một hòn trúng bắp chân cô giáo, cô kêu “ối” rồi khuỵu xuống, mặt cắt không còn giọt máu. Cả lớp dúi dụi rúm vào nhau chết lặng, không đứa nào dám nói nửa lời.

Bố Tô đánh con một trận thừa sống thiếu chết, trước sau Tô nhất định bảo không đi học. Ông bố đành chịu, bắt Tô ở nhà đóng gạch. Đang mùa đông, Tô cởi trần, bắt trâu quần đất, trâu sùi bọt mép không ăn được cỏ. Tô đóng từ sáng đến tối, sang cả đêm, chỉ một tháng đã được mấy vạn chất từng hàng thẳng tắp. Không cần bố bảo, Tô đi làng bên học mót kĩ thuật vào lò gạch, về tự làm, đóng than đốt. Lò cháy ngùn ngụt, đêm đông hồng rực một góc làng như cái bấc đèn hút đám thiêu thân. Ông Gù đi đánh dậm, lão Tạch đi bắt nước, bà Tơ đi đánh trúm đêm đều vào cả chỗ Tô hơ tay. “Tao lội xuống cái đầm hợp tác đánh trộm một lúc mà đễu quá mày ạ”, ông Gù trật cái giỏ đầy ụ lúc nhúc cá trê, cá diếc, cá rô, hào phóng bỏ ra mấy con xóc vào que nướng chia cho mấy người cùng ăn. Lão Tạch thích chí gật gù: “Ướt dái sái hàm, các cụ nói cấm sai. Ông Gù ướt dái thì chúng mình được sái hàm!”. Bà Tơ thích Tô ra mặt, không ngớt mồm khen, bảo: “Mày có làm rể u, u cho không con Tới”.

Tô mủm mỉm trải manh chiếu rách lăn ra ngủ. Ba người tán chuyện một lúc thì ai đi việc nấy, lát sau hai người đàn ông hộc tốc trở lại. Ông Gù thở hổn hển, lay lay Tô: “Dậy, dậy! Có người chết đuối ngoài sông”. Lão Tạch thấp khớp, chân thấp chân cao cũng thập thững chạy vào cùng ông Gù lay Tô: “Dậy ngay! Có người chết đuối!”. “Có người chết đuối! Bớ! Có người chết đuối!…”, tiếng bà Tơ tan trong gió, lẫn vào tiếng trời đất rầm rì, tiếng sông nước réo ngoài xa. Tô vùng dậy mắt nhắm mắt mở, nghe nói cứu người liền ba chân bốn cẳng chạy thẳng vào làng. Ông Gù nhặt hòn đá ném trúng vai Tô, Tô dừng lại ngơ ngác. Ông Gù chạy đến, ho rũ rượi: “Không phải trong làng, ngoài sông…”. Tô nghe ra, chạy thẳng ra sông. Hai người sấp ngửa chạy theo.

Lao xuống dòng nước, Tô sải một hồi thì bắt gặp cái bè ghép bằng mấy cây chuối trơn nhẫy có bốn cánh tay ôm chặt không rời. Hai đứa con gái không còn kêu được nữa, một đứa sắp lả đi buông tay khỏi cây chuối thì Tô đến kịp. Tô ném một đứa lên bè, xốc nách một đứa, một tay bám bè chuối, chân đạp nước thật lực. Tô đẩy bè chuối vào bờ, nằm lăn ra thở, bảo bà Tơ: “Bà đưa chúng nó về lò gạch sưởi. Cháu mệt quá, nghỉ một tí về sau”. Hai đứa trẻ con sáng ra, khô quần áo tự hỏi thăm đường về, đi lúc nào không ai biết. Mấy hôm sau, nhà hai đứa trẻ thoát chết đến nhận Tô làm anh của chúng. Một trong hai đứa tên là Vân, nhà ở thành phố, học năm đầu cấp ba. Ngày nghỉ Vân đến nhà bác họ chơi. Nhà bác ở gần sông, có chiếc bè chuối thỉnh thoảng ông bác đi vớt bèo. Gần sáng người nhà dậy đi chợ, Vân dậy theo, rủ đứa em ra bè chơi, không ngờ cái bè trôi ra… Vân cao gầy nhưng rất xinh, đứng nép bên bố, len lén nhìn Tô. Bà con kéo đến đông, mỗi người một câu. Bà Tơ bảo: “Thằng Tô tướng mạo như Quan Vũ, cái Tới nhà này lùn một mẩu chả bén gót. Con Vân xinh thế kia, nay mai lớn lấy thằng Tô thì đẹp đôi”. Tô nghe, gắt: “Ranh con, yêu đương gì”.

Tô bảo bố mua vôi tôi, chặt gỗ ngâm rồi bỏ đi biệt mấy tháng mới về. Ai hỏi cũng chỉ cười. Tô gọi đám thanh niên lau nhau cùng tuổi trong làng đến phụ, đánh vữa, xe cát, tự làm thước, con rọi xây nhà. Thế mà Tô làm được. Mấy ông phó mộc tấm tắc: “Chịu cái thằng này. Thanh niên làng học cho lắm vào rồi hỏng. Cứ như thằng này bố mẹ lại được nhờ”. Nhà ông Tác trở thành căn nhà đầu tiên của làng được xây bằng gạch. Nó sừng sững, uy nghi, có vẻ lớn hơn nhiều kích thước thật. Người làng đua nhau đóng gạch, xây nhà. Vài năm sau ngói đỏ cả vùng.

image1 (10)
Minh họa: Vũ Đình Tuấn

Tô vỡ sườn đồi vườn nhà phía giáp bờ sông trồng mía. Mùa thu hoạch, Tô chặt bán khắp chợ quê. Chả mấy ai mua, Tô bèn chặt cây nhãn làm cọn mật, gọi thợ về kéo. Mẻ đầu thơm lừng, làng xóm kéo đến đông như ruồi. Tô bảo thợ đổ hẳn một mẻ kẹo kéo mời bà con ăn. Được mấy hôm, lão thợ mật dở quẻ, đòi Tô ứng trước tiền công về nhà có việc. Tô nhẩm tính, riêng công của lão mất một nửa sản lượng đường. Tô làm cơm, mời lão uống rượu, bảo: “Ông đòi công đắt quá. Thấy tôi trẻ nên ông bắt nạt à. Tôi chỉ có trả ông một phần năm số ấy, ông thấy thế nào?”. Lão thợ mật cởi áo khoe những hình xăm đại bàng, rắn rết. Tô cười nhạt: “Tôi không quỵt của ai, nhưng cũng không cho ai bắt chẹt mình”. Lão thợ mật đấm luôn một quả giữa mặt Tô làm Tô ngã ngửa. Tô vùng dậy chạy ra sân, ông thợ mật lao theo, chỉ vờn mấy nhịp Tô đã quật lão ngã chỏng gọng. Tô bảo: “Ông bắt nạt người quen rồi, chưa ai sửa tính ấy cho ông. Nếu ông thôi thì tôi trả đúng công sức ông bỏ ra, còn định đánh thì tôi xin vài cái răng để ông nhớ”. Lão thợ mật nhảy vào lần nữa, Tô không khách sáo, đấm thẳng một cú vào mồm lão khiến lão lăn lộn một hồi, nhổ ra hai cái răng.

Thanh toán xong với lão thợ mật, Tô tự nấu. Mẻ đầu hỏng, nhưng từ mẻ thứ hai thì được, đường đông kết vừa độ, không non, không già. Làng xóm bắt chước Tô khai hoang trồng mía. Mùa giáp hạt, khắp nơi đói, đàn lũ dắt díu nhau đi xin sắn xin khoai mãi miền rừng. Làng Tô nhờ có mật đường, dân tình vẫn còn thoi thóp.

Một lần Vân đi honda 67 về chơi, tủm tỉm cười nhìn Tô đánh độc quần đùi cuốc hố đất trồng cam. “Trông anh như Hécto thành Tơroa. À không, phải như Tácdăng mới đúng”, cô bảo. “Thế là đẹp hay xấu?”. “Đẹp tàn bạo, hoang dã nữa”. Tô cũng cười cười: “Còn cô, nếu cô mặc váy thì trông hệt cái cô Liu ba trong phim Đại úy đen”. “Thế là đẹp hay xấu?”. “Đẹp tàn bạo nhưng mà không hoang dã”. Tô nhại lại câu khen của Vân mủm mỉm.

Vân khoe đã thi đỗ đại học y, chuẩn bị về thủ đô nhập học. Vân hỏi Tô có muốn đi chơi Hà Nội không. Tô thật thà bảo: “Tôi chưa đi thủ đô, giá có tiền đi một chuyến cũng thích”. Vân bảo: “Em không giàu nhưng đủ lo được cả hai”. Tô nói: “Cái tính tôi nó không giống ai, có tiền thì tiêu, chứ đi tiêu nhờ, mà lại của con gái thì tôi xấu hổ lắm”. Vân phụng phịu: “Anh cứ xa cách như người lạ không bằng. Em tự thấy mình còn hơn cả em ruột anh. Em thi đỗ đại học, ai cũng mừng, chỉ có anh chả động viên lấy một câu, lại cứ dửng dưng”. Năm lần bảy lượt Vân mời, Tô đều lắc đầu. Vân phi xe máy về mà mắt đỏ hoe.

Chiến tranh phía Bắc, có lệnh tổng động viên, Tô xung phong đi lính, đến lúc có giấy gọi, ông Tác thương con nằm khóc. Tô bảo: “Ở nhà còn em Tịa. Con là trai thời loạn phải có trách nhiệm. Đi một ngày đàng học một sàng khôn, con không chết đâu mà bố lo”.
Ngày liên hoan Tô nhập ngũ, thanh niên làng trên xóm dưới kéo đến rất đông. Dịp ấy mới thấy các cô phải lòng Tô có đến cả chục. Tình ý rõ nhất là cô Tới con gái bà Tơ. Cô ăn diện áo pôpơlin trắng, quần láng Nam Định đen bóng. Vân từ Hà Nội cũng về. Cô ăn mặc giản dị như các cô gái làng mà vẫn nổi bật bởi vẻ đẹp rực rỡ như bông hoa đang độ mãn khai. Mặc những ánh mắt lườm nguýt, Vân đi lại bưng bê, chào hỏi ân cần như con cái trong nhà. Bữa tiệc tàn, thanh niên còn hát hò, nhảy va si lô đến nửa đêm. Vân rủ Tô đi dạo, cô ướm hỏi: “Người ta trốn chả được, anh lại xung phong, hay là có kế hoạch gì chăng?”. Tô gãi đầu: “Tôi muốn đi đây đi đó, quanh quẩn ở làng mãi tù túng lắm”. “Thế đi lính xong anh định làm gì?”. Tô cười: “Tôi không giỏi quy hoạch cuộc đời cô ạ. Cứ được đến đâu hay đến đó. Chả nên cơm cháo gì thì hết nghĩa vụ tôi lại về làng, trồng mía, chăn trâu. Thế được không cô?”. Vân bỗng nắm bàn tay Tô, nồng nhiệt: “Anh là người giỏi, khéo tay, định làm gì là làm được. Nay mai đi bộ đội về, anh nên đi học lấy một nghề. Em có người nhà ở sở lao động, em sẽ tìm hiểu xem nghề nào thích hợp thì báo cho anh. Có chế độ ưu tiên bộ đội xuất ngũ anh ạ”. Tô cười ruồi: “Tôi văn dốt võ dát, trong đầu không có óc, chỉ toàn đất sét. Có lẽ tôi cứ về đi cày là hơn…”.

Tô đi được dăm tháng, một hôm Vân phóng xe về gặp ông Tác mếu máo: “Anh Tô bị thương bác ạ. Cháu có anh bạn làm ở bệnh viện quân khu báo cho biết”. Ông Tác vội vàng cơm đùm cơm nắm cùng Vân đi thăm con. Tô bị thương ở bả vai và mất một dẻ xương sườn. Thấy bố và Vân đến thăm, Tô cảm động nhưng lại nhăn nhó: “Con có sao đâu mà bố phải vất vả. Ai báo cho bố biết thế?”. Ông Tác sờ nắn khắp người con, có vẻ yên lòng phần nào. Phòng Tô người ra vào tấp nập, hết sĩ quan sư đoàn lại đến sĩ quan quân khu. Ông Tác và Vân muốn nói chuyện riêng một lúc với Tô cũng không được. Buổi tối, cơ quan tuyên huấn quân khu mời cơm ông Tác và Vân. Một ông đại tá bảo: “Chúng tôi cảm ơn bác đã sinh cho quân đội một người anh hùng, một dũng sĩ. Đồng chí Tô chiến đấu vô cùng dũng cảm, sáng tạo, lập chiến công rất vẻ vang. Chúng tôi đang đề nghị cấp trên có hình thức khen thưởng xứng đáng cho con trai bác”. Lúc ra về, viên sĩ quan tháp tùng ông đại tá ghé tai Vân nói nhỏ: “Chúc mừng cô và bác. Anh Tô đang được xây dựng điển hình để phong anh hùng”.

Hôm sau ông Tác về, Vân còn ở lại chơi với anh. Người ta ý tứ dành cho Tô và Vân một buổi không bị quấy rầy. Tô quấn băng kín bả vai, vòng dây đeo một cánh tay trên bụng, anh chống nạng đi lại quanh bệnh viện. Vân kể lại thông tin nghe được hôm qua, Tô cười phá lên: “Xây dựng á? Giờ tôi mới nghe đấy”. Vân hồn nhiên: “Em nghe nói thế… Thì anh xứng đáng mà. Anh kể xem đã chiến đấu thế nào”. Tô ngồi xuống một ghế đá, giọng anh nhỏ lại: “Anh hùng gì đâu Vân! Ba đại đội tiểu đoàn tôi giữ một điểm cao. Pháo bầy dập, ban chỉ huy tiểu đoàn hi sinh hết. Quân địch tràn lên hết lớp này đến lớp khác. Anh em nao núng, một số bỏ chạy. Tôi quay về phía sau, núi đá chẹn không còn đường lùi. Nhìn đội hình hỗn loạn biết rằng cứ thế này sẽ chết ráo. Tôi hô “Đằng nào cũng chết! Oánh tới đi!”. Cậu bên cạnh bị thương, nạp đạn sẵn nằm giữ súng, tôi cứ thế kẹp súng vừa quét vừa tung lựu đạn cho đến khi ngất đi. May vừa lúc có quân tiếp viện…”.

Mắt Tô đỏ hoe nhưng không có giọt lệ nào. Anh thảng thốt: “Cả tiểu đoàn hi sinh gần hết, chỉ còn tôi và tiểu đội trưởng sống sót. Anh ta cũng đang điều trị ở đây. Kì quặc là anh ta bảo đã ra lệnh cho tôi cùng anh em chiến đấu lúc đã bị thương, trong khi, anh ta chạy đầu tiên, rúc đầu vào hầm như đầu rùa rụt vào cổ… Nghe anh em kể, lúc lôi anh ta ra, chiếc quần bĩnh đầy nước đái khai mù… Còn vết thương ở ngón chân anh ta là do miểng lựu đạn của địch văng vào”.

Vết thương lành, Tô được mời đi khắp các đơn vị tuyến đầu, tuyến sau báo cáo thành tích, kể lại hành động anh hùng của mình. Anh không thích nhưng được cấp trên quán triệt đó là nhiệm vụ nên đành chấp hành. Anh kể về trận đánh của mình mà như đọc một câu chuyện khác của ai. Một lần cả anh và tiểu đội trưởng cùng được mời báo cáo ở một học viện. Tiểu đội trưởng nói trước, thao thao mình đã gan dạ thế nào, mưu trí ra sao, ra lệnh anh em lúc đánh lúc ngừng thế nào để vừa tiêu diệt được nhiều sinh lực địch vừa tiết kiệm đạn và nhất là tiết kiệm được xương máu bộ đội rồi giơ bàn chân bị thương còn băng trắng tinh ra khoe như khoe tấm huân chương. Đến lượt mình, Tô kêu đau đầu không báo cáo được. Vào hậu trường, Tô túm cổ tiểu đội trưởng, gầm lên “Đồ hèn! Đồ trơ tráo!” rồi quai thẳng một cú vào giữa cái miệng ướt át của anh ta, biến nó thành màu đỏ loét. Vệ binh ngay lập tức bắt giữ Tô. Anh không buồn trả lời lí do vì sao lại đánh.

Sau vụ ấy, Tô phục viên.
Tô về, lại cấy lúa, trồng khoai, trồng mía, như chưa từng suýt trở thành anh hùng. Cái đầm lớn ở quê anh nơi ông Gù hay đánh dậm năm xưa được một đơn vị thanh niên xung phong khai khẩn, biến thành một xí nghiệp thủy sản sản xuất cá giống và cá thịt. Người qua lại hai bờ sông ngày một nhiều, Tô đan một chiếc thuyền và trở thành người lái đò.

Vân về thăm Tô, thông báo một tin đặc biệt, cô được chọn đi du học ở Cộng hòa dân chủ Đức và muốn hỏi ý kiến anh. Tô cười: “Ý kiến ý cọt gì. Em học giỏi mới được chọn đi thì đi chứ còn gì nữa”. Vân nói như sắp bật khóc: “Việc hệ trọng mà anh vẫn còn đùa. Nếu anh bảo ở lại thì em ở lại, nếu anh bảo phải đi thì em mới đi”. “Thì anh bảo em đi mà”, Tô vẫn cười. Vân gắt: “Em đi nhưng anh phải thế nào chứ?”. Tô ngớ ra: “Thế nào là thế nào? Anh vẫn chèo đò đây. Em có muốn nghe anh hò không?”. Nói rồi Tô cất tiếng hò: Ơ hò… Thuyền nương con sóng sang sông. Em qua bên ấy lấy chồng thì thôi….
Vân ôm mặt khóc đi về.

Một hôm, Tô đang nằm chờ khách thì mấy thanh niên làng ra gọi: “Anh Tô, bảo vệ thủy sản bắn chết người!”. Tô bật dậy chạy theo. Bà Tơ cũng hòa vào dòng người đông đảo đang bị kích động mạnh lên tới hàng trăm, vung cây gậy gầm lên: “Cứt cá lá rau! Đói khổ người ta ăn trộm con cá mà bắn người như bắn giặc. Tìm thằng nào bắn chết người, mạng đền mạng!”. Bà con ào vào, bảo vệ khiếp vía chạy tháo thân. Từ văn phòng xí nghiệp đến các đội sản xuất vắng hoe. Ông giám đốc béo bụng lập cập ra định phân trần thì bị đám thanh niên tọng mấy quả vào bụng gục xuống van xin rối rít. Chưa hả giận, mái nhà xí nghiệp bị ném đá ngói thủng lỗ chỗ, tường xây dở bị lật nhào, chiếc xe gíp vô tội, món tài sản đáng giá nhất của xí nghiệp nằm trơ như con cóc cụ trong gara bị châm lửa cháy ngùn ngụt… Cơ ngơi có lẽ sẽ bị phá tan tành nếu không có đội công an huyện nhận tin cấp báo được điều về. Đích thân ông chủ tịch, bí thư huyện ủy đứng ra nói chuyện úy lạo bà con. Hai hôm sau cơn điên giận của người làng mới nguôi phần nào.

Hình thành một vụ án, Tô bị coi là kẻ cầm đầu. Tội danh của anh được xác định nằm trong khung mười hai năm tù giam; song một lần nữa thành tích thời kì quân ngũ lại giúp anh được giảm án một phần ba.

Ra tù, Tô hơn ba mươi tuổi, tóc bạc gần nửa, nhưng béo trắng ra. Người cán bộ trại tù gọi anh lên kiểm kê nhận tài sản. Tô kiểm thấy có một mũ cối, một áo phông cá sấu Thái Lan, một bộ quần áo gabađin, một đôi tông lì, một đôi giày đen, một hộp dao cạo râu chắc của nước ngoài, trông rất sang trọng, một chiếc kính râm. Người cán bộ bảo: “Mỗi năm người nhà anh gửi cho anh một món, chúng tôi giữ lại cả ở đây. Anh xem đủ chưa?”. Tô bảo: “Nếu thế chắc còn thiếu một thứ. Tôi tù tám năm mà ở đây mới có bảy món”. Người cán bộ xem lại, à một cái: “Quên, món mới nhất vừa gửi tháng trước, nó đây”. Người cán bộ  lôi trong ngăn tủ ra một gói nhỏ: “Một cái đồng hồ Vile phá gốc tre. Người nhà anh chu đáo nhỉ?”.

Tô về làng, vận quần ga, áo phông cá sấu, đi giày đen, đeo kính râm, đồng hồ đeo tay, lại khoác một ba lô nặng. Gặp em gái, Tô hỏi có phải đã gửi đồ cho anh không, cô Tịa bảo không. Anh làm một túp lều nhỏ góc vườn kế bến đò và cưới cô Tới, người vẫn yêu anh như năm xưa làm vợ. Vợ chồng anh sinh được ba đứa con, hai trai một gái. Anh vẫn mải miết chèo đò, đánh cá, trồng cây. Nhà anh lúc nào cũng sẵn thức ăn, lại có đồng ra đồng vào. Tháng ba ngày tám còn cho bà con vay mượn khá nhiều.

Rủi một hôm cô Tới đi làm đồng, trưa nắng còn cố móc cua, cảm lăn ngay ra ruộng. Được tin báo Tô chạy ra đồng thì Tới đã lạnh ngắt, hàm răng cắn chặt. Bà Tơ khóc: “Con ơi là con ơi, có nghèo đói gì cho cam mà con tham công tiếc việc đến nỗi phải gió cắn răng thế này”.
Tô góa vợ ở tuổi bốn mươi.
*
*   *
Sáu mươi tuổi, mái đầu bạc trắng, Tô vẫn tráng kiện, hồng hào, tuy hàm răng đã rụng một nửa. Ít nói hơn xưa, nhưng ở ông luôn toát lên một vẻ tự chủ cao độ, khiến người tiếp xúc phải vị nể. Bến đò không còn nữa, chỗ đó đã có cây cầu xi măng vĩnh cửu thay thế. Đàn con cực kì chiều chuộng người bố đã hi sinh cả đời vì chúng, không dám phiền đến ông bất cứ việc gì và tôn trọng tuyệt đối sở thích, lựa chọn cá nhân của ông. Ông chăn một con trâu làm vui, đan một chiếc thuyền nhỏ, chiều chiều đi thả nắm lưới và giắt sau lưng cút rượu. Nướng cá, uống rượu, mệt, ông ngủ luôn tại thuyền, úp chiếc nón lên mặt.

Ngày nọ, một chiếc xe hơi đời mới chạy lại xịch đỗ trước cửa nhà ông Tác xưa, nay là nhà bà Tịa. Một người đàn bà trung tuổi sang trọng bước xuống hỏi thăm ông Tô, con bà Tịa chỉ ra phía chân cầu.
Người đàn bà không quản quãng đường bùn đất, xắn cao quần lội qua mấy vũng nước đến chân cầu cất tiếng gọi ông Tô. Đến lần thứ ba, ông Tô mới bỏ chiếc nón úp mặt từ từ ngồi dậy trên thuyền. Nhận ra người đàn bà, ông không buồn, không vui. “Lâu quá rồi nhỉ? Tôi biết sẽ có ngày bà về thăm tôi!”. Người đàn bà lôi trong chiếc túi nhỏ mấy quả xoài gọt mời ông ăn, uống cùng ông hớp rượu. Hồi lâu, bà nói: “Em vẫn hỏi thăm, vẫn biết chính xác hầu hết những gì quan trọng diễn ra trong cuộc đời anh. Giá như anh nhớ em, gọi em một tiếng, em sẽ bỏ tất cả về bên anh… Nhưng anh ngang tàng lắm…”. Người đàn bà rút khăn tay lau nước mắt: “Giá ngày xưa anh nói nửa câu như vừa rồi để em khỏi bán tin bán nghi thì nhất định chúng mình có nhau, trả giá nào em cũng trả. Không lí gì tấm lòng như anh, sức lực như anh, tài hoa như anh mà mình không hạnh phúc… Em cũng có một cuộc sống bình thường như anh nói, không oán giận, trách móc gì. Cách đây ba năm, chồng em mắc bệnh hiểm nghèo đã qua đời. Các con em trưởng thành cả, chúng đều có cuộc sống riêng. Em về đây tìm anh, chỉ có một tâm nguyện được rước anh về chúng mình nương tựa nhau lúc tuổi già. Cho em được chăm sóc anh đoạn cuối…”. Ông Tô ngồi lặng, một niềm đau đớn sâu xa. Ông bỗng rơi nước mắt, lần đầu tiên trong đời ông khóc: “Tôi cảm ơn tình ý của bà! Cho tôi lạy bà một lạy này! Nhưng tôi ở đây thôi, với dòng sông, con thuyền, con trâu, với làng… Cái tình của tôi với bà, chúng chứng giám cả… Kiếp sau tôi xin được trả nợ bà!”.

Hai người ngồi với nhau đến tận cuối chiều. Không rõ họ đã nói chuyện gì. Bà Tịa bảo lúc người đàn bà về, bà có ngờ ngợ nhưng không nhận ra ai. Và người đàn bà có vẻ vội vàng, bịt khăn trùm kín mặt trông như đã khóc.

Lời kết

Tôi, người ghi lại chuyện này từ lời kể của bà Tịa, con bà Tịa và vài người làng trong một buổi sáng qua cây cầu bắc gần bến ông Tô. Nhìn từ trên độ cao của cây cầu vào mùa lũ, quả đồi nhỏ nhà bà Tịa bị những vệt san ủi trông như con rùa bị mổ phanh từ phía lưng.

Đó là lần có trận lụt khủng khiếp xảy ra ở vùng này, trận lụt lớn vài chục năm mới có một bận. Cơn lũ quét dọc hai bên bờ sông, cuốn theo nhà cửa trôi lều bều, tiếng kêu cứu thảm thiết vang trên dòng sông tối lạnh. Vào lúc mọi nhà còn kinh hoàng be bịt cho mình và gia đình mình, ông Tô cùng con thuyền đã bơi trên sóng nước suốt đêm cứu được mấy mươi người. Nhưng như một lẽ bù trừ độc địa… không hiểu thế nào một người ngang dọc sông nước như ông lại bị lật thuyền đuối nước lúc gần sáng.

Khi tôi đi qua, cả một đoạn đường dài bị tắc, trắng xóa khăn tang. Và đám tang ông Tô là một sự kiện chưa từng có ở làng. Hàng nghìn người đến phúng viếng, đưa tiễn ông. Tôi cũng tham gia cùng đoàn người ấy. Trong những người chít khăn để tang ông có cả rất nhiều người được ông cứu sống và thân nhân của họ. Có một người đàn bà khoảng sáu mươi tuổi, đẹp lạ lùng đi cạnh linh cữu ông nhưng không rơi nước mắt. Bà Tịa bảo đó là bà Vân, sau đó kể lại cho tôi nghe câu chuyện về ông Tô, anh bà và mối tình với người đàn bà này.

Câu chuyện lẽ ra kết thúc ở đây, nhưng vừa rồi tôi nghe được một thông tin mới. Ấy là bà Vân, sau khi ông Tô ra đi, đã làm điện thờ tại nhà và xuống tóc tu tại gia. Tôi không có thời gian, điều kiện tìm hiểu thêm.

Âu chăng cũng là số phận?.

D.Q.H – Văn nghệ Quân đội
Exit mobile version